THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg ngày 09/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật ngành văn hóa - thông tin
___________________________________
Căn cứ Quyết định số 180/2006/QĐ - TTg ngày 09/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật ngành văn hóa - thông tin; Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau.
Phần I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
I. PHẠM VI ÁP DỤNG:
Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Nhà nước, bao gồm:
1. Các Nhà hát thuộc các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương;
2. Các Đoàn nghệ thuật thuộc các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề:
Lao động biểu diễn nghệ thuật (diễn viên) được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thuộc phạm vi áp dụng tại Thông tư này là diễn viên trong chỉ tiêu biên chế được giao, trực tiếp tham gia tập luyện, biểu diễn, bao gồm: diễn viên múa, tuồng, nhạc hơi, xiếc, nhạc kịch, vũ kịch, rối nước, cải lương, chèo, múa rối, hát mới, dân ca, kịch, nhạc dây, nhạc gõ, được xếp lương các ngạch diễn viên theo các mã số sau:
a) 17.157 (Diễn viên hạng I);
b) 17.158 (Diễn viên hạng II);
c) 17.159 (Diễn viên hạng III).
2. Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn:
a) Diễn viên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 mục II phần I nói trên;
b) Chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn, xếp lương theo các ngạch mang hai chữ số đầu 17 như đạo diễn, biên đạo múa, hoạ sĩ;
c) Diễn viên đóng vai phụ, người phục vụ tập luyện, biểu diễn và các nhân viên khác (kể cả trưởng, phó đoàn và cấp dưỡng).
3. Đối tượng không áp dụng:
Đối tượng quy định tại khoản 1 mục II phần I nêu trên không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trong thời gian sau:
a) Thời gian đi công tác, làm việc ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
b) Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm chuyên môn biểu diễn nghệ thuật liên tục trên 3 tháng;
c) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
d) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội hiện hành và Luật Bảo hiểm xã hội;
đ) Thời gian bị đình chỉ công tác;
h) Thời gian không trực tiếp làm công tác biểu diễn nghệ thuật mà làm công việc khác từ 1 tháng trở lên.
Phần II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. MỨC PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ, NGUỒN KINH PHÍ VÀ PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ:
1. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề:
a) Mức 20% được tính trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), áp dụng đối với diễn viên múa, tuồng, nhạc hơi, xiếc, nhạc kịch, vũ kịch, rối nước;
b) Mức 15% được tính trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), áp dụng đối với diễn viên cải lương, chèo, múa rối (rối cạn, rối bóng), hát mới, dân ca, kịch, nhạc dây, nhạc gõ.
2. Nguồn kinh phí, cách tính và phương thức chi trả:
a) Nguồn kinh phí:
Kinh phí chi trả phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lao động biểu diễn nghệ thuật (diễn viên) được trích từ nguồn thu biểu diễn.
Đối với những đơn vị nghệ thuật biểu diễn tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động hoặc được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, nếu không cân đối được thì ngân sách Nhà nước xem xét hỗ trợ.
b) Cách tính:
Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), được xác định theo công thức sau:
Phụ ấp ưu đãi theo nghề được hưởng
|
=
|
Mức lương tối thiểu chung
|
x
|
Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy ra hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
|
x
|
Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng theo quy định
|
c) Phương thức chi trả:
Phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lao động biểu diễn nghệ thuật (diễn viên) được trả cùng tiền lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
II. BỒI DƯỠNG TẬP LUYỆN VÀ BỒI DƯỠNG BIỂU DIỄN:
1. Mức và đối tượng được hưởng bồi dưỡng tập luyện:
a) Mức 20.000 đồng/ngày: áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính trong các vở diễn; diễn viên chính trong các chương trình ca múa nhạc, xiếc và múa rối;
b) Mức 15.000 đồng/ngày: áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính thứ trong các vở diễn; diễn viên chính thứ trong các chương trình ca múa nhạc; diễn viên xiếc và múa rối trong vai chính thứ;
c) Mức 10.000 đồng/ngày: áp dụng đối với diễn viên đóng vai phụ trong các vở diễn, diễn viên phụ trong các chương trình ca múa nhạc, xiếc, múa rối và người phục vụ cho tập luyện.
2. Mức và đối tượng được hưởng bồi dưỡng biểu diễn:
a) Mức 50.000 đồng/buổi diễn: áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính trong các vở diễn; diễn viên chính trong các chương trình ca múa nhạc, xiếc, múa rối; chỉ đạo nghệ thuật trong buổi diễn;
b) Mức 40.000 đồng/buổi diễn: áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính thứ trong các vở diễn; diễn viên chính thứ trong các chương trình ca múa nhạc, xiếc, múa rối;
c) Mức 20.000 đồng/buổi diễn: áp dụng đối với diễn viên phụ trong các chương trình hoặc vở diễn; người phục vụ cho biểu diễn và các nhân viên khác (kể cả trưởng, phó đoàn, cấp dưỡng).
Đối với trường hợp kiêm nhiệm thì chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng biểu diễn cao nhất của nhiệm vụ được giao.
3. Nguồn kinh phí và phương thức chi trả bồi dưỡng tập luyện, bồi dưỡng biểu diễn:
a) Nguồn kinh phí:
Nguồn kinh phí chi trả bồi dưỡng tập luyện và bồi dưỡng biểu diễn được trích từ nguồn thu biểu diễn và trích từ tiền chi dựng chương trình, vở diễn.
b) Phương thức chi trả:
- Bồi dưỡng tập luyện, bồi dưỡng biểu diễn được trả theo ngày tập luyện hoặc buổi biểu diễn và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Khi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị thì Nhà nước đài thọ toàn bộ khoản chi bồi dưỡng tập luyện và bồi dưỡng biểu diễn đối với các đối tượng được hưởng theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các đơn vị hàng năm có nguồn thu biểu diễn sau khi thực hiện đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, nếu có khả năng tài chính thì được xem xét vận dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, bồi dưỡng tập luyện và bồi dưỡng biểu diễn đối với diễn viên hợp đồng và bồi dưỡng thêm cho diễn viên trong biên chế.
Phần III
HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 52/1999/TTLB-BTCCBCP-BTC-BVHTT ngày 22 tháng 11 năm 1999 của Liên tịch Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện Quyết định số 174/1999/QĐ-TTg ngày 23/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật ngành văn hóa - thông tin.
2. Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính hưởng từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đồng thời với thôi hưởng chế độ phụ cấp thanh sắc quy định tại Quyết định 174/1999/QĐ-TTg.
3. Chế độ bồi dưỡng tập luyện và bồi dưỡng biểu diễn được thực hiện theo Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg ngày 09/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghệ thuật biểu diễn;
- Căn cứ vào nguồn thu biểu diễn để tính trả phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng tập luyện, bồi dưỡng biểu diễn theo quy định tại Thông tư này.
- Lập kế hoạch tập luyện, biểu diễn và kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm theo quy định của chế độ quản lý tài chính hiện hành. Đối với chương trình biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao thực hiện (nếu có) phải lập dự toán cụ thể các khoản chi bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn gửi cơ quan tài chính theo phân cấp ngân sách làm căn cứ để xem xét hỗ trợ kinh phí.
Việc xác định địa bàn miền núi thực hiện theo quy định của Uỷ ban Dân tộc; địa bàn hải đảo theo thực tế địa lý; địa bàn vùng sâu, vùng xa tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn sau khi có ý kiến thống nhất của Liên Bộ.
5. Đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý có hướng dẫn riêng sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hoá - Thông tin để phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.