Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí

Căn cứ Nghị định số 95-CP ngày 27 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ về việc thu một phần viện phí, Nghị định số 33/CP ngày 23/5/1995 của Chính phủ sửa đổi điểm 1 Điều 6 của Nghị định 95/CP, Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động - Thương binh và xã hội - Ban vật giá Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện 3 Nghị định trên về việc thu một phân viện phí như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ THU MỘT PHẦN VIỆN PHÍ:

1. Một phần viện phí là một phần trong tổng chi phí cho việc khám, chữa bệnh. Một phần viện phí chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, hoá chất, xét nghiệm, phim X quang, vật tư tiêu hao thiết yếu và dịch vụ khám, chữa bệnh; không tính khấu hao tài sản cố định, chi phí sửa chữa thường xuyên, chi phí hành chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn.

2. Đối với người bệnh ngoại trú, biểu giá thu một phần viện phí được tính theo lần khám bệnh và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh trực tiếp sử dụng.

3. Đối với người bệnh nội trú, biểu giá thu một phần viện phí được tính theo ngày giường nội trú của từng chuyên khoa theo phân hạng bệnh viện và các khoản chi phí thực tế sử dụng trực tiếp cho người bệnh bao gồm: tiền thuốc, máu, dịch truyền, xét nghiệm, phim X quang và thuốc cản quang.

II. ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ MIỄN NỘP MỘT PHẦN VIỆN PHÍ:

A. Đối tượng nộp một phần viện phí:

1. Người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), người không thuộc đối tượng miễn nộp một phần viện phí.

2. Người có thẻ BHYT nhưng muốn khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu riêng.

3. Người thuộc đối tượng miễn một phần viện phí nhưng muốn khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu riêng.

B. Đối tượng được miễn nộp một phần viện phí:

1. Trẻ em dưới 6 tuổi.

2. Người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phong, bệnh lao phổi.

3. Người bệnh ở các xã được Uỷ ban Dân tộc và miền núi công nhận là vùng cao.

4. Đồng bào đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới trong thời gian 3 năm kể từ khi đến.

5. Người tàn tật, trẻ mồ côi, người già yếu không nơi nương tựa và người bệnh thuộc diện quá nghèo được phòng Lao động thương binh và xã hội của quận, huyện cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm kể từ ngày cấp.

6. Người được cấp thẻ "Khám, chữa bệnh miễn phí" do hiến các cơ quan của cơ thể.

C. Người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cơ quan BHYT thanh toán một phần viện phí với các cơ sở khám, chữa bệnh

D. Các đối tượng sau đây được Nhà nước cấp kinh phí để cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý trực tiếp mua thẻ bảo hiểm y tế, khi khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan BHYT thanh toán một phần viện phí với các cơ sở khám, chữa bệnh.

1. Cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945 đang hưởng sinh hoạt phí hàng tháng.

2. Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động do thương tật từ 21% trở lên.

3. Bệnh binh bị mất sức lao động do bệnh tật từ 41% trở lên.

4. Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

5. Người được hưởng trợ cấp phục vụ và con thứ nhất, thứ hai dưới 18 tuổi của thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên.

6. Người có công giúp đỡ cách mạng trước 19/8/1945 được hưởng trợ cấp hàng tháng.

7. Người bị địch bắt kết án tù do hoạt động cách mạng có giấy chứng nhận theo qui định.

8. Bà mẹ được phong danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

9. Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động,

10. Người có công nuôi liệt sĩ được hưởng trợ cấp hàng tháng.

11. Những người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

12. Công nhân cao su nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định số 206/CP ngày 30/5/1971 của Hội đồng Chính phủ quy định về trợ cấp đối với công nhân cao su nghỉ việc.

Mức đóng BHYT của các đối tượng theo qui định tại mục D, phần II của thông tư này là 3% mức lương tối thiểu hiện hành.

III. CÁCH TÍNH GIÁ MỘT PHẦN VIỆN PHÍ:

A. Đối với người bệnh ngoại trú:

Biểu giá được tính cho một lần khám bệnh và từng loại dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu, chụp X. quang, thủ thuật điều trị, tiền thuốc mà người bệnh đã được phục vụ.

Các loại dịch vụ kỹ thuật bao gồm: các loại thủ thuật, tiểu thủ thuật áp dụng trong chẩn đoán và điều trị theo các chuyên khoa.

Các xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm Sinh hoá, xét nghiệm Huyết học, xét nghiệm Vi sinh vật, xét nghiệm Giải phẫu bệnh lý, Điện sinh học và chẩn đoán hình ảnh.

Nội dung tính giá cho một lần khám bệnh và từng loại dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm bao gồm: vật tư tiêu hao, hoá chất, phim X quang, thuốc cản quang và một phần các chi phí cần thiết khác để thực hiện dịch vụ đó.

B. Đối với người bệnh nội trú:

1. Tiền thu một phần viện phí đồi với người bệnh nội trú bao gồm các khoản như sau:

a)Tiền ngày giường bệnh bao gồm: một phần vật tư tiêu hao thông dụng và một phần chi phí thường xuyên cần thiết cho việc khám bệnh chữa bệnh và chăm sóc người bệnh.

b) Tiền chi phí thực tế sử dụng trực tiếp cho người bệnh bao gồm: thuốc, máu, dịch truyền, xét nghiệm, phim X quang và thuốc cản quang.

2. Ngày giường bệnh tại điểm a khoản 1 mục B phần III nêu trên được phân loại như sau:

a) Ngày điều trị Hồi sức cấp cứu và đẻ:

Là ngày nằm điều trị của người bệnh tại các khoa Hồi sức tăng cương, ngày đẻ và 2 ngày theo dõi sau đẻ.

b) Ngày điều trị nội khoa:

Là ngày nằm điều trị nội khoa của người bệnh tại các khoa, phòng trong bệnh viện, gồm 3 loại như sau:

- Loại 1: Bao gồm các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Thần kinh, Nhi, Tiêu hoá, Thận học; ngày thứ 3 sau đẻ trở đi và ngày điều trị ngoại khoa sau mổ kể từ ngày thứ 11 trở đi.

- Loại 2: Bao gồm các khoa: Cơ-Xương-Khớp, Da liễu, Dị ứng, Tai-mũi-họng, Mắt, Răng-hàm-mặt, Ngoại, Phụ sản không mổ.

- Loại 3: Tại các khoa: Đông y, Phục hồi chức năng.

c) Ngày điều trị ngoại khoa và bỏng:

Là ngày nằm điều trị của người bệnh sau khi có can thiệp ngoại khoa và điều trị bỏng, bao gồm 4 loại như sau:

- Loại 1: Sau các phẫu thuật loại đặc biệt; Bỏng độ 3-4 trên 70%.

- Loại 2: Sau các phẫu thuật loại 1; Bỏng độ 3-4 từ 25% - 70%.

- Loại 3: Sau các phẫu thuật loại 2; Bỏng độ 2 trên 30%, Bỏng độ 3-4 dưới 25%.

- Loại 4: Sau các phẫu thuật loại 3; Bỏng độ 1, Bỏng độ 2 dưới 30%.

(việc phân loại phẫu thuật được áp dụng theo Thông tư số 21/BYT-TT ngày 28-7-1981 của Bộ Y tế).

3. Cách tính ngày điều trị nội trú của người bệnh như sau: lấy ngày ra viện trừ ngày vào viện. Nếu người bệnh vào và ra viện trong cùng ngày thì tính là 1 ngày.

C. Giá thu cụ thể:

1. Liên Bộ ban hành tạm thời "Khung giá một phần viện phí" kèm theo Thông tư này để áp dụng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

2. Để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức thu nhập bình quân hiện nay của từng vùng có sự khác nhau, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành biểu giá của địa phương mình; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành biểu giá cho các bệnh viện và Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện thuộc các Bộ, các Ngành khác nhưng mức giá phải nằm trong khung giá do Liên bộ ban hành kèm theo Thông tư này

3. Đối với những dịch vụ khám, chữa bệnh cụ thể chưa được qui định khung giá như trong phần A "Khung giá khám bệnh và kiểm tra sức khoẻ" và phần C "Khung giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm" của khung giá ban hành kèm Thông tư này thì căn cứ vào khung giá của những dịch vụ tương đương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Bộ trưởng Bộ y tế tạm thời quy định, sau đó Bộ Y tế phải tập hợp danh mục các dịch vụ này để đề nghị Liên Bộ xem xét bổ sung.

4. Trong trường hợp chỉ số giá cả biến động cần phải điều chỉnh khung giá cho phù hợp, Liên Bộ uỷ quyền cho Bộ Y tế hướng dẫn lại khung giá thu một phần viện phí sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ.

IV. HÌNH THỨC THU MỘT PHẦN VIỆN PHÍ:

A. Đối với người bệnh ngoại trú:

Thu theo biểu giá qui định cho một lần khám bệnh và từng loại dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu, chụp X quang và thuốc cản quang... mà người bệnh đã được phục vụ.

Mức thu một lần khám bệnh và các dịch vụ, xét nghiệm... theo khung giá quy định tại phần A: "Khung giá khám bệnh và kiểm tra sức khoẻ" và Phần C: "Khung giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm", ban hành kèm theo Thông tư này.

B. Đối với người bệnh nội trú: tiền thu gồm 2 phần như sau:

1. Tiền ngày giường bệnh: Bằng tổng số ngày nằm điều trị nội trú nhân với giá áp dụng cho từng loại giường của từng chuyên khoa như quy định trong Phần B1: "Khung giá một ngày giường bệnh".

2. Tiền chi phí thực tế sử dụng trực tiếp cho người bệnh: bao gồm: tiền thuốc, dịch truyền, máu, các xét nghiệm, phim X quang, thuốc cản quang được sử dụng trong quá trình điều trị.

Tiền thuốc, dịch truyền, thuốc cản quang tính theo giá nhập của bệnh viện. Tiền máu thu theo giá quy định hiện hành. Tiền xét nghiệm, chụp phim X quang theo khung giá quy định tại phần C: "Khung giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm", ban hành kèm theo Thông tư này.

Để giảm bớt khó khăn cho người bị bệnh nặng phải chi phí thực tế nhiều mà không đủ khả năng đóng góp thì tổng số tiền của 2 khoản thu (1) và (2) nêu trên không được vượt quá tổng số tiền tính theo giá quy định tại Phần B2: "Bảng giá tối đa cho một ngày điều trị nội trú" (lấy giá theo từng loại ngày điều trị trong bảng giá này nhân với số ngày điều trị nội trú của người bệnh). Trong trường hợp người bệnh tự nguyện điều trị theo yêu cầu thì phải thanh toán đầy đủ theo chi phí thực tế.

C. Người bệnh thuộc đối tượng phải nộp một phần viện phí sẽ nộp trực tiếp tiền viện phí cho bệnh viện.

D. Người bệnh có thẻ BHYT: do cơ quan BHYT thanh toán với bệnh viện toàn bộ tiền chi phí thực tế và tiền ngày giường bệnh theo biểu giá viện phí áp dụng tại mỗi bệnh viện

E. Trường hợp người bệnh sau phẫu thuật phải nằm điều trị dài ngày thì kể từ ngày thứ 11 trở đi, phần tiền ngày giường bệnh sẽ thu theo biểu giá của ngày giường Nội khoa loại 1, Phần B1: "Khung giá một ngày giường bệnh".

F. Trường hợp người bệnh nội trú nhưng cần khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện khác theo chỉ định của bác sĩ điều trị thì thực hiện như sau:

1. Nếu người bệnh thuộc diện nộp một phần viện phí: thì sẽ thanh toán trực tiếp cho bệnh viện nơi đến khám và điều trị ngoại trú.

2. Nếu người bệnh có thẻ BHYT: cơ quan BHYT sẽ thanh toán cho bệnh viện nơi đến khám và điều trị ngoại trú.

3. Nếu người bệnh thuộc diện miễn một phần viện phí quy định tại điểm B phần II của Thông tư này thì không phải trả tiền.

G. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (gọi chung là Bệnh viện) có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thuốc, dịch truyền, máu, hoá chất, xét nghiệm, phim X quang, thuốc cản quang và vật tư tiêu hao thiết yếu cho người bệnh. Riêng thuốc theo Danh mục thuốc chủ yếu không để người bệnh tự mua theo quyết định do Bộ Y tế ban hành.

V. PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG TIỀN MỘT PHẦN VIỆN PHÍ THU ĐƯỢC

Khoản thu một phần viện phí, kể cả tiền viện phí do cơ quan Bảo hiểm y tế thanh toán cho người bệnh là nguồn thu của ngân sách Nhà nước, được để lại cho đơn vị sử dụng theo qui định sau:

1. 70% sử dụng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thu khoản viện phí đó để bổ sung kinh phí mua thuốc, dịch truyền, máu, hoá chất, phim X quang, vật tư, dụng cụ y tế, kể cả quần áo, chăn, màn, giường, chiếu và vật tư rẻ tiền mau hỏng phục vụ người bệnh kịp thời.

2. 30% được sử dụng như sau:

a) 25%-28% dùng để khen thưởng cho những CBCNV có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ người bệnh tận tình.

b) 2%-5% còn lại chuyển về cơ quan chủ quản (các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Bộ Y tế; Bệnh viện của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chuyển về Sở Y tế; Bệnh viện của các ngành chuyển về Bộ, ngành chủ quản) để thành lập quỹ hỗ trợ cho các Bệnh viện không có điều kiện thu viện phí và khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác khám chữa bệnh.

Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các Bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn quy chế khen thưởng và quy định cụ thể mức chuyển tiền về cơ quan chủ quản đối với từng loại hình bệnh viện.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các bệnh viện phải tổ chức bộ phận thu tiền viện phí riêng do phòng tài chính - kế toán thực hiện. Tại nơi thu viện phí phải treo biển và niêm yết giá một phần viện phí để người bệnh biết. Các khoa, phòng khác của bệnh viện không được tổ chức thu tiền của người bệnh dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Các khoa, phòng của bệnh viện phải tổ chức theo dõi, ghi chép đầy đủ, chính xác các chi phí và ngày nằm điều trị của từng người bệnh tại khoa, phòng để làm cơ sở thanh toán khi ra viện.

3. Giao cho Giám đốc bệnh viện quy định và chịu trách nhiệm việc thực hiện thu tạm ứng trước tiền viện phí khi người bệnh vào điều trị nội trú theo các mức phù hợp với từng nhóm bệnh, nhưng không được vì khoản thu này mà trì hoãn việc tiếp nhận, cấp cứu hay điều trị cho người bệnh.

4. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm xem xét giải quyết miễn nộp toàn bộ một phần viện phí đối với những người bệnh thuộc đối tượng được miễn nộp một phần viện phí quy định tại mục B phần II của Thông tư này và miễn phần tiền ngày giường bệnh quy định tại khoản 1 mục B phần IV của Thông tư này đối với những người bệnh không nằm trong diện được miễn nộp nhưng thực khó khăn, không có khả năng đóng đủ một phần viện phí.

5. Hoạch toán kế toán - báo cáo thống kê:

Số tiền thu một phần viện phí được hạch toán vào mục 13 "Thu viện phí".

Các khoản chi được hạch toán như sau: khoản chi 70% được hạch toán vào mục 74 "Chi công cụ phí" và mục 75 "Chi nghiệp vụ phí"; khoản chi 25%-28% được hạch toán vào mục 69 "Chi khen thưởng"; Khoản chi 2%-5% được hạch toán vào mục 97 "Khoản trích 2% - 5% viện phí (kể cả bảo hiểm y tế) nộp cơ quan chủ quản cấp trên" theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

Việc thu tiền viện phí phải sử dụng hoá đơn, biên lai theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành. Phải mở sổ sách theo dõi đầy đủ chính xác kịp thời số tiền viện phí thu được.

Các bệnh viện phải mở tài khoản viện phí tại kho bạc Nhà nước cùng cấp. Ít nhất 5 ngày một lần, các BV phải nộp số dư vượt mức tồn quỹ quy định vào tài khoản viện phí để khi cần lại rút ra chi tiếp. Mức tồn quỹ cho bệnh viện tuyến Trung ương là 20 triệu đồng. Mức tồn quỹ cho bệnh viện tuyến tỉnh là 15 triệu đồng. Mức tồn quỹ cho bệnh viện tuyến huyện là 10 triệu đồng. Các trường hợp đặc biệt cần có mức tồn quỹ cao hơn sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hàng quý, năm các bệnh viện phải lập báo cáo số thu viện phí gửi cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra lại số thu, số chi viện phí của đơn vị, đồng thời làm thủ tục ghi thu - ghi chi ngân sách qua hệ thống kho bạc Nhà nước số thu viện phí cho bệnh viện.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định trong Thông tư này đều huỷ bỏ. Thông tư này thay thế Thông tư số 14/TTLB của Liên Bộ Y tế - Tài chính ngày 15/6/1989, các Thông tư Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động TBHXH - Ban Vật giá CP số 20/TTLB ngày 23-11-1994 và số 11/TTLB ngày 29-6-1995.

Trong quá trình thực hiện nếu các bệnh viện có khó khăn, vướng mắc cần trao đổi trong lãnh đạo bệnh viện và xin ý kiến cấp trên, các ngành có liên quan để phối hợp giải quyết, tuyệt đối không được gây khó khăn cho người bệnh, đặc biệt là những trường hợp cấp cứu, những người bệnh nghèo.

Người vi phạm các quy định về thu một phần viện phí quy định tại Nghị định 95/CP và tại Thông tư này thì tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính

Bộ Y tế

Đang cập nhật

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Ngọc Trọng

Tào Hữu Phùng

Ban Vật Giá Chính Phủ

Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội

Đang cập nhật

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Văn Tân

Lê Duy Đồng