• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 22/11/2016
QUỐC HỘI
Số: 41/2009/QH12
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2009

NGHỊ QUYẾT

Về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

______________________

 

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;

Căn cứ Luật năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Sau khi xem xét Tờ trình của Chính phủ số 08/TTr-CP ngày 30 tháng 9 năm 2009, Báo cáo thẩm tra số 739/BC-UBKHCNMT 12 ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Tờ trình bổ sung của Chính phủ số 15/TTr-CP ngày 23 tháng 10 năm 2009; các báo cáo khác của Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận.

Địa điểm xây dựng: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Một số thông số cơ bản của Dự án:

1. Quy mô của Dự án: công suất 2 nhà máy trên 4.000 mê-ga-oát (MW) phù hợp với công nghệ và thế hệ lò được chọn; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 2.000 mê-ga-oát (MW); công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khoảng 2.000 mê-ga-oát (MW);

2. Công nghệ chính: công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư;

3. Diện tích đất xây dựng: sử dụng hợp lý và tiết kiệm diện tích nhất;

4. Tổng mức đầu tư: dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập Dự án, quý IV năm 2008);

5. Thời gian và lộ trình thực hiện:

- Khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020;

- Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Điều 3. Giao Chính phủ quyết định đầu tư và triển khai dự án với các yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản sau đây:

1. Khẩn trương hòan thiện, phê duyệt các quy hoạch và ban hành đầy đủ, đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác nhà máy điện hạt nhân;

2. Tính toán thiết kế công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất. Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về các tác động của các đứt gãy kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án; lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định;

3. Xây dựng phương án cụ thể và tổ chức thực hiện tốt công tác di dân tái định cư, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ Dự án, mặt bằng và các hạng mục phụ trợ phục vụ xây dựng nhà máy;

4. Có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội ở khu vực có nhà máy theo quy định tại Điều 5 của Luật năng lượng nguyên tử;

5. Lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều dự án nhà máy điện hạt nhân, có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý. Có kế hoạch từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong xây dựng và chế tạo thiết bị;

6. Khẩn trương triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân để tham gia xây dựng bảo đảm chất lượng và vận hành nhà máy, kiểm tra, giám sát và đánh giá về an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành và khai thác nhà máy điện hạt nhân;

7. Nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, trữ lượng, khả năng khai thác, chế biến và nhu cầu sử dụng lâu dài urani trong nước;

8. Có quy hoạch, kế hoạch tổng thể sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực xử lý chất thải hạt nhân bảo đảm an toàn;

9. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua nhiều hình thức cụ thể, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Điều 4. Chính phủ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép chủ đầu tư tích luỹ nguồn vốn, cung cấp tín dụng của các ngân hàng; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng nhà máy trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

Điều 5.

1. Trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả việc chuẩn bị.

2. Sau khi triển khai đầu tư Dự án, hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2009./.

 

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.