THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh
cho thân nhân sĩ quan tại ngũ
Thi hành Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ, Liên Bộ Quốc phòng - Lao động - Thương binh Xã hội - Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN:
1- Đối tượng và điều kiện áp dụng:
Thân nhân sĩ quan tại ngũ (dưới đây gọi tắt là thân nhân sĩ quan) không có chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) được khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ quy định tại Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ, bao gồm:
a) Bố mẹ đẻ, bố mẹ đẻ của vợ hoặc chồng sĩ quan tại ngũ (gọi tắt là sĩ quan); bố mẹ nuôi, người nuôi dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật của vợ và chồng sĩ quan;
b) Vợ hoặc chồng sĩ quan:
c) Con đẻ, con nuôi (theo quy định của Pháp luật) của sĩ quan dưới 18 tuổi, con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị tàn tật mất khả năng lao động.
2- Những trường hợp không được áp dụng:
a) Thân nhân sĩ quan quy định tại điểm a, b, Khoản 1, Mục 1 nêu trên đã có chế độ BHYT thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;
- Người làm việc trong các cơ quan dân cử;
- Cán bộ cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) hưởng sinh hoạt phí hàng tháng;
- Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945; vợ (hoặc chồng), bố mẹ đẻ, con của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Thương binh người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động 61% trở lên; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; Người hưởng trợ cấp phục vụ và con thứ nhất, thứ hai dưới 18 tuổi của thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên.
- Người làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, kể cả các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; các tổ chức kinh tế thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu chế xuất, khu công nghiệp; tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các đơn vị, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh có mua thẻ BHYT cho nhiều lao động;
- Người đang hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp công nhân cao su hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp xã hội và các đối tượng khác đã được cấp thẻ BHYT.
b) Con đẻ, con nuôi (theo quy định của Pháp luật) của sĩ quan đủ 18 tuổi trở lên không thuộc trường hợp bị tàn tật mất khả năng lao động.
II- MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ VÀ CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG:
1- Mức đóng bảo hiểm y tế:
Mức đóng BHYT cho một thân nhân sĩ quan theo quy định tại Khoản 1, Mục 1 Thông tư này bằng 3% mức tiền lương tối thiểu tại thời điểm mua thẻ BHYT do Bộ Quốc phòng bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước.
2- Chế độ được hưởng:
a) Thân nhân sĩ quan đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT theo quy định trên được lựa chọn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở y tế dân y, quân y và các cơ sở y tế khác có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) theo địa bàn nơi thân nhân sĩ quan cư trú;
Thân nhân sĩ quan được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào cuối mỗi quý theo quy định của BHXH địa phương.
Thân nhân sĩ quan có thẻ BHYT được hưởng quyền lợi về BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Pháp luật về BHYT.
b) Thẻ BHYT được cấp vào cuối năm trước, có giá trị sử dụng trong thời hạn 1 năm; thẻ được cấp bổ sung vào giữa năm có thời hạn sử dụng 6 tháng. Trường hợp một người là thân nhân của nhiều sĩ quan cũng chỉ được cấp 01 thẻ BHYT.
c) Được bảo hiểm xã hội (bảo hiểm y tế) chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá viện phí.
d) Thân nhân sĩ quan quy định tại Khoản 1, Mục 1 Thông tư này thôi hưởng chế độ BHYT từ năm tiếp theo khi sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ hoặc không còn là sĩ quan tại ngũ.
III- HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, CƠ QUAN ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUẢN LÝ, ĐĂNG KÝ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH, CẤP THẺ BHYT
1- Căn cứ cấp thẻ BHYT.
- Bản khai về thân nhân đủ điều kiện hưởng BHYT của sĩ quan có xác nhận của Thủ trưởng cấp Trung đoàn và tương đương trở lên.
- "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" đối với thân nhân sĩ quan (theo quy định tại Mục 1 Thông tư này) do chỉ huy đơn vị quản lý sĩ quan cấp theo quy định tại Khoản 3, Mục này.
2- Trình tự đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, cấp thẻ BHYT.
- Cá nhân sĩ quan làm bản khai về tình hình thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT; đăng ký địa bàn nơi khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân theo quy định của Thông tư này.
- Đơn vị cấp Sư đoàn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố (gọi tắt là BCHQS tỉnh), Trung đoàn, Lữ đoàn độc lập và tương đương căn cứ danh sách thân nhân sĩ quan đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT cấp "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" cho từng thân nhân của sĩ quan để sĩ quan chuyển về cho thân nhân.
