THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 191/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam
_______________________________________
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 191/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định), Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện nghị định như sau:
I. Đối tượng áp dụng (Điều 2 Chương I của Nghị định)
Đối tượng áp dụng Nghị định là:
1. Các chủ tàu cá nước ngoài (tàu vẫn đăng ký ở nước ngoài) hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam để thực hiện hiệp định mà Việt Nam ký kết với nước ngoài; các dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư; các dự án hoặc hợp đồng hợp tác về các hoạt động thủy sản được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 6 của Nghị định đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam là đối tác của phía nước ngoài trong việc thực hiện các hiệp định, dự án hoặc hợp đồng hợp tác liên quan hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.
II. Điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động thủy sản cho tàu cá nước ngoài (Chương II của Nghị định)
1. Gia hạn Giấy phép hoạt động thủy sản (khoản 3 Điều 5 của Nghị định):
a) Giấy phép hoạt động thủy sản được gia hạn căn cứ vào thời hạn của hiệp định, giấy phép đầu tư hoặc dự án hợp tác trong các lĩnh vực thủy sản đã được phê duyệt; số lần gia hạn Giấy phép không quá ba (03) lần, thời hạn mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng.
b) Mẫu gia hạn Giấy phép hoạt động thủy sản (sau đây gọi tắt là Giấy phép) theo quy định tại phụ lục I của Thông tư này.
2. Điều kiện cấp Giấy phép (hướng dẫn một số nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định):
a) Thực hiện quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 của Nghị định, các dự án hợp tác về kinh doanh, thu mua thủy sản, vận chuyển thủy sản phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt chấp thuận trực tiếp vào Dự án hoặc bằng văn bản chấp thuận riêng.
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá (khoản 2 Điều 6 của Nghị định):
Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu cá mang quốc tịch cấp.
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá do cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền của quốc gia mà tàu cá mang quốc tịch cấp hoặc do cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ Thủy sản Việt Nam cấp;
c) Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện (khoản 3 Điều 6 của Nghị định):
Việc cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện của tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản ở vùng biển của Việt Nam theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông.
3. Về thủ tục cấp, gia hạn Giấy phép (hướng dẫn quy định tại các điểm a và b khoản 1, điểm a khoản 2; khoản 3 Điều 7 của Nghị định:
a) Mẫu Đơn xin cấp Giấy phép được quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
Mẫu Đơn xin gia hạn Giấy phép được quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
b) Các giấy tờ, văn bản liên quan quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Nghị định nộp trong hồ sơ xin cấp Giấy phép là bản sao có công chứng.
c) Cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn Giấy phép là Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4. Đổi và cấp lại Giấy phép:
4.1. Các trường hợp sau đây được cấp lại Giấy phép:
a) Giấy phép cũ bị rách, nát trong quá trình sử dụng;
b) Giấy phép bị mất trong các trường hợp có lý do chính đáng và phải được chính quyền địa phương nơi có cảng đăng ký trong Giấy phép xác nhận về nơi và thời gian xảy ra việc mất Giấy phép;
4.2. Các trường hợp sau đây được đổi Giấy phép (để cấp Giấy phép mới):
a) Thay đổi tàu cá do tàu cá cũ bị hỏng không có khả năng phục hồi;
b) Thay đổi nghề nghiệp hoạt động ghi trong Giấy phép đã được cấp.
4.3. Cơ quan có thẩm quyền đổi hoặc cấp lại Giấy phép là Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4.4. Hồ sơ xin đổi và cấp lại Giấy phép nộp cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản bao gồm:
a) Đơn xin đổi hoặc cấp lại Giấy phép, trình bày rõ lý do; có xác nhận của chính quyền địa phương theo quy định tại điểm b khoản 4.1 Mục II Thông tư này trong trường hợp mất Giấy phép;
b) Giấy phép cũ, trừ trường hợp mất Giấy phép;
c) Các giấy tờ, văn bản liên quan quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 6 Nghị định số 191 (đối với trường hợp xin đổi Giấy phép do thay đổi tàu cá).
4.5. Xét duyệt cấp lại, đổi Giấy phép:
a) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xét cấp lại hoặc đổi Giấy phép trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn và hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; trường hợp không cấp lại hoặc đổi Giấy phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
b) Thời hạn của Giấy phép cấp lại như thời hạn của Giấy phép đã cấp; thời hạn của Giấy phép đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định.
5. Lệ phí cấp Giấy phép, gia hạn, đổi, cấp lại Giấy phép theo quy định của Bộ Tài chính.
III. Trách nhiệm của chủ tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam (Hướng dẫn Điều 12, Điều 13 Chương III của Nghị định)
1. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 191, khi đến Việt Nam tàu cá nước ngoài phải làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng biển hoặc Cảng cá đã ghi trong Giấy phép tại mục Địa điểm tập kết làm thủ tục xuất nhập cảnh.
