THÔNG TƯ
Hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của các cơ quan, đơn vị trong quân đội
_______________________
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư; Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội như sau:
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, thể thức và kỹ thuật trình bày bản sao văn bản.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, hiệp hội trong Quân đội (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị) và cá nhân liên quan.
Điều 2. Thể loại và thể thức văn bản
1. Văn bản hành chính trong các cơ quan, đơn vị Quân đội gồm: Quyết định, chỉ thị, quy chế, quy định, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, nghị quyết, dự án, tờ trình, đề án, phương án, hợp đồng, báo cáo, biên bản, công điện, công văn hành chính, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thoả thuận, giấy chứng nhận, giấy ủy quyền, giấy công tác, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy mời, giấy ủy nhiệm, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu trình, phiếu giải quyết văn bản, phiếu trình văn bản (đối với vấn đề đơn giản), phiếu trình giải quyết công việc, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.
2. Thể thức văn bản hành chính trong các cơ quan, đơn vị Quân đội bao gồm các thành phần sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ;
- Tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản;
- Số và ký hiệu văn bản;
- Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản;
- Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản;
- Nội dung văn bản;
- Thẩm quyền, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền;
- Dấu của cơ quan, đơn vị;
- Nơi nhận;
- Dấu chỉ mức độ khẩn, mật (nếu có);
- Các thành phần thể thức khác của văn bản.
3. Đối với công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thỏa thuận, giấy chứng nhận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy công tác, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu giải quyết văn bản, phiếu trình văn bản (đối với vấn đề đơn giản), phiếu trình giải quyết công việc, thư công không bắt buộc phải có tất cả các thành phần thể thức trên.
Điều 3. Kỹ thuật trình bày văn bản
1. Kỹ thuật trình bày văn bản quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với văn bản soạn thảo trên máy vi tính và in ra giấy, bao gồm khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trang văn bản, vị trí trình bày các thành phần thể thức, phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ và các chi tiết trình bày khác.
2. Kỹ thuật trình bày văn bản quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với văn bản soạn thảo bằng các phương pháp, phương tiện kỹ thuật khác hoặc văn bản trên giấy mẫu in sẵn, văn bản in thành sách, báo, tạp chí và các loại ấn phẩm khác.
Điều 4. Phông chữ trình bày văn bản
Phông chữ sử dụng trình bày văn bản trên máy vi tính là phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode/Times New Roman theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.
Điều 5. Khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trang văn bản và vị trí trình bày
1. Khổ giấy
a) Văn bản hành chính được trình bày trên khổ giấy A4 (210 mm x 297 mm).
b) Các văn bản như giấy giới thiệu, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển được trình bày trên khổ giấy A5 (148 mm x 210 mm) hoặc trên mẫu in sẵn (khổ giấy A5).
2. Kiểu trình bày
a) Văn bản hành chính được trình bày theo chiều dài trang giấy khổ A4 và định hướng bản in theo chiều dài.
b) Trường hợp nội dung văn bản có các bảng, biểu nhưng không được làm thành các phụ lục riêng thì văn bản có thể được trình bày theo chiều rộng của trang giấy khổ A4 và định hướng bản in theo chiều rộng.
3. Định lề trang văn bản (đối với khổ giấy A4)
Lề trên: Cách mép trên 25 mm;
Lề dưới: Cách mép dưới 20 mm;
Lề trái: Cách mép trái 35 mm;
Lề phải: Cách mép phải 15 mm.
4. Vị trí trình bày các thành phần thể thức văn bản trên một trang giấy khổ A4 được thực hiện theo sơ đồ bố trí các thành phần thể thức văn bản tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Vị trí trình bày các thành phần thể thức văn bản trên một trang giấy khổ A5 được áp dụng tương tự theo sơ đồ tại Phụ lục trên.
Chương II:
THỂ THỨC VÀ KỸ THUẬT TRÌNH BÀY VĂN BẢN
Điều 6. Quốc hiệu, tiêu ngữ
1. Thể thức
a) Quốc hiệu ghi trên văn bản: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”
b) Tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
2. Kỹ thuật trình bày
Quốc hiệu và tiêu ngữ được trình bày tại ô số 1; chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên phải.
Quốc hiệu: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm;
Tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm; được đặt canh giữa dưới quốc hiệu; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối ngắn và có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ (sử dụng lệnh Draw/Line), cụ thể:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------
Hai dòng chữ trên được trình bày cách nhau dòng đơn.
Điều 7. Tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản
1. Thể thức
a) Tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản bao gồm tên của cơ quan, đơn vị chủ quản trực tiếp (đối với các doanh nghiệp có công ty mẹ thì ghi tên công ty mẹ) và tên của cơ quan, đơn vị ban hành văn bản.
b) Đối với các văn bản do Bộ Quốc phòng, tập đoàn kinh tế, các tổng công ty không ghi cơ quan chủ quản.
c) Tên của cơ quan, đơn vị ban hành văn bản phải được ghi đầy đủ hoặc được viết tắt theo quy định tại văn bản thành lập; quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, phê chuẩn; cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận tư cách pháp nhân của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, ví dụ:
BỘ QUỐC PHÒNG
----------------
|
TẬP ĐOÀN VIỄN THÔNG QUÂN ĐỘI
---------------------
|
TỔNG CÔNG TY
XÂY DỰNG TRƯỜNG SƠN
-----------------
|
TỔNG CÔNG TY 319
CÔNG TY 296
--------------
|
d) Tên của cơ quan, đơn vị chủ quản trực tiếp có thể viết tắt những cụm từ thông dụng như Bộ tư lệnh (BTL), Bộ (ban) Chỉ huy quân sự (BCHQS), ví dụ:
BCHQS TỈNH HẢI DƯƠNG
BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ
HUYỆN THANH HÀ
--------------
|
BTL THÔNG TIN LIÊN LẠC
LỮ ĐOÀN 205
--------------
|
2. Kỹ thuật trình bày
a) Tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản được trình bày tại ô số 2; chiếm khoảng 1/3 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên trái.
b) Tên cơ quan, đơn vị chủ quản trực tiếp được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng. Nếu tên cơ quan, đơn vị chủ quản dài, có thể trình bày thành nhiều dòng.
c) Tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa dưới tên cơ quan, đơn vị chủ quản; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng 1/2 độ dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ. Trường hợp tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản dài có thể trình bày thành nhiều dòng, ví dụ:
BỘ QUỐC PHÒNG
BỘ TƯ LỆNH THÔNG TIN LIÊN LẠC
-----------------
|
BỘ QUỐC PHÒNG
TRUNG TÂM THÔNG TIN
KHOA HỌC QUÂN SỰ
--------------
|
Các dòng chữ trên được trình bày cách nhau dòng đơn.
Điều 8. Số, ký hiệu của văn bản
1. Thể thức
a) Số của văn bản
Số của văn bản là số thứ tự đăng ký văn bản tại Văn thư của cơ quan, đơn vị. Số của văn bản được ghi bằng chữ số Ả-rập, bắt đầu từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
b) Ký hiệu của văn bản
- Ký hiệu của văn bản có tên loại bao gồm chữ viết tắt tên loại văn bản theo bảng chữ viết tắt tên loại văn bản và bản sao kèm theo Thông tư này (Phụ lục I) và chữ viết tắt tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản, ví dụ:
Quyết định của Tư lệnh Quân khu 3 ban hành được ghi như sau: Số:.../QĐ-BTL
Chỉ thị của Giám đốc Nhà máy Z131 ban hành được ghi như sau: Số:.../CT-BGĐ
Quyết định của Hội đồng quản trị ban hành được ghi như sau: Số:.../QĐ-HĐQT
Báo cáo của Cục Chính trị được ghi như sau: Số:.../BC-CCT
- Ký hiệu của công văn bao gồm chữ viết tắt tên cơ quan, đơn vị ban hành và chữ viết tắt tên đơn vị soạn thảo (cục, phòng, ban, bộ phận) hoặc chủ trì soạn thảo; trường hợp công văn qua nhiều cấp soạn thảo để cơ quan ban hành thì lấy ký hiệu của đơn vị cấp dưới trực tiếp, ví dụ:
Công văn của Bộ Quốc phòng do Cục Tài chính soạn thảo: Số:.../BQP-CTC
Công văn của BTL Quân khu do Phòng Tuyên huấn/Cục Chính trị soạn thảo: Số:.../BTL-CCT
Công văn của BTL Quân khu do Phòng Tác chiến/Bộ Tham mưu soạn thảo: Số:.../BTL-BTM
- Trường hợp các Hội đồng, Ban Chỉ đạo của cơ quan được sử dụng con dấu để ban hành văn bản và Hội đồng, Ban được ghi là “cơ quan” ban hành văn bản thì phải lấy số của cơ quan, đơn vị đó, ví dụ: Quyết định số 505 của Hội đồng quân nhân BTL Quân khu 3 hoặc Ban Tổ chức Hội thao nghiệp vụ văn thư, bảo mật, lưu trữ toàn quân lần thứ 3 được trình bày như sau:
BTL QUÂN KHU 3
HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN
-----------------
|
BỘ QUỐC PHÒNG
BAN TỔ CHỨC HỘI THAO
--------------
|
Số: 505/QĐ-HĐQN
|
Số: 505/QĐ-BTC
|
2. Kỹ thuật trình bày
a) Số, ký hiệu của văn bản được trình bày tại ô số 3, được đặt canh giữa dưới tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản.
b) Từ “Số” được trình bày bằng chữ in thường, ký hiệu bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng; sau từ “Số” có dấu hai chấm (:); với những số nhỏ hơn 10 phải ghi thêm số 0 phía trước; giữa số và ký hiệu văn bản có dấu gạch chéo (/), giữa các nhóm chữ viết tắt ký hiệu văn bản có dấu gạch nối (-) không cách chữ, ví dụ:
Số: 105/QĐ-BQP (Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng);
Số: 190/BCH-PTM (Công văn của Bộ Chỉ huy do Phòng Tham mưu soạn thảo);
Số: 123/BC-BTTM (Báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu);
Số: 1234/TĐ-BTM (Công văn của Trung đoàn do Ban Tham mưu soạn thảo).
Điều 9. Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản
1. Thể thức
a) Địa danh ghi trên văn bản là tên gọi chính thức của đơn vị hành chính (tên riêng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn) nơi cơ quan, đơn vị đóng quân; đối với những đơn vị hành chính được đặt tên theo tên người, bằng chữ số hoặc sự kiện lịch sử thì phải ghi tên gọi đầy đủ của đơn vị hành chính đó, cụ thể như sau:
- Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan, đơn vị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu và các Đồn Biên phòng ghi tên của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan, đơn vị đóng quân, ví dụ:
+ Văn bản của Sư đoàn 312 (Sư đoàn bộ đóng quân tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội): Hà Nội,
+ Văn bản của Trung đoàn 50 (Ban Chỉ huy Trung đoàn đóng quân tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng): Hải Phòng,
+ Văn bản của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (Bộ Tư lệnh Quân khu đóng quân tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An): Nghệ An,
- Địa danh ghi trên văn bản của các đơn vị quân sự địa phương:
+ Đối với các Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố trực thuộc Trung ương ghi tên của thành phố trực thuộc Trung ương, ví dụ:
Văn bản của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và của các cục trực thuộc: Hà Nội, của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng và của các phòng trực thuộc: Hải Phòng,
+ Đối với các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ghi tên của tỉnh, ví dụ:
Văn bản của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương và của các phòng trực thuộc (đóng quân tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương): Hải Dương, của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh và của các phòng trực thuộc (đóng quân tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh): Quảng Ninh,
Trường hợp địa danh ghi trên văn bản của Ban Chỉ huy quân sự thành phố thuộc tỉnh mà tên thành phố trùng với tên tỉnh thì ghi thêm hai chữ thành phố (TP.), ví dụ:
Văn bản của Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương): TP. Hải Dương,
- Địa danh ghi trên văn bản của các Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận là tên của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ví dụ:
+ Văn bản của Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương): Thanh Hà,
+ Văn bản của Ban Chỉ huy quân sự quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội): Thanh Xuân,
+ Văn bản của Ban Chỉ huy quân sự thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc): Phúc Yên,
- Địa danh ghi trên văn bản của các doanh nghiệp ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ví dụ:
+ Văn bản của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (có trụ sở đóng tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội): Hà Nội,
+ Văn bản của Tổng công ty 319 (có trụ sở đóng tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội): Hà Nội,
b) Ngày, tháng, năm ban hành văn bản
- Ngày, tháng, năm ban hành văn bản là ngày, tháng, năm văn bản được đăng ký, đóng dấu ban hành.
- Ngày, tháng, năm ban hành văn bản phải được viết đầy đủ; các số chỉ ngày, tháng, năm dùng chữ số Ả-rập; đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, tháng 2 phải ghi thêm số 0 ở trước, cụ thể:
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 02 năm 2009
Tân Bình, ngày 10 tháng 02 năm 2010
2. Kỹ thuật trình bày
Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản được trình bày trên cùng một dòng với số, ký hiệu văn bản, tại ô số 4, bằng chữ in thường, cỡ chữ 13, kiểu chữ nghiêng; viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành địa danh; sau địa danh có dấu phẩy (,); địa danh và ngày, tháng, năm được đặt canh giữa dưới tiêu ngữ.
Điều 10. Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản
1. Thể thức
a) Tên loại văn bản là tên của từng loại văn bản do cơ quan, đơn vị ban hành. Khi ban hành văn bản đều phải ghi tên loại, trừ công văn.
b) Trích yếu nội dung của văn bản là một câu ngắn gọn hoặc một cụm từ phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của văn bản.
2. Kỹ thuật trình bày
a) Tên loại và trích yếu nội dung của các loại văn bản có ghi tên loại được trình bày tại ô số 5a; tên loại văn bản được đặt canh giữa (phần trình bày nội dung) bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.
b) Trích yếu nội dung văn bản được đặt canh giữa, ngay dưới tên loại văn bản, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; bên dưới trích yếu có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng 1/3 độ dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ, ví dụ:
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Hội đồng xác định giá trị tài liệu
------------------
c) Trích yếu nội dung công văn được trình bày tại ô số 5b, sau chữ “V/v” bằng chữ in thường, cỡ chữ 12, kiểu chữ đứng; được đặt canh giữa dưới số và ký hiệu văn bản, cách dòng 6pt với số và ký hiệu văn bản, ví dụ:
Số: 172/VP-BM
V/v báo cáo tình hình công tác
Văn thư, bảo mật, lưu trữ năm 2012
Điều 11. Nội dung văn bản
1. Thể thức
a) Nội dung văn bản là thành phần chủ yếu của văn bản cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
- Phù hợp với hình thức văn bản được sử dụng;
- Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; phù hợp với quy định của pháp luật;
- Được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, chính xác;
- Sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu;
- Dùng từ ngữ tiếng Việt Nam phổ thông (không dùng từ ngữ địa phương và từ ngữ nước ngoài nếu không thực sự cần thiết). Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung thì phải được giải thích trong văn bản;
- Chỉ được viết tắt những từ, cụm từ thông dụng, những từ thuộc ngôn ngữ tiếng Việt dễ hiểu. Đối với những từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần trong văn bản thì có thể viết tắt, các chữ viết tắt lần đầu của từ, cụm từ phải được đặt trong dấu ngoặc đơn ngay sau từ, cụm từ đó;
- Trường hợp viện dẫn văn bản có liên quan thì viện dẫn lần đầu phải ghi đầy đủ tên loại văn bản; số, ký hiệu văn bản, ngày, tháng, năm ban hành; tên cơ quan, đơn vị ban hành, trích yếu nội dung văn bản (đối với luật và pháp lệnh chỉ ghi tên loại và tên của luật, pháp lệnh), ví dụ: được quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư”; trong các lần viện dẫn tiếp theo, chỉ ghi tên loại và số, ký hiệu của văn bản, ví dụ “...được quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP”;
- Viết hoa trong văn bản hành chính được thực hiện theo Phụ lục VI - Quy định viết hoa trong văn bản hành chính.
b) Bố cục của văn bản
- Tùy theo thể loại và nội dung, văn bản có thể có phần căn cứ pháp lý để ban hành, phần mở đầu và có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm hoặc được phân chia thành các phần, mục từ lớn đến nhỏ theo một trình tự nhất định, cụ thể:
+ Quyết định: Theo điều, khoản, điểm; các quy chế (quy định) ban hành kèm theo quyết định: Theo chương, mục, điều, khoản, điểm;
+ Chỉ thị: Theo khoản, điểm;
+ Nghị quyết: Theo điều, khoản, điểm hoặc theo khoản, điểm;
+ Các hình thức văn bản hành chính khác: Theo phần, mục, khoản, điểm hoặc theo khoản, điểm.
- Đối với các hình thức văn bản được bố cục theo phần, chương, mục, điều thì phần, chương, mục, điều phải có tiêu đề.
2. Kỹ thuật trình bày
Nội dung văn bản được trình bày tại ô số 6.
a) Phần nội dung được trình bày bằng chữ in thường (được dàn đều cả hai lề), kiểu chữ đứng; cỡ chữ 14; khi xuống dòng, chữ đầu dòng phải lùi vào từ 1,27cm (1 default tab); khoảng cách giữa các đoạn văn (paragraph) đặt tối thiểu là 6pt; khoảng cách giữa các dòng hay cách dòng (line spacing) chọn tối thiểu từ cách dòng đơn (single line spacing) hoặc từ 15pt (exactly line spacing) trở lên; khoảng cách tối đa giữa các dòng là 1,5 dòng (1,5 lines).
b) Đối với những văn bản có phần căn cứ pháp lý để ban hành thì sau mỗi căn cứ phải xuống dòng, cuối dòng có dấu chấm phẩy (;), riêng căn cứ cuối cùng kết thúc bằng dấu phẩy (,).
c) Trường hợp nội dung văn bản được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm thì trình bày như sau:
- Phần, chương: Từ “Phần”, “Chương” và số thứ tự của phần, chương được trình bày trên một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm. Số thứ tự của phần, chương dùng chữ số La Mã. Tiêu đề (tên) của phần, chương được trình bày ngay dưới, canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13 kiểu chữ đứng, đậm;
- Mục: Từ “Mục” và số thứ tự của mục được trình bày trên một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, số thứ tự của mục dùng chữ số Ả - rập. Tiêu đề của mục được trình bày ngay dưới, canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm;
- Điều: Từ “Điều”, số thứ tự và tiêu đề của điều được trình bày bằng chữ in thường, cách lề trái 1 default tab, số thứ tự của điều dùng chữ số Ả-rập, sau số thứ tự có dấu chấm (.); cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm;
- Khoản: Số thứ tự các khoản trong mỗi mục dùng chữ số Ả-rập, sau số thứ tự có dấu chấm, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng; nếu khoản có tiêu đề, số thứ tự và tiêu đề của khoản được trình bày trên một dòng riêng, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng;
- Điểm: Thứ tự các điểm trong mỗi khoản dùng các chữ cái tiếng Việt theo thứ tự abc, sau có dấu đóng ngoặc đơn, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng.
d) Trường hợp nội dung văn bản được phân chia thành các phần, mục, khoản, điểm thì trình bày như sau:
- Phần (nếu có): Từ “Phần” và số thứ tự của phần được trình bày trên một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; số thứ tự của phần dùng chữ số La Mã. Tiêu đề của phần được trình bày ngay dưới, canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm;
- Mục: Số thứ tự các mục dùng chữ số La Mã, sau có dấu chấm và được trình bày cách lề trái 1 default tab; tiêu đề của mục được trình bày cùng một hàng với số thứ tự, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm;
- Khoản: Số thứ tự các khoản trong mỗi mục dùng chữ số Ả-rập, sau số thứ tự có dấu chấm, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng; nếu khoản có tiêu đề, số thứ tự và tiêu đề của khoản được trình bày trên một dòng riêng, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm;
- Điểm trình bày như trường hợp nội dung văn bản được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm.
Điều 12. Quyền hạn, chức vụ, cấp bậc, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền
1. Thể thức
a) Quyền hạn, chức vụ của người ký
- Chức vụ ghi trên văn bản là chức danh chính thức của người ký văn bản được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm. Chỉ ghi các chức vụ như: Tư lệnh, Phó Tư lệnh, Cục trưởng (Chủ nhiệm Chính trị), Phó Cục trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc, không ghi những chức vụ mà Nhà nước không quy định như: Cấp phó thường trực, phó quân sự, phó hậu cần, v.v...; không ghi lại tên cơ quan, đơn vị, trừ các văn bản liên tịch, văn bản do hai hay nhiều cơ quan, đơn vị ban hành; việc ký thừa lệnh, ký ủy quyền do các cơ quan, đơn vị quy định cụ thể bằng văn bản, ví dụ:
TƯ LỆNH CHÍNH ỦY SƯ ĐOÀN TRƯỞNG
- Chức danh ghi trên văn bản do các tổ chức tư vấn (không thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan được quy định tại quyết định thành lập; quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan) ban hành là chức danh lãnh đạo của người ký văn bản trong ban hoặc hội đồng. Đối với những ban, hội đồng không được phép sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị thì chỉ ghi chức danh của người ký văn bản trong ban hoặc hội đồng, không được ghi chức vụ trong cơ quan, đơn vị.
b) Việc ghi quyền hạn của người ký được thực hiện như sau:
- Trường hợp ký thay cấp trưởng cơ quan, đơn vị thì phải ghi chữ viết tắt “KT.” (ký thay) vào trước chức vụ của cấp trưởng, ví dụ:
KT. CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
|
KT. SƯ ĐOÀN TRƯỞNG
PHÓ SƯ ĐOÀN TRƯỞNG
|
- Trường hợp ký thay mặt tập thể thì phải ghi chữ viết tắt “TM.” (thay mặt) vào trước tên tập thể lãnh đạo hoặc tên cơ quan, đơn vị, ví dụ: Văn bản của Hội đồng quân nhân các cơ quan, đơn vị ghi như sau:
TM. HỘI ĐỒNG
CHỦ TỊCH
|
TM. HỘI ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH
|
Trường hợp ký thừa ủy quyền thì phải ghi chữ viết tắt “TUQ.”, ký thừa lệnh ghi chữ viết tắt “TL.” vào trước chức vụ của người có thẩm quyền ký, ví dụ:
TL. TƯ LỆNH CHÁNH
VĂN PHÒNG
|
TUQ. CHÍNH ỦY
CHỦ NHIỆM CHÍNH TRỊ
|
- Chức vụ (chức danh) người ký văn bản do Hội đồng hoặc Ban Chỉ đạo của Quân khu ban hành mà Tham mưu trưởng, Phó Chính ủy làm Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ghi như sau, ví dụ:
TM. HỘI ĐỒNG
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, con dấu của QK)
THAM MƯU TRƯỞNG
Thiếu tướng Nguyễn Văn A
|
TM. HỘI ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH
(Chữ ký, con dấu của QK)
PHÓ CHÍNH ỦY
Thiếu tướng Nguyễn Văn C
|
TRƯỞNG BAN
(Chữ ký, con dấu của QK)
PHÓ CHÍNH ỦY
Thiếu tướng Nguyễn Văn C
|
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
(Chữ ký, con dấu của QK)
THAM MƯU TRƯỞNG
Thiếu tướng Nguyễn Văn A
|
Chức vụ (chức danh) người ký văn bản do Hội đồng hoặc Ban chỉ đạo của Quân đoàn ban hành mà Tư lệnh làm Chủ tịch Hội đồng hoặc Trưởng ban, Chủ nhiệm Hậu cần làm Phó Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Trưởng ban được ghi như sau, ví dụ:
TM. HỘI ĐỒNG
CHỦ TỊCH
(Chữ ký, con dấu của QĐ)
TƯ LỆNH
Thiếu tướng Trần Văn B
|
TM. HỘI ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH
(Chữ ký, con dấu của QĐ)
CHỦ NHIỆM HẬU CẦN
Đại tá Lê Văn T
|
TRƯỞNG BAN
(Chữ ký, con dấu của QĐ)
TƯ LỆNH
Thiếu tướng Trần Văn B
|
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
(Chữ ký, con dấu của QĐ)
CHỦ NHIỆM HẬU CẦN
Đại tá Lê Văn T
|
c) Cấp bậc, họ tên bao gồm họ, tên đệm (nếu có) và tên của người ký văn bản
Đối với văn bản hành chính, trước họ tên của người ký, chỉ ghi cấp bậc quân hàm, không ghi học hàm, học vị và các danh hiệu vinh dự nhà nước.
2. Kỹ thuật trình bày
a) Quyền hạn, chức vụ của người ký được trình bày tại ô số 7a; chức vụ khác của người ký được trình bày tại ô số 7b; các chữ viết tắt quyền hạn như: “TM.”, “KT.”, “TUQ." “TL.”. Quyền hạn và chức vụ của người ký được trình bày chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm.
b) Cấp bậc, họ tên của người ký văn bản được trình bày tại ô số 7b; bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa so với quyền hạn, chức vụ của người ký.
c) Chữ ký của người có thẩm quyền được trình bày tại ô số 7c.
Điều 13. Dấu của cơ quan, đơn vị
1. Việc đóng dấu trên văn bản thực hiện theo quy định tại Quy chế về công tác Văn thư, lưu trữ và bảo mật tài liệu trong Quân đội.
2. Dấu của cơ quan, đơn vị được trình bày tại ô số 8; dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi lần đóng dấu tối đa 05 trang văn bản.
Điều 14. Nơi nhận
1. Thể thức
a) Nơi nhận được xác định là những cơ quan, đơn vị nhận văn bản và có trách nhiệm như để xem xét, giải quyết; để thi hành; để kiểm tra, giám sát; để báo cáo; để trao đổi công việc; để biết và để lưu.
b) Nơi nhận phải được xác định cụ thể trong văn bản. Căn cứ quy định của pháp luật; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị và quan hệ công tác; căn cứ yêu cầu giải quyết công việc, đơn vị hoặc cá nhân soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đề xuất những cơ quan, đơn vị nhận văn bản trình người ký văn bản quyết định.
c) Đối với văn bản chỉ gửi cho một số đối tượng cụ thể thì phải ghi tên từng cơ quan, đơn vị nhận văn bản; đối với văn bản được gửi cho một hoặc một số nhóm đối tượng nhất định thì nơi nhận được ghi chung, ví dụ:
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố; các sư đoàn thuộc Quân khu;
d) Đối với những văn bản có tên loại, nơi nhận bao gồm từ “Nơi nhận” và phần liệt kê các cơ quan, đơn vị nhận văn bản.
đ) Đối với công văn hành chính, nơi nhận bao gồm hai phần:
- Phần thứ nhất bao gồm từ “Kính gửi”, sau đó là tên các cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc;
- Phần thứ hai bao gồm từ “Nơi nhận”, phía dưới là từ “Như trên”, tiếp theo là tên các cơ quan, đơn vị có liên quan khác nhận văn bản.
2. Kỹ thuật trình bày
a) Phần nơi nhận tại ô số 9a được trình bày như sau:
- Từ “Kính gửi” và tên các cơ quan, đơn vị nhận văn bản được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng;
- Sau từ “Kính gửi” có dấu hai chấm; nếu công văn gửi cho một cơ quan, đơn vị thì từ “Kính gửi” và tên cơ quan, đơn vị được trình bày trên cùng một dòng; trường hợp công văn gửi cho hai cơ quan, đơn vị trở lên thì xuống dòng; tên mỗi cơ quan, đơn vị hoặc mỗi nhóm cơ quan, đơn vị được trình bày trên một dòng riêng, đầu dòng có gạch ngang (-), cuối dòng có dấu chấm phẩy, cuối dòng cuối cùng có dấu chấm; các gạch đầu dòng được trình bày thẳng hàng với nhau dưới dấu hai chấm.
b) Phần nơi nhận tại ô số 9b (áp dụng chung đối với công văn và các loại văn bản khác) được trình bày như sau:
- Từ “Nơi nhận” được trình bày trên một dòng riêng (ngang hàng với dòng chữ “quyền hạn, chức vụ của người ký” và sát lề trái), sau có dấu hai chấm, bằng chữ in thường, cỡ chữ 12, kiểu chữ nghiêng, đậm;
- Phần liệt kê các cơ quan, đơn vị nhận văn bản được trình bày thẳng hàng với nhau, phía dưới, sau dầu hai chấm (:) bằng chữ in thường, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng; tên mỗi cơ quan, đơn vị hoặc mỗi nhóm cơ quan, đơn vị nhận văn bản được trình bày trên một dòng riêng, đầu dòng có gạch ngang sát lề trái, cuối dòng có dấu chấm phẩy; riêng dòng cuối cùng bao gồm chữ “Lưu” sau có dấu hai chấm, tiếp theo là chữ viết tắt “VT” (văn thư), dấu phẩy, chữ viết tắt tên đơn vị soạn thảo văn bản và dấu chấm phẩy, sau đó là chữ viết tắt tên người soạn thảo và số lượng bản phát hành, cuối cùng là dấu chấm.
Điều 15. Các thành phần khác
1. Thể thức
a) Dấu chỉ mức độ mật: Việc xác định và đóng dấu độ mật (Tuyệt mật, Tối mật hoặc Mật), dấu thu hồi đối với văn bản có nội dung bí mật thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
b) Dấu chỉ mức độ khẩn: Tùy theo mức độ cần được chuyển phát nhanh, văn bản được xác định độ khẩn theo bốn mức sau: khẩn, thượng khẩn, hỏa tốc, hỏa tốc hẹn giờ; khi soạn thảo văn bản có tính chất khẩn, đơn vị hoặc cá nhân soạn thảo văn bản đề xuất mức độ khẩn trình người ký văn bản quyết định.
c) Đối với những văn bản có phạm vi, đối tượng được phổ biến, sử dụng hạn chế, sử dụng các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành như “TRẢ LẠI SAU KHI HỌP (HỘI NGHỊ)”, “XEM XONG TRẢ LẠI”, “LƯU HÀNH NỘI BỘ”.
d) Đối với văn bản Tuyệt mật phải có ký hiệu riêng và đánh số riêng cho từng bản phát hành.
đ) Trường hợp văn bản có phụ lục kèm theo thì trong văn bản phải có chỉ dẫn về phụ lục đó. Phụ lục văn bản phải có tiêu đề; văn bản có từ hai phụ lục trở lên thì các phụ lục phải được đánh số thứ tự bằng chữ số La Mã.
e) Văn bản có hai trang trở lên thì phải đánh số trang bằng chữ số Ả-rập.
2. Kỹ thuật trình bày
a) Dấu chỉ mức độ mật
Con dấu các độ mật (TUYỆT MẬT, TỐI MẬT hoặc MẬT) và dấu thu hồi được khắc sẵn theo quy định tại Mục 2, Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000. Dấu độ mật được đóng vào ô số 10a, dấu thu hồi được đóng vào ô số 11.
b) Dấu chỉ mức độ khẩn
Con dấu các độ khẩn được khắc sẵn hình chữ nhật có kích thước 30mm x 8mm, 40mm x 8mm và 20mm x 8mm, trên đó các từ “KHẨN”, “THƯỢNG KHẨN”, “HỎA TỐC” và “HỎA TỐC HẸN GIỜ” trình bày bằng chữ in hoa, phông chữ Times New Roman cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm và đặt cân đối trong khung hình chữ nhật viền đơn. Dấu độ khẩn được đóng vào ô số 10b. Mực để đóng dấu độ khẩn dùng màu đỏ tươi.
c) Các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành: Trình bày tại ô số 11; các cụm từ “TRẢ LẠI SAU KHI HỌP (HỘI NGHỊ)”, “XEM XONG TRẢ LẠI”, “LƯU HÀNH NỘI BỘ” trình bày cân đối trong một khung hình chữ nhật viền đơn, bằng chữ in hoa, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.
d) Đánh số cho văn bản Tuyệt mật; Bản số: …………. ; trình bày tại ô số 15.
đ) Chữ viết tắt tên người đánh máy và số lượng bản phát hành được trình bày tại ô số 13; ký hiệu bằng chữ in hoa, số lượng bản bằng chữ số Ả-rập, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng.
e) Phụ lục văn bản được trình bày trên các trang riêng; từ “Phụ lục” và số thứ tự của phụ lục được trình bày thành một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; tên phụ lục được trình bày canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm.
g) Số trang văn bản được trình bày tại góc phải phía cuối trang giấy (phần footer) bằng chữ số Ả-rập, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, không đánh số trang thứ nhất. Số trang của phụ lục được đánh số riêng theo từng phụ lục.
Mẫu chữ và chi tiết trình bày các thành phần thể thức văn bản được minh họa tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.
Mẫu trình bày một số loại văn bản hành chính được minh họa tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này.
Chương III:
THỂ THỨC VÀ KỸ THUẬT TRÌNH BÀY BẢN SAO VĂN BẢN
Điều 16. Thể thức bản sao
1. Hình thức sao
“SAO Y BẢN CHÍNH”, “SAO LỤC” hoặc “TRÍCH SAO”.
2. Tên cơ quan, đơn vị sao văn bản
3. Số, ký hiệu bản sao bao gồm số thứ tự đăng ký được đánh chung cho các loại bản sao do cơ quan, đơn vị thực hiện và chữ viết tắt tên loại bản sao theo Bảng chữ viết tắt tên loại văn bản và bản sao kèm theo Thông tư này (Phụ lục I). Số được ghi bằng chữ số Ả-rập, bắt đầu từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
4. Các thành phần thể thức khác của bản sao văn bản gồm địa danh và ngày, tháng, năm sao; quyền hạn, chức vụ, cấp bậc, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền; dấu của cơ quan, đơn vị sao văn bản và nơi nhận được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Thông tư này.
Điều 17. Kỹ thuật trình bày
1. Vị trí trình bày các thành phần thể thức bản sao (trên trang giấy khổ A4)
Thực hiện theo sơ đồ bố trí các thành phần thể thức bản sao kèm theo Thông tư này (Phụ lục III).
a) Các thành phần thể thức bản sao được trình bày trên cùng một tờ giấy, ngay sau phần cuối cùng của văn bản cần sao, dưới một đường kẻ nét liền, kéo dài hết chiều ngang của vùng trình bày văn bản.
b) Trường hợp phần cuối văn bản không đủ để trình bày thể thức bản sao thì có thể chuyển sang mặt sau của văn bản cần sao.
2. Kỹ thuật trình bày bản sao
a) Cụm từ “SAO Y BẢN CHÍNH”, “TRÍCH SAO” hoặc “SAO LỤC” được trình bày tại ô số 1 (Phụ lục III) bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.
b) Tên cơ quan, đơn vị sao văn bản (tại ô số 2); số, ký hiệu bản sao (tại ô số 3); địa danh và ngày, tháng, năm sao (tại ô số 4); chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền (tại ô số 5a, 5b và 5c); dấu của cơ quan, đơn vị sao văn bản (tại ô số 6); nơi nhận (tại ô số 7) được trình bày theo hướng dẫn trình bày các thành phần thể thức tại Phụ lục III.
Mẫu chữ và chi tiết trình bày các thành phần thể thức bản sao được minh họa tại Phụ lục IV; mẫu trình bày bản sao được minh họa tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này.
Chương IV:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Thông tư này thay thế Chương II, Chương III Quy định ban hành và quản lý văn bản hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 206/2005/QĐ-BQP ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Văn phòng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.