THÔNG TƯ
LIÊN BỘ LÂM NGHIỆP- QUỐC PHÒNG NGÀY 8 THÁNG 7 NĂM 1989 VỀ TỔ CHỨC CHO CÁC LỰC LƯỢNG QUÂN ĐỘI
THAM GIA LÀM NGHỀ RỪNG
Rừng và đất rừng giữ một vị trí quan trọng về kinh tế văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng, có tác dụng bảo vệ môi sinh môi trường và cung cấp sản phẩm cho toàn xã hội.
Bộ Lâm nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng, có trách nhiệm tổ chức quản lý bảo vệ vốn rừng, tổ chức cho các lực lượng, mọi thành phần kinh tế tham gia làm nghề rừng.
Quân đội là một lực lượng có tổ chức kỷ luật và lao động dồi dào, có nhu cầu về gỗ và lâm sản, có nhiều khả năng đóng góp phát triển vốn rừng, và có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ bảo vệ rừng trong đơn vị mình và tham gia công tác bảo vệ rừng ở địa phương.
Để kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và để tổ chức cho các lực lượng quân đội tham gia làm nghề rừng có kết quả, hai Bộ Lâm nghiệp - Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể như sau:
I. NHỮNG NỘI DUNG CÔNG VIỆC QUÂN ĐỘI THAM GIA
LÀM NGHỀ RỪNG:
Các đơn vị quân đội tham gia làm nghề rừng theo các nội dung công việc sau đây:
1. Trồng cây gây rừng bao gồm rừng gỗ, củi để tự túc tại chỗ, rừng nguyên liệu công nghiệp, rừng đặc sản xuất khẩu trồng cây phân tán và thực hiện nông - lâm kết hợp.
2. Tham gia quản lý bảo vệ rừng, làm giàu vốn rừng, được giao quản lý một số diện tích rừng làm nhiệm vụ quốc phòng theo quy hoạch Nhà nước.
3. Khai thác gỗ, lâm sản theo chương trình điều chế, theo quy trình quy phạm kỹ thuật do Bộ Lâm nghiệp ban hành và theo quy hoạch, kế hoạch, pháp luật Nhà nước.
4. Chế biến gỗ, lâm sản đặc sản rừng.
5. Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nghề rừng.
II. PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC QUÂN ĐỘI LÀM NGHỀ RỪNG
Các đơn vị quân đội tham gia theo các phương thức sau đây:
1. Các đơn vị quân đội chuyên xây dựng kinh tế:
Những đơn vị quân đội làm kinh tế chuyên nghiệp được tổ chức nhận đất nhận rừng để xây dựng thành các lâm trường.
Các lâm trường do quân đội quản lý ngoài những nhiệm vụ riêng quân đội còn có chức năng chung như các lâm trường quốc doanh theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng về cơ chế quản lý kinh tế đối với các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp và các quy định khác của Nhà nước liên quan đến chức năng nhiệm vụ của lâm trường quốc doanh.
2. Các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức làm nghề rừng trên diện tích đất đai do quân đội quản lý tại địa điểm đóng quân ổn định lâu dài và ngoài khu vực đóng quân.
Tuỳ quy mô để chọn tổ chức hợp lý gọn nhẹ trong đơn vị, quân đội để chuyên làm các khâu trồng, nuôi dưỡng rừng, nông lâm kết hợp và chế biến lâm sản.
3. Liên doanh liên kết với các đơn vị lâm nghiệp.
Những đơn vị quân đội có năng lực có thể liên doanh liên kết với các đơn vị lâm nghiệp để quản lý bảo vệ rừng, trồngcây gây rừng, mở đường vận tải lâm sản, xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác chế biến lâm sản, đặc sản rừng.
Đơn vị liên kết (Bên B) được các đơn vị lâm nghiệp (Bên A) thanh toán chi phí sản xuất bằng tiền hoặc sản phẩm theo hợp đồng kinh tế và bên B được sử dụng và lưu thông sản phẩm đó theo chế độ, chính sách và thủ tục luật pháp quy định.
4. Cá nhân và gia đình cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội có thể nhận đất trống đồi trọc không hạn chế để trồng rừng và tiến hành nông - lâm kết hợp.
III. NHỮNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
Việc tổ chức huy động các đơn vị quân đội tham gia làm lâm nghiệp được thực hiện theo các chính sách sau:
1. Chính sách giao đất giao rừng cho đơn vị quân đội sản xuất kinh doanh.
Dựa vào quy hoạch về rừng và đất rừng trên phạm vi cả nước và cụ thể trên từng địa bàn, căn cứ vào Luật đất đai và các quy định pháp lý của Nhà nước để thực hiện chính sách giao đất giao rừng theo các đối tượng sau:
- Đối với đơn vị quân đội có điều kiện thành lập lâm trường thì xây dựng phương án điều chế rừng và luận chứng kinh tế - kỹ thuật của lâm trường để làm căn cứ giao rừng và đất rừng kinh doanh theo quy mô.
+ Lâm trường kinh doanh đặc sản có diện tích tối đa: 5000 ha.
+ LT kinh doanh nguyên liệu công nghiệp tối đa: 10.000 ha
+ LT kinh doanh gỗ lớn tối đa: 15.000 - 20.000 ha.
- Đối với các đơn vị quân đội có địa điểm đóng quân ổn định ngoài việc tận dụng hết diện tích đã được cấp, trên địa điểm đóng quân để trồng cây gây rừng: có thể được xét giao đất giao rừng theo chế độ hiện hành.
- Đối với các hộ gia đình quân nhân có thể nhận đất trống đồi trọc kinh doanh theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách đối với kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh nông lâm ngư nghiệp.
2. Chính sách về quyền chủ động sản xuất kinh doanh của các đơn vị quân đội có tư cách pháp nhân làm nghề rừng.
- Được thực hiện: Quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh theo Quyết định 217-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được vay vốn Ngân hàng để sản xuất kinh doanh, chế độ thu nộp và sử dụng tiền nuôi rừng hiện hành.
- Tiêu thụ sản phẩm:
Sản phẩm rừng do quân đội trồng sử dụng tại chỗ cho bản thân quân đội được miễn nộp tiền nuôi rừng và các khoản nộp khác.
Nếu sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường thì phải thực hiện các nghĩa vụ nộp Ngân sách theo chế độ hiện hành.
Các đơn vị quân đội tham gia trồng rừng nguyên liệu trên diện tích đất thuộc quy hoạch của vùng nguyên liệu (nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ...) thì được hưởng mọi chính sách hiện hành theo vùng nguyên liệu đó. Được mua các vật tư thiết bị chuyên dùng lâm nghiệp như các lâm trường quốc doanh.
3. Chính sách hỗ trợ dịch vụ về quy hoạch, giống, thiết bị chuyên dùng theo khả năng của ngành lâm nghiệp.
Các đơn vị quân đội thường trực sẵn sàng chiến đấu được hỗ trợ về khoa học-kỹ thuật, quy hoạch, thiết kế, giống cây rừng.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA HAI BỘ LÂM NGHIỆP - QUỐC PHÒNG
A. BỘ LÂM NGHIỆP CÓ TRÁCH NHIỆM:
1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương để tiến hành quy hoạch các khu vực rừng, đất rừng giao cho quân đội sản xuất kinh doanh.
2. Hướng dẫn các địa phương và đơn vị lâm nghiệp giao đất giao rừng cho các đơn vị quân đội, nếu các đơn vị quân đội, tổ chức thành các lâm trường thì Bộ Lâm nghiệp duyệt phương án điều chế rừng và Luận chứng kinh tế kỹ thuật của lâm trường (Theo Nghị quyết 52-HĐBT ngày 23-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý lâm trường quốc doanh).
3. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung để ban hành hoặc trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những chính sách cần thiết để động viên khuyến khích các lực lượng quân đội làm nghề rừng và kiểm tra các địa phương và đơn vị lâm nghiệp thực hiện chính sách đó.
4. Hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trong ngành lâm nghiệp thực hiện các dịch vụ về khoa học kỹ thuật cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn phòng chống cháy, phòng trừ sâu bệnh, đào tạo cán bộ chuyên môn và các dịch vụ khác để khuyến khích đơn vị quân đội làm nghề rừng.
5. Hướng dẫn chế độ thống kê và kế toán tài chính cho các đơn vị quân đội làm nghề rừng để thực hiện.
B. BỘ QUỐC PHÒNG CÓ TRÁCH NHIỆM:
1. Bộ Quốc phòng chủ trì cùng Bộ Lâm nghiệp và các địa phương quy hoạch tổng thể về diện tích rừng và đất rừng giao cho các đơn vị quân đội làm chủ rừng để sản xuất kinh doanh.
2. Từng kỳ kế hoạch, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch lâm nghiệp do các đơnvị quân đội thực hiện gửi cho Bộ Lâm nghiệp để tổng hợp vào kế hoạch ngành trong cả nước. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ theo chế độ Nhà nước.
3. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm nhân dân thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh bảo vệ rừng và các chế độ quy trình quy phạm lâm nghiệp trong các đơn vị quân đội.
4. Có phương án tổ chức sắp xếp các đơn vị quân đội sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Phân công một đầu mối thống nhất để giúp Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý đối với đơn vị quân đội làm nghề rừng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện các đơn vị Lâm nghiệp - Quốc phòng kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc để hai Bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời.