THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến thủ tục hành chính của Quy định về loại hình
doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn
ban hành kèm theo Quyết định số 61/2007/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
___________________________________________________
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 5 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến thủ tục hành chính của Quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn ban hành kèm theo Quyết định số 61/2007/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
1. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 8. Thủ tục cấp chứng chỉ an toàn
1. Trình tự thực hiện
a) Doanh nghiệp có nhu cầu cấp chứng chỉ an toàn gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ an toàn theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường sắt Việt Nam.
b) Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Nếu hồ sơ không đúng quy định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
c) Căn cứ vào các điều kiện cấp chứng chỉ an toàn, Cục Đường sắt Việt Nam cấp chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
2. Hồ sơ cấp chứng chỉ an toàn
a) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
b) Thành phần hồ sơ:
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt:
+ Đơn đề nghị cấp chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này.
+ Báo cáo thuyết minh các điều kiện được cấp chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 6 của Quy định này.
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
+ Đơn đề nghị cấp chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này.
+ Báo cáo thuyết minh các điều kiện được cấp chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quy định tại Điều 7 của Quy định này."
2. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 10. Cấp lại chứng chỉ an toàn
1. Chứng chỉ an toàn cấp lại cho các doanh nghiệp bị mất, bị thu hồi tạm thời trong các trường hợp sau đây:
a) Chứng minh được doanh nghiệp đã khắc phục nguyên nhân của vụ tai nạn và có đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn tiếp theo:
b) Khi đã có đủ điều kiện theo loại hình của doanh nghiệp được quy định tại Điều 6 (đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt) và Điều 7 (đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt) của Quy định này.
2. Thủ tục cấp lại chứng chỉ an toàn
a) Trình tự thực hiện
- Doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp lại chứng chỉ an toàn gửi hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ an toàn theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường sắt Việt Nam.
- Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Nếu hồ sơ không đúng quy định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
- Căn cứ vào các điều kiện cấp lại chứng chỉ an toàn, Cục Đường sắt Việt Nam cấp lại chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ."
b) Hồ sơ cấp lại chứng chỉ an toàn
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thành phần hồ sơ đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt:
+ Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quy định này.
+ Báo cáo thuyết minh các điều kiện được cấp lại chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 6 của Quy định này.
- Thành phần hồ sơ đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
+ Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quy định này.
+ Báo cáo thuyết minh các điều kiện được cấp lại chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quy định tại Điều 7 của Quy định này."
3. Khoản 2 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"2. Thủ tục đổi chứng chỉ an toàn
a) Trình tự thực hiện
- Doanh nghiệp có nhu cầu đổi chứng chỉ an toàn gửi hồ sơ đề nghị đổi chứng chỉ an toàn theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường sắt Việt Nam.
- Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Nếu hồ sơ không đúng quy định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
- Căn cứ vào các điều kiện đổi chứng chỉ an toàn, Cục Đường sắt Việt Nam đổi chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ."
b) Hồ sơ đổi chứng chỉ an toàn
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thành phần hồ sơ đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt:
+ Đơn đề nghị đổi chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Quy định này.
+ Báo cáo thuyết minh các điều kiện được đổi chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 6 của Quy định này.
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
+ Đơn đề nghị đổi chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Quy định này.
+ Báo cáo thuyết minh các điều kiện được đổi chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quy định tại Điều 7 của Quy định này."
4. Thay thế Phụ lục 2 và bổ sung Phụ lục 3, Phụ lục 4 như sau:
a) Phụ lục 2: Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ an toàn.
b) Phụ lục 3: Đơn đề nghị cấp lại Chứng chỉ an toàn.
c) Phụ lục 4: Đơn đề nghị đổi Chứng chỉ an toàn.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Trách nhiệm và tổ chức thực hiện
1. Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.