- Thân nhân sĩ quan nhận được "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" của sĩ quan gửi về nộp cho BCHQS xã để lập danh sách báo cáo BCHQS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là huyện). BCHQS huyện tổng hợp số lượng thân nhân sĩ quan các xã, ký hợp đồng với BHXH huyện, mua thẻ BHYT và giao thẻ cho BCHQS xã để cấp cho thân nhân sĩ quan.
3- Trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan.
a) Đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan:
- Sĩ quan làm bản khai ban đầu, đăng ký nơi khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân đủ điều kiện được hưởng chế độ BHYT (mẫu số 01); chuyển "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" do đơn vị cấp cho thân nhân để thân nhân nộp cho BCHQS xã.
Trường hợp thân nhân có nhiều sĩ quan tại ngũ thực hiện theo quy định sau:
+ Nếu thân nhân có nhiều con là sĩ quan, thì thân nhân ở với người con nào, người con đó được cấp và chuyển "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" về cho thân nhân; nếu không ở cùng thì theo thứ tự: con trai, con gái, con dâu, con rể; nếu có từ hai con là sĩ quan cùng hàng trở lên thì người con đứng đầu hàng được cấp và chuyển cho thân nhân.
+ Nếu cả bố và mẹ cùng là sĩ quan thì người mẹ được cấp "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" chuyển cho con.
Trường hợp không thực hiện được theo thứ tự quy định trên thì người có điều kiện thuận lợi nhất được cấp "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" để chuyển cho thân nhân phải làm đơn trình bày lý do và có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị mới được giải quyết.
- Sĩ quan báo cáo đơn vị trực tiếp quản lý 6 tháng một lần về tình hình di biến động của thân nhân được hưởng chế độ BHYT (nếu có); phản ánh với đơn vị về việc nhận thẻ BHYT, khám bệnh, chữa bệnh của thân nhân tại địa phương;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của bản khai tình hình thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
b) Đối với đơn vị quản lý sĩ quan
- Thủ trưởng đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương:
+ Tuyên truyền, hướng dẫn sĩ quan làm bản khai, đăng ký địa bàn nơi khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân theo quy định tại Thông tư này;
+ Xác nhận bản khai của sĩ quan về thân nhân được hưởng chế độ BHYT (mẫu 01) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của bản xác nhận đó.
+ Lập danh sách thân nhân sĩ quan đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT (mẫu 02);
+ Tổng hợp số lượng đối với đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm y tế, phân loại đối tượng theo địa bàn (mẫu 03) báo cáo đơn vị cấp trên trực tiếp.
- Cấp Sư đoàn, BCHQS tỉnh, Trung đoàn, Lữ đoàn độc lập và tương đương:
+ Tập hợp danh sách thân nhân sĩ quan được hưởng chế độ BHYT do đơn vị cấp dưới báo cáo;
+ Tổng hợp số lượng đối tượng, phân loại đối tượng theo địa bàn (mẫu 03) báo cáo đơn vị cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân chủnh, Binh chủng, Học viện Nhà trường, Tổng cục… (gọi chung là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng).
+ Cấp "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" cho thân nhân sĩ quan đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT mỗi năm một lần theo quy định (mẫu 04).
- Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:
+ Chỉ đạo, triển khai thực hiện quản lý, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này;
+ Tổng hợp số lượng đối tượng, phân loại đối tượng theo địa bàn (mẫu 03) báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục chính sách);
+ Chỉ đạo các đơn vị địa phương thuộc quyền cấp "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT"; nhận, cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan; thanh quyết toán nguồn kinh phí BHYT theo quy định.
c) Đối với BCHQS huyện
- Tập hợp danh sách thân nhân sĩ quan cấp xã báo cáo, kèm theo "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT", tổng hợp số lượng đối tượng đến cơ quan BHXH huyện hợp đồng, mua thẻ BHYT và giao cho BCHQS xã để cấp cho thân nhân sĩ quan.
- Thanh quyết toán nguồn kinh phí BHYT với cơ quan tài chính cấp trên theo quy định.
- Phối hợp với cơ quan BHXH địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vấn đề vướng mắc, sai sót trong việc nhận, cấp thẻ BHYT và quyền lợi BHYT của thân nhân sĩ quan khi khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài trách nhiệm trên, BCHQS huyện thực hiện các nhiệm vụ như đơn vị quản lý sĩ quan cấp Trung đoàn và tương đương.
d) Đối với BCHQS xã:
- Tập hợp "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" do sĩ quan gửi về cho thân nhân.
- Xử lý các trường hợp do các đơn vị cấp trùng hoặc nhầm lẫn một thân nhân nhận được nhiều "Giấy chứng nhận được hưởng chế độ BHYT" do nhiều sĩ quan gửi về, đảm bảo cho 01 thân nhân được cấp 01 thẻ BHYT.
- Lập danh sách thân nhân sĩ quan được hưởng chế độ BHYT báo cáo BCHQS huyện (mẫu 05); nhận và giao thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan.
đ) Đối với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng:
- Cục Cán bộ:
Chỉ đạo cơ quan cán bộ các cấp căn cứ vào hồ sơ sĩ quan, xác nhận về tình hình sĩ quan và thân nhân sĩ quan.
- Cục Chính sách:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng triển khai việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, nhận và cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan;
+ Tổng hợp số lượng thân nhân sĩ quan đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT, phân loại theo địa bàn cư trú báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt; phối hợp với Cục Tài chính Bộ Quốc phòng lập dự toán, dự kiến phân bổ kinh phí cho các đơn vị và thanh quyết toán nguồn kinh phí BHYT theo quy định;
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan quản lý, kiểm tra, giám sát việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, nhận và cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan tại ngũ.
- Cục Tài chính:
+ Chủ trì phối hợp với Cục chính sách lập dự toán, kịp thời thông báo kinh phí BHYT cho các đơn vị; thanh quyết toán kinh phí BHYT cho thân nhân sĩ quan với Bộ Tài chính theo quy định;
+ Phối hợp kiểm tra theo dõi việc nhận và cấp thẻ BHYT, sử dụng kinh phí cho thân nhân sĩ quan.
- Cục Quân y:
Chỉ đạo các cơ sở y tế trong quân đội đăng ký khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHYT.
c) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo BHYT:
- Tiếp nhận, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan có thẻ BHYT.
- Đảm bảo công bằng, bình đẳng với các đối tượng khám chữa bệnh tại cơ sở theo quy định của pháp luật về BHYT.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Bộ Quốc phòng:
- Chỉ đạo, theo dõi việc quản lý, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan;
- Chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương nhận, cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan kịp thời, chính xác;
- Quản lý nguồn kinh phí để thực hiện BHYT do Nhà nước cấp cho thân nhân sĩ quan và thanh quyết toán với Bộ Tài chính theo quy định.
2- Bộ Tài chính:
Căn cứ dự toán ngân sách được duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ BHYT cho thân nhân sĩ quan và thực hiện quản lý ngân sách theo quy định của pháp luật.
3- Bộ Y tế:
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan theo quy định pháp luật về BHYT.
4- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện BHYT đối với thân nhân sĩ quan.
5- Đối với cơ quan BHXH Việt Nam:
Chỉ đạo cơ quan BHXH các tỉnh hướng dẫn các cơ sở BHXH huyện:
- Cung cấp thông tin về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT;
- Tiếp nhận danh sách và số lượng thân nhân sĩ quan được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, ký hợp đồng, cấp thẻ BHYT cho BCHQS huyện để cấp cho thân nhân sĩ quan.
- Phối hợp các cơ quan quân sự địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giải quyết các vấn đề có liên quan đến cấp thẻ BHYT và khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan.
- Đảm bảo chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá viện phí của thân nhân sĩ quan có thẻ BHYT cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
6- Thời gian đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan:
- Sĩ quan làm bản khai đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân năm sau vào tháng 9 năm trước; bổ sung thân nhân hưởng chế độ BHYT vào tháng 3 hàng năm;
- Thân nhân sĩ quan nhận thẻ BHYT vào tháng 12 năm trước và được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh theo BHYT từ tháng 01 năm sau; thân nhân được bổ sung nhận thẻ vào tháng 6 và hưởng chế độ BHYT từ tháng 7 hàng năm;
7- Kinh phí bảo đảm chế độ BHYT cho thân nhân sĩ quan được cấp từ ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng gồm kinh phí đóng BHYT và lệ phí.
Lệ phí đảm bảo cho việc tổ chức triển khai đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan (bao gồm tuyên truyền, triển khai, in ấn mẫu biểu, lập danh sách, xét duyệt, nhận và cấp thẻ BHYT đến từng thân nhân sĩ quan) được tính bằng 2% tổng kinh phí đóng BHYT cho thân nhân sĩ quan.
8- Những hành vi khai man, xác nhận không đúng sự thật của cá nhân sĩ quan, của chỉ huy đơn vị, địa phương trong triển khai, tổ chức thực hiện Thông tư này đều bị xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định.
9- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và các địa phương phản ảnh về Liên Bộ để xem xét, giải quyết.