2. Những người nước ngoài làm việc trên tàu cá phải có hộ chiếu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 191. Đối với giám sát viên hoặc người Việt Nam làm việc trên tàu cá nước ngoài phải có giấy tờ tuỳ thân phù hợp với danh sách thuyền viên và những người làm việc trên tàu cá nước ngoài; giám sát viên còn phải có quyết định của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản về việc được cử làm giám sát viên trên tàu cá nước ngoài.
3. Ghi nhật ký hoạt động và báo cáo hoạt động của tàu cá nước ngoài:
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 191, mọi tàu cá nước ngoài được cấp Giấy phép hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam phải thực hiện ghi nhật ký hoạt động và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo sau đây:
3.1. Đối với tàu cá hoạt động điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản phải thực hiện báo cáo chuyến biển.
Báo cáo chuyến biển (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) do thuyền trưởng thực hiện, gửi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đối tác Việt Nam. Báo cáo gồm các nội dung:
a) Khu vực hoạt động được xác định bằng tọa độ (ghi rõ từng ngày của chuyến biển);
b) Nội dung điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản;
c) Sản phẩm thủy sản thu được và các kết quả hoạt động khác đạt được trong chuyến biển và từng ngày của chuyến biển;
d) Mục tiêu, khu vực và thời gian dự kiến của chuyến biển sau;
đ) Sự thay đổi người Việt Nam, người nước ngoài làm việc trên tàu cá so với Giấy phép đã cấp;
e) Những vấn đề khác, nếu có.
3.2. Đối với tàu cá hoạt động khai thác thủy sản phải thực hiện ghi nhật ký khai thác thủy sản theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này, thuyền trưởng phải gửi báo cáo kết thúc chuyến biển (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) đến Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đối tác Việt Nam. Báo cáo kết thúc chuyến biển gồm các nội dung:
a) Khu vực hoạt động được xác định bằng tọa độ;
b) Thời gian chuyến biển, thời gian thực tế hoạt động trên biển;
c) Các loại nghề đã sử dụng;
d) Tổng sản lượng và chủng loại thủy sản trên tàu cá;
đ) Sự thay đổi người Việt Nam, người nước ngoài làm việc trên tàu cá so với Giấy phép đã cấp;
e) Phương tiện bảo quản thủy sản;
g) Thủy sản đã khai thác được bán ở Việt Nam hay đưa ra nước ngoài;
h) Những vấn đề khác, nếu có.
3.3. Đối với tàu cá hoạt động về huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thuyền trưởng phải thực hiện báo cáo chuyến biển (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) gửi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đối tác Việt Nam. Báo cáo gồm các nội dung:
a) Khu vực hoạt động đựợc xác định bằng tọa độ;
b) Thời gian hoạt động của chuyến biển;
c) Nội dung huấn luyên kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong chuyến biển;
d) Các kết quả đạt được trong chuyến biển;
đ) Mục tiêu, khu vực và thời gian dự kiến của chuyến biển sau;
e) Sự thay đổi người Việt Nam, người nước ngoài làm việc trên tàu cá so với Giấy phép đã cấp;
g) Những vấn đề khác, nếu có.
3.4. Đối với tàu cá hoạt động về kinh doanh, thu mua thủy sản, vận chuyển thủy sản, thuyền trưởng phải thực hiện báo cáo chuyến biển (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) gửi cho đối tác Việt Nam. Báo cáo gồm các nội dung:
a) Mục đích hoạt động của tàu trong chuyến biển (mua, bán thủy sản, sản phẩm thủy sản hay vận chuyển thuê);
b) Địa điểm nhận hàng và khu vực thu mua thủy sản, sản phẩm thủy sản;
c) Phương tiện bảo quản, hình thức bao gói thủy sản, sản phẩm thủy sản;
d) Thủy sản, sản phẩm thủy sản sau khi thu mua, vận chuyển được bán ở Việt Nam hay đưa ra nước ngoài;
đ) Tổng số hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản có trên tàu cá và chủng loại thủy sản, sản phẩm thủy sản;
e) Thời gian lưu lại tại cảng hoặc khu vực thu mua thủy sản;
g) Những vấn đề khác liên quan nếu có.
4. Thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định, Chủ tàu cá nước ngoài phải thông báo cho cơ quan lực lượng biên phòng của địa phương khi tàu vào trú đậu tại các cảng, bến cá của Việt Nam trong mọi trường hợp.
5. Trách nhiệm của chủ tàu cá nước ngoài khi tàu kết thúc hoạt động (khoản 1 Điều 13 Nghị định):
Khi tàu cá nước ngoài kết thúc hoạt động và rời khỏi vùng biển của Việt Nam, chủ tàu cá phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Giấy phép đầu tư đã được cấp, Dự án đã được duyệt hoặc hợp đồng đã được ký kết; giải quyết xong tất cả các vấn đề có liên quan với đối tác Việt Nam (nếu có) và thực hiện các quy định sau đây:
a) Thông báo trước cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản biết ít nhất và bảy (07) ngày nếu là trường hợp Giấy phép hết hạn hoặc đúng định kỳ tàu cá rời khỏi vùng biển Việt Nam; trước ít nhất là ba (03) ngày trong trường hợp khác; Thực hiện chế độ báo cáo nêu tại khoản 3 Mục III Thông tư này;…
b) Trả giám sát viên Việt Nam tại địa điểm đã được quy định;
c) Làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quy định trong Giấy phép.
