• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/01/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/1996
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 02/BKH-DN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Hướng dẫn thực hiện nghị định

về thủ tục đầu tư trực tiếp tại Việt Nam định cư

ở nước ngoài và của người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam

_________________________

Căn cứ Luật khuyến khích đầu tư trong nước ngày 22/6/1994.

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 12/5/1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư trực tiếp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam như sau:

Điều 1. Đầu tư trực tiếp theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam trong Thông tư này bao gồm:

1. Thành lập mới doanh nghiệp tư nhân (theo Luật doanh nghiệp tư nhân); công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (theo Luật công ty) - sau đây gọi chung là doanh nghiệp.

2. Mở rộng quy mô nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp đã được thành lập hợp pháp theo Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty.

3. Mua cổ phần góp vốn vào các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp Nhà nước được phép đa dạng hoá hình thức sở hữu trừ những trường hợp có quy định riêng.

4. Khi trực tiếp đầu tư những ngành nghề thuộc Điều 5 của Luật doanh nghiệp tư nhân hoặc Điều 11 của Luật công ty phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Đối với ngành nghề phải có giấy phép hành nghề cần thực hiện theo đúng quy định của các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật liên quan đã ban hành.

Điều 2. Hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh gồm:

1. Đơn xin thành lập doanh nghiệp.

2. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu do nước ngoài cấp phải có giấy xác nhận nguồn gốc người Việt Nam của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự Việt Nam tại nước đó, hoặc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người gốc Việt Nam định cư.

3. Tờ khai của người xin thành lập doanh nghiệp về việc họ không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài mà chưa được xoá án hoặc còn ở trong thời gian bị cấm quyền kinh doanh theo bản án của toà án nước ngoài. Tờ khai phải có xác nhận của cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự Việt Nam tại nước mà người Việt Nam định cư, hoặc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người gốc Việt Nam định cư.

4. Đối với người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam phải có "Giấy chứng nhận thường trú" theo qui định tại Điều 11 Pháp lệnh nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam và nếu đã cư trú trên một năm phải có thêm giấy xác nhận của công an phường, xã nơi cư trú về việc họ không thuộc diện quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật doanh nghiệp tư nhân; Điều 6, Điều 7 Luật công ty.

5. Nếu người xin phép thành lập doanh nghiệp hiện đang là Trưởng văn phòng đại diện, Trưởng chi nhánh của công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam thì phải có ý kiến bằng văn bản của công ty nước ngoài có đặt văn phòng đại diện chi nhánh ở Việt Nam chấp nhận.

6. Giấy xác nhận về vốn đầu tư tại Việt Nam:

Nếu vốn bằng tiền mặt phải có xác nhận của Ngân hàng nơi dự định đặt trụ sở doanh nghiệp về số dư tiền gửi tại tài khoản của người xin thành lập doanh nghiệp.

Nếu vốn bằng hiện vật hoặc bản quyền sở hữu công nghiệp phải có xác nhận của cơ quan công chứng về trị giá tài sản đó (nếu để thành lập doanh nghiệp tư nhân), hoặc biên bản định giá tài sản của các sáng lập viên thành lập công ty (nếu để thành lập công ty).

7. Phương án kinh doanh ban đầu kèm theo biện pháp bảo vệ môi trường.

8. Điều lệ công ty (nếu là công ty) có xác nhận của cơ quan công chứng.

9. Đối với công ty cổ phần, các sáng lập viên phải được Ngân hàng nơi dự định đặt trụ sở công ty cổ phần xác nhận đã nộp vào tài khoản phong toả số tiền không ít hơn 20% vốn điều lệ.

10. Giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng nơi làm trụ sở giao dịch.

11. Giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn của người điều hành đối với một số ngành nghề mà pháp luật đòi hỏi phải có.

12. Bản chụp hộ chiếu thị thực nhập cảnh (đối với người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài).

Tất cả các giấy tờ nêu trên nếu bằng tiếng nước ngoài đều phải dịch ra tiếng Việt và phải có xác nhận của cơ quan công chứng.

Trường hợp khi xin phép thành lập doanh nghiệp chưa có đủ những điều kiện quy định tại điểm 6, 9, 10, 11 điều này thì khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà đầu tư phải bổ sung đầy đủ các giấy tờ trên.

Điều 3. Người xin phép thành lập doanh nghiệp trực tiếp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự định đặt trụ sở giao dịch của doanh nghiệp nộp một bộ hồ sơ. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hộ chiếu và tính hợp lệ của hồ sơ, viết phiếu hẹn trả lời theo quy định hiện hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố tổ chức lấy ý kiến Sở quản lý ngành về ngành nghề kinh doanh phù hợp với quy định của Chính phủ và quy hoạch ngành lãnh thổ để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp đối với ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành như đối với việc xin thành lập doanh nghiệp của công dân Việt Nam.

Trường hợp việc thành lập doanh nghiệp để kinh doanh các ngành nghề mà trên địa bàn lãnh thổ không có nhu cầu phát triển thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố phải báo cáo cụ thể với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét quyết định.

Việc đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, của người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành như đối với doanh nghiệp của công dân Việt Nam, tổ chức kinh tế của Việt Nam.

Nếu hồ sơ đã đầy đủ các thủ tục theo quy định trên đây và nhà đầu tư có nguyện vọng được đăng ký kinh doanh sớm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngay sau khi Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Điều 4. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam muốn đầu tư dưới hình thức nói tại điểm 2, 3 Điều 1 thì phải có các giấy tờ sau đây khi tham gia đầu tư vào doanh nghiệp:

Các giấy tờ nêu tại điểm 2, 3 Điều 2 (đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Các giấy tờ nêu tại điểm 4 Điều 2 (đối với người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam).

Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về sự tham gia đầu tư vào doanh nghiệp mình của các đối tượng này.

Điều 5. Trình tự thủ tục để xem xét cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các doanh nghiệp này thực hiện theo Thông tư số 06/UB-QLKH ngày 27/9/1995 quy định trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Điều 6. Thông tư này có giá trị thực hiện từ ngày ban hành.

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đỗ Quốc Sam

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.