NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ
Sửa đổi lại chế độ lương hưu thương tật chế độ
lương hưu thương tật thành phụ cấp thương tật
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Chiểu sắc lệnh số 20/SL ngày 16/02/1947 và số 242/SL ngày 12/10/1948 đặt lương hưu thương tật và tiền tuất;
Chiểu nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 15/03/1954 sửa đổi chế độ lương hưu thương tật ban hành bởi hai sắc lệnh nói trên;
Chiểu đề nghị của Chánh văn phòng Bộ Thương binh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Bộ Quốc phòng, Giám đốc Vụ phòng bệnh chữa bệnh Bộ Y tế, Giám đốc Vụ Ngân sách Bộ Tài chính.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay sửa đổi lại chế độ lương hưu thương tật thành phụ cấp thương tật, để cho đơn giản và hợp lý, trên tinh thần ưu đãi thương binh.
Điều 2. Thương binh là những quân nhân nam nữ thuộc các ngành quân đội nhân dân Việt Nam bị thương trong thời gian tại ngũ vì chiến đấu với địch, vì thừa hành công vụ, hay vì cứu người, trừ trường hợp tự ý mình làm việc riêng. Những người trước đây là thương binh, nhưng nếu không đủ điều kiện quy định kể trên, hay sau khi khám lại không đủ thương tật, thì không coi là thương binh nữa.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
XẾP HẠNG THƯƠNG TẬT
Điều 3. Tuỳ theo thương tật nặng nhẹ và mất sức lao động nhiều hay ít thương binh được xếp vào các hạng thương tật đều được hưởng phụ cấp thương tật và các khoản ưu đãi khác quy định như sau:
Đặc biệt
Những thương binh bị một trong những trường hợp dưới đây mất hết khả năng làm việc và cần phải có người săn sóc thì xếp vào thương tật hạng đặc biệt:
1. Bị mất từ 3 chân tay giở lên hay bị thương từ 3 chân tay giở lên mà các chân tay đó đều bị mất hết tác dụng.
2. Bị tê liệt từ 3 chân tay trở lên.
3. Cả 2 chân tay bị tê liệt, vì giây thần kinh xương sống (tuỷ bộ) bị thương.
4. Mất hết 2 tay hoặc 2 chân mà không thể lắp được chân tay giả.
5. Vì bị thương mà loạn óc điên dại.
6. Có một vết thương trong hạng 1 và một vết thương trong hạng 2.
Hạng một
Những thương binh bị một trong những trường hợp dưới đây, mất hết khả năng làm việc nhưng không cần thiết có người săn sóc thì xếp vào thương tật hạng 1:
1. Hai chân tay bị cụt một phần, hoặc vì bị thương mà mất hết tác dụng.
2. Mù cả hai mắt.
3. Giây thần kinh óc hay óc bị thương khiến cho thương binh bị ngớ ngẩn không làm được việc gì.
4. Bị thương vào mồm khiến không nhai và không nói được.
5. Có 2 vết thương trong hạng hai hoặc 2 vết thương mà một vết thương trong hạng 2 và một vết thương trong hạng 3.
6. Các bộ phận nội tạng quan trọng hay các bộ phận khác bị thương tương đương với những điểm trên.
Hạng hai
Những thương binh bị một trong những trường hợp dưới đây xếp vào thương tật hạng 2:
1. Mất 1 chân hay 1 tay hoặc vì bị thương mà mất hết tác dụng.
2. Bị thương từ 2 chân tay trở lên có bộ phận căng thẳng nhưng còn có thể miễn cưỡng làm việc được.
3. Cụt mất 10 ngón tay.
4. Vừa câm vừa điếc cả 2 tai.
5. Hai mắt vì bị thương hoặc hỏng nên chảy máu hay có màng, sức nhìn rất kém, chỉ trông thấy vật trong khoảng 1 thước và không thể chữa được.
6. Bị thương vào mồm không nhai được.
7. Các bộ phận nội tạng quan trọng hay các bộ phận khác bị thương tương đương với những điểm trên, thí dụ:
- Vết thương phổi gẫy xương sườn.
- Vết thương rập lá lách, phải cắt lá lách v.v...
8. Vết thương vào sọ não hoặc chấn động thần kinh gây nên những cơn động kinh (Epilepsie),
9. Vết thương các giây thần kinh, gáy, bị bỏng rát (causalgie), chi (membre) bị thương tuy còn nhưng không dùng làm việc được.
Hạng ba
Những thương binh bị một trong những trường hợp dưới đây xếp vào thương tật hạng 3:
1. Mất 1 bàn chân hay 1 bàn tay.
2. Vết thương gẫy xương hàm làm cứng một chân hay một tay, hoặc khớp xương, cử động rất khó khăn.
3. Mất cả 2 ngón tay cái hay chỉ mất 1 ngón tay cái và các ngón khác từ 3 ngón trở lên.
4. Mất hết 10 ngón chân hay một phần chân.
5. Hoàn toàn không nói được.
6. Mồm bị thương, rụng gần hết răng không thể lắp được răng giả nhai khó khăn.
7. Một mắt mù và một mắt mờ hoặc cả hai mắt cùng bị mờ chỉ trông thấy những vật trong khoảng 2 thước và phải lâu mới khỏi được.
8. Bộ máy sinh dục bị thương, mất hết khả năng sinh dục.
9. Đầu hoặc ngang thắt lưng bị thương khiến cho cử động khó khăn hoặc khó khỏi.
10. Các bộ phận nội tạng quan trọng hoặc bộ phận khác bị thương tương đương với các bộ phận trên.
Hạng bốn
Những thương binh bị một trong những trường hợp dưới đây được xếp vào thương tật hạng 4:
1. Mù một mắt, hoặc 2 mắt bị mờ nhìn không rõ và khó chữa khỏi.
2. Mất mũi.
3. Điếc cả hai tai.
4. Mất một ngón tay cái, hay cụt đốt thứ nhất, và đồng thời cụt 1 ngón tay trỏ ở bàn tay kia hay 2 ngón tay khác ở bàn tay kia.
5. Mất 5 ngón chân trở lên hay bàn chân cứng không cử động được.
6. Gân cốt bị thương, cử động không thuận tiện.
7. Những thương tích khác tương đương với phần trên.
Hạng năm
Những thương binh bị một trong những trường hợp dưới đây xếp vào thương tật hạng 5:
1. Nói năng không rõ.
2. Ttai bị nghễnh ngãng nghe không rõ, khó nghe.
3. 1 ngón tay cái bị cụt đốt thứ nhất, hay mất ngón tay trỏ, hay mất cả 2 ngón tay khác.
4. Mất từ 2 ngón chân trở lên.
5. Những thương tích khác tương đương với các khoản trên.
Điều 4. Việc xếp hạng thương tật định theo thể thức dưới theo đây:
1. Việc xếp hạng do hội đồng xếp hạng thương tật quyết định. Hội đồng này đặt ở các phân viện, các phòng quân y đại đoàn hay Bộ Tư lệnh liên khu và các ty y tế các tỉnh. Hội đồng gồm có 3 hội viên:
1) Một hội viên là y sĩ làm chủ tịch hội đồng.
2) Một hội viên là chính trị viên nếu hội đồng đặt cơ quan quân y hoặc là y sĩ hay y tá trưởng nếu hội đồng đặt ở ty Y tế.
3) Một hội viên là đại biểu của hội đồng thương binh, nếu hội đồng đặt ở cơ quan Quân y, hoặc là đại biểu của ty Thương binh nếu hội đồng đặt ở ty Thương binh ở những tỉnh nào có ty Thương binh.
Nếu hội đồng đặt ở ty Y tế nơi không có ty thương binh thì hội đồng chỉ gồm hai y sĩ hay một y tá trưởng.
2. Đối với các vết thương có tính chất cố định thì hội đồng sẽ xếp hạng thương tật vĩnh viễn. Đối với các vết thương còn có thể thăng giảm thì hội đồng sẽ xếp hạng thương tật tạm thời. Thương binh xếp hạng tạm thời sau 2 năm kể từ ngày được xếp hạng thương tật phải đi khám lại. Nếu vết thương cố định thì hội đồng sẽ xếp hạng thương tật vĩnh viễn. Nếu không thì hội đồng sẽ xếp hạng thương tật tạm thời lần thứ 2. Sau hai năm kể từ ngày được xếp hạng thương tật lần thứ 2, thương binh lại đi khám lại một lần nữa. Dầu vết thương đã thành cố định hay chưa, lần này hội đồng sẽ xếp hạng thương tật vĩnh viễn.
3. Mỗi kỳ khám định hạng thương tật, thương binh chỉ được khám ở một hội đồng mà không được khám ở nhiều hội đồng để lựa chọn một hạng thương tật cao.
4. Nếu cơ quan chuẩn cấp thương tật chưa đồng ý với việc xếp hạng thương tật của hội đồng hay nếu thương binh không đồng ý mà đề nghị với cơ quan chuẩn cấp phụ cấp thương tật và được đồng ý xét lại thương tật thì sẽ được đề nghị xếp hạng lại. Việc xét lại lần này do Hội đồng Giám định Y khoa đặt ở ty Y tế quyết định.
5. Tất cả những thương binh trước đây, dù đã có tỷ lệ thương tật hay chưa có tỷ lệ thương tật thì từ ngày chế độ phụ cấp thương tật này được ban hành đều phải khám lại thương tật để được xếp vào các hạng thương tật nói ở điều 3 nghị định này.
CHƯƠNG 2
PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT
Điều 5. Tiền phụ cấp thương tật của thương binh ấn định như sau:
1. Nếu thương binh còn tại ngũ, hay công tác ở các cơ quan chính quyền, đoàn thể, thì ngoài sự đãi ngộ về sinh hoạt phí hay lương bổng của đơn vị hay cơ quan mình mỗi tháng được hưởng phụ cấp thương tật như sau:
Hạng đặc biệt : không có
Hạng 1 : 11 cân gạo
Hạng 2 : 7 cân gạo
Hạng 3 : 5 cân gạo
Hạng 4 : 3 cân gạo
Hạng 5 : 2 cân gạo
2. Nếu thương binh về hậu phương làm ăn sinh sống hay an dưỡng ở nhà, và không lĩnh một khoản sinh hoạt phí hay lương bổng nào của Chính phủ, thì mỗi tháng, được phụ cấp thương tật như sau:
Hạng đặc biệt : 45 cân gạo
Hạng 1 : 33 cân gạo
Hạng 2 : 21 cân gạo
Hạng 3 : 15 cân gạo
Hạng 4 : 9 cân gạo
Hạng 5 : 6 cân gạo
Điều 6.
1. Tiền phụ cấp thương tật giả suốt đời cho thương binh có thương tật vĩnh viễn. Đối với những thương binh nào có thương tật tạm thời, mà sau khi khám lại, nếu thương tật giảm không đủ để xếp vào một hạng thương tật nào, sẽ không trả phụ cấp thương tật nữa.
2. Thương binh có thương tật thuộc các hạng đặc biệt và hạng 1 được giữ nguyên phụ cấp thương tật mãi mãi.
3. Thương binh có thương tật thuộc các hạng 2, 3, 4, 5, nếu về hậu phương làm ăn sinh sống hay về nhà an dưỡng thì sau 2 năm kể từ ngày về tới địa phương, tiền phụ cấp thương tật sẽ giảm đi 1/3 (dù là thương tật vĩnh viễn hay thương tật tạm thời). Nhưng nếu hết hạn 2 năm mà hoàn cảnh sinh hoạt của thương binh còn túng thiếu và do dân chủ bình nghị công nhận thì thương binh có thể được gia thêm hạn lĩnh toàn bộ phụ cấp thương tật. Việc gia thêm hạn lĩnh toàn bộ phụ cấp thương tật cứ 2 năm xét lại một lần.
4. Thương binh có thương tật thuộc bất cứ hạng nào, nếu còn tại ngũ hay công tác tại cơ quan chính quyền, đoàn thể thì trong thời gian còn tại ngũ hay công tác được hưởng toàn bộ phụ cấp thương tật (theo tiêu chuẩn ấn định trong điều 5 đoạn 1).
5. Đối với thời gian trước khi thi hành chế độ phụ cấp thương tật này những thương binh nào mà trước đây chưa có tỷ lệ thương tật thì nay chỉ cần xếp hạng thương tật, cơ quan chuẩn cấp phụ cấp thương tật sẽ căn cứ vào bảng đối chiếu tỷ lệ thương tật và các hạng thương tật mà tính số lương hưu thương tật cho thời gian đó như sau:
- Thương binh thương tật hạng đặc biệt lĩnh phụ cấp thương tật theo tỷ lệ thương tật
|
100%
|
- Thương binh thương tật hạng 1 lĩnh phụ cấp thương tật theo tỷ lệ thương tật
|
100%
|
- Thương binh thương tật hạng 2 lĩnh phụ cấp thương tật theo tỷ lệ thương tật
|
70%
|
- Thương binh thương tật hạng 3 lĩnh phụ cấp thương tật theo tỷ lệ thương tật
|
40%
|
- Thương binh thương tật hạng 4 lĩnh phụ cấp thương tật theo tỷ lệ thương tật
|
25%
|
- Thương binh thương tật hạng 5 lĩnh phụ cấp thương tật theo tỷ lệ thương tật
|
15%
|
Điều 7. Việc chuẩn cấp phụ cấp thương tật do Bộ Thương binh đảm nhận. Bộ Thương binh sẽ căn cứ vào:
- Giấy báo bị thương do cấp chỉ huy từ đại đội trở lên cấp.
- Giấy xếp hạng thương tật do Hội đồng xếp hạng thương tật cấp hay giấy xếp lại hạng thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa cấp.
- Giấy đề nghị của thương binh xin hưởng phụ cấp thương tật, mà ra quyết định chuẩn cấp phụ cấp thương tật và cấp cho thương binh số phụ cấp thương tật.
Việc đổi sổ phụ cấp thương tật, vì sổ hết phiếu hay vì thay đổi hạng thương tật cũng do Bộ Thương binh phụ trách.
Điều 8. Phụ cấp thương tật trả cho những thương binh từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày tuyên ngôn Độc lập. Đặc biệt những chiến sĩ trong đội tuyên truyền giải phóng quân bị thương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng được xét cấp phụ cấp thương tật.
Điều 9. Phụ cấp thương tật của thương binh do ngân sách toàn quốc đài thọ và trả từng tam cá nguyệt một, vào ngày đầu của mỗi tam cá nguyệt như sau:
- Nếu thương binh còn tại ngũ hay công tác ở cơ quan chính quyền, đoàn thể thì do đơn vị hay cơ quan trả, bằng tiền theo giá gạo trả sinh hoạt phí hay lương bổng của thương binh tháng trả phụ cấp thương tật.
- Nếu thương binh về hậu phương làm ăn sinh sống hay về nhà an dưỡng, thì do kho thóc gần nơi thương binh ở trả bằng tiền hay bằng thóc.
CHƯƠNG 3
THỂ LỆ CHUNG
Điều 10. Người thương binh bị vết thương cũ hay vì tật bệnh mà chết, được lĩnh phụ cấp tam cá nguyệt mà người đó chết, và nếu trước khi chết chưa lĩnh thì gia đình người đó được lĩnh.
Điều 11. Nếu thương binh cố tình tìm cách để hưởng phụ cấp thương tật không chính đáng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường cho công quỹ những số tiền, thóc hay gạo đã lĩnh thừa.
Nếu thương binh phạm tội mà phải bị án tù thì trong thời gian bị án tù không được hưởng phụ cấp thương tật. Nếu vì tội nặng, thương binh bị tước quyền lợi và danh nghĩa thương binh, thì không được hưởng phụ cấp thương tật nữa.
Điều 12. Nghị định này bắt đầu thi hành ngày 1 tháng 1 năm 1955.
Điều 13. Chi tiết thi hành nghị định do thông tư ấn định sau.
Điều 14. Chánh văn phòng Bộ Thương binh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị và Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp Bộ Quốc phòng, Giám đốc Vụ Ngân sách Bộ Tài chính, Giám đốc vụ phòng bệnh chữa bệnh Bộ Y tế, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính liên khu chiểu nghị định thi hành./.