THÔNG TƯ CỦA LIÊN BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 317/CT ngày 01 - 9 - 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh
Thi hành quyết định số 317-CT ngày 01-9-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, liên bộ lao động Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Mọi sản phẩm, dịch vụ phải có định mức lao động và đơn giá tiền lương. Đơn giá tiền lương do đơn vị xây dựng và được cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp đối với những sản phẩm chủ yếu. Các sản phẩm còn lại, sản phẩm phụ, sản phẩm mới sẽ do đơn vị quyết định nhưng phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước để giám sát và đăng ký với ngân hàng để tạo nguồn tiền mặt trả lương cho công nhân viên chức. Tiền lương thực hiện tuỳ thuộc vào kết quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị.
2. Đơn giá tiền lương của sản phẩm được xác định trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được xác định là tiên tiến và hợp lý (phương pháp xây dựng định mức lao động cho đơn vị sản phẩm theo hướng dẫn tại Thông tư số 26-TT của Bộ Lao động) và tính theo đúng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1985 và Quyết định số 202-HĐBT ngày 18 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng.
3. Khi có sự thay đổi về định mức lao động, chế độ tiền lương và các loại phụ cấp lương, điều kiện sản xuất, điều kiện lao động, chất lượng sản phẩm, kết cấu sản phẩm thì xác định lại đơn giá tiền lương.
4. Đơn giá tiền lương được điều chỉnh theo tình hình biến động của giá cả thị trường trong từng thời kỳ.
5. Quỹ tiền thưởng của đơn vị được trích từ lợi nhuận sau khi làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách và theo mức khống chế quy định của Nhà nước.
6. Tiền lương, tiền thưởng của giám đốc đơn vị phải trên cơ sở hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tối đa không quá ba lần tiền lương, tiền thưởng bình quân của công nhân viên chức trong đơn vị.
II. CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG
1. Đơn giá tiền lương tính theo mức chi phí tiền lương của đơn vị sản phẩm.
Mức chi phí tiền lương của đơn vị sản phẩm bằng tổng đơn giá trả lương theo sản phẩm và tổng số tiền lương trả theo thời gian và tiền lương chức vụ của cán bộ nhân viên quản lý sau khi đã cộng tiếp các hệ số bổ sung nói ở điểm d vào những hệ số phụ cấp lương đã tính ở các điểm a, b, c dưới đây.
Cụ thể là:
a. Tính tổng đơn giá trả lương sản phẩm ở các nguyên công, công đoạn trong quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm (cá nhân hay tổ đội) bao gồm các tham số sau đây:
Mức lương theo cấp bậc công việc, (mức lương bình thường hoặc mức lương độc hại), mức lương đặc biệt độc hại tuỳ theo từng công việc được hưởng.
Định mức lao động (định mức sản lượng, định mức thời gian).
Hệ số các loại phụ cấp lương (tuỳ theo từng công việc, từng đối tượng và mức độ được hưởng theo quy định của Nhà nước) tính trên lương cấp bậc, phụ cấp độc hại, khó khăn nguy hiểm, phụ cấp lưu động, phụ cấp làm đêm và hệ số trượt giá của các mặt hàng định lượng trong lương tối thiểu do Hội đồng Bộ trưởng công bố hoặc do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (nếu được uỷ quyền) công bố cho từng thời gian sau khi thống nhất với các cơ quan chức năng như Tổng cục thống kê, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính... Trước mắt hệ số trượt giá thi hành trong quý IV/1990 là 50% (kể cả tiền bù điện hoặc dầu thắp sáng).
b. Tính tổng số tiền lương trả theo thời gian cho công nhân chính và phụ trợ ở những khâu còn lại trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm tại đơn vị nhưng không có điều kiện trả lương theo sản phẩm, bao gồm các tham số sau đây:
Mức lương cấp bậc của công nhân xác định ở mỗi khâu công việc;
Số thời gian làm ở mỗi khâu công việc;
Hệ số các loại phụ cấp lương như ở điểm a trên đây.
c. Tính tiền lương chức vụ của cán bộ nhân viên quản lý bao gồm các tham số sau đây:
Mức lương chức vụ tính bình quân cho tổng số cán bộ, nhân viên bộ máy quản lý;
Định mức lao động quản lý;
Hệ số các loại phụ cấp lương như nói ở điểm a trên đây.
d. Tính tổng số các hệ số bổ sung chung:
Hệ số các loại phụ cấp lương còn lại không tính vào đơn giá trả lương theo sản phẩm cho công nhân, trả lương tương đối ổn định cho một số đối tượng theo thời gian và mức độ được hưởng khác nhau giữa các cá nhân, tính trên cơ sở so sánh tổng số tiền phụ cấp (phụ cấp thâm niên đặc biệt, thâm niên vượt khung, trách nhiệm thu hút về cơ sở sản xuất) với tổng quỹ lương cấp bậc của đơn vị;
Hệ số tiền lương trả cho người lao động trong thời gian không tham gia sản xuất, công tác, nhưng được hưởng theo chế độ hiện hành tính trên cơ sở so sánh tổng số tiền lương phải trả cho số người, số ngày được hưởng theo chế độ đối với tổng quỹ lương cấp bậc của đơn vị, bao gồm: Nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng được hưởng lương, nghỉ cho con bú; làm vệ sinh kinh nguyệt, nghỉ để hội họp, học tập.
2. Đơn giá tiền lương tính theo tỷ lệ (%) tiền lương trên tổng doanh thu.
Tỷ lệ % tiền lương so với tổng doanh thu tính theo công thức:
Ktl = Vtl (1)
Ktl (1)
ồ doanh thu
Trong đó: - Vtl là quỹ tiền lương của đơn vị.
a. Trường hợp đơn vị thực hiện chế độ tiền lương sản phẩm, thì Vtl là quỹ lương sản phẩm và tính theo công thức.
Vtl = ồ vi. Qi
Vi là đơn giá tiền lương cho đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ loại i.
Qi là sản lượng của sản phẩm (hoặc dịch vụ) i kỳ kế hoạch (có so sánh với thực hiện kỳ trước).
b. Trường hợp đơn vị áp dụng định mức biên chế thì Vtl là quỹ lương chế độ và bằng tổng số lao động định biên hợp lý (sau khi đã có kết quả về sắp xếp lại lao động theo quyết định 176-HĐBT ngày 9 tháng 10 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng) nhân với lương bình quân theo chế độ (tính cả các hệ số nói ở điểm a mục I trong thông tư này nếu có).
ồ Doanh thu. Bao gồm doanh thu về tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, kinh doanh, dịch vụ chính và phụ (nếu thu bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá ngân hàng công bố) được tính theo công thức:
ồ Doanh thu = ồ Znni Qi
Qi là sản lượng của loại sản phẩm (hoặc dịch vụ) i.
Znni là giá tiêu thụ của sản phẩm i do Nhà nước quyết định tại thời điểm tính (nếu sản phẩm do Nhà nước định giá). Đối với những sản phẩm do xí nghiệp định giá thì Znni là giá thực tế đã tiêu thụ hoặc đã thoả thuận với khách hàng ghi trong hợp đồng tại thời điểm đó.
3. Đơn giá tiền lương tính theo tỷ lệ % tiền lương theo kết quả sản xuất - kinh doanh:
Được tính theo công thức:
Vtl
(2)
ồ doanh thu - ồ chi phí (chưa có tiền lương).
Trong đó:
Vtl, ồ doanh thu như giải thích ở công thức (1)
Chi phí: Bao gồm toàn bộ các khoản chi hợp lý theo định mức và các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước kể cả các khoản thuế phải nộp ngân sách theo quy định được hạch toán vào giá thành, phí lưu thông như thuế tài nguyên, thuế vốn... (nếu có) cộng (+) các khoản thuế phải nộp ngân sách như thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt v.v... (trừ thuế lợi tức).
Đối với những sản phẩm hoặc dịch vụ không ổn định, nhiều chủng loại, giá cả thường xuyên biến động thì tiền lương được xác định theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh không được tính trên doanh thu.
III. TIỀN THƯỞNG
Nguồn tiền thưởng là số lợi nhuận còn lại của đơn vị sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, trích lập quỹ phát triển sản xuất và quỹ phúc lợi theo quy định hiện hành của Nhà nước. Quỹ khen thưởng tối đa không quá 50% quỹ tiền lương thực hiện của đơn vị.
Ngoài tiền thưởng từ lợi nhuận còn lại của đơn vị, không được lấy bất kỳ nguồn nào khác để trả thưởng cho công nhân viên chức. Các chế độ tiền thưởng như: Thưởng tiết kiệm vật tư, thưởng chất lượng, thưởng sáng kiến v.v... đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Căn cứ vào chế độ chính sách tiền lương, tiền thưởng của Nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, giám đốc xí nghiệp xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng bảo đảm phân phối thu nhập cho từng người lao động theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Quy chế phải được Hội nghị công nhân viên chức hoặc Hội đồng xí nghiệp thông qua và gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan lao động, tài chính liên quan thẩm tra trước khi thi hành, đồng thời làm cơ sở thực hiện quyền quản lý của mình trong lãnh vực tiền lương tiền thưởng. Giám đốc không được tuỳ tiện trả lương, trả thưởng trái với quy chế. Quy chế trả lương, trả thưởng là cơ sở pháp lý để Nhà nước và người lao động kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiền lương, tiền thưởng của giám đốc trong đơn vị.
Những đơn vị làm ăn có hiệu quả, có lãi (sau khi đã tính đủ chi phí), hoàn thành đủ nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước theo chế độ hiện hành (kể cả phần nộp bảo hiểm xã hội), nếu còn nguồn hợp lệ - hợp lý thì có thể được thực hiện thí điểm việc phân phối trong nội bộ đơn vị theo bội số tiền lương mới, sau khi đề án về mở rộng bội số do đơn vị xây dựng được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, bộ chủ quản với sự nhất trí của Bộ Tài chính xét duyệt và cho phép thực hiện.
IV. TIỀN LƯƠNG CỦA GIÁM ĐỐC
Tiền lương chức vụ của giám đốc do cấp có thẩm quyền quyết định, theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện phân hạng xí nghiệp và bảng lương quy định tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
Tiền lương, tiền thưởng của giám đốc do Hội đồng xí nghiệp (hoặc Đại hội công nhân viên chức) xem xét đề nghị cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt căn cứ vào việc hoàn thành nghĩa vụ bảo toàn vốn và hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tổng tiền lương tiền thưởng không được vượt quá ba lần tiền lương, tiền thưởng bình quân thực tế của cán bộ công nhân viên chức trong đơn vị tại cùng thời điểm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc đơn vị sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức hợp lý, tính đơn giá tiền lương sản phẩm (hoặc tỷ lệ tiền lương theo doanh thu hoặc theo kết quả sản xuất kinh doanh) cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất tại đơn vị trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định (hồ sơ trình xét theo biểu mẫu 2, 4, 5 hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước theo phân cấp sau đây:
Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và bộ chủ quản tổ chức xem xét và quyết định mức chi phí tiền lương sản phẩm (hoặc tỷ lệ (%) tiền lương so với doanh thu hoặc theo kết quả sản xuất kinh doanh) đối với những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quy định giá, các sản phẩm, dịch vụ độc quyền và trọng yếu của nền kinh tế (trước mắt danh mục sản phẩm dịch vụ theo phụ lục biểu số 6). Đối với các sản phẩm khác đã phân cấp quyết định đơn giá, có quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu xây dựng lại đơn giá trong trường hợp xét thấy không hợp lý.
Bộ trưởng bộ chủ quản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Căn cứ đặc điểm sản xuất kinh doanh của các đơn vị và yêu cầu quản lý để quyết định đơn giá tiền lương trình duyệt; tổ chức xem xét và quyết định đơn giá tiền lương sản phẩm hoặc tỷ lệ (%) tiền lương trên doanh thu hoặc theo kết quả sản xuất kinh doanh của các sản phẩm hoặc công việc dịch vụ có tính chất truyền thống, tương đối ổn định thuộc quyền quản lý của mình (các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố quy định cụ thể các loại sản phẩm, dịch vụ đó).
Đối với những sản phẩm hoặc công việc dịch vụ còn lại, tỷ lệ (%) tiền lương trên doanh thu hoặc theo kết quả sản xuất kinh doanh do giám đốc quyết định sau khi thông qua Đại hội công nhân viên chức (hoặc Hội đồng xí nghiệp). Chỉ tiêu đơn giá tiền lương cụ thể do đơn vị lựa chọn phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của mình và theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có). Đơn vị có trách nhiệm đăng ký với bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương theo phân cấp quản lý, đồng gửi cơ quan tài chính - lao động - thương binh và xã hội để tổng hợp theo dõi.
2. Trên cơ sở Thông tư này các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, đặc khu tuỳ theo đặc điểm của mình mà tổ chức hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị sản xuất kinh doanh của ngành, địa phương mình.
3. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, tài chính phải thường xuyên theo dõi, phân tích hiệu quả của công tác này, coi trọng cải tiến lề lối làm việc để vừa tôn trọng quyền chủ động sản xuất kinh doanh của cơ sở, vừa làm tốt chức năng quản lý Nhà nước.
4. Định kỳ 6 tháng và hàng năm cơ quan các bộ và địa phương báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính tình hình tiền lương, tiền thưởng của các đơn vị cơ sở thuộc bộ, địa phương để báo cáo Hội đồng Bộ trưởng.
5. Thông tư này áp dụng từ ngày 1 tháng 9 năm 1990 thay thế những điểm tương ứng trong các văn bản trước đây do các bộ, ngành và địa phương ban hành trái với thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, các cơ sở sản xuất dinh doanh nếu có vướng mắc, liên hệ với cơ quan lao động - thương binh và xã hội - tài chính để giải quyết.
Trường hợp cần thiết Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn, bổ sung thêm về những điểm cụ thể theo chức năng của mình.