QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020
_______________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 5 năm 2009 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
A. Mục tiêu chung
Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
B. Mục tiêu cụ thể
1. Giai đoạn 2010 - 2015
a) Xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội, tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội; áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức công tác xã hội;
b) Xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội;
c) Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định;
d) Xây dựng tối thiểu 10 mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các khu vực, vùng, miền trong phạm vi toàn quốc;
đ) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp;
e) Xây dựng, hoàn chỉnh chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học công tác xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội;
g) Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội.
2. Giai đoạn 2016 - 2020
a) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và theo nhóm đối tượng; xây dựng, ban hành mới và tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan để tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội;
b) Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%; hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
c) Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp;
d) Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
đ) Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
1. Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội
a) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội và thủ tục giải quyết việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng, tước quyền chăm sóc của các đối tượng trong trường hợp phụ nữ, trẻ em và đối tượng khác bị xâm hại, bị bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Ban hành mã số ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội;
c) Ban hành tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội;
d) Ban hành tiêu chuẩn, qui trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
đ) Nghiên cứu, áp dụng ngạch, bậc lương viên chức công tác xã hội phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, bảo đảm tương quan giữa các ngành nghề;
e) Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, bao gồm: cơ sở bảo trợ xã hội; trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội; trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; cơ sở tham vấn, tư vấn theo nhóm đối tượng của công tác xã hội là người già, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV/AIDS, người tâm thần, người nghiện ma tuý và các đối tượng khác;
g) Nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách mở rộng các dịch vụ công tác xã hội trợ giúp các đối tượng theo hướng linh hoạt và gia tăng mức trợ giúp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
2. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội
a) Nghiên cứu, quy hoạch và phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo hướng gắn kết giữa các cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập với các cơ sở bảo trợ xã hội do tổ chức, cá nhân được phép thành lập; giữa trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội với hệ thống bảo trợ xã hội;
b) Giai đoạn 2010 - 2015, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ nhân rộng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố; trường đại học, trường nghề để cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có vấn đề xã hội.
Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội là mô hình mới, do Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho phép thành lập trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức chính trị - xã hội và cử cán bộ quản lý, điều hành.
Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm: ngân sách nhà nước hỗ trợ, nguồn thu từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cho chương trình, dự án trong nước và quốc tế; đóng góp tự nguyện của đối tượng; hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng, trang bị ban đầu cho Trung tâm trong thời gian triển khai thí điểm.
c) Tăng số lượng cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã, các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các trường đại học có đào tạo về công tác xã hội và cán bộ nhân viên công tác xã hội hoạt động độc lập;
d) Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, gồm:
- Đào tạo, đào tạo lại cho 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học (bình quân 3.500 người/năm);
- Tập huấn kỹ năng cho 25.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội (bình quân 2.500 người/năm).
3. Xây dựng, hoàn thiện chương trình khung, nội dung đào tạo và dạy nghề công tác xã hội
a) Xây dựng và ban hành chương trình khung, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội bảo đảm liên thông với đào tạo đại học nghề công tác xã hội;
b) Xây dựng, hoàn thiện chương trình khung, giáo trình đào tạo cử nhân, sau đại học về công tác xã hội;
c) Hỗ trợ các khoa có đào tạo công tác xã hội tại các cơ sở đào tạo;
d) Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội.
4. Tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nghề công tác xã hội.
III. CÁC GIẢI PHÁP
1. Rà soát các quy định của văn bản quy phạm pháp luật để xem xét sửa đổi, bổ sung ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển nghề công tác xã hội.
2. Điều tra, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; các đối tượng và dịch vụ công tác xã hội để lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại về công tác xã hội. Nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về nghề công tác xã hội, phục vụ yêu cầu chỉ đạo, quản lý.
3. Tăng cường giám sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội bảo đảm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các chính sách, pháp luật về công tác xã hội.
4. Thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp với tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và các dịch vụ xã hội.
5. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi Chính phủ về cả 3 lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để phát triển nghề công tác xã hội.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 2.347,4 tỷ đồng, gồm:
1. Ngân sách Nhà nước:
a) Ngân sách Trung ương bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 590,4 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ địa phương 180 tỷ đồng.
b) Ngân sách địa phương: 1.715 tỷ đồng.
2. Vốn ODA và các nguồn viện trợ quốc tế khoảng 42 tỷ đồng.
Điều 2. Phân công trách nhiệm các Bộ, ngành
1. Bộ Lao động - Thương và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội; điều phối các hoạt động của Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên; quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề công tác xã hội; xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình đào tạo nghề công tác xã hội đến trình độ cao đẳng; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, qui trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; giám sát các hoạt động của Đề án.
2. Bộ Nội vụ có trách nhiệm ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội; nghiên cứu áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với viên chức công tác xã hội; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các Trung tâm tư vấn và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ công tác xã hội; nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và thiết lập mạng lưới viên chức công tác xã hội trong các trường học.
4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển nghề công tác xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
5. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan Trung ương và các địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề công tác xã hội.
7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án; nghiên cứu, xây dựng ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để phát triển nghề công tác xã hội.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu nhằm cụ thể hoá Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án trên địa bàn tỉnh, thành phố;
c) Bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án.
9. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về nghề công tác xã hội; tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2010.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.