• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/06/1959
BỘ LAO ĐỘNG
Số: 8/LĐ-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 1959

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 8/LĐ-TT NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 1959
QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀ HƯỚNG TUYỂN CHỌN
CÔNG NHÂN VÀO BỔ TÚC VÀ ĐÀO TẠO THỢ MỚI TẠI CÁC CƠ SỞ
SẢN XUẤT QUỐC DOANH, CÁC CÔNG TRƯỜNG KIẾN THIẾT
CƠ BẢN VÀ ĐI HỌC NGHỀ Ở NƯỚC BẠN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi: - Các Bộ

- Các cơ quan, đoàn thể Trung ương,

- Các Uỷ ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố,

- Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

 

Thực hiện kế hoạch Nhà nước, hiện nay các Bộ, các ngành đã và đang có kế hoạch bổ túc và đào tạo hàng vạn công nhân lành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu công cuộc kiến thiết và sản xuất, thực hiện hoàn thành kế hoạch Nhà nước 3 năm (1958 - 1960) đồng thời chuẩn bị lực lượng công nhân thưc hiện kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn sau này.

Công tác này có một ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng to lớn, góp phần vào việc phát triển hàng ngũ giai cấp công nhân nên việc chọn người để đào tạo thành công nhân lành nghề không những đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu về sản xuất đơn thuần, mà phải quán triệt đầy đủ mọi chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian qua, căn bản các ngành đã chấp hành những điều quy định của Chính phủ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thiếu sót:

Chính sách tuyển sinh chưa được quy định cụ thể; việc xét duyệt nhiều lúc không được kỹ, chất lượng chính trị của một số học sinh còn kém; còn hiện tượng cảm tình cá nhân, cục bộ, bản vị, tự giới thiệu bà con họ hàng vào học nghề, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh chưa tập trung thống nhất vào những cơ quan có trách nhiệm chính do Nhà nước quy định v.v...

Căn cứ nhiệm vụ thống nhất việc quản lý điều hoà phân phối nhân công Chính phủ đã quy định và chỉ thị số 013-TTg ngày 6-1-1958 của Thủ tướng phủ giao cho Bộ Lao động làm nhiệm vụ tổng hợp công tác đào tạo thợ.

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và những Thông tư quy định của Thủ tướng Phủ, Uỷ ban Kiện toàn tổ chức Trung ương về việc kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế và điều chỉnh cán bộ.

Căn cứ Chỉ thị số 4549-TTg ngày 1-7-1957 của Thủ tướng Phủ giải thích quyền tự tuyển mộ nhân công của các xí nghiệp quốc doanh, thực hành chế độ hạch toán kinh tế.

Sau khi thảo luận thống nhất với các Bộ, các ngành và các địa phương.

Bộ Lao động ra Thông tư này quy định những nguyên tắc và hướng tuyển chọn người để bổ túc và đào tạo công nhân ở các cơ sở sản xuất, các công trường kiến thiết cơ bản v.v... nhằm xây dựng lực lượng công nhân lành nghề, có trình độ giác ngộ chính trị và phẩm chất tốt, đảm bảo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, đồng thời chấp hành đầy đủ các chính sách của Đảng và luật lệ của Nhà nước.

 

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG TRONG VIỆC TUYỂN SINH

 

1. Phải quán triệt quan điểm sản xuất và chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân, nhằm góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đào tạo lực lượng công nhân xây dựng kinh tế miền Nam sau này.

Khi giới thiệu, tuyển chọn học sinh phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn đã quy định, chủ yếu đảm bảo chất lượng chính trị, có ý thức lao động, có sức khoẻ, không nên chỉ nặng về giải quyết công việc làm mà tuyển chọn không đúng tiêu chuẩn.

2. Thành phần tuyển vào phải được toàn diện: có cả miền Bắc, miền Nam, nam, nữ v.v...; ưu tiên tuyển chọn những người đã hoạt động và có thành tích trong công cuộc kháng chiến và lao động kiến thiết hòa bình hiện nay; những người ở trong biên chế hoặc chưa ở trong biên chế nhưng đang ở trong các cơ quan Nhà nước, do Nhà nước quản lý và đài thọ lương bổng; chú ý thích đáng những người đã làm lâu năm trên các công trường và tuỳ theo việc, tuỳ theo địa phương mà tuyển chọn một số phụ nữ, một số người thuộc các dân tộc miền núi.

3. Phân phối các nguồn nhân công tuyển chọn phải được hợp lý, nhằm làm cho kế hoạch bổ túc và đào tạo thợ của các ngành đạt kết quả tốt, nhanh, tiết kiệm công quỹ, đồng thời thuận lợi cho việc bố trí sử dụng công nhân sau khi thành nghề.

4. Thống nhất việc tuyển sinh vào các cơ quan đã được Chính phủ quy định: Trung ương thì do Bộ Lao động phụ trách, phối hợp với các Bộ, các ngành có liên quan mà giải quyết; ở địa phương do Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố có cơ quan Lao động giúp việc.

 

II. CÁC NGUỒN NHÂN CÔNG ĐƯỢC TUYỂN CHỌN

 

1. Những người thợ nghề còn kém, hoặc chưa được sử dụng đúng nghề trong các cơ quan Nhà nước (gồm số quân nhân quân giới hay công binh có nghề đang ở trong quân đội hoặc đã chuyển sang các ngành khác, số thợ trong các cơ quan hành chính, các công, nông, lâm trường, xí nghiệp v.v...); những công nhân trong các hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công, các tập đoàn sản xuất miền Nam, các xí nghiệp, công tư hợp doanh, các xí nghiệp tư doanh và số thợ ở các thành phố, các tỉnh.

2. Quân nhân đã chuyển sang sản xuất và lao động kiến thiết trên các công, nông trường, xí nghiệp.

3.Thương binh có khả năng sản xuất ở các trại thương binh.

4. Nhân viên công tác ở các cơ quan hành chính cần chuyển sang sản xuất khi chỉnh đốn biên chế.

5. Những người hiện nay Nhà nước đài thọ lương bổng tuy chưa ở trong biên chế một ngành nào:

Cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết, vượt tuyến hiện ở các trạm chờ bố trí công tác;

- Học sinh miền Nam ở các trường, hoặc ở với gia đình đã đến tuổi lao động, hoặc không đủ tiêu chuẩn theo học văn hóa nữa.

- Việt kiều về nước ở các trạm đón tiếp.

6. Thanh niên xung phong và lao động trên các công trường, nông trường.

7. Lao động ở các nông trang tập thể, các hợp tác xã thủ công nghiệp, các tập đoàn sản xuất miền Nam, các xí nghiệp công tư hợp doanh và tư doanh.

8. Lao động thiếu việc làm ở các thành phố, các thị xã, chú trọng tuyển chọn trước những gia đình sinh sống còn nhiều khó khăn:

- Thương binh, bộ đội phục viên (số đã về địa phương nhưng làm ăn gặp nhiều khó khăn);

- Lao động phục vụ lâu năm trên công trường, vì hết việc đã trở về địa phương;

- Việt kiều về nước đang tự lúc làm ăn ở địa phương có nhiều khó khăn;

- Học sinh cấp II, cấp III thôi học, đã đến tuổi lao động, nhằm tuyển chọn những học sinh là đoàn viên Thanh niên Lao động có ý thức lao động, có hạnh kiểm và học bạ tốt, chú trọng tuyển chọn trước số học sinh của gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội, công nhân cán bộ và những gia đình có công với cách mạng.

- Vợ con liệt sĩ, thương binh, anh hùng chiến sĩ thi đua, vợ con công nhân, cán bộ (kể cả vợ con cán bộ miền Nam ra sản xuất) và những người mà bản thân công nhân, cán bộ phải trực tiếp nuôi nấng bằng tiền lương của mình.

Nói chung trong hoàn cảnh hiện nay không nên lấy những người có cơ sở sản xuất ở nông thôn, những người đang tham gia công tác địa phương và đào tạo thành thợ cho các xí nghiệp quốc doanh, trừ trường hợp tuyển những quân nhân phục viên, thương binh đã về nông thôn, học sinh cấp II, cấp III và một số thanh niên nông thôn để đào tạo thành nhân viên công tác các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hoặc đào tạo thành công nhân cho các cơ sở công nghiệp địa phương. Trong trường hợp này sẽ do Uỷ ban hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố quyết định.

Những nguồn nhân công nói trên, đối với những công nhân sẽ làm công tác ở vùng rừng núi cần cố gắng tuyển chọn anh em các dân tộc miền núi (miền Nam cũng như miền Bắc), nếu anh em tự nguyện thoát ly sản xuất để tham gia công cuộc kiến thiết, nhưng về tiêu chuẩn phải có chiếu cố một phần nào về trình độ văn hóa, không đợi thời gian đã phục vụ nhiều hay ít, hoặc quy định tiêu chuẩn quá cao.

Đối với anh chị em Hoa kiều hoặc những người ngoại kiều nào đã gia nhập quốc tịch Việt Nam, cũng được lựa chọn để đào tạo thành công nhân.

Theo các nguồn nhân công trên đây trong khi thực hiện kế hoạch tuyển sinh, Bộ Lao động sẽ tuỳ theo từng nghề, từng địa phương mà phối hợp với các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính địa phương thảo luận cụ thể và quy định tỷ lệ số lượng từng đối tượng cho được thích hợp.

Đối với học sinh đi học ở nước ngoài phải được đảm bảo chặt chẽ các tiêu chuẩn đề ra chủ yếu là tiêu chuẩn chính trị.

 

III. TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN CÔNG NHÂN HỌC
NGHỀ Ở TỈNH VÀ THÀNH PHỐ

 

Để thực hiện kế hoạch tuyển sinh của các Bộ, các ngành, mỗi tỉnh và thành phố tuỳ sự phát triển công nghiệp của từng địa phương và yêu cầu tuyển sinh nhiều hay ít mà thành lập Hội đồng tuyển chọn công nhận học nghề.

Thành phần Hội đồng tuyển chọn gồm đại diện các cơ quan như sau:

- Uỷ ban hành chính tỉnh hoặc thành phố: Chủ tịch Hội đồng.

- Sở, Ty, Phòng Lao động: Thường trực Hội đồng

- Sở, Ty Công an: Uỷ viên

- Các đoàn thể: Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ: Uỷ viên

Ngoài những thành phần nói trên, mỗi khi tuyển sinh cho ngành nào, Uỷ ban hành chính tỉnh hoặc thành phố có thể chỉ định thêm đại diện của ngành đó tham gia vào Hội đồng, để phối hợp thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh cho ngành ấy.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn công nhân học nghề.

Căn cứ chính sách nhân công của Nhà nước và kế hoạch phân phối tuyển sinh của Bộ Lao động, Hội đồng tỉnh hoặc thành phố chịu trách nhiệm:

- Nghiên cứu quy định cụ thể tỷ lệ các đối tượng được tuyển chọn trong địa phương.

- Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các cơ sở trực thuộc thực hiện kế hoạch tuyển sinh đúng chính sách và đảm baỏ tiêu chuẩn của các ngành.

- Xét duyệt và tập trung đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ cần thiết (do cơ sở gửi lên) để chuyển lên các Bộ chủ quản xét duyệt lại và làm báo cáo cho Bộ Lao động biết; hoặc quyết định những học sinh đúng tiêu chuẩn để giới thiệu vào các cơ sở học nghề mà các Bộ đã phân phối hoặc uỷ nhiệm.

- Phát hiện việc các cơ sở tuyển sinh, không đúng tiêu chuẩn và chính sách đã quy định, đề nghị Uỷ an hành chính tỉnh hoặc thành phố, hoặc đề nghị Bộ Lao động giải quyết, nếu cần thì đề nghị các Bộ các ngành cấp trên của cơ sở có biện pháp giải quyết thích đáng.

 

IV. NHIỆM VỤ VÀ LỀ LỐI PHÂN PHỐI, TUYỂN SINH GIỮA
BỘ LAO ĐỘNG, CÁC BỘ VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH
CÁC TỈNH HOẶC THÀNH PHỐ

Căn cứ Chỉ thị số 03/TTg ngày 6-1-1958 của Thủ tướng Phủ và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 5/2/1959 (Công văn số 1262/A7 ngày 14/3/1959 của Thủ tướng Phủ) có quy định:

"Bộ Lao động làm nhiệm vụ tổng hợp, có trách nhiệm cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ nghiên cứu xây dựng kế hoạch bổ túc và đào tạo công nhân, xây dựng các chính sách, hướng dẫn việc chiêu sinh v.v...".

Bộ Lao động đã có Thông tư số 29/LĐ-NC ngày 20/11/1958 và Thông tư số 20/LĐ-TCCB ngày 23-6-1958 quy định chế độ học nghề, một số tiêu chuẩn tuyển sinh và phân cấp giữa Bộ Lao động với Uỷ ban hành chính các địa phương trong công tác đào tạo thợ. Trước tình hình phát triển mới, nay Bộ quy định thêm những điểm sau đây:

1. Tuỳ theo sự phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất và kiến thiết của các Bộ, mỗi khi cần đào tạo thợ mới, các Bộ phải lập kế hoạch, dự thảo tiêu chuẩn tuyển sinh, hướng nhân công định tuyển v.v... rồi thảo luận thống nhất với Bộ Lao động, hoặc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Đến khi tuyển sinh, các Bộ hướng dẫn cho các cơ sở trực thuộc thực hiện đúng kế hoạch phân phối và những nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công nhân do Bộ Lao động hoặc Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố đã quy định.

2. Khi cần điều chỉnh nhân viên ở các cơ quan hành chính, điều chỉnh công nhân trên các công, nông, lâm trường, các xí nghiệp quốc doanh, các kho tàng, các tập đoàn sản xuất v.v...; hoặc tuyển mới một số lao động ở thành phố và nông thôn, thì Bộ Lao động sẽ thảo luận với Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý công nhân với Tổng Liên đoàn và các đoàn thể khác, với Uỷ ban hành chính địa phương để thống nhất chính sách tuyển sinh và đặt kế hoạch phân phối thi hành. Còn ở địa phương thì do Sở, Ty, Phòng Lao động dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính đưa ra Hội đồng tuyển chọn công nhân học nghề của tỉnh hoặc thành phối thảo luận kế hoạch tiến hành.

3. Trường hợp Bộ chủ quản cần điều chỉnh cán bộ trong biên chế của ngành mình thì do Bộ ấy giải quyết và báo cho Bộ Lao động biết; nhưng nếu lấy công nhân theo hợp đồng, vợ con cán bộ, công nhân trong ngành mình, thì ở Trung ương cần thống nhất việc phân phối vào Bộ Lao động, ở địa phương cần thống nhất vào Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, tránh tình trạng tự ý giải quyết mà không qua cơ quan Lao động để xẩy ra tình trạng cục bộ, bản vị, giải quyết theo cảm tình riêng.

4. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, hoặc cơ sở nào được giao trách nhiệm lấy công nhân, vợ con cán bộ đi học nghề, thì phải phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên Lao động v.v... để lựa chọn được chu đáo. Đối với vợ con cán bộ phải cân nhắc kỹ, nên tuyển chọn ai trước, ai sau nhằm đảm bảo tiêu chuẩn của các ngành, đồng thời có tác dụng khuyến khích động viên công nhân, cán bộ v.v...phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, công tác và không gây ra tình trạng suy bì thắc mắc trong cán bộ công nhân.

5. Uỷ ban hành chính cần hướng dẫn cho Hội đồng tuyển chọn công nhân tỉnh hoặc thành phố có trách nhiệm xét tuyển những vợ (hoặc chồng), con của công nhân, cán bộ, bộ đội v.v... sinh quán hoặc hiện nay đăng ký làm ăn ở địa phương mình.

Đối với vợ (hoặc chồng) và con của cán bộ, công nhân ở tập thể trong các cơ quan Nhà nước, nếu ở tại địa phương nào thì Uỷ ban hành chính tỉnh hoặc thành phối nơi ấy giải quyết. Cán bộ, công nhân, bộ đội v.v... có vợ con ở tập thể mà muốn xin học nghề thì đề nghị cơ quan báo cho Uỷ ban hành chính và Sở hay Ty, Phòng Lao động nơi cơ quan mình đóng, để nghiên cứu giải quyết chung mỗi khi có yêu cầu.

 

V. PHẠM VI THI HÀNH

 

Thông tư này áp dụng trong việc tuyển chọn bổ túc và đào tạo thợ chuyên nghiệp tại các cơ sở sản xuất và kiến thiết cơ bản của Nhà nước (xí nghiệp, công, nông, lâm trường) trong việc tuyển chọn đi học nghề ở các trường sơ cấp kỹ thuật, đi học nghề ở nước ngoài sau về phục vụ cho những xí nghiệp mới.

Do đã thống nhất với các Bộ, các ngành, nên những quy định riêng trước đây của từng Bộ, từng ngành và từng địa phương khác với Thông tư này, nay không thi hành, mà thống nhất thi hành theo Thông tư này.

Bộ Lao động mong các Bộ, các ngành, Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố các Sở, Ty, Phòng Lao động có kế hoạch nghiên cứu kỹ để phổ biến và hướng dẫn cá cơ sở trực thuộc, chủ yếu là các cán bộ phụ trách doanh, xí nghiệp, các công, nông, lâm trường, các bộ phận tổ chức cán bộ của đơn vị thi hành đúng theo Thông tư này.

Trong khi thực hiện gặp khó khăn mắc mứu gì, yêu cầu các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động để nghiên cứu bổ sung.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Tạo

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.