Sign In

QUYẾT ĐỊNH

LIÊN BỘ LÂM NGHIỆP - TÀI CHÍNH SỐ 1101/QĐ-LB NGÀY 23-10-1981 VỀ VIỆC THU TIỀN NUÔI RỪNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ vào Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng;

Căn cứ vào Nghị quyết số 155-CP ngày 3/10/1973 của Hội đồng Chính phủ về việc thi hành Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng;

Thi hành Điều 3 Quyết định số 88-HĐBT ngày 24/9/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc lập quỹ nuôi rừng;

Xuất phát từ rừng và đất rừng là sở hữu toàn dân. Các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, tập thể hay cá nhân, kể cả nhân dân những xã ở nơi có rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng, khi được phép vào rừng khai thác gỗ, đặc sản và mọi lâm sản khác, cũng như săn bắt chim thú rừng.... đều phải nộp một khoản tiền để Nhà nước dùng vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Số tiền này gọi là tiền nuôi rừng, thay cho tiền bán khoán lâm sản hiện nay.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Mức thu tiền nuôi rừng được áp dụng thống nhất trong cả nước không phân biệt rừng tự nhiên hay rừng trồng. Cụ thể như phụ lục kèm theo.

Điều 2: Những đơn vị hay cá nhân được phép khai thác những lâm sản dưới đây được miễn, giảm nộp tiền nuôi rừng:

1. Được miễn hoàn toàn tiền nuôi rừng:

- Gỗ sâu bộng, rỗng ruột v.v... không đủ tiêu chuẩn gỗ tròn;

- Gỗ tỉa thưa trong rừng trồng theo đúng quy trình trồng rừng;

- Củi cành nhánh do nhân dân những xã ở nơi có rừng được phép thu nhặt để dùng, không phải để mua bán trao đổi;

- Những sản phẩm do đơn vị, cơ quan, tập thể hay nhân dân tự bỏ công sức để trồng cây trên các đồi trọc mà có, khi lấy về dùng cho mình.

2. Được giảm 50% mức thu tiền nuôi rừng:

- Gỗ tận dụng ở những nơi được phép khai thác trắng hoặc để cải tạo rừng có đường kính đo đầu lớn dưới 25 cm;

- Gỗ cành ngọn do các lâm trường, xí nghiệp quốc doanh lâm nghiệp khai thác tận dụng có đường kính đo đầu lớn dưới 25cm;

- Các sản phẩm khai thác từ rừng trồng của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất được Nhà nước giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh phần được phép để lại sử dụng;

- Các sản phẩm lấy trên đất rừng (đất bao đồi, vườn cây trên đất rừng do nhân dân tự trồng) phần để lại sử dụng vào việc gia đình;

- Gỗ và các sản phẩm khác mà nhân dân ở các xã nơi có rừng được cấp giấy phép khai thác để làm những việc trong gia đình.

3. Các lâm trường, xí nghiệp quốc doanh lâm nghiệp khai thác lâm sản mà có kế hoạch lỗ được duyệt thì Bộ Lâm nghiệp xét, quyết định mức miễn hoặc giảm tiền nuôi rừng để cho đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh được bình thường.

Điều 3: Sản phẩm cây trồng ven đường, ven đê, ven mương máng v.v... cũng như cây do nhân dân tự trồng trên đất công không thuộc đối tượng thi hành quyết định này mà tuỳ theo tình hình cụ thể, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy đinh mức thu cho người khai thác phải nộp nhưng tối đa chỉ được bằng 50% mức thu tiền nuôi rừng, và khoản thu này được dành toàn bộ cho ngân sách địa phương (tỷ lệ nộp vào các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định).

Điều 4: Liên bộ giao cho hệ thống tổ chức kiểm lâm nhân dân thực hiện việc thu tiền nuôi rừng và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Từ nay bãi bỏ chế độ uỷ nhiệm thu tiền nuôi rừng dưới bất cứ hình thức nào.

Kiểm lâm nhân dân phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tổ chức thực hiện việc thu, nộp tiền nuôi rừng được đầy đủ, kịp thời theo đúng chính sách, chế độ, đồng thời cũng phải có biện pháp chống thất thu và chống các hiện tượng tiêu cực khác trong công tác thu nộp tiền nuôi rừng.

Điều 5: Tiền nuôi rừng phải được xác định trong nhiệm vụ, kế hoạch của đơn vị, tổ chức quốc doanh lâm nghiệp khai thác lâm sản và được thanh toán bằng lợi nhuận cân đối của xí nghiệp.

Việc thu, nộp tiền nuôi rừng được thực hiện tại cội hoặc tại kho 1 do Bộ Lâm nghiệp quyết đinh (theo để nghị của Cục kiểm lâm nhân dân và căn cứ tình hình cụ thể của từng nơi).

Các lâm trường, xí nghiệp quốc doanh lâm nghiệp có khai thác lâm sản phải nộp tiền nuôi rừng theo số thực tế phải nộp mà tổ chức kiểm lâm nhân dân đã xác định tại cội hoặc tại kho 1. Hàng tháng, quý đơn vị phải quyết toán số thu, nộp và điều chỉnh kế hoạch nộp kỳ sau.

Trường hợp do các yếu tố khách quan biến động làm phát sinh lỗ thì đơn vị phải kịp thời đề nghị Bộ Lâm nghiệp xét cho điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của xí nghiệp.

Các tổ chức kinh tế quốc doanh ngoài ngành lâm nghiệp, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị tập thể, cá nhân được phép khai thác những sản phẩm chủ yếu như gỗ, củi, tre, nứa, v.v... phải nộp tiền nuôi rừng ngay từ khi được cấp giấy phép khai thác. Khi khai thác xong, kiểm lâm nhân dân phải đến tại chỗ xác nhận và người khai thác sẽ thanh toán số tiền nuôi rừng phải nộp nếu có chênh lệch.

Đối với các loại lâm sản khác và đặc sản rừng mà nhân dân những xã ở nơi có rừng được phép khai thác để dùng hoặc để bán ra thị trường, thì người khai thác phải nộp tiền nuôi rừng tại các hạt, trạm kiểm lâm nhân dân gần nhất. Nếu khai thác để bán cho cơ quan được phép thu mua của Nhà nước ngay tại nơi thu mua thì cơ quan thu mua nộp tiền nuôi rừng.

Chỉ sau khi đã làm xong các thủ tục và nộp đủ tiền nuôi rừng, đơn vị hoặc cá nhân mới được đưa sản phẩm khai thác ra khỏi rừng và vận chuyển đi nơi khác. Riêng gỗ tròn, ngoài thủ tục chung đã quy định nhất thiết phải có dấu búa của kiểm lâm nhân dân quản lý khu vực mới được coi là sản phẩm của rừng được khai thác hợp pháp.

Điều 6: Khen thưởng, kỷ luật:

Những đơn vị quốc doanh lâm nghiệp, kiểm lâm nhân dân, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức tập thể hay cá nhân có thành tích trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng tập trung, trồng cây gây rừng, chấp hành đầy đủ luật pháp về lâm nghiệp, chính sách, chế độ thu : nộp tiền nuôi rừng thì được xét khen thưởng thích đáng, ngược lại nếu vi phạm thì tuỳ theo lỗi nặng nhẹ để xử phạt nghiêm minh (sẽ có thông tư hướng dẫn sau).

Điều 7: Tiền nuôi rừng sau khi trừ 10% nộp vào ngân sách địa phương (hạng 1 - khoản 36, loại II - thu về sự nghiệp lâm nghiệp, tỷ lệ nộp ngân sác tỉnh, ngân sách huyện do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quy định), còn 90% quỹ nuôi rừng do Bộ Lâm nghiệp thống nhất quản lý (tạm thời nộp vào tài khoản 0000-649-73 tiền gửi quỹ chuyên dùng Bộ Lâm nghiệp tại Ngân hàng Nhà nước quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

Điều 8: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1981. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ. Bộ Lâm nghiệp sau khi thống nhất với Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thi hành quyết định này.

 

PHỤ LỤC

VỀ MỨC THU TIỀN NUÔI RỪNG
(ban hành kèm theo quyết định 1101-QĐ/LB ngày 23-10-1981
của Liên bộ Lâm nghiệp - Tài Chính)

Tên lâm sản, đặc sản rừng

Đơn vị tính

Mức thu tiền nuôi rừng

Ghi chú

1. Gỗ tròn:

 

m3

Bình quân

300đ

 

Nhóm 1

-

2000đ

 

Nhóm 2

-

1450đ

 

Nhóm 3

-

950đ

 

Nhóm 4

-

600đ

 

Nhóm 5

-

320đ

 

Nhóm 6

-

170đ

 

Nhóm 7

-

100đ

 

Nhóm 8

-

50đ

 

2. Gỗ cột buồm:

Cây

   

a) Từ nhóm 3 trở lên

     

Dài từ 10 m trở lên

-

300đ

 

Dài dưới 10 m

-

200đ

 

b) Từ nhóm 4 trở

     

Dài từ 10 m trở lên

-

150đ

 

Dài dưới 10m

-

100đ

 

3. Gỗ trụ mỏ

1 m3

170đ

 

4. Gỗ tràm, đước

-

150đ

 

5. Gỗ cành, ngọn (không phân biệt chủng loại có đường kính đo đầu to từ 25 cm trở xuống và dài từ 1 m trở lên)

-

30đ

 

6. Củi:

     

- Củi thước (củi khúc)

Ste

15đ

Có đường kính đo đầu nhỏ từ 10 cm

- Củi chèn (gỗ loại ra)

m3

25đ

trở xuống, đường kính trên10 cm tính là gỗ tròn

7. Than: - Than hầm

Tạ

30đ

 

- Than hoa

-

15đ

 

8. Tre, nứa, lồ ô:

Cây

15%

Giá bán buôn công nghiệp

9. Chim thú rừng:

     

- Loại chỉ lấy thịt

Con

15%

Giá thị trường

- Loại lấy thịt, xương, da và các vị làm thuốc

Con

40%

Giá thị trường

10. Các loại lâm sản, đặc sản khác:

     

- Bán cho Nhà nước

 

15%

Giá chỉ đạo thu mua (do cơ quan được phép thu mua nộp)

- Bán tại thị trường

 

30%

Giá thị trường (người bán nộp)

 

Bộ Lâm nghiệp

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Văn Quế

Võ Trí Cao