Sign In

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT

Hướng dẫn chế độ quản lý
tài chính trong ngành quản lý đất đai

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 30/HĐBT ngày 23 tháng 3 năm 1989; Chỉ thị số 67/CT ngày 23 tháng 03 năm 1989 về triển khai Luật đất đai trong toàn quốc và Quyết định số 168/HĐBT ngày 16-5-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết số 186 về phân cấp quản lý Ngân sách địa phương. Tiếp theo các văn bản hướng dẫn số 210a TC/VP ngày 01 tháng 04 năm 1990; số 15a/TCNSNN ngày 28 tháng 5 năm 1992; số 18TC/ĐT ngày 05 tháng 06 năm 1992 của Bộ Tài chính; nay Liên Bộ hướng dẫn cụ thể thêm về chế độ quản lý tài chính ngành quản lý đất đai như sau:

 

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Ngành quản lý đát đai phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính và các ngành liên quan ở địa phương phaỉ khai thác đầy đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định của chế độ hiện hành từ quản lý đất đai vào Ngân sách nhà nước. Không được tự tiện thêm bất cứ một khoản thu nào đối với người sử dụng đất đai.

2. Phải quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các định mức tiêu chuẩn chi tiêu tài chính hiện hành. Chi đúng mục đích, đúng chế dộ trong phạm vi kế hoạch và có hiệu quả cao.

Riêng chi về xây dựng lưới toạ độ địa chính các cấp, các hạng, chi cho đo vẽ bản đồ địa chính có toạ độ các tỷ lệ phải tuân theo đúng định mức kinh tế, kỹ thuật, lao động, vật tư do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc uỷ quyền cho Tổngcục quản lý ruộng đất quy định . Các địa phưong khi tiến hành công việc phải theo đúng quy trình, quy phạm của Tổng cục quản lý ruộng đất ban hành, nghiêm cấm làm tắt, bỏ bớt quy trình, dẫn đến lãng phí về lao động, vật tư, tiền vốn và làm giảm tiến độ và chất lượng công trình.

3. Toàn bộ các khoản thu, chi nói trên đều phải phản ánh qua Ngân sách các cấp, bao gồm từ khâu xây dựng kế hoạch đến khi quyết toán hàng năm.

 

II. NỘI DUNG THU CHI CỦA NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

1. Các khoản thu gồm có:

a) Tiền đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng sử dụng vào mục đích khác theo Quyết định số 186/HĐBT ngày 31 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 18/TC/ĐT ngày 05 tháng 06 năm 1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 186/HĐBT nói trên.

b) Tiền thuê đất của các tổ chức nước ngoài và giá trị đất trong phần góp vốn cuả phía Việt Nam đối với các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài áp dụng theo Quyết định số 210a TC/VP ngày 01 tháng 04 năm 1990 của Bộ Tài chính về tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển đối với các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ quan quản lý đất đai các cấp căn cứ vào quy trình, quy phạm của Tổng cục quản lý ruộng đất ban hành để xác định vị trí, diện tích, hình thể và loại hạng đất làm căn cứ tính mức thu tiền cho thuê và tiền đền bù thiệt hại về đất được chính xác.

c) Tiền phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai.

Trong khi chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, căn cứ vào tình hình thực tế ở từng nơi, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định tạm thời mức thu tiền phạt vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai để thi hành tại địa phương mình và gửi cho Bộ Tài chính và Tổng cục quản lý ruộng đất biết. Cơ quan Quản lý đất đai trực tiếp thu được giữ lại 10% số tiền phạt do người sử dụng đất đai vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai . Số còn lại (90%) phải nộp vào Ngân sách nhà nước. Số tiền 10% giữ lại này dùng để chi khen thưởng cho những người có thành tích trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm chế độ quản lý đất đai.

d) Tiền lệ phí địa chính nhằm bù đắp một phần chi phí cho các hoạt động địa chính của chính quyền địa phương.

Các công việc phải thu lệ phí địa chính và mức thu tối đa, tối thiểu theo khung sau:

Loại công việc

Đơn vị tính

Mức thu

 

 

Tối đa

Tối thiểu

- Việc giao đất

- Đăng ký ban đầu

- Đăng ký biến động

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Trích lục hồ sơ địa chính

- Giải quyết tranh chấp đất đai

Đ/m2

đ/thửa

đ/thửa

đ/giấy

đ/hồ sơ

đ/đơn

10

5.000

2.000

50.000

100.000

200.000

5

500

500

10.000

2.000

5.000

Tổng cục quản lý ruộng đất căn cứ vào quy định này, hướng dẫn mức thu đối với từng loại đất, mức độ công việc, từng đối tượng; sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính. mức lệ phí này không áp dụng cho các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu cụ thể cho địa phương mình theo hướng dẫn của Tổng cục quản lý ruộng đất.

Lệ phí địa chính giao cho cơ quan quản lý ruộng đất địa phương trực tiếp thu và nộp vào Ngân sách tỉnh, thành phố. Khi thu lệ phí địa chính phải ghi biên lai theo đủ số liên quy định và dán tem chứng thư do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) phát hành.

2. Các khoản chi và phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương cho công tác quản lý đất đai.

Tại điểm 2 mục I Thông tư số 15a TC/NSNN ngày 28 tháng 5 năm 1992 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn thi hành Quyết định số 168/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định các công việc do Ngân sách Trung ương chi, những công việc do Ngân sách địa phương chi.

Công tác quản lý đất đai, trước hết phải khẩn trương đo đạc, phân hạng, lập bản đồ địa chính trên cơ sở lưới toạ độ địa chính thống nhất trong cả nước, quy hoạch phân bổ đất đai, giao quyền sử dụng đất đến từng hộ. Thiết lập hệ thống hồ sơ và tài liệu về đất đai để làm căn cứ cho việc quản lý sử dụng trước mắt và lâu dài . Do đó , ngoài khoản chi thường xuyên cho công tác quản lý đất đai ở địa phương, Ngân sách Trung ương sẽ chỉ hỗ trợ một phần cho việc xây dựng các bộ hồ sơ địa chính .

a) Các khoản do ngân sách Trung ương trực tiếp chi tại Tổng cục Quản lý ruộng đất.

Các khoản chi cho các công việc có tính chất chung cả nước như:

- Duy trì bộ máy quản lý nhà nước của Tổng cục;

- Công tác đào tạo cán bộ quản lý đất đai

- Công tác nghiên cứu khoa học;

- Sự nghiệp kinh tế của Tổng cục gồm:

+ Hội nghị ngành

+ Hoạt động của các dự án do nước ngoài và tổ chức quốc tế viện trợ (phần góp của Việt Nam).

+ Hoạt động lưu trỡ hồ sơ địa chính của Trung ương và khu vực.

+ Công tác xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cả nước.

Các khoản chi trên đây phải đúng theo định mức, tiêu chuẩn tài chính cuả nhà nước quy định.

+ Các khoản chi sự nghiệp kinh tế toàn ngành.

- Đo đạc lập lưới toạ độ địa chính các cấp.

- Đo vẽ bản đồ địa chính có toạ độ các tỷ lệ.

Hai khoản chi trên đây sẽ do Tổng cục Quản lý ruộng đất ký hợp đồng trực tiếp với các tổ chức ở Trung ương và địa phương về khối lượng công việc phải tiến hành, đơn giá và chi phí, giá trị phải thanh toán hàng năm.

b) Các khoản do Ngân sách địa phương chi:

- Lập thống kê hiện trạng sử dụng đất hàng năm

- Lập hồ sơ địa chính

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Giải quyết tranh chấp đất đai

- Chỉnh lý biến động đất đai

- Quy hoạch đất đai

- Đánh giá đất

- Tổ chức công tác thu thập xử lý số liệu, tài liệu địa chính

- Đào tạo cán bộ quản lý đất đai ở địa phương

- Trang thiết bị chuyên dùng.

Toàn bộ các nội dung chi trên đây đều phải thực hiện theo đúng định mức kinh tế kỹ thuật cho từng công đoạn do cấp có thẩm quyền quyết định hoặc uỷ quyền cho Tổng cục Quản lý ruộng đất quyết định.

 

III- LẬP KẾ HOẠCH CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN
KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

1. Về công tác kế hoạch:

Căn cứ vào kế hoạch khối lượng công việc được giao, các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy trình, quy phạm của từng loại công việc, và đơn giá do Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành; các địa phương tiến hành lập kế hoạch chi cho công việc quản lý đất đai ở địa phương mình (bao gồm cả khoản chi do kinh phí Trung ương cấp và các khoản chi do Ngân sách địa phương trực tiếp chi).

Kế hoạch này phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duỵệt, trước khi gửi cho Tổng cục quản lý ruộng đất, Tổng cục Quản lý ruộng đất có trách nhiệm xem xét, tổng hợp trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt đồng thời gửi cho Bộ Tài chính để đưa vào dự toán thu chi Ngân sách năm.

2. Về cấp phát kinh phí:

a) Căn cứ vào tình hình quyết toán năm trước và kế hoạch năm Ngân sách được