IV. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam (Chương IV của Nghị định).
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 191, việc cử giám sát viên Việt Nam lên tàu cá nước ngoài để thực hiện việc giám sát phải theo quy định sau đây:
1. Các trường hợp cử giám sát viên:
a) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cử từ 1 đến 2 giám sát viên làm việc trên tàu cá nước ngoài hoạt động về các lĩnh vực sau:
- Khai thác thủy sản;
- Điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản;
- Huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thủy sản.
b) Không thực hiện quy định tại điểm a khoản này trong trường hợp đã có người của cơ quan nghiên cứu về hải sản thuộc Bộ Thủy sản làm việc trên tàu cá nước ngoài theo Dự án hoặc hợp đồng đã được phê duyệt; những người này phải thực hiện các quy định tại khoản 3, khoản 4 Mục IV của Thông tư này.
2. Thông báo về việc cử giám sát viên, đào tạo giám sát viên trên tàu cá nước ngoài:
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông báo cho chủ tàu cá nước ngoài biết khi nhận Giấy phép về số giám sát viên, địa điểm nhận và trả giám sát viên, thời gian làm việc của giám sát viên trên tàu; tập huấn cho các giám sát viên về các nội dung liên quan quy định tại khoản 3, khoản 4 Mục IV Thông tư này.
3. Nhiệm vụ của giám sát viên trên tàu cá nước ngoài:
a) Giám sát các hoạt động và việc tuân thủ pháp luật Việt Nam của người và tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam;
b) Báo cáo cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cơ quan quản lý giám sát viên hoặc các cơ quan có thẩm quyền biết các thông tin liên quan đến hoạt động của tàu cá nước ngoài theo nhiệm vụ được giao một cách đầy đủ, kịp thời.
4. Quyền hạn của giám sát viên:
a) Có quyền yêu cầu sỹ quan, thuyền viên và người làm việc trên tàu thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và các quy định ghi trong Giấy phép;
b) Có quyền yêu cầu thuyền trưởng đưa phương tiện về cảng hoặc bến đậu gần nhất trong trường hợp phát hiện người và tàu cá nước ngoài có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam;
c) Được kiểm tra, giám sát mọi hoạt động trên phương tiện, kể cả các thiết bị dò cá, thông tin liên lạc… của phương tiện;
d) Được quyền sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc của tàu cá nước ngoài để làm việc khi cần thiết.
5. Quyền lợi của Giám sát viên:
a) Được chủ tàu cá nước ngoài bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu cá nước ngoài theo tiêu chuẩn sỹ quan trên tàu cá;
b) Được hưởng chế độ lương, công tác phí, bồi dưỡng đi biển và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành;
c) Được hưởng các chế độ bồi dưỡng, thù lao khác từ các đối tác hợp tác nếu có ghi trong hiệp định, dự án hoặc hợp đồng hợp tác.
V. Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm (Chương V của Nghị định)
1. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam (Điều 17 của Nghị định này):
a) Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
b) Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các lực lượng được quy định tại điểm a khoản này để xây dựng quy định về cơ chế phối hợp trong việc tổ chức tuần tra kiểm soát, bắt giữ tàu cá nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam khi hoạt động trong vùng biển của Việt Nam; tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc giữa các lực lượng để quản lý chặt chẽ hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, trình Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Bộ trưởng các Bộ có liên quan ban hành.
2. Xử lý vi phạm hành chính (Điều 18 của Nghị định)
a) Chủ tàu cá nước ngoài có Giấy phép, khi tiến hành hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam mà có hành vi vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản thì bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ số 128 ngày 11 tháng 10 năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; trong khi hoạt động thủy sản mà có các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực khác thì bị xử phạt theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hành vi vi phạm.
b) Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với trường hợp xâm phạm vùng biển Việt Nam tiến hành hoạt động thủy sản.
VI. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước (hướng dẫn quy định tại khoản 3 Điều 14; điểm a khoản 2 Điều 15, khoản 3 Điều 16 của Nghị định)
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tàu cá nước ngoài được cấp, gia hạn, đổi hoặc thu hồi Giấy phép, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao Giấy phép đến các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 191 để phối hợp quản lý hoạt động của tàu cá nước ngoài.
2. Các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của tàu cá nước ngoài thì tiến hành lập biên bản vi phạm, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời thông báo về Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày Đăng công báo.
2. Các Vụ, Cục, Viện, Trung tâm thuộc Bộ Thủy sản; các Sở Thủy sản các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Thông tư này; trong quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc phải kịp thời phản ánh về Bộ Thủy sản.
3. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung Thông tư này do Bộ trưởng Bộ Thủy sản xem xét, quyết định./.