I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI
1. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức) có quá trình cống hiến lâu dài, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã có thông báo nghỉ hưu và đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng bậc lương cuối cùng cộng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch chuyên viên và tương đương (nhóm A1), ngạch chuyên viên chính và tương đương (nhóm A2) theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
2. Phạm vi áp dụng
Việc thực hiện nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức nói tại khoản 1 mục I Thông tư này được áp dụng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:
- Các cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên;
- Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
- Các Hội và tổ chức phi Chính phủ, được Nhà nước giao biên chế.
3. Đối tượng không áp dụng
a) Việc bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Kiểm toán viên, Giáo sư, Phó Giáo sư và việc xét chuyển loại công chức, viên chức từ loại B, loại C sang loại A (gồm nhóm Ao hoặc A1) và từ loại C sang loại B thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan.
b) Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí.
c) Cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu.
II. NGUYÊN TẮC VÀ TIÊU CHUẨN, ĐIỂU KIỆN XÉT NÂNG NGẠCH
1. Nguyên tắc xét nâng ngạch
a) Bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, rõ ràng;
b) Chỉ thực hiện đối với các ngạch trong cùng ngành chuyên môn nghiệp vụ và chỉ áp dụng nâng lên ngạch trên liền kề.
c. Không kết hợp việc nâng ngạch với nâng bậc lương.
2. Tiêu chuẩn và điều kiện xét nâng ngạch
Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 1 mục I Thông tư này được xét nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:
a) Có cống hiến lâu dài cho sự nghiệp cách mạng, có thời gian công tác liên tục trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, của Đảng, đoàn thể và lực lượng vũ trang (kể cả thanh niên xung phong) từ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
b) Trong quá trình công tác luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao; không bị kỷ luật trong thời gian 10 năm cuối trước khi có thông báo nghỉ hưu;
c) Đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 143/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu;
d) Về trình độ đào tạo:
- Đối với các ngạch công chức phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
- Đối với các ngạch viên chức phải đạt trình độ đào tạo quy định tại tiêu chuẩn chức danh ngạch;
đ) Đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng bậc lương cuối cùng cộng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ.
III. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THẨM QUYỀN XÉT NÂNG NGẠCH
1. Hồ sơ xét nâng ngạch gồm:
a) Đơn đề nghị nâng ngạch của cán bộ, công chức, viên chức (trong đó nêu quá trình công tác; những thành tích, cống hiến trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ);
b) Bản nhận xét quá trình công tác của người đứng đầu cơ quan sử dụng trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức (có xác nhận không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 10 năm cuối trước khi có thông báo nghỉ hưu);
c) Công văn đề nghị xét nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (trong đó nêu rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của người được đề nghị nâng ngạch; chức vụ, chức danh; cơ quan, đơn vị đang công tác; thời gian bắt đầu tham gia công tác trong các cơ quan tổ chức, đơn vị của nhà nước; ngạch công chức hoặc ngạch viên chức đang giữ; thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc % phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng; ngạch, bậc công chức hoặc ngạch, bậc viên chức đề nghị bổ nhiệm và xếp lương);
d) Bản tóm tắt lý lịch, quá trình diễn biến lương và bản chụp Quyết định lương gần nhất.
đ) Bản chụp bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học; các văn bằng, chứng chỉ có liên quan; thông báo nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức.
2. Trình tự xét nâng ngạch: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị xét nâng ngạch của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có văn bản đề nghị (kèm hồ sơ nâng ngạch) gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét (Vụ Tổ chức cán bộ đối với Bộ, ngành hoặc Sở Nội vụ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
3. Thẩm quyền xem xét, quyết định nâng ngạch
a) Về việc bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính và tương đương:
- Đối với cơ quan nhà nước: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, ngành và địa phương) căn cứ vào hồ sơ xét nâng nạch, nếu nhất trí với đề nghị của cơ quan sử dụng cán bộ, công chức thì ra quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với cán bộ, công chức vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương theo phân cấp hiện hành.
- Đối với đơn vị sự nghiệp: Cơ quan, đơn vị được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm ngạch viên chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên chính căn cứ vào hồ sơ xét nâng ngạch, nếu nhất trí với đề nghị của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức thì có công văn báo cáo Bộ, ngành và địa phương xem xét, thống nhất ý kiến. Sau đó, cơ quan, đơn vị được phân cấp mới ra quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với viên chức được xét nâng ngạch.
b) Về việc bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có văn bản đề nghị (có hồ sơ kèm theo) gửi về Bộ Nội vụ để xem xét, quyết định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét và quyết định nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu thuộc cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo trong việc xét nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ vào tháng 12 hàng năm kết quả thực hiện xét nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Bộ Nội vụ kiểm tra việc nâng ngạch ở các Bộ, ngành và địa phương theo quy định tại Thông tư này; yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương hủy bỏ quyết định nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức trái với các quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về hậu quả do việc bàn hành quyết định nâng ngạch trái quy định.
5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thu bảo hiểm xã hội và tính hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức được nâng ngạch và xếp lương theo đúng quy định. Nếu phát hiện việc nâng ngạch cho cán bộ, công chức, viên chức và xếp lương không đúng quy định thì Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo đúng chế độ quy định, sau đó mới giải quyết các quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức (đồng thời gửi Bộ Nội vụ 01 bản để theo dõi).
V. HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Thời điểm hưởng lương ở ngạch mới và để làm cơ sở tính lương hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được nâng ngạch theo hướng dẫn tại Thông tư này quy định trong Quyết định bổ nhiệm ngạch nhưng không sớm hơn thời đểm ra thông báo nghỉ hưu theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 143/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu. Việc xếp bậc và hệ số lương ở ngạch mới thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch và chuyển loại cán bộ, công chức, viên chức.
3. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị của tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội đã có thông báo nghỉ hưu, đang xếp bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch hiện giữ thực hiện việc xét nâng ngạch theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu giải quyết./.