Sign In

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 168/HĐBT NGÀY 26-12-1981
VỀ VIỆC THÀNH LẬP PHÔNG LƯU TRỮ QUỐC TRỮ
CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ yêu cầu quản lý và sử dụng hồ sơ tài liệu lưu trữ trong cả nước;

Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay thành lập Phông lưu trữ quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam) nhằm giữ gìn, quản lý thống nhất và khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của quốc gia, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tế của các cơ quan và nhân dân.

Điều 2.- Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là khối toàn bộ tài liệu có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội, lịch sử... của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không kể thời gian, văn tự, chế độ xã hội, xuất xứ, nơi bảo quản, phương pháp và kỹ thuật làm ra. Đó là tài sản xã hội chủ nghĩa hết sức quan trọng và quý giá, mọi cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chu đáo.

Điều 3.- Thành phần của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm bản chính (hoặc bản sao có giá trị như bản chính) của các văn kiện; tài liệu khoa học kỹ thuật (dự án, đồ án, thiết kế, bản vẽ, bản đồ, công trình nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, luận án tốt nghiệp...); tài liệu chuyên môn (sổ sách, thống kê, biểu báo, hồ sơ nhân sự...); bản thảo, bản nháp các tác phẩm văn học, nghệ thuật; âm bản và dương bản các bộ phim, các bức ảnh, mi-crô-phim; tài liệu ghi âm, khuôn đúc đĩa; sổ công tác, nhật ký, hồi ký; tranh vẽ hoặc in và tài liệu viết tay để tuyên truyền, cổ động, kêu gọi; sách báo nội bộ và tài liệu khác... hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, đoàn thể, tổ chức, trong các thời kỳ lịch sử của xã hội Việt Nam; các bút tích có ý nghĩa lịch sử, văn hoá của các tập thể, gia đình, cá nhân điển hình, tiêu biểu trên các mặt trong các thời kỳ lịch sử đã được Nhà nước quản lý.

Điều 4.- Hồ sơ, tài liệu của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam do Cục Lưu trữ quản lý thống nhất và được bảo quản trong các kho lưu trữ trung ương và địa phương.

Các cơ quan lưu trữ ở trung ương và của các ngành, các cấp cần được kiện toàn và tăng cường để đảm đương nhiệm vụ.

Điều 5.- Các tài liệu của Phông lưu trữ quốc gia cần được công bố, giới thiệu cho các cơ quan, cán bộ và nhân dân khai thác, nghiên cứu, sử dụng, trừ các tài liệu bí mật có chế độ khai thác riêng.

Người nước ngoài được nghiên cứu tài liệu của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo quy chế riêng.

Chỉ có Cục Lưu trữ mới được công bố các hồ sơ, tài liệu của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Điều 6.- Cơ quan hay cá nhân sử dụng tài liệu của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam để dẫn chứng phải ghi rõ xuất xứ của tài liệu, nếu dùng để biên soạn tác phẩm thì khi xuất bản phải nộp lưu một bản cho cơ quan lưu trữ nơi mình đã khai thác tài liệu.

Điều 7.- Không ai được tự tiện mang tài liệu của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam ra khỏi biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8.- Cục trưởng Cục Lưu trữ quy định và hướng dẫn việc đưa tài liệu vào Phông lưu trữ quốc gia, việc đánh giá giá trị các tài liệu cần bảo quản và loại ra những tài liệu có thể tiêu huỷ. Đối với hồ sơ, tài liệu lưu trữ từ năm 1954 trở về trước không được tiêu huỷ.

Điều 9.- Đồng chí chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành quyết định này.

Điều 10.- Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Hội đồng Bộ trưởng

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu