THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ BẢO VỆ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI TỐ CÁO LÀ NGƯỜI LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật Tố cáo năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (sau đây gọi chung là người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Người được bảo vệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; người giải quyết tố cáo.
2. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đối với một số công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
2. Bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp cần thiết quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Tố cáo để bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
Điều 4. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm
1. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Tố cáo, người tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Tố cáo.
2. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Tố cáo và được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người giải quyết tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Việc phát hành, xử lý, lưu trữ văn bản phải đảm bảo giữ bí mật thông tin về việc bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Tố cáo.
Điều 5. Quyết định, thay đổi, bổ sung và chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Trường hợp xét thấy đề nghị bảo vệ có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Tố cáo, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp đề nghị bảo vệ không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Tố cáo, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ban hành thông báo không áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Cơ quan ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Tố cáo; có thể thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Tố cáo. Quyết định thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Cơ quan đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Tố cáo. Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm chung
a) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp trong việc xem xét, quyết định bảo vệ việc làm theo quy định tại Điều 51 Luật Tố cáo; thực hiện biện pháp bảo vệ việc làm kể từ ngày ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Tố cáo.
b) Bố trí phương tiện, kinh phí tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
c) Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
d) Xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lao động đối với người được bảo vệ.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã
Áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm giúp việc gia đình, làm việc tại cơ sở, tổ chức được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp xã.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp huyện.
b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh, ngành, Trung ương.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ.
Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng người lao động
1. Không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ.
2. Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.
3. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
4. Báo cáo cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ.
5. Cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh; người sử dụng lao động chính đối với trường hợp người được bảo vệ làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm trong quá trình tiếp nhận, xác minh và áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động
1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
a) Giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
b) Trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và công đoàn cấp trên trực tiếp hoặc tổ chức đại diện hợp pháp cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
2. Liên đoàn lao động cấp huyện, cấp tỉnh
a) Chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
b) Giám sát cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cùng cấp trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ để cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.