• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2013
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 1757/QĐ-BNN-TCLN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 1 tháng 8 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chương trình hành động thực hiện quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp

________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

Hà Công Tuấn

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1565/QĐ-BNN-TCLN NGÀY 08/7/2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÂM NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1757/QĐ-BNN-TCLN ngày 01 tháng 8 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

_________________________________

I. MỤC TIÊU

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là Đề án), góp phần thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 của cả nước và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án và Chương trình hành động thực hiện Đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành.

- Các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong từng lĩnh vực cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Nâng cao chất lượng chiến Iược, quy hoạch; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, có bổ sung nội dung tái cơ cấu ngành và tầm nhìn đến 2030.

- Rà soát lại quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển vùng rừng nguyên liệu tập trung và khai thác một cách có hiệu quả, bền vững.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch lâm nghiệp, kết hợp giữa quy hoạch ngành với quy hoạch vùng và quy hoạch của từng địa phương, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tính công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch.

3. Khuyến khích, thu hút đầu tư

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

- Nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm ODA, FDI) từ các thành phần kinh tế, phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (PPP, PPC,...) trong lĩnh vực lâm nghiệp.

4. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công

- Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về đầu tư, các chủ đầu tư nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng đầu tư công từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp tác phát triển; đánh giá mức độ đóng góp của các dự án đầu tư vào thực hiện tái cơ cấu ngành.

- Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, cơ cấu đầu tư để phát huy hiệu quả, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực lâm nghiệp.

- Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý chi tiêu công cho các đơn vị.

Từ năm 2014, chỉ đạo thực hiện phân bổ vốn đầu tư công của ngành theo hướng: Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống nghiên cứu và cung ứng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm lâm, năng lực lập kế hoạch, dự báo ngành và phòng cháy chữa cháy rừng; đầu tư phát triển mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng và phát triển dịch vụ môi trường rừng.

- Về khoa học, công nghệ, đào tạo, phát triển thị trường và khuyến lâm: tăng đầu tư và đổi mới công tác quản lý khoa học công nghệ; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp, chọn tạo các giống cây rừng có năng suất cao, chất lượng tốt; hệ thống thông tin thị trường và dự báo; hỗ trợ tiếp thị, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; các hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; ưu tiên đầu tư các dự án khuyến lâm phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ tái cơ cấu.

5. Cải cách thể chế

- Tiếp tục cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành song song với việc tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung đổi mới, sắp xếp các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp;

- Nâng cao năng lực cho kinh tế hợp tác: tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia cung cấp dịch vụ công.

- Phát triển hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực lâm nghiệp (PPP, PC), các hình thức liên kết giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đảm bảo thông suốt, chủ động và hiệu quả; triệt để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở, địa phương giải quyết nhanh các yêu cầu đáp ứng có hiệu quả sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác.

6. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách

Căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản của Bộ và nhu cầu phát sinh trong quá trình triển khai Đề án, các đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo động lực cho quá trình tái cơ cấu ngành được triển khai đúng hướng, hiệu quả.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp của Bộ do Thứ trưởng phụ trách Lâm nghiệp làm Trưởng Ban, Thủ trưởng các đơn vị là thành viên để chỉ đạo triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án.

Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình, định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Căn cứ Chương trình hành động này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động, triển khai chi tiết kế hoạch hành động của đơn vị, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.

3. Định kỳ hàng năm, các đơn vị tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện trong đó nêu rõ: việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện gửi về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Tổng cục trưởng để xem xét, quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hà Công Tuấn

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.