• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2014

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành

"Quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn ”

_____________________ 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Vận tải,

       QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “ Quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

Hồ Nghĩa Dũng

 

 

Quy định

Về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đư­ờng sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn

(Ban hành kèm theo Quyết định số  61 /2007/ QĐ - BGTVT ngày 24 tháng 12

năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải )

 

 

Ch­ương I

Quy định chung

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

            Quy định này quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ an toàn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt trên mạng đ­ường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có kết nối ray hoặc không kết nối ray với đường sắt quốc gia.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Ch­ương II

Loại hình doanh nghiệp kinh doanh đ­ường sắt

phải có chứng chỉ an toàn, mẫu chứng chỉ an toàn và cơ quan cấp chứng chỉ an toàn

 

Điều 3. Loại hình doanh nghiệp kinh doanh đư­ờng sắt phải có chứng chỉ an toàn

Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an toàn còn hiệu lực bao gồm các loại hình sau đây:

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 4. Chứng chỉ an toàn

1. Chứng chỉ an toàn là giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có đủ các điều kiện an toàn theo quy định để được tham gia kinh doanh đường sắt.

2. Mẫu chứng chỉ an toàn quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này.

3. Chứng chỉ an toàn có thời hạn hiệu lực là 05 ( năm ) năm. Trước khi hết  thời hạn hiệu lực của chứng chỉ an toàn là 01 tháng, doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được đổi chứng chỉ an toàn mới.

Điều 5. Cơ quan quản lý và cấp chứng chỉ an toàn

Cục Đ­ường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý và cấp chứng chỉ an toàn cho  các doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Quy định này.

 

Ch­ương III

Điều kiện để được cấp chứng chỉ

an toàn và thủ tục cấp chứng chỉ an toàn

 

Điều 6. Điều kiện được cấp chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật

a) Kết cấu hạ tầng đường sắt phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật đã công bố, bảo đảm chạy tàu an toàn, đúng công lệnh tốc độ và công lệnh tải trọng theo quy định.

b) Các phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt phục vụ công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp đi thuê phải phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt và có đủ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.

2.  Về nhân lực

a) Phải có một lãnh đạo doanh nghiệp phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành công trình đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm  quản lý trực tiếp về kết cấu hạ tầng đường sắt.

b) Các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh. Riêng đối với chức danh lái phương tiện chuyên dùng đường sắt phải có giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt.

3. Về tổ chức quản lý, duy tu, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt

 a) Có phương án bố trí nhân lực tuần cầu, tuần hầm, tuần đường, gác cầu chung, gác hầm, gác đường ngang và duy tu, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc điểm của kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp hiện đang quản lý.

 b) Có kế hoạch, có quy trình quản lý, duy tu, sửa chữa và bảo trì chất lượng kỹ thuật của kết cấu hạ tầng đường sắt.

 c) Có đầy đủ hồ sơ quản lý kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt đúng quy định.

d) Có đầy đủ biên bản nghiệm thu chất lượng kỹ thuật của kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định.

đ) Có các phương án cứu viện, cứu nạn khi xảy ra tai nạn, sự cố.

Điều 7. Điều kiện được cấp chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật

 a) Phương tiện giao thông đường sắt của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp đi thuê phải phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt và có đủ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.

b) Bố trí được phòng bán vé, phòng đợi tàu, ke khách, ke hàng, bãi hàng và  các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn để phục vụ công tác vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, bao gửi.

 2. Về nhân lực

 a) Phải có một lãnh đạo doanh nghiệp phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm quản lý về  vận tải đường sắt.

 b) Các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của pháp luật về lao động và được huấn luyện nghiệp vụ an toàn lao động theo quy định của pháp luật.

3. Về tổ chức vận tải

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có các phương án sau đây:

a) Phương án tổ chức chạy tàu với hành trình chạy tàu đã đăng ký, bảo  đảm đúng biểu đồ chạy tàu đã công bố;

b) Phương án sắp xếp bố trí nhân lực phục vụ trên tàu khách, tàu hàng, nhân lực ở ga phù hợp với đặc điểm của đoàn tàu và của ga;

c) Phương án  bảo đảm an toàn chạy tàu;

d) Phương án cứu viện, cứu nạn khi có tai nạn, sự cố.

Điều 8. Thủ tục cấp chứng chỉ an toàn

            1. Doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ an toàn gửi về Cục Đường sắt Việt Nam.

            2. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ an toàn gồm có:

            a) Công văn đề nghị cấp chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này;

            b) Báo cáo thuyết minh các điều kiện được cấp chứng chỉ an toàn theo loại hình của doanh nghiệp được quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này.

            3. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ an toàn, chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ và các vấn đề phải bổ sung vào hồ sơ, nếu cần.

4. Cục Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ thẩm tra điều kiện cấp chứng chỉ an toàn, ra quyết định và cấp chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.  

Điều 9. Thu hồi chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp bị thu hồi tạm thời chứng chỉ an toàn trong các trường hợp sau đây:

a) Để xảy ra tai nạn nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan gây nên mà doanh nghiệp không có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời;

b) Một trong các điều kiện để được cấp chứng chỉ an toàn của doanh nghiệp không  bảo đảm đúng quy định.

2. Doanh nghiệp bị  thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ an toàn khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt hoặc cấp có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh đường sắt của doanh nghiệp.

3. Khi doanh nghiệp bị thu hồi tạm thời chứng chỉ an toàn, doanh nghiệp vẫn được tham gia kinh doanh đường sắt, nhưng phải có trách nhiệm kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn, khắc phục các nguyên nhân để xảy ra tai nạn hoặc bổ sung các  điều kiện được cấp chứng chỉ an toàn chưa bảo đảm theo loại hình của doanh nghiệp được quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này.

4. Trong thời gian bị thu hồi tạm thời chứng chỉ an toàn, hoạt động kinh doanh đường sắt của doanh nghiệp chịu sự giám sát như sau:

a) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giám sát về an toàn đối với doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bị thu hồi tạm thời chứng chỉ an toàn;

b) Cục Đường sắt Việt Nam giám sát về an toàn đối với doanh nghiệp không thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bị thu hồi tạm thời chứng chỉ an toàn.

Điều 10. Cấp lại chứng chỉ an toàn

1. Chứng chỉ an toàn cấp lại cho các doanh nghiệp bị mất, bị thu hồi tạm thời trong các trường hợp sau đây:

a) Có đầy đủ chứng cứ xác nhận việc bị mất chứng chỉ an toàn;

b) Chứng minh được doanh nghiệp đã khắc phục nguyên nhân của vụ tai nạn và có đầy đủ các biện pháp  bảo đảm an toàn tiếp theo;

c) Khi đã có đủ điều kiện theo loại hình của doanh nghiệp được quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này;

d) Khi được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt hoặc cấp có thẩm quyền cho phép khôi phục lại hoạt động kinh doanh đường sắt.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ an toàn bao gồm:

a) Công văn đề nghị cấp lại chứng chỉ an toàn;

b) Các báo cáo chứng minh các điều kiện đã được bổ sung đầy đủ theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

 Điều 11. Đổi chứng chỉ an toàn

 1. Chứng chỉ an toàn được đổi trong các trường hợp sau:

a)      Chứng chỉ an toàn bị hư hỏng, nhàu nát;

b)      Chứng chỉ an toàn hết hạn sử dụng.

2. Hồ sơ đề nghị đổi chứng chỉ an toàn bao gồm:

a)      Công văn đề nghị đổi chứng chỉ an toàn;

b)      Bản chính chứng chỉ an toàn  bị hư hỏng, nhàu nát hoặc đã hết hạn sử

dụng.

Điều 12. Lệ phí

Các doanh nghiệp đ­ược cấp mới, cấp lại, đổi chứng chỉ an toàn phải nộp lệ phí cho cơ quan cấp chứng chỉ an toàn theo quy định của pháp luật.

 

Ch­ương IV

Tổ chức thực hiện

Điều 13.  Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày Quy định này có hiệu lực, các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 3 của Quy định này, hiện đang hoạt động kinh doanh đường sắt phải hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng chỉ an toàn.

 Điều 14. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

1. Chịu trách nhiệm về tính chính xác trong các bản báo cáo thuyết minh của hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Quy định này.

 2. Quản lý chứng chỉ an toàn và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

 3. Duy trì,  bảo đảm các điều kiện về an toàn trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.

 Điều 15. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam

1. Thông báo cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải có chứng chỉ an toàn, hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục cấp chứng chỉ an toàn.                    

2. Tổ chức thẩm tra điều kiện cấp chứng chỉ an toàn của doanh nghiệp và cấp chứng chỉ an toàn theo quy định.

3. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện Quy định này.

4. Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định này tại các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt và xử  lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Tổng hợp các vấn đề phát sinh báo cáo Bộ Giao thông vận tải để giải quyết.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc cấp mới, đổi, cấp lại và thu hồi chứng chỉ an toàn./.

                                                                                 

 

                                                                                     

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.