NGHỊ QUYẾT
Hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân
|
|
1/01/clip_image001.gif" width="177" /> |
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Việc tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền
1. Hội đồng nhân dân quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Hội đồng nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong kế hoạch cần nêu rõ số lượng các kỳ họp thường lệ, dự kiến thời gian tổ chức, nội dung của từng kỳ họp và các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Số lượng các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân ít nhất là 02 kỳ họp hoặc nhiều hơn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu thực tế của địa phương.
Trong quá trình thực hiện, theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan, Thường trực Hội đồng nhân dân có thể đề nghị Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh kế hoạch để bổ sung các kỳ họp thường lệ trong năm.
2. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định. Số lượng các kỳ họp bất thường, thời điểm tổ chức kỳ họp bất thường theo yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh tại địa phương.
Tại kỳ họp bất thường, Hội đồng nhân dân có thể xem xét, quyết định 01 hoặc nhiều nội dung theo thẩm quyền. Việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo trình tự, thủ tục như tại kỳ họp thường lệ.
Điều 2. Kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu
1. Trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ, khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân bất thường.
2. Văn bản yêu cầu phải nêu lý do, có chữ ký, họ tên, địa chỉ của đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Quyết định triệu tập kỳ họp bất thường phải được gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Dự kiến chương trình kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân phải được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Điều 3. Đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển công tác
1. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi quyết định chuyển công tác của đại biểu Hội đồng nhân dân ra khỏi đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải thông báo đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất, thông báo đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri nơi bầu ra đại biểu đó biết việc chuyển công tác của đại biểu.
Điều 4. Chuyển sinh hoạt Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Khi đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chuyển công tác hoặc nơi cư trú đến địa phương khác trong cùng đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu đó có thể chuyển sinh hoạt Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân từ nơi mình đang sinh hoạt đến Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân nơi mình công tác hoặc cư trú.
2. Đại biểu Hội đồng nhân dân gửi đơn chuyển sinh hoạt Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc chuyển sinh hoạt Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân của đại biểu và thông báo đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân nơi đại biểu chuyển đi và nơi đại biểu chuyển đến.
Điều 5. Việc sử dụng con dấu của Hội đồng nhân dân và chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân được sử dụng con dấu của Hội đồng nhân dân cùng cấp trong các văn bản của mình.
2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân là cơ sở xác nhận tính pháp lý của văn bản do Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ban hành.
Điều 6. Tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã phân công đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri tại thôn, tổ dân phố và giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tiếp nhận thông tin, trao đổi, thảo luận tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã.
Điều 7. Thư ký kỳ họp Hội đồng nhân dân
1. Công tác thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện.
Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã lựa chọn 01 hoặc 02 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để thực hiện công tác thư ký kỳ họp và báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị (nếu có) hoặc tại phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
2. Công tác thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân bao gồm các nội dung sau đây:
a) Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;
b) Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;
c) Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tại cuộc họp Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Giúp Chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện quy trình, thủ tục tại kỳ họp, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp;
đ) Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tọa kỳ họp.
Điều 8. Phân công Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân
1. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện thì Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp phân công 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
2. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã thì Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã bị xử lý kỷ luật và cấp có thẩm quyền đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định việc giao Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
Điều 9. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Căn cứ vào chương trình giám sát, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện hoạt động giám sát theo sự phân công của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc chủ động thực hiện quyền giám sát theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Hội đồng nhân dân.
2. Trường hợp Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát theo thẩm quyền thì Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch và thành phần tham gia giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 10. Phê chuẩn và cho thôi Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân
1. Trưởng Ban Hội đồng nhân dân dự kiến danh sách Ủy viên của Ban trình Thường trực Hội đồng nhân dân phê chuẩn. Việc dự kiến và phê chuẩn danh sách Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân căn cứ vào chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, vị trí công tác của mỗi đại biểu, yêu cầu về số lượng, cơ cấu của từng Ban và nguyện vọng của đại biểu.
2. Việc cho thôi làm Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân do Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân trình Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2019.
2. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.