Sign In

CHỈ THỊ

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 104-HĐBT NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 1982 VỀ VIỆC QUẢN LÝ HỌC SINH VÀ LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở NƯỚC NGOÀI

Những năm qua, Nhà nước ta đã cử hàng vạn cán bộ, công nhân, học sinh sang các nước xã hội chủ nghĩa anh em học tập và lao động. Nói chung anh chị em học tập và làm việc chăm chỉ, cần cù, cầu tiến bộ, có ý thức kỷ luật được các nước anh em đánh giá tốt: nhiều người về nước phục vụ đã trưởng thành, có đóng góp tích cực vào sản xuất, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giảng dạy, phục vụ quốc phòng

Tuy nhiên do công tác tuyển chọn chưa được chặt chẽ, do công tác giáo dục, quản lý ở nước ngoài còn nhiều thiếu sót nên trong một số học sinh và lao động có những biểu hiện không tốt như:

- Chưa có quyết tâm hoài bão vươn lên trình độ khoa học - kỹ thuật cao, trau dồi nghề nghiệp thành thạo.

- Thiếu tinh thần kỷ luật trong học tập và lao động.

- Sinh hoạt không lành mạnh, ham mê ăn chơi, buôn bán kiếm lời.

- Kém tinh thần hữu nghị trong quan hệ với nhân dân nước bạn.

- Thiếu cảnh giác trong khi giao dịch với người nước ngoài.

Trong thời gian tới, thực hiện chính sách hợp tác giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta sẽ còn tiếp tục gửi nhiều người sang học tập và lao động ở các nước anh em.

Yêu cầu đặt ra là:

- Phải làm thật tốt công tác tuyển chọn ở trong nước, xét duyệt kỹ, bảo đảm người được cử đi học, đi lao động có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ trình độ theo quy định đối với từng đối tượng.

- Tăng cường về mọi mặt công tác quản lý học sinh và lao động ở nước ngoài về chính trị tư tưởng, về học tập và lao động về tổ chức và sinh hoạt, nhằm đạt được kết quả tốt về học tập, lao động, phẩm chất đạo đức để về nước phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân nước bạn.

Theo tinh thần trên đây, các cấp, các ngành có liên quan và các Sứ quán Việt Nam ở các nước xã hội chủ nghĩa, phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng công đoàn Việt Nam phải thực hiện ngay những công việc sau đây:

1. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Tổ chức thật tốt việc học tập chính trị, trước mắt là phổ biến nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (theo hướng đẫn của cơ quan tuyên huấn của Đảng), thông qua học tập chính trị mà giáo dục cho học sinh và lao động ta ở nước ngoài ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước, ra sức học tập, lao động và trau dồi nghề nghiệp, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng để có điều kiện phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp cách mạng khi trở về Tổ quốc: hiểu sâu sắc hơn đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước anh em.

Các cơ quan quản lý học sinh và lao động và Sứ quán ta ở nước ngoài phải định kỳ thông báo đều đặn tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta; thông báo kịp thời những thành tích học tập và lao động của học sinh và lao động ta ở nước ngoài; biểu dương, khen thưởng và thông báo kịp thời những gương tốt trong học tập và lao động, đặc biệt khuyến khích và giúp đỡ những người có năng khiếu, gây phong trào thi đua sôi nổi hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và lao động.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, văn hoá, văn nghệ có trách nhiệm cùng với các cơ quan quản lý học sinh và lao động của ta ở nước ngoài bàn bạc để có kế hoạch thông tin tuyên truyền, gửi hoặc xuất khẩu sách, báo, văn hoá phẩm nhằm đối tượng là học sinh và lao động Việt Nam ở ngoài nước.

Tăng cường chế độ sinh hoạt Đảng, đoàn thể trong học sinh và lao động ở nước ngoài để quản lý tốt công tác tư tưởng và lãnh đạo tốt các mặt công tác khác.

2. Về học tập và lao động.

Cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm giúp học sinh và lao động học tập đạt kết quả tốt, nhanh chóng nắm được kiến thức và nghề nghiệp, hoàn thành tốt cam kết về lao động; hết sức coi trọng việc khuyến khích, bồi dưỡng số người giỏi, người có năng khiếu, mặt khác phải kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật.

3. Đi đôi với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên học tập và lao động, cần giải quyết tốt một số vấn đề cụ thể sau đây:

- Vấn đề hôn nhân:

Về pháp lý, nước ta không có điều luật nào cấm công dân kết hôn khi đang học tập và lao động ở nước ngoài, song cần khuyên bảo học sinh và lao động ta tập trung sức lực, trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ học tập và lao động, thực hiện đầy đủ cam kết giữa nước ta và các nước anh em, chuẩn bị điều kiện để về nước cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần giải thích cho mọi người hiểu trong đời sống thực tế còn nhiều khó khăn, việc kết hôn với người nước ngoài không bảo đảm được hạnh phúc lâu bền. Các cơ quan quản lý cần bàn với các đoàn thể rồi công bố rõ chủ trương này cho mọi người hiểu và tự nguyện cam kết trước khi đi học tập và lao động ở nước ngoài. Đối với học sinh đại học và học sinh học nghề thì phải công bố rõ các quy định của Bộ Đại học và Tổng cục Dạy nghề về mặt này.

Tuy xác định chủ trương như trên nhưng nếu trong những người sang hợp tác lao động ở các nước vẫn xảy ra việc xin kết hôn giữa người Việt Nam với nhau thì khuyên họ chỉ nên đính hôn, khi về nước sẽ cưới để tránh trở ngại cho học tập và lao động. Gặp trường hợp anh chị em vẫn xin kết hôn thì Đại sứ quán cần xem xét từng trường hợp cụ thể mới làm thủ tục cho đăng ký kết hôn, và khuyên họ không nên sinh đẻ ở nước ngoài để tránh ảnh hưởng đến học tập và lao động.

Trường hợp xảy ra quan hệ yêu đương giữa người Việt Nam với người nước ngoài mà khuyên bảo can ngăn không được thì giải quyết như sau:

a) Chỉ cho kết hôn sau khi hoàn thành nhiệm vụ lao động.

b) Đối với những trường hợp kết hôn với công dân nước sở tại:

Đại sứ quán nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước sở tại làm thủ tục để đương sự đăng ký kết hôn tại cơ quan chính quyền địa phương. Sau khi đã kết hôn, đương sự có thể xin phép cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vợ hoặc chồng về Việt Nam. Trường hợp đương sự xin ở lại làm ăn sinh sống ở nước sở tại thì phải được cơ quan có thẩm quyền nước đó cho phép và tuỳ trường hợp cụ thể cơ quan cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ cấp giấy chứng nhận cần thiết.

c) Đối với những trường hợp kết hôn với công dân các nước xã hội chủ nghĩa khác cư trú ỏ nước sở tại thì cũng giải quyết như trường hợp học sinh và lao động Việt Nam kết hôn với công dân nước sở tại.

d) Đối với những trường hợp kết hôn với công dân các nước không phải xã hội chủ nghĩa thì Đại sứ quán chỉ được cho phép kết hôn trong trường hợp đã xác minh đối tượng người nước ngoài không phải là phản động hoặc có nghi vấn về chính trị.

- Vấn đề mua sắm và buôn bán.

Cần phân biệt việc lao động và học sinh dùng tiền thu nhập chính đáng để mua sắm những đồ dùng cần thiết cho bản thân và gia đình họ với các hoạt động buôn bán đầu cơ. Nhà nước không cấm việc mua sắm hàng hoá nhưng đòi hỏi lao động và học sinh phải tuân theo những qui định về xuất nhập khẩu của Nhà nước Việt Nam và của nước sở tại.

Nghiêm cấm học sinh và lao động buôn bán, đối với những người vi phạm nghiêm trọng qui chế Hải quan về xuất nhập khẩu của nước ta và nước sở tại thì nhất thiết phải đình chỉ học tập và lao động và đưa về nước xử trí theo pháp luật. Nhà nước sẽ có qui định riêng về vấn đề này.

- Về giao dịch với người nước ngoài.

Học sinh và lao động Việt Nam được tiếp xúc, giao dịch với thầy học, bạn bè và nhân dân nước bạn ( kể cả khi đã về nước ), nhưng trong khi tiếp xúc, giao dịch không được tiết lộ bí mật quốc gia và những vấn đề nội bộ, không được có lời nói, hành động trái với đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng và Chính phủ ta; không được có những hành động vụ lợi cá nhân, thiếu lịch sự, có hại tới danh dự người Việt Nam, đến tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước . Các cơ quan có thẩm quyền ở trong nước và Đại sứ quán cần có qui định cụ thể để quản lý quan hệ giữa học sinh và lao động nước ta với người nước ngoài, và hướng dẫn thực hiện một cách thống nhất.

Đối với những người cố tình vi phạm chế độ quan hệ với người nước ngoài cần xử trí nghiêm minh.

4. Khen thưởng và kỷ luật.

- Những học sinh và lao động đạt thành tích học tập và lao động xuất sắc thì được khen thưởng xứng đáng.

- Những học sinh và lao động phạm những lỗi nghiêm trọng trong học tập, lao động và sinh hoạt thì cần có kỷ luật thích đáng. Các Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Lao động, Tổng cục dạy nghề cùng Bộ ngoại giao cần ban hành những qui định cụ thể về các hình thức khen thưởng và kỷ luật thích hợp. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng sau đây thì thi hành đình chỉ học tập và lao động buộc phải về nước:

1. Có biểu hiện không trung thành với tổ quốc, chống đối chủ nghĩa xã hội; khai man lý lịch chính trị; tiết lộ bí mật quốc gia.

2. Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật học tập và lao động.

3. Gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết nội bộ, đánh nhau gây thương tích đối với người Việt Nam và người nước ngoài.

4. Ăn cắp, buôn bán, ăn chơi sa đoạ, biến chất.

5. Vi phạm nghiêm trọng phong tục tập quán, pháp luật của nước bạn gây ảnh hưởng xấu trong quan hệ giữa ta và bạn, bị đuổi học hoặc bị đình chỉ lao động. Những người phạm kỷ luật phải đình chỉ học tập và lao động, buộc về nước và những người không chịu về nước phục vụ đều phải đền bù phí tổn cho Nhà nước; mức đền bù phí tổn do các Bộ quản lý học sinh hoặc quản lý người lao động quyết định.

5. Về tổ chức quẩn lý học sinh và lao động ở nước ngoài.

Hiện nay số học sinh và lao động Việt Nam sang các nước xã hội chủ nghĩa anh em ngày càng đông. Để quản lý tốt học sinh và lao động ở nước ngoài, các Đại sứ quán và các ngành có liên quan cần coi trọng công tác quản lý trực tiếp ở từng đơn vị cơ sở. Cần lựa chọn đúng người phụ trách đơn vị, chú trọng những người có phẩm chất tốt đã qua rèn luyện trong chiến đấu, sản xuất và công tác quần chúng để có lực lượng nòng cốt trong mỗi đơn vị.

Cần chấn chỉnh bộ phận công tác quản lý học sinh học nghề, lưu học sinh, lao động ở các Sứ quán, lựa chọn những cán bộ có phẩm chất tốt, có trình độ chính trị, có khả năng công tác, kiên quyết thay thế ngay những người không đủ tiêu chuẩn, kém phẩm chất và năng lực. Cần xây dựng quy chế làm việc để bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận công tác dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đại sứ. Bộ Ngoại giao và Ban tổ chức của chính phủ bàn với các ngành liên quan trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định sớm tổ chức bộ máy này ở các Sứ quán.

Trên đây là một số công việc cần thiết phải làm, các Bộ Ngoại giao, Đại học và trung học chuyên nghiệp, Lao động, Tổng cục dạy nghề cùng với Tổng công đoàn Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các ngành liên quan khác cùng xem xét bổ sung hoặc ban hành mới những quy định cần thiết bảo đảm thực hiện tốt chỉ thị này.

 

Tố Hữu

(Đã ký)

Hội đồng Bộ trưởng

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu