QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc thí điểm cổ phẩn hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 17 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thí điểm cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
1. Mục đích, yêu cầu và hình thức cổ phần hoá
a) Mục đích cổ phần hoá:
- Tăng cường năng lực quản trị điều hành và hiện đại hoá công nghệ ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và sử dụng vốn.
- Tăng cường năng lực tài chính bảo đảm an toàn hoạt động và phát triển Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Nâng cao sức cạnh tranh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
- Giữ vững Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là một trong những ngân hàng có vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
b) Yêu cầu cổ phần hoá:
- Đa dạng hoá hình thức sở hữu nhằm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam phải bảo đảm an toàn, không gây ra biến động lớn trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước đối với hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và lợi ích tối đa cho Nhà nước.
- Thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường.
- Huy động vốn của mọi tầng lớp dân cư, thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
c) Hình thức cổ phần hoá
Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo giá trị được xác định lại, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn theo nguyên tắc sau:
- Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Việc bán cổ phần thực hiện qua nhiều giai đoạn với tỷ lệ vốn Nhà nước giảm dần nhưng không thấp hơn 51% vốn điều lệ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đạt mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế.
d) Mức vốn điều lệ: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong phương án cổ phần hoá.
đ) Đối tượng và giới hạn mua cổ phần:
- Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Mỗi pháp nhân sở hữu không quá 10% vốn điều lệ; mỗi cá nhân sở hữu không quá 5% vốn điều lệ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Mỗi nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 10% vốn điều lệ và tổng số cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
2. Nội dung cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
a) Xác định giá trị doanh nghiệp và phân tích hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề nghị của tổ chức tư vấn quốc tế và quy định hiện hành của pháp luật.
- Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31 tháng 12 năm 2005.
- Phân tích đánh giá hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
- Xây dựng kế hoạch tăng vốn và tổ chức phát hành.
- Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được phép thuê tư vấn quốc tế thực hiện cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo những nội dung trên.
b) Lộ trình bán cổ phần.
- Trong năm 2006, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bán cổ phần theo nhiều đợt, mỗi đợt không quá 10% vốn điều lệ để tăng vốn nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ Nhà nước sở hữu vốn điều lệ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam không thấp hơn 70%.
- Giai đoạn 2007 - 2010, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tiếp tục bán cổ phần để tăng vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo tỷ lệ Nhà nước sở hữu vốn điều lệ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam không thấp hơn 51%.
Điều 2. Phân công thực hiện
1. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
a) Trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính quyết định thuê tư vấn quốc tế để thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam;
b) Triển khai và thực hiện các nội dung, trình tự cổ phần hoá toàn bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;
c) Xây dựng và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phương án cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cụ thể.
b) Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
3. Bộ Tài chính
a) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tổ chức tư vấn quốc tế để cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
b) Quyết định mức chi phí thuê tổ chức tư vấn quốc tế.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.