THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn định mức và chế độ thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu
__________________________________
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 3/12/2004 và Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
Liên Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đọc xuất bản phẩm lưu chiểu là nhiệm vụ của Cục Xuất bản Bộ Văn hoá - Thông tin và Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều 28 Luật Xuất bản và Điều 13 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản, nhằm kiểm tra nội dung và hình thức của xuất bản phẩm, kiến nghị biện pháp xử lý khi phát hiện xuất bản phẩm vi phạm các quy định pháp luật về xuất bản và đề nghị khen thưởng những xuất bản phẩm có giá trị cao.
2. Phạm vi đọc xuất bản phẩm lưu chiểu:
a. Tác phẩm, tài liệu của nhà xuất bản; tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức trung ương; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam do Cục Xuất bản cấp giấy phép xuất bản.
b. Tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức địa phương, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức trung ương tại địa phương do Sở Văn hoá- Thông tin cấp giấy phép xuất bản.
3. Người đọc xuất bản phẩm lưu chiểu là chuyên viên được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin, cộng tác viên làm việc theo hợp đồng đọc xuất bản phẩm lưu chiểu ký kết với Cục Xuất bản hoặc Sở Văn hoá-Thông tin, có các tiêu chuẩn sau:
a. Đối với chuyên viên được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin:
- Tốt nghiệp đại học phù hợp với loại xuất bản phẩm đọc kiểm tra;
- Là chuyên viên bậc 1 trở lên;
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
b. Đối với cộng tác viên (bao gồm cả người đọc xuất bản phẩm lưu chiểu là chuyên viên của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin không được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản):
- Có trình độ đại học trở lên và có kiến thức về lĩnh vực xuất bản để đọc kiểm tra xuất bản phẩm;
- Có sức khoẻ và thời gian đọc xuất bản phẩm lưu chiểu;
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
4. Quy trình đọc xuất bản phẩm lưu chiểu thực hiện theo Quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm do Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành. Quyền hạn và trách nhiệm của người đọc xuất bản phẩm lưu chiểu thực hiện theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức, Quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm và những quy định trong hợp đồng đọc xuất bản phẩm lưu chiểu.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Định mức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu cho một ngày làm việc của một chuyên viên hoặc một cộng tác viên:
a. Trang sách tính định mức đối với các xuất bản phẩm in trên giấy là trang 14,5 x 20,5 (cm)
Hệ số quy đổi các khổ sách, tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp, lịch các loại theo trang sách tính định mức được tính theo công thức sau:
(Chiều dài) x (chiều rộng của xuất bản phẩm)
H = ------------------------------------------------------
14,5 x 20,5 (cm)
b. Định mức đọc từng loại xuất bản phẩm in trên giấy cho 01 ngày làm việc của chuyên viên và cộng tác viên:
- Sách văn học (kể cả văn học dịch): 90 trang/ngày
- Sách lý luận, chính trị, hướng dẫn thi hành pháp luật, tôn giáo, phê bình văn học: 60 trang/ngày
- Sách văn hoá- xã hội, nghệ thuật và nghiên cứu tâm lý-xã hội; sách tham khảo về khoa học xã hội: 70 trang/ngày
- Sách khoa học-kỹ thuật: 120 trang/ngày
- Sách từ điển, tiếng dân tộc thiểu số, ngoại văn, song ngữ, tra cứu: 40 trang/ngày
- Sách thiếu nhi:
+ Truyện lời: 120 trang/ngày.
+ Truyện tranh: 180 trang/ngày.
- Lịch Bloc: 120 trang/ngày
- Các loại lịch khác, tranh, ảnh, áp-phích, tờ rời, tờ gấp: 150 trang/ngày.
- Bản đồ: 90 trang/ ngày.
- Tài liệu không kinh doanh: 100 trang/ngày.
c. Định mức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu là sách điện tử được tính theo dung lượng âm tiết đối với sách tiếng Việt và dung lượng từ đối với sách tiếng nước ngoài chứa trong xuất bản phẩm đó với mức là 12.000 âm tiết (từ)/ ngày (tương đương với 40 trang sách tính định mức).
d. Định mức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu là băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình có nội dung thay sách hoặc minh hoạ cho sách được tính bằng thời gian mà người đọc lưu chiểu nghe hoặc xem xuất bản phẩm đó trong một ngày làm việc, cụ thể như sau:
- Băng âm thanh, đĩa âm thanh là tiếng Việt: 220 phút/ngày; đối với băng âm thanh, đĩa âm thanh là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại văn, song ngữ: 150 phút/ngày. Thời gian nghe được tính theo thời lượng của băng, đĩa.
- Băng hình, đĩa hình là tiếng Việt: 290 phút/ngày; đối với băng hình, đĩa hình là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại văn, song ngữ: 220 phút/ngày. Thời gian xem được tính theo thời lượng của băng, đĩa.
2. Thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu đối với chuyên viên được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin:
Thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu đối với chuyên viên được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin là khoản thù lao trả thêm ngoài tiền lương tính theo số trang sách tính định mức, số âm tiết, số từ, thời gian xem, nghe vượt định mức quy định trong tháng.
Số trang sách tính định mức, số âm tiết, số từ, thời gian xem, nghe vượt định mức quy định trong tháng = (Số trang sách tính định mức, số âm tiết, số từ, thời gian xem, nghe thực hiện trong tháng) - (Số ngày làm việc thực tế trong tháng x định mức đọc theo ngày quy định tại điểm 1 mục II Thông tư này). Trường hợp trong tháng chuyên viên quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin phải thực thi công việc khác ngoài việc đọc xuất bản phẩm lưu chiểu theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị, thì số ngày đó được trừ vào ngày tính định mức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu.
Số trang sách tính định mức, số âm tiết, số từ, thời gian xem, nghe vượt định mức làm căn cứ tính thù lao đối với một chuyên viên không được vượt quá 1,5 lần định mức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu quy định tại điểm 1 mục II Thông tư này tính trong thời gian một năm của chuyên viên đó.
Mức thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu vượt định mức đối với chuyên viên được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá-Thông tin được quy định như sau:
a. Đối với xuất bản phẩm in trên giấy:
- Sách văn học (kể cả văn học dịch): 817 đồng/trang sách tính định mức;
- Sách lý luận, chính trị, hướng dẫn thi hành pháp luật, tôn giáo: 1.251 đồng/trang sách tính định mức;
- Sách văn hoá - xã hội, nghệ thuật và nghiên cứu tâm lý - xã hội; sách tham khảo về khoa học xã hội: 1.072 đồng/trang sách tính định mức;
- Sách khoa học-kỹ thuật: 626 đồng/trang sách tính định mức;
- Sách từ điển, tiếng dân tộc thiểu số, ngoại văn, song ngữ, tra cứu: 1.878 đồng/trang sách tính định mức;
- Sách thiếu nhi:
+ Truyện lời: 626 đồng/trang sách tính định mức;
+ Truyện tranh: 417 đồng/trang sách tính định mức;
- Lịch bloc: 626 đồng/trang sách tính định mức;
- Các loại lịch khác, tranh, ảnh, áp-phích, tờ rời, tờ gấp: 500 đồng/trang sách tính định mức;
- Bản đồ: 874 đồng/trang sách tính định mức;
- Tài liệu không kinh doanh: 751 đồng/trang sách tính định mức.
b. Đối với sách điện tử: 6,1 đồng/âm tiết (từ).
c. Đối với băng âm thanh, đĩa âm thanh là tiếng Việt: 417 đồng/phút; đối với băng âm thanh, đĩa âm thanh là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại văn, song ngữ: 627 đồng/phút (tính theo thời lượng băng, đĩa).
d. Đối với băng hình, đĩa hình là tiếng Việt: 314 đồng/phút; đối với băng hình, đĩa hình là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại văn, song ngữ: 417 đồng/phút (tính theo thời lượng băng, đĩa).
3. Thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu đối với cộng tác viên:
Cộng tác viên đọc, nghe, xem xuất bản phẩm lưu chiểu được hưởng thù lao theo số trang sách tính định mức thực tế nhân với mức thù lao quy định tại điểm 2, mục II Thông tư này. Nhưng số trang sách, số âm tiết, số từ, thời gian xem, nghe thực tế làm căn cứ tính thù lao đối với một cộng tác viên không vượt quá 2,5 lần định mức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu quy định tại điểm 1, mục II Thông tư này.
4. Điều chỉnh mức thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu:
Mức thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu được liên Bộ xem xét điều chỉnh khi phát sinh sự bất hợp lý hoặc có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương, tiền công và giá cả thị trường.
5. Nguồn kinh phí chi trả thù lao và trách nhiệm quản lý kinh phí đọc xuất bản phẩm lưu chiểu:
Kinh phí thực hiện nhiệm vụ đọc xuất bản phẩm lưu chiểu được bố trí trong dự toán chi ngân sách sự nghiệp văn hoá hàng năm của Bộ Văn hoá - Thông tin và Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Văn hoá - Thông tin và Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm quản lý chặt chẽ kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đảm bảo thực hiện có hiệu quả chế độ thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu quy định tại Thông tư này.
6. Phương thức thanh toán và hồ sơ thanh toán thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu:
6.1. Đối với chuyên viên quản lý xuất bản của Cục Xuất bản và Sở Văn hoá -Thông tin:
a. Phương thức thanh toán:
Thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu vượt định mức được thanh toán hàng tháng. Trường hợp trong tháng chuyên viên quản lý xuất bản đọc không đạt định mức, thì số trang còn thiếu so với định mức trong tháng được cộng vào định mức để tính thù lao của tháng sau.
b. Hồ sơ thanh toán gồm:
- Bảng kê thanh toán đọc xuất bản phẩm lưu chiểu trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 1);
- Bản sao Phiếu đọc xuất bản phẩm trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 3);
- Số ngày thực thi công vụ khác (được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt).
6.2. Đối với cộng tác viên:
a. Phương thức thanh toán:
Thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu được thanh toán hàng tháng trên cơ sở số trang xuất bản phẩm đọc trong tháng.
b. Hồ sơ thanh toán gồm :
- Bảng kê thanh toán đọc xuất bản phẩm lưu chiểu trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 2);
- Bản sao Phiếu đọc xuất bản phẩm trong tháng (theo mẫu Phụ lục số 3).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Mức chi thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. Thủ trưởng Cục Xuất bản và Sở Văn hoá- Thông tin căn cứ vào khả năng ngân sách và tình hình thực tế của đơn vị để duyệt chi trả thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu.
2. Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chế độ thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu theo quy định tại Thông tư này.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh mới hoặc khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời báo cáo về liên bộ để phối hợp giải quyết./.