Sign In

THÔNG TƯ

Về một số vấn đề Quản lý Nhà nước đối với Đại Chủng Viện

của Giáo hội công giáo Việt Nam

Căn cứ Điều 18, Điều 29 Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo;

Ban Tôn giáo của Chính phủ hướng dẫn một số vấn đề quản lý Nhà nước đối với các Đại chủng viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam như sau:

I. Phạm vi, đối tượng áp dụng tại thông tư này là

Những Đại Chủng viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép thành lập.

Tổ chức, cá nhân được Giáo hội giao trách nhiệm quản lý điều hành và giảng dạy tại Đại Chủng viện.

Những công dân Việt Nam vào học trong các Đại Chủng viện.

II. Trách nhiệm của Giáo hội

1- Các Đại Chủng viện đã được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép thành lập, hoạt động theo quy chế, nội dung, chương trình, mục đích đào tạo đã được nhà nước chấp thuận và chịu sự quản lý của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có Đại Chủng viện.

2- Các Đại Chủng viện được chiêu sinh 2 năm một khoá, thời gian học chính khoá là 6 năm tại trường và một năm thực tập. Số lượng chủng sinh cho mỗi lần chiêu sinh do Giám đốc Đại Chủng viện đề nghị và được Trưởng ban Ban Tôn giáo của Chính phủ chấp thuận.

Trước khi chiêu sinh mỗi khoá, Giám đốc Đại Chủng viện Căn cứ số lượng ứng sinh mà giám mục từng giáo phận đã xin với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận để lập kế hoạch đào tạo, dự kiến số lượng chủng sinh cho cả khoá, báo cáo Ban Tôn giáo của Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Đại Chủng viện đóng trên địa bàn.

3- Nội dung giảng dạy trong Đại Chủng viện không được trái với chính sách luật pháp của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4- Môn Giáo dục Công dân là một trong những môn học chính khoá trong chương trình đào tạo của Đại Chủng viện.

5- Giám đốc Đại Chủng viện do Giám mục Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về linh mục, tu sĩ, chủng sinh giới thiệu và được Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ chấp thuận.

6- Giảng viên dạy trong các Đại Chủng viện phải là công dân Việt Nam, chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, có trình độ, khả năng đảm nhận nhiệm vụ được giao, được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Trường hợp thiếu giảng viên, các Đại Chủng viện được mời giảng viên thỉnh giảng từ các địa phương khác đến giảng nhưng phải được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi giảng viên đó thường trú đồng ý và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý Đại Chủng viện chấp thuận.

7- Tiêu chuẩn ứng sinh học Đại Chủng viện :

a) Là công dân Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân.

b) Lý lịch rõ ràng được Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi đăng ký thường trú xác nhận.

c) Đã tốt nghiệp từ bậc phổ thông trung học trở lên (có văn bằng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp).

8- Trước kỳ thực tập Giám đốc Đại Chủng viện gửi danh sách và dự kiến địa điểm chủng sinh sẽ đến thực tập cho Ban Tôn giáo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Đại Chủng viện đóng trên địa bàn và Ban Tôn giáo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi chủng sinh đến thực tập.

Toà giám mục sở tại báo cáo với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi chủng sinh sẽ đến thực tập về chương trình, nội dung thực tập để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận.

9- Kết thúc khoá học Giám đốc Đại Chủng viện báo cáo kết quả đào tạo với Ban Tôn giáo của Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Đại Chủng viện đóng trên địa bàn. Đồng thời thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính cần thiết để chuyển chủng sinh về nơi thường trú trước khi vào học Đại Chủng viện.

III. Trách nhiệm của các cơ quan chính quyền ở địa phương

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đại chủng viện đóng trên địa bàn có trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động của đại chủng viện, định kỳ kiểm tra việc thực hiện quy chế, chương trình, nội dung giảng dạy, ra văn bản chấp thuận nhân sự giảng viên và các hoạt động khác của Đại Chủng viện.

Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan có trách nhiệm xét duyệt ứng sinh vào Đại Chủng viện và chủng sinh đi thực tập theo đề nghị của Giám đốc Đại Chủng viện và giám mục sở tại, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Đại chủng viện trong các hoạt động khác liên quan đến Đại Chủng viện.

Ban Tôn giáo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm :

a) Căn cứ Quyết định cho phép chiêu sinh của Ban Tôn giáo của Chính phủ và hồ sơ ứng sinh mà Toà Giám mục gửi đến, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh làm tham mưu cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét ra văn bản chấp thuận cho ứng sinh thuộc địa bàn đi học Đại Chủng viện.

b) Thông báo quyết định chấp thuận chủng sinh vào học Đại Chủng viện của ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho Toà Giám mục sở tại.

Đối với các tỉnh không có Đại Chủng viện thì thông báo cho Toà giám mục có chủng sinh được nhập học, đồng thời thông báo cho Ban Tôn giáo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Đại Chủng viện biết.

c) Căn cứ hồ sơ và đơn xin chủng sinh đi thực tập của Giám đốc Đại Chủng viện và Toà Giám mục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt chấp thuận

3. Ngoài những trách nhiệm trên, Ban Tôn giáo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Đại Chủng viện còn đảm nhiệm một số việc sau :

a) Tiếp nhận hồ sơ và các văn bản có liên quan đến Đại Chủng viện, báo cáo Ban Tôn giáo của Chính phủ xem xét ra văn bản cho phép Đại Chủng viện chiêu sinh.

b) Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt, ra văn bản chấp thuận giảng viên Đại Chủng viện thuộc tỉnh quản lý và phối hợp với Ban Tôn giáo của của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về các thủ tục đối với giảng viên thỉnh giảng.

c) Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo xem xét về nội dung, chương trình và giảng viên Môn Giáo dục Công dân.

Ban Tôn giáo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các ngành chức năng của địa phương giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý hoạt động của Đại Chủng viện theo những quy định tại Thông tư này. Nếu có những vấn đề vướng mắc hoặc mới phát sinh, kịp thời báo cáo Ban Tôn giáo của Chính phủ biết để xử lý.

Ban Tôn giáo của Chính phủ

Bộ trưởng (Trưởng ban)

(Đã ký)

 

Lê Quang Vịnh