• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/02/2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 01/2001/TT-TCHQ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 2 năm 2001

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thủ tục Hải Quan với đồ dùng, hành lý xuất nhập khẩu,

phương tiện đi lại của chuyên gia nước ngoài quy định tại quyết định số 211/1998/QĐ-TTG ngày 31/10/1998

của thủ tướng Chính Phủ

__________________________

- Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/2/1990;

- Căn cứ Nghị định số 17/CP ngày 06/02/1995 và Nghị định số 79/1998/NĐ-CP ngày 29/9/1998 của Chính phủ ban hành tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam;

- Căn cứ Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan;

- Căn cứ Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg ngày 31/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Quyết định số 211/1998/QĐ-TTG).

Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục hải quan đối với việc tạm nhập - tái xuất phương tiện, hành lý, đồ dùng cá nhân của chuyên gia ODA và người thân như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Thông tư này áp dụng đối với nhứng chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Chuyên gia nước ngoài (dưới đây gọi tắt là chuyên gia) là những người được quy định tại Khoản 6, Điều 5 Quy chế chuyên gia nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg (dưới đây gọi tắt là Quy chế) và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2000/TT-BKH ngày 12/01/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Việc miễn thuế, truy thu thuế đối với đồ dùng, hành lý, phương tiện của chuyên gia và người thân được quy định cụ thể tại Điều 7 Quy chế và hướng dẫn tại Thông tư số 52/2000/TT-BTC ngày 05/6/2000 của Bộ Tài chính.

3. Hành lý cá nhân được miễn thuế theo quy định tại các Nghị định số 17/CP ngày 06/2/1995 và Nghị định số 79/1998/NĐ-CP ngày 29/9/1998 của Chính phủ. Các miễn trừ quy định tại Khoản 1, Điều 7 Quy chế là dành cho chuyên gia. Người thân của chuyên gia chỉ được cùng hưởng miễn trừ theo chuyên gia, không được hưởng các ưu đãi đó với tư cách độc lập riêng của mình.

4. Cơ quan Hải quan chỉ cấp giấy phép tạm nhập khẩu miễn thuế đối với xe ô tô và xe gắn máy của chuyên gia, còn các loại đồ dùng, vật dụng, hành lý cá nhân của chuyên gia và người thân được nhập khẩu miễn thuế theo các Phụ lục I và Phụ lục II của Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg (đình kèm Thông tư này) làm thủ tục hải quan ngay tại cửa khẩu, không cấp giấy phép.

II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI VIỆC TẠM NHẬP - TÁI XUẤT PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI VÀ ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN
CỦA CHUYÊN GIA

1. Thủ tục hải quan tạm nhập xe ô tô, xe gắn máy:

a/ Điều kiện được tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy (không áp dụng đối với người thân của chuyên gia):

- Chuyên gia được phép lưu trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên.

Chuyên gia được nhập khẩu xe thay thế trong trường hợp xe bị tai nạn quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 7 Quy chế hoặc chuyên gia làm việc ở Việt Nam từ 03 năm trở lên theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 7 Quy chế nếu thời gian làm việc ở Việt Nam còn từ 06 tháng trở lên. Trước khi tạm nhập xe thay thế, phải tái xuất hoặc chuyển nhượng chiếc xe đã được tạm nhập theo quy định tại điểm 2 và điểm 3 dưới đây.

- Xe ôtô mới, dưới 12 chỗ ngồi, tay lái thuận (bên trái xe), xe gắn máy mới, có dung tích xi lanh dưới 175 cm3. Việc tạm nhập xe đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

b/ Hồ sơ:

- Chuyên gia có đơn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có chương trình dự án ODA hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố thuận tiện với nội dung như sau:

+ Tên chuyên gia, số hộ chiếu, quốc tịch.

+ Tên chương trình, dự án tại Việt Nam, thời gian công tác tại Việt Nam.

+ Nhãn hiệu và các thông số kỹ thuật của xe.

+ Cửa khẩu nhập.

+ Xuất trình các chứng từ nhập khẩu liên quan đến xe.

- Văn bản xác nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Trường hợp tạm nhập xe thay thế theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 7 Quy chế thì chuyên gia phải nộp thêm văn bản xác nhận xe bị tai nạn của các cơ quan Công an, Bảo hiểm, đăng kiểm Việt Nam.

- Trường hợp nhập khẩu xe thay thế theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 7 Quy chế, chuyên gia phải có đơn đề nghị và văn bản xác nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đơn đề nghị cần ghi rõ thời gian công tác ở Việt Nam. Ngoài ra, chuyên gia còn phải nộp thêm các chứng từ về tái xuất hoặc chuyển nhượng xe đã tạm nhập.

c/ Thủ tục hải quan tạm nhập xe ôtô, xe gắn máy:

- Thủ tục cấp giấy phép: Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Căn cứ hồ sơ trên để cấp giấy phép tạm nhập xe miễn thuế. Giấy phép tạm nhập xe ôtô, xe gắn máy cấp cho chuyên gia được lập thành 03 bản (01 bản lưu tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép, 02 bản giao chủ hàng để nộp Hải quan cửa khẩu nhập khẩu (01 bản) và làm thủ tục đăng ký lưu hành xe tại cơ quan Công an (01 bản)).

- Tại cửa khẩu: Khi làm thủ tục tạm nhập khẩu xe, Hải quan cửa khẩu hướng dẫn chủ hàng làm 03 tờ khai hải quan (01 bản lưu tại Hải quan cửa khẩu, 01 bản chủ xe làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan Công an, 01 bản chủ xe giữ lại để nộp cho Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục tái xuất xe - bản này Hải quan cửa khẩu ghi rõ "Dùng cho tái xuất").

- Trường hợp tại tỉnh, thành phố không có tổ chức Hải quan thì chuyên gia có thể đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố thuận tiện nhất để được cấp giấy phép.

2. Thủ tục tái xuất xe ô tô, xe gắn máy:

Khi tái xuất xe, chuyên gia không phải xin giấy phép mà làm thủ tục trực tiếp tại cửa khẩu xuất.

Hồ sơ gồm:     

- Tờ khai hải quan tạm nhập xe.

- Giấy chứng nhận xoá sổ đăng ký xe do cơ quan Công an cấp (đối với xe ôtô).

Sau khi xe đã tái xuất xe, trong thời gian 10 ngày, Hải quan cửa khẩu xuất có trách nhiệm thông báo Cục Hải quan tỉnh, thành phố (nơi cấp giấy phép tạm nhập) để thanh khoản giấy phép tạm nhập.

3. Thủ tục chuyển nhượng xe ôtô, xe gắn máy:

a/ Xe ôtô, xe gắn máy của chuyên gia được chuyển nhượng trong trường hợp:

- Xe bị hư hỏng do tại nạn quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 7 Quy chế.

- Trường hợp chuyên gia được nhập khẩu xe thay thế quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 7 Quy chế.

- Chuyên gia hết thời hạn làm việc tại Việt Nam.

b/ Thủ tục kê khai, nộp thuế: chuyên gia phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính theo quy định trước khi chuyển nhượng.

- Chỉ được chuyển nhượng sau khi có giấy phép của cơ quan Hải quan.

- Khi xin phép chuyển nhượng chuyên gia phải có đơn gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập ôtô, xe gắn máy, nêu rõ lý do chuyển nhượng. Không chấp nhận đơn xin chuyển nhượng của người mua xe (trừ trường hợp quy định tại điểm 3.c dưới đây thì cả người bán, người mua đều phải có đơn).

c/ Nếu các chuyên gia cùng đối tượng của Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg chuyển nhượng xe cho nhau hoặc cho các đối tượng được ưu đãi miễn trừ theo quy định của Nhà nước Việt Nam thì được miễn các loại thuế. Người bán phải làm thủ tục theo quy định tại điểm 3 này. Người mua phải làm thủ tục như nhập khẩu xe từ nước ngoài (kê khai, xác nhận về thân phận, tiêu chuẩn).

d/ Thủ tục chuyển nhượng xe thực hiện theo đúng quy trình chuyển nhượng xe do Tổng cục Hải quan ban hành.

4. Thủ tục hải quan đối với hành lý cá nhân, đồ gia dụng:

a/ Chuyên gia và người thân xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu Việt Nam được miễn các loại thuế đối với đồ dùng và tư trang cá nhân theo tiêu chuẩn hành lý miễn thuế quy định tại Phụ lục I của Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg (đính kèm theo Thông tư này) và làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu.

Trường hợp mang theo hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá quản lý chuyên ngành thì phải thực hiện theo quy định đối với hàng hoá này của Nhà nước.

b/ Chuyên gia lưu trú ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên được nhập khẩu miễn các loại thuế đối với đồ gia dụng với số lượng và chủng loại quy định tại Phụ lục II của Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg (đính kèm Thông tư này) và làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu. Để được miễn thuế đối với các vật dụng này, chuyên gia phải có văn bản xác nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 08/1998/TT-TCHQ ngày 16/11/1998; văn bản số hủy ngày 03/8/2000 của Tổng cục Hải quan.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng trường cao đẳng Hải quan và các đối tượng liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Phó Tổng cục trưởng

(Đã ký)

 

Đặng Văn Tạo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.