THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc bàn giao tài sản của các tổ chức Bảo hiểm xã hội
do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam
___________________________________________________
Căn cứ Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 của Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt nam; Quyết định số 472/TTg ngày 31/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê tài sản của tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và nội dung hướng dẫn kiểm kê tài sản đã quy định tại Thông tư số 81/TC-HCVX ngày 5/10/1994 của Bộ Tài chính; trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm kê tài sản của các tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thực hiện Quyết định số 655/TTg ngày 13/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao tài sản của các tổ chức Bảo hiểm xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sang Bảo hiểm xã hội Việt nam.
- Căn cứ vào ý kiến tham gia của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam (công văn số 1181/TLĐ ngày 28/10/1995).
Bộ Tài chính hướng dẫn việc bàn giao tài sản cho tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt nam như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1/ Phạm vi đối tượng bàn giao: Là toàn bộ tài sản bao gồm: Đất đai, nhà cửa, thiết bị, phương tiện, vật tư, tiền vốn, kinh phí, công nợ và các tài sản khác (nếu có) của tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh xã hội đã được kiểm kê theo đúng nội dung quy định trong Thông tư số 81/TC-HCVX ngày 05/10/1994 cuả Bộ Tài chính. Đối với đất đai, nhà cửa, tài sản cố định, tài sản lưu động, vốn bằng tiền thuộc hệ thống Nhà nghỉ, Nhà khách của tổ chức Bảo hiểm xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam đang quản lý trước đây, tiếp tục giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành cuả Nhà nước, không thuộc phạm vi bàn giao tại Thông tư này.
2/ Thời điểm bàn giao tài sản của các tổ chức Bảo hiểm xã hội do Tổng Liên đoàn lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sang cơ quan Bảo hiểm xã hội thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt nam bắt đầu thực hiện từ ngày 01/07/1995 trở đi và phải hoàn thành trước ngày 31/12/1995.
3/ Những tài sản mới phát sinh tăng, giảm (nếu có) từ thời điểm báo cáo kiểm kê theo Thông tư số 81/TC-HCVX ngày 5/10/1994 đến ngày bàn giao sang hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt nam phải tiến hành kiểm kê, lập báo cáo bổ sung kết quả kiểm kê tài sản và thực hiện bàn giao ngay cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt nam theo quy định của Thông tư này.
II/ NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1/ Hội đồng kiểm kê Trung ương và Hội đồng kiểm kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc thực hiện kiểm kê, lập báo cáo bổ sung kết quả kiểm kê của những tài sản mới phát sinh thêm (tăng, giảm) đến thời điểm bàn giao và tổ chức thực hiện, giám sát tại chỗ, giải quyết vướng mắc và ký biên bản xác nhận việc bàn giao tài sản cho tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt nam (Theo mẫu đính kèm).
2/ Toàn bộ tài sản của tổ chức Bảo hiểm xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh và xã hội đã được kiểm kê theo quy định tại Thông tư số 81/TC-HCVX ngày 5/10/1994 phải được bàn giao đầy đủ, nguyên trạng cho tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt nam; nghiêm cấm việc phân chia, nhượng bán, đổi chác, di chuyển, xáo trộn tài sản trước khi bàn giao.
3/ Những tài sản chưa phân định rõ nguồn hình thành hoặc đang còn tranh chấp... tại các tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Tổ chức Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải lập bảng kê danh mục từng tài sản (nguyên giá, giá trị còn lại) theo sổ sách và thực tế kiểm kê, báo cáo Hội đồng kiểm kê - bàn giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để gửi Hội đồng kiểm kê - bàn giao Trung ương thẩm định, tổng hợp, kiến nghị biện pháp xử lý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4/ Căn cứ bàn giao tài sản là bảng cân đối tài khoản và báo cáo kết quả kiểm kê tài sản tại thời điểm bàn giao đã được Hội đồng kiểm kê xét duyệt.
5/ Cơ quan tài chính các cấp (Bộ Tài chính và Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chủ trì thực hiện việc bàn giao tài sản giữa các bên, lập biên bản bàn giao (kèm theo các báo biểu của tài sản bàn giao) có chữ ký xác nhận của đơn vị giao và đơn vị nhận bàn giao. Số liệu các tài sản bàn giao theo biên bản bàn giao đã được các bên ký nhận là căn cứ để các bên ghi chép, phản ánh, đối chiếu sổ sách, số liệu kế toán.
6/ Nội dung công tác bàn giao bao gồm:
a) Tài sản cố định: Bàn giao toàn bộ tài sản cố định hiện có theo nội dung đã hướng dẫn tại Thông tư số 81/TC-HCVX ngày 5/10/1994 trên bảng cân đối tài khoản đến ngày 30/06/1995 bao gồm:
- Tài sản cố định đang dùng.
- Tài sản cố định chưa dùng.
- Tài sản cố định chờ thanh lý.
- Tài sản cố định chưa cần dùng.
- Đất đai và tài sản cố định không phải tính khấu hao.
Tài sản cố định bàn giao theo nguyên giá và giá trị còn lại thể hiện trên thẻ và sổ đăng ký tài sản, số lượng và giá trị phải phù hợp với bảng cân đối và báo cáo kết quả kiểm kê ở thời điểm bàn giao.
b) Tài sản lưu động: Do tính chất đa dạng, phức tạp của TSLĐ là luôn luôn biến động. Vì vậy, ngoài kết quả theo biểu, phiếu kiểm kê và số liệu trên bảng cân đối tài khoản thời điểm 30/06/95 khi bàn giao phải cộng (+) hoặc trừ (-) các nội dung đã phát sinh thêm từ thời điểm kiểm kê đến khi bàn giao để xác định chính xác số liệu bàn giao làm căn cứ ghi biên bản giao nhận.
- Về vật tư, vật liệu, phụ tùng thay thế lấy theo giá nhập kho.
- Vật rẻ tiền mau hỏng lấy theo giá nhập kho, trường hợp vật rẻ tiền mau hỏng đang dùng nếu đã phân bổ 50% thì lấy theo giá trị còn lại, vật rẻ tiền mau hỏng khi xuất dùng phân bổ 100% giá trị thì lấy hiện vật làm căn cứ bàn giao. Đối với bàn, ghế, tủ và các phương tiện làm việc khác đã quá cũ, nếu cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt nam đồng ý thì có thể để lại cho cơ quan cũ sử dụng, không phải bàn giao.
- Tiền gửi Kho bạc Nhà nước, tiền gửi Ngân hàng phải có xác nhận số dư của Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng nơi gửi.
- Tiền mặt tồn quỹ, các giấy tờ có giá trị như tiền phải kiểm quỹ và đối chiếu với sổ kế toán, số liệu phải chính xác, cân đối.
- Các công trình xây dựng, sửa chữa dở dang phải bàn giao toàn bộ hồ sơ của công trình (Thiết kế, dự toán, giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa...) nguồn vốn đã nhận, đã sử dụng khi bàn giao để bên nhận tiếp tục theo dõi và quản lý.
- Toàn bộ sổ sách, và các chứng từ liên quan đến việc chi trả các chính sách bảo hiểm xã hội cho đối tượng theo Nghị định 19/CP ngày 16/02/1995 của Chính phủ tại thời điểm bàn giao về nguyên tắc phải bàn giao đầy đủ cho tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt nam.
III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc ngành mình thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng các nội dung và thời hạn đã hướng dẫn trên đây, nhanh chóng tổ chức việc bàn giao Tài sản cho tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt nam.
- Sở Tài chính vật giá các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc bàn giao tài sản của tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Liên đoàn Lao động và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sang Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo kết quả bàn giao tài sản về Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt nam và Bảo hiểm xã hội Việt nam.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức chỉ đạo và tổng hợp số liệu bàn giao tài sản của tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bảo hiểm xã hội Việt nam. Những trường hợp vướng mắc trong quá trình bàn giao tài sản chưa được xử lý, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
IV/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký, khi triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để giải quyết.