Sign In

CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về phát triển công nghiệp
chế biến nông, lâm, thuỷ sản

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực và có hiệu quả vào phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Thiết bị công nghệ dần được đổi mới và cải tạo theo hướng hiện đại và tiên tiến. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến hàng năm có bước tăng trưởng nhanh, chất lượng từng bước được nâng cao, một số sản phẩm đang từng bước chiễm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy nông, lâm, ngư nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, thực tế phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tài: công tác quy hoạch vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến còn nhiều bất cập; đầu tư dàn trải thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiết bị, công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ mới còn hạn chế; trình độ tay nghề công nhân chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh chưa cao; hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chế biến, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tích cực vào việc tiêu thụ sản phẩm cho nông, ngư dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong cả nước, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể và chi tiết cơ sở chế biến, vùng nguyên liệu của từng ngành sản xuất, vùng lãnh thổ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, khai thác lợi thế, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chế biến. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật tiến bộ khoa học và công nghệ mới, thị trường để có điều chỉnh bổ sung quy hoạch, nhằm nâng cao tính khả thi của công tác quy hoạch.

Đối với ngành hàng chưa có quy hoạch phải sớm xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc quy hoạch, đầu tư và xây dựng cơ sở chế biến phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng quy hoạch và từng bước hình thành các cụm, khu công nghiệp chế biến tập trung, để định hướng và thu hút các nhà đầu tư sớm phát huy hiệu quả; đồng thời việc quy hoạch và đầu tư xây dựng phải thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản hướng dẫn các chủ đầu tư lựa chọn công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến phù hợp yêu cầu chất lượng, khả năng cạnh tranh của từng loại nông, lâm, thuỷ sản chế biến.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách nhập khẩu hoặc mua công nghệ đối với một số công nghệ mới, công nghệ cao phù hợp với yêu cầu công nghiệp chế biến một số ngành hàng nông, lâm, thuỷ sản để tạo mô hình và triển khai theo yêu cầu sản xuất; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo tham gia liên doanh, liên kết với cơ sở chế biến nghiên cứu, ứng dụng và cùng hưởng lợi trong triển khai áp dụng khoa học và công nghệ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2004.

3. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thực hiện có hiệu quả Quyết định số 57/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm; chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp tích cực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Tổ chức cung cấp cho nông dân, ngư dân và các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản các thông tin thị trường trong nước và ngoài nước, pháp luật, phong tục, tập quán kinh doanh ở các nước và các tổ chức quốc tế.

4. Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với những ngành nghề phù hợp với quy hoạch chung ngành công nghiệp, kinh tế xã hội từng vùng, từng địa phương.

Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành nghiên cứu chế tạo, cung cấp các thiết bị phục vụ sơ chế; tinh chế nông, lâm, thuỷ sản với chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý và phù hợp với quy mô các vùng nguyên liệu.

Trong quý IV năm 2003 hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Huy động tối đa các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công, tổ chức quản lý tốt, sử dụng hợp lý kinh phí này để hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; nhân nhanh giống có năng suất chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là vùng nguyên liệu sản xuất tập trung cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến. Đa dạng hoá các hình thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đến nông dân.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc sắp xếp và cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cổ phần đầu tư phát triển chế biến nông, lâm, thuỷ sản, nhất là người trồng nguyên liệu tham gia cổ phần.

Chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể phát triển các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ theo quy định tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm huy động tối đa nguồn lực hiện có, tăng tính năng động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phối hợp với Bộ Tài chính hàng năm cân đối nguồn kinh phí phù hợp cho các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nguyên liệu và chế biến nông, lâm, thủy sản, đặc biệt đối với các cơ sở chế biến nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề do các địa phương trực tiếp quản lý.

7. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ: Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Nghiên cứu, hướng dẫn chế độ khấu hao tài sản cố định trong các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản phù hợp với đặc điểm thời vụ có thời gian dừng sản xuất dài hơn thời gian sản xuất.

Bổ sung, điều chỉnh các thủ tục hải quan phù hợp cho việc xuất khẩu sản phẩm chế biến nông, lâm, thuỷ sản.

Phối hợp với Bộ Công nghiệp trình Chính phủ chính sách nhập khẩu thiết bị toàn bộ, theo hướng khuyến khích sử dụng máy và thiết bị chế biến chế tạo trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng.

8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ đề án đào tạo nghề cho phát triển công nghiệp chế biến. Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngân sách phát triển công nghiệp chế biến thông qua công tác đào tạo cán bộ quản lý, công nhân có tay nghề, chuẩn bị tốt nguồn lao động cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

9. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thuỷ sản, Thương mại khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức chỉ đạo thực hiện tại các cơ sở sản xuất, chế biến.

10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế tín dụng phù hợp với đặc điểm thời vụ của ngành công nghiệp chế biến. Tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế vay vốn đầu tư sản xuất nguyên liệu, xây dựng và đưa các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản vào hoạt động.

11. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo các Sở, ban, ngành chức năng trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ:

a. Xây dựng những chính sách ưu đãi riêng, phù hợp với điều kiện từng địa phương để thu hút đầu tư trong và ngoài nước và công nghiệp chế biến. Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao về làm việc tại các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản ở vùng sâu, vùng xa.

b. Chỉ đạo phát triển sản xuất nguyên liệu và chế biến theo đúng quy hoạch. Tổ chức các hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm và tạo điều kiện cho các hội này đủ năng lực hoạt động, nhằm gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến, hạn chế tình trạng sản xuất thừa hoặc thiếu nguyên liệu cho chế biến.

Chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng. Kịp thời giải quyết những vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện các điều khoản của hợp đồng được ký kết giữa các bên.

12. Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chế biến nông, lâm, thuỷ sản cần phát huy vai trò của mình trong việc khai thác các thị trường mới; điều hoà sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên, tránh gây khủng hoảng thừa, thiếu, sốt giá.

Xúc tiến việc tổ chức các hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm từ người sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với nhau và giữa người sản xuất nguyên liệu với các nhà chế biến, tiêu thụ để thống nhất định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng