Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 328/CT NGÀY 3-12-1987

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN TRONG VÙNG CHUYÊN CANH

NGUYÊN LIỆU GIẤY TRUNG TÂM BẮC-BỘ

 

Thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, 3 (khoá VI), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở, các thành phần kinh tế trong vùng chuyên canh nguyên liệu giấy đẩy mạnh sản xuất để cung ứng đủ và ổn định nguyên liệu cho các nhà máy giấy, trước hết cho nhà máy giấy Vĩnh phú.

I. Tổ chức sản xuất

Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có trách nhiệm:

1. Căn cứ quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu giấy trung tâm Bắc-bộ được phê duyệt tại Quyết định số 197-CT ngày 12-8-1987 để xác định cụ thể trên thực địa diện tích rừng và đất rừng chuyên canh nguyên liệu giấy tại từng huyện, xã, trước hết xác định rõ diện tích vùng thâm canh cung cứng nguyên liệu cho nhà máy giấy Vĩnh Phú. Lập dự án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu giấy trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, nhằm bảo đảm đến năm 1995 định hình được vùng nguyên liệu, cung ứng đủ và ổn định nguyên liệu cho các nhà máy giấy sản xuất hết công suất.

2. Tiến hành giao đất, giao rừng cho các lâm trường, các hợp tác xã, gia đình, tư nhân, cá thể quản lý, kinh doanh nguyên liệu giấy theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật Nhà nước. Diện tích và phạm vi quản lý của các lâm trường quốc doanh phải phù hợp với phương thức kinh doanh tổng hợp và trình độ quản lý hiện nay. Diện tích rừng và đất rừng giao cho hợp tác xã, gia đình, tư nhân, cá thể tuỳ theo khả năng kinh doanh và quỹ đất, quỹ rừng của từng nơi, không hạn chế về diện tích và phải giao ổn định ít nhất một chu kỳ sản xuất đối với gỗ và 15 năm đối với tre, vầu. Nhà nước bảo đảm quyền thừa kế sản phẩm do hợp tác xã, gia đình, tư nhân, cá thể tạo ra.

3. Đẩy mạnh việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất các lâm trường và hợp tác xã trong vùng chuyên canh nguyên liệu giấy nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất, rừng và các cơ sở vật chất, kỹ thuật đã có. Kết hợp tốt việc chăm sóc, tu bổ, cải tạo rừng hiện có với việc trồng rừng thâm canh để trước mắt cung ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy và tiến tới lấy trồng rừng thâm canh để cung ứng cho nhà máy là chính. Kết hợp chuyên canh, thâm canh với kinh doanh tổng hợp, gắn nông với lâm và mở rộng ngành nghề, thực hiện lấy ngắn nuôi dài.

Mở rộng việc hợp tác, liên kết, liên doanh sản xuất giữa các đơn vị sản xuất thuộc các thành phần kinh tế và các cấp quản lý trong vùng. Các tổ chức quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, trực tiếp đảm nhận những khu vực xa dân, thưa dân, những phần việc khó và quan trọng trong quá trình sản xuất lưu thông; thực hiện dịch vụ sản xuất, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và đời sống; áp dụng rộng rãi các hình thức khoán theo hợp đồng để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia sản xuất.

4. Làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng của các lâm trường quốc doanh, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại rừng. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những kẻ phá hoại rừng, ăn cắp gỗ và lâm sản. Vận động đồng bào còn du canh, du cư tham gia trồng rừng, khai thác cung ứng nguyên liệu giấy kết hợp với sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề khác.

II. Chính sách khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nguyên liệu giấy

1. Về đầu tư. Rừng và đất rừng giao cho các thành phần kinh tế quản lý là một loại vốn Nhà nước ứng trước để phát triển sản xuất. Các lâm trường quốc doanh, hợp tác xã, gia đình, tư nhân phải thực hiện kinh doanh tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài, sử dụng có hiệu quả vốn rừng và đất rừng được giao để tạo nguồn vốn tự có và được vay vốn của Ngân hàng để trồng rừng mới, tu bổ làm giầu rừng cũ và xây dựng cơ sở kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.

Nhà nước tập trung đầu tư bằng vốn ngân sách để trồng rừng mới trong vùng nguyên liệu thâm canh cho nhà máy giấy Vĩnh Phú trong chu kỳ đầu bao gồm từ việc cải tạo đất, trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng đến khi rừng đạt tuổi thành thục công nghệ đưa vào khai thác chính; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình phúc lợi phục vụ đời sống của lao động nghề rừng; làm đường trục và một số công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác thuộc ngoài vùng thâm canh, trong đó ưu tiên đầu tư vào các khu rừng trồng và rừng tre, vầu tự nhiên có sản lượng cao để khai thái nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy giấy theo kế hoạch hàng năm.

a) Đối với các lâm trường quốc doanh, Nhà nước đầu tư để trồng rừng mới trong vùng thâm canh, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi phục vụ đời sống cán bộ, công nhân viên lâm trường. Các mặt sản xuất và dịch vụ khác, lâm trường phải vay vốn Ngân hàng để kinh doanh.

b) Đối với tập thể và gia đình, tư nhân, cá thể, Nhà nước ứng trước một phần vốn ngân sách đủ chi phí trực tiếp sản xuất và 15 - 20% phụ phí; được bán đủ những vật tư chủ yếu theo giá bán buôn vật tư để trồng rừng mới từ đầu đến tuổi khai thác chính; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tham gia với các địa phương xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống của lao động nghề rừng. Phần vốn còn lại hợp tác xã, gia đình và tư nhân tự huy động đến mức cao nhất vốn tự có. Và được vay vốn của Ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Khi thu hoạch sản phẩm chính, các hợp tác xã, gia đình và tư nhân phải trả cho Nhà nước một lần cả vốn và lãi.

Nhà nước đầu tư cho hợp tác xã, gia đình và tư nhân thông qua Liên hiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú. Các lâm trường quốc doanh (Trung ương và địa phương) ký hợp đồng 2 chiều với hợp tác xã, hộ gia đình và tư nhân và đứng ra vay vốn ứng trước cho các thành phần kinh tế; đồng thời các thành phần kinh tế cũng có thể tự vay vốn tín dụng để sản xuất thông qua lâm trường quốc doanh. Vốn ứng trước theo tiến độ sản xuất và mức đã được xác định ghi trong hợp đồng.

c) Suất đầu tư cho 1 hécta rừng trồng mới hoặc tu bổ 1 hécta rừng tự nhiên cao hay thấp, tuỳ theo quy trình kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp và định mức kinh tế kỹ thuật của Nhà nước đối với từng loại cây trên từng địa bàn, không phân biệt quốc doanh Trung ương hay quốc doanh địa phương. Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng suất đầu tư trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt để làm căn cứ đầu tư.

Phần chi phí trực tiếp sản xuất để trồng 1 hécta rừng hoặc tu bổ 1 hécta rừng tre, vầu tự nhiên không phân biệt quốc doanh, hợp tác xã, gia đình hay tư nhân.

2. Về cung ứng lương thực cho những người sản xuất nguyên liệu giấy.

a) Các hợp tác xã, hộ gia đình, tư nhân sản xuất nguyên liệu giấy thực sự thiếu lương thực được Nhà nước bán bù phần lương thực thiếu theo giá kinh doanh. Mức bán cho một công lao động ngang với tiêu chuẩn lương thực của quốc doanh cùng nghề.

b) Bộ Lâm nghiệp cùng với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh xác định số lượng lao động được cân đối lương thực và mức lương thực bổ sung cho một lao động đối với từng hợp tác xã hoặc từng huyện, xã.

Giao cho Liên hiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú căn cứ vào khối lượng sản phẩm hoặc kết quả công việc phải đạt hàng năm đã được xác định trong các hợp đồng kinh tế để tổng hợp kế hoạch lương thực đối lưu hàng năm và thoả thuận với Tổng Công ty lương thực trung ương về phương thức bán để bảo đảm lương thực đến người sản xuất nguyên liệu kịp thời, đủ định lượng và thuận tiện.

3. Về giá nguyên liệu giấy.

a) Cho phép thực hiện chế độ giá bán cây đứng trong vùng chuyên canh nguyên liệu giấy thay thế chế độ tiền nuôi rừng hiện hành.

- Giá bán cây đứng bảo đảm đủ bù đắp chi phí hợp lý để tạo thành rừng nguyên liệu đạt đến tuổi khai thác chính, có lãi với mức từ 40 đến 50% so với giá thành tạo rừng của từng loài cây trên các vùng khác nhau và nộp thuế đất cho Nhà nước.

- Các lâm trường quốc doanh, hợp tác xã, hộ gia đình và tư nhân được giữ lại phần thu về tiền bán cây đứng để trồng rừng mới, tu bổ làm giầu rừng cũ, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống sau khi đã nộp thuế đất và trích nộp lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước theo quy định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng với các Bộ Lâm nghiệp, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định mức giá chuẩn và tự ban hành mức giá cụ thể. Giao Bộ Lâm nghiệp cùng với các Bộ Tài chính, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước quy định điều lệ hạch toán giá thành trồng rừng nguyên liệu giấy.

b) Giá mua nguyên liệu giấy của hợp tác xã, hộ gia đình và tư nhân trong hay ngoài hợp đồng đều theo nguyên tắc thoả thuận; bảo đảm đủ bù đắp chi phí tạo cây đứng, khai thác, vận suất, vận chuyển và có lãi thoả đáng; được tính tỷ giá so với giá bảo đảm kinh doanh của gạo, khi giá gạo thay đổi thì giá mua nguyên liệu cũng thay đổi tương ứng. Quy định 2 loại giá như sau:

- Giá mua đã được quy định trong hợp đồng đối với những sản phẩm từ rừng được Nhà nước ứng trước vốn đầu tư. Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng các Bộ Lâm nghiệp, Tài chính quy định giá mua trong hợp đồng.

- Giá thoả thuận (thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%) đối với những sản phẩm từ rừng, hợp tác xã, hộ gia đình và tư nhân tự bỏ vốn để sản xuất. Giao cho Liên hiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú thoả thuận với Liên hiệp xí nghiệp giấy I và người sản xuất nguyên liệu dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban Vật giá Nhà nước quy định giá mua thoả thuận.

c) Giá giao nguyên liệu giấy của các lâm trường quốc doanh. Các lâm trường quốc doanh giao nguyên liệu cho các tổ chức tiêu thụ tại bãi II hoặc giao thẳng tại cảng nhà máy theo giá bán buôn công nghiệp hoặc giá bán buôn vật tư bảo đảm đủ bù đắp chi phí sản xuất và có lãi thoả đáng. Trong thời vụ sản xuất khó khăn, được hưởng chế độ thưởng từ 5 đến 10% so với giá quy định của Nhà nước, tuỳ theo điều kiện sản xuất từng vùng trong thời vụ khó khăn. Giao cho Liên hiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú thoả thuận với Liên hiệp xí nghiệp giấy I dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban Vật giá Nhà nước quy định giá giao cụ thể của các lâm trường trên các vùng khác nhau.

4. Các chính sách khuyến khích khác.

a) Các đơn vị kinh tế tận dụng tài nguyên rừng, giảm hư hao mất mát trong quá trình khai thác, vận suất, vận chuyển vượt mức sản lượng nguyên liệu đưa về nhà máy thì được thưởng 70% giá trị sản lượng nguyên liệu thực hiện vượt định mức. Ngược lại các đơn vị kinh tế phải đền bù 100% giá trị sản lượng hụt định mức. Giao cho Bộ Lâm nghiệp quy định mức sản lượng nguyên liệu phải đạt trên từng công đoạn sản xuất.

b) Các hợp tác xã, hộ gia đình và tư nhân nhận đất trống để trồng rừng, nếu thiếu vốn được Ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi và được miễn nộp thuế đất trong chu kỳ kinh doanh đầu. Nếu trồng cây nông nghiệp và cây đặc sản dưới tán rừng, cũng được Ngân hàng cho vay vốn và được hưởng toàn bộ sản phẩm kinh doanh dưới tán rừng.

Nhận rừng tre, vầu tự nhiên để bảo vệ, nuôi dưỡng, nếu thiếu vốn được Ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, khi rừng đạt tuổi khai thác, các chủ kinh doanh phải thực hiện việc khai thác đúng quy trình của Bộ Lâm nghiệp quy định và giao nộp toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước thì năm thứ nhất được hưởng từ 20 đến 40% giá trị sản lượng khai thác tuỳ theo chất lượng rừng khi nhận tốt hay xấu; năm thứ hai 50%, năm thứ ba 70%, từ năm thứ tư trở đi 100%.

c) Các tỉnh sản xuất nguyên liệu giấy được Nhà nước ưu tiên bán đủ nhu cầu giấy học sinh.

III. Tổ chức quản lý vùng nguyên liệu giấy

1. Củng cố và hoàn thiện tổ chức Liên hiệp các xí nghiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú để bảo đảm thực hiện được chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư toàn vùng chuyên canh nguyên liệu giấy:

a) Tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức thu mua, vận chuyển và cung ứng nguyên liệu giấy cho các nhà máy giấy theo hợp đồng.

b) Thống nhất quản lý kế hoạch sản xuất, giá cả và phân phối vốn, vật tư, thiết bị của Nhà nước (bao gồm cả viện trợ của nước ngoài) theo kế hoạch hàng năm cho toàn vùng nguyên liệu. Được phân phối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu giấy hàng năm của nhà máy giấy Vĩnh Phú để nhập vật tư, phụ tùng, thiết bị phục vụ sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu giấy.

c) Liên hiệp phải hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thực hiện hạch toán kinh tế tổng hợp; Bộ Lâm nghiệp cùng Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trong vùng sắp xếp lại và phát huy tính chủ động của các xí nghiệp và các đơn vị kinh tế thành viên từ khâu trồng, khai thác, dịch vụ, nghiên cứu thực nghiệm khoa học kỹ thuật đến thu mua, cung ứng một cách hợp lý.

d) Căn cứ điều lệ xí nghiệp của Nhà nước, Liên hiệp phải xây dựng điều lệ quản lý nội bộ trên cơ sở tham gia dân chủ của các xí nghiệp và đơn vị kinh tế thành viên. Trước mắt, Liên hiệp được thành lập Hội đồng quản trị nhằm tăng cường sự phối hợp hoạt động của các thành viên về các mặt kế hoạch sản xuất, cung ứng vật tư, vốn và giá cả.

2. Trách nhiệm của các ngành, các cấp:

Ngoài những nhiệm vụ đã giao trên đây:

a) Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm chỉ đạo thay đổi cơ cấu nguyên liệu giấy bảo đảm tỷ lệ sợi ngắn (gỗ) 50% và tỷ lệ sợi dài (tre, vầu) 50% cho phù hợp với khả năng tài nguyên rừng hiện có; đồng thời nghiên cứu giảm định mức tiêu hao nguyên liệu cho một tấn giấy.

b) Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giải quyết kịp thời lượng tiền mặt bảo đảm yêu cầu mua nguyên liệu, trả lương và các hoạt động kinh doanh khác của vùng nguyên liệu, theo kế hoạch tiền mặt hàng tháng, quý của Liên hiệp.

c) Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong phạm vi địa bàn lãnh thổ theo tinh thần Nghị quyết trung ương 3 (khoá VI) nhằm nhanh chóng hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu giấy có năng suất cao và ổn định.

d) Bộ trưởng các Bộ Lâm nghiệp, Tài chính và Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quyết định này, giải quyết những vướng mắc theo quyền hạn được giao, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh giải quyết kịp thời những vướng mắc liên ngành, kiến nghị lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách vùng nguyên liệu giấy.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

 

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt