QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về quản lý và thực hiện các
mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình quốc gia cũ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 85/CP-m ngày 11 tháng 7 năm 1997 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 531/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các chương trình quốc gia;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Giao các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện và chuyển dần các mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình quốc gia cũ vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành từ năm 1998 như sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án đang làm thuộc các Chương trình 327, Chương trình 773 và nghiên cứu chuyển dần các nhiệm vụ này vào kế hoạch hàng năm của Bộ.
2. Bộ Thuỷ sản tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án đang làm về nuôi trồng thuỷ sản của Chương trình 773 và nghiên cứu chuyển dần các nhiệm vụ này vào kế hoạch hàng năm của Bộ.
3. Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhan dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình Phủ sóng truyền hình và nghiên cứu chuyển dần vào kế hoạch hàng năm của Đài và các địa phương.
4. Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm của Chương trình Phủ sóng phát thanh và nghiên cứu chuyển dần vào kế hoạch hàng năm của Đài và các địa phương.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình Giáo dục - Đào tạo và sắp xếp chuyển dần các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình này vào kế hoạch hàng năm của Bộ, địa phương.
6. Bộ Văn hoá - Thông tin tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình Văn hoá và sắp xếp chuyển dần vào kế hoạch hàng năm của Bộ, địa phương và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách để tập trung thực hiện cá đề án về củng cố và phát triển điện ảnh; điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và phát huy vốn văn hoá dân tộc;
7. Phân công trách nhiệm tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em như sau:
a. Chuyển giao mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em của Chương trình Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em sang Bộ Y tế quản lý.
b. Chuyển giao mục tiêu chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ quản lý (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Bộ Nội vụ quản lý đối tượng trẻ em làm trái pháp luật).
c. Bộ Văn hoá - Thông tin xây dựng và phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện kế hoạch phát triển các điểm vui chơi cho trẻ em ở đô thị và ở nông thôn.
Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em tập trung làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành, về kế hoạch, nhu cầu nguồn lực, các giải pháp cho việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở các cấp, các ngành; tổ chức chỉ đạo một số mô hình thí điểm.
8. Phân công trách nhiệm tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm (05) và các hoạt động của Chương trình phòng, chống ma tuý (06), Kế hoạch tổng thể phòng, chống và kiểm soát ma tuý (theo Quyết định 743/TTg ngày 14 tháng 11 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ) như sau:
a. Uỷ ban nhân dân các tỉnh tổ chức thực hiện mục tiêu xoá bỏ cây thuốc phiện: thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đã xoá bỏ cây thuốc phiện gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí vốn hàng năm cho việc thực hiện mục tiêu này.
Uỷ ban Dân tộc và Miền núi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu xoá bỏ cây thuốc phiện của các tỉnh, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể giúp cho đồng bào các dân tộc miền núi thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở các vùng xoá bỏ cây thuốc phiện.
b. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống ma tuý, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ đội biên phòng, lực lượng hải quan, chính quyền các cấp kiểm soát, truy quét các ổ nhóm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện việc truy quét các ổ chứa mại dâm.
c. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; chỉ đạo việc tổ chức cai nghiên ma tuý phù hợp với từng loại đối tượng và thực tế ở từng địa phương; tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề về tái hoà nhập cộng đồng cho các đối tượng nghiện ma tuý và người mại dâm.
9. Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện những mục tiêu về cung cấp nước sạch đô thị và vệ sinh môi trường đô thị.
10. Bộ Y tế tiếp tục tổ chức thực hiện các mục tiêu: về nâng cấp trang thiết bị y tế, xây dựng, nâng cấp các trạm y tế xã và nghiên cứu chuyển dần mục tiêu này vào kế hoạch hàng năm của Bộ, địa phương.
Điều 2. Việc thay đổi cơ chế quản lý từ Chương trình quốc gia cũ sang các nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương được tiến hành từng bước, không gây xáo trộn về mặt tổ chức, cán bộ và bảo đảm tính vững chắc, tính liên tục cho việc thực hiện Chương trình.
Trong năm 1998 cơ chế kế hoạch và cấp phát kinh phí tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 531/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1999 việc xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện theo các quy định chung của Chính phủ.
Đối với các dự án đang thực hiện dở theo chu kỳ sản xuất vẫn được tiếp tục thực hiện theo cơ chế uỷ quyền chi của Quyết định số 531/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dự án kết thúc và không mở thêm các dự án mới đưa vào Chương trình. Các dự án mới của Bộ, ngành nào thì đưa luôn vào nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, ngành đó để thực hiện trong kế hoạch hàng năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.