• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/01/2004
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 149/2004/QĐ-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 14 tháng 1 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Về việc ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng dữ liệu điện tử về thu, chi Ngân sách Nhà nước

_____________________________

 BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

- Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003;

- Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài Chính;

- Căn cứ Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước ban hành theo Quyết định số 130/2003/QĐ-BTC ngày 18/08/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Nhằm mục đích đảm bảo kịp thời, chính xác và thống nhất số liệu về thu chi ngân sách nhà nước, theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán và Cục trưởng Cục tin học và Thống kê tài chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế cung cấp, sử dụng dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước”.

Điều 2: Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chánh văn phòng Bộ, thủ trưởng các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và cơ quan tài chính địa phương các cấp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm

QUY CHẾ CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỮ LIỆU ĐIỆN TỬ

VỀ THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

(Ban hành theo quyết định số 149/QĐ-BTC ngày14  tháng1 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính).

____________________________

 I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước là các dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán, lưu trữ trên máy tính tại các đơn vị trong ngành tài chính và có thể truyền gửi trên mạng máy tính hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ.

Điều 2: Việc cung cấp dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước được thực hiện trên mạng hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính thiết lập, thông qua Trung tâm trao đổi dữ liệu tài chính (tại trung ương đặt ở Cục Tin học và Thống kê tài chính, tại địa phương đặt ở Trung tâm Cơ sở hạ tầng truyền thông và dữ liệu Tài chính tỉnh), đảm bảo việc áp dụng an toàn, bảo mật thông tin đường truyền theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 3: Dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước cung cấp phải đảm bảo đúng, đủ các yêu cầu nêu trong Danh mục dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước’ đính kèm.

Định dạng dữ liệu điện tử cung cấp phải đảm bảo chuẩn chung do Bộ Tài chính quy định.

Điều 4: Trường hợp có sự không thống nhất giữa số liệu của đơn vị cung cấp dữ liệu với số liệu theo dõi của các đơn vị sử dụng dữ liệu, đơn vị sử dụng dữ liệu phải kịp thời thông báo cho đơn vị cung cấp biết và phối hợp làm rõ, điều chỉnh lại số liệu theo đúng quy định hiện hành.

Điều 5: Nghiêm cấm các đơn vị khai thác sử dụng dữ liệu sai thẩm quyền và tự ý điều chỉnh làm sai lệch số liệu kế toán ngân sách, báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị của các đơn vị cung cấp dữ liệu.

II - NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6: Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước các cấp:

1-          Tổ chức hạch toán kế toán các nghiệp vụ thu chi ngân sách và các nghiệp vụ khác theo chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, đảm bảo nhập đầy đủ các thông tin trên chứng từ thu, chi ngân sách theo chế độ quy định vào hệ thống máy tính.

2-          Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, kiểm soát, điều chỉnh số liệu kế toán theo quy định.

3-          Thực hiện cung cấp dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước và thông tin điều hành ngân sách với nội dung, tần suất và thời gian biểu như sau :

3.1 Dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước hàng ngày :

Kho bạc Nhà nước các cấp cung cấp toàn bộ dữ liệu chi tiết về thu, chi ngân sách phát sinh tại quầy giao dịch Văn phòng Kho bạc Nhà nước cấp mình, bao gồm chứng từ thu ngân sách nhà nước, chứng từ chi ngân sách cấp mình (kể cả dữ liệu về rút dự toán và giấy báo nợ) đến Trung tâm trao đổi dữ liệu Tài chính.

Dữ liệu thu chi ngân sách nhà nước phát sinh của ngày hôm trước được truyền gửi chậm nhất vào 8 giờ sáng ngày hôm sau; riêng dữ liệu ngày thứ Sáu được truyền gửi chậm nhất vào 8 giờ sáng ngày thứ Hai của tuần kế tiếp.

3.2 Dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước hàng tuần:

a, Kết thúc tuần làm việc :

- Kho bạc Nhà nước huyện tổng hợp dữ liệu thu, chi ngân sách huyện (bao gồm cả ngân sách xã), cung cấp đến Kho bạc Nhà nước cấp trên để truyền gửi vào Trung tâm trao đổi dữ liệu tài chính tỉnh chậm nhất vào 8 giờ sáng ngày thứ Hai của tuần kế tiếp.

- Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, cung cấp dữ liệu thu, chi ngân sách tỉnh đến Kho bạc Nhà nước trung ương và Trung tâm trao đổi dữ liệu tài chính tỉnh chậm nhất vào 8 giờ sáng ngày thứ Ba của tuần kế tiếp.

- Kho bạc Nhà nước trung ương tổng hợp, cung cấp dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước đến Trung tâm trao đổi dữ liệu tài chính trung ương chậm nhất vào 2 giờ chiều ngày thứ Ba của tuần kế tiếp.

b, Kho bạc Nhà nước cấp dưới thực hiện cung cấp dữ liệu chi tiết chi theo giấy báo nợ của ngân sách cấp trên đến Kho bạc Nhà nước cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.

3.3 Thông tin điều hành ngân sách:

a, Nhu cầu chi ngân sách hàng quý:

Trên cơ sở nhu cầu chi ngân sách quý do đơn vị dự toán gửi đến và ý kiến của cơ quan Tài chính (trong trường hợp phải giảm hoặc hoãn chi do thiếu nguồn), Kho bạc Nhà nước các cấp tổng hợp, nhập và truyền gửi nhu cầu chi quý của ngân sách cấp mình đến Kho bạc Nhà nước cấp trên (để tổng hợp) và Trung tâm trao đổi dữ liệu Tài chính (để cơ quan tài chính đồng cấp phối hợp điều hành ngân sách cấp mình).

b, Dữ liệu điều chỉnh dự toán phân bổ đầu năm:

Căn cứ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kho bạc nhà nước các cấp nhập dữ liệu điều chỉnh dự toán đã phân bổ đầu năm của đơn vị sử dụng ngân sách; truyền gửi dữ liệu đã điều chỉnh về Trung tâm trao dữ liệu Tài chính để cơ quan tài chính đối chiếu, phối hợp thực hiện

4-   Cung cấp đầy đủ, kịp thời các báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị cho các cơ quan, đơn vị theo quyết định số 130/2003/QĐ-BTC ngày 18/08/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

Điều 7: Trách nhiệm của cơ quan Tài chính các cấp:

1-   Tổng hợp phân bổ dự toán ngân sách được giao và dự toán bổ sung của các đơn vị dự toán thuộc cấp mình quản lý (chi tiết theo chương, loại, khoản và 4 nhóm mục); truyền gửi dữ liệu về phân bổ dự toán được giao và dự toán bổ sung của đơn vị dự toán ngay sau khi thống nhất phương án phân bổ với đơn vị, làm cơ sở cho Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán cho đơn vị.

2-  Thực hiện cung cấp dữ liệu chứng từ lệnh chi tiền, ghi thu-ghi chi khi phát hành chứng từ bằng giấy.

3-  Thực hiện cung cấp danh mục tỉ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp trên địa bàn.

4-  Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thường xuyên số liệu kế toán ngân sách đã hạch toán tại Kho bạc Nhà nước, dự toán thu ngân sách nhà nước từ cơ quan Thuế, Hải quan. Trường hợp phát hiện sai lầm, cơ quan Tài chính có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước điều chỉnh số liệu kế toán ngân sách theo quy định.

5-  Sở Tài chính các tỉnh/thành phố cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác dữ liệu về mã số các đơn vị sử dụng ngân sách phát sinh trên địa bàn để cập nhật vào cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung của ngành Tài chính.

Điều 8: Trách nhiệm của cơ quan Thuế, Hải quan các cấp:

1-  Thực hiện cung cấp dữ liệu dự toán thu năm, dự toán thu quý và kế hoạch thu tháng.

2-  Cơ quan Thuế thực hiện cung cấp dữ liệu về mã số các đối tượng nộp thuế phát sinh trên địa bàn (kể cả các đối tượng nộp thuế vãng lai).

3-  Cơ quan Thuế thực hiện cung cấp dữ liệu số phải thu, nộp của các đối tượng nộp thuế có trong chương trình Quản lý thuế.

4-  Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thường xuyên số liệu kế toán thu liên quan đến ngành Thuế, Hải quan đã hạch toán tại Kho bạc Nhà nước, điều chỉnh số liệu kế toán thu theo đúng quy định.

5-  Tổng cục Thuế thu thập dữ liệu về các thông tin chung và thông tin chi tiết về tình hình thu nộp thuế của các đối tượng nộp thuế do các Cục Thuế quản lý, cung cấp đến Cơ sở dữ liệu đối tượng nộp thuế của Bộ Tài chính để phục vụ yêu cầu khai thác thông tin chung theo thẩm quyền.

Điều 9: Trách nhiệm của Cục Tin học và Thống kê tài chính:

1-   Đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật hạ tầng truyền thông, các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác cung cấp, trao đổi và khai thác sử dụng dữ liệu giữa Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan ở cấp trung ương, tỉnh, huyện.

2-  Tiếp nhận, lưu trữ, quản lý dữ liệu thu, chi ngân sách và tổ chức việc khai thác, sử dụng dữ liệu liệu tại cơ quan Bộ Tài chính cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

3-  Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện tiếp nhận, lưu trữ, quản lý và khai thác, sử dụng dữ liệu thu, chi ngân sách tại các địa phương.

4-  Chủ trì nghiên cứu, lựa chọn giải pháp về chữ ký và báo cáo điện tử áp dụng trong ngành tài chính.

5-  Quản trị hệ thống hạ tầng truyền thông trong ngành Tài chính từ trung ương đến tỉnh và huyện, đảm bảo thông tin thông suốt và đảm bảo các yêu cầu về bảo mật theo quy định.

6-  Xây dựng, ban hành và cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các bảng mã số danh mục thống nhất dùng chung cho các chương trình ứng dụng trong toàn ngành Tài chính.

7-  Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất các quy định về cấu trúc dữ liệu, phương thức trao đổi dữ liệu và các yêu cầu khác về kỹ thuật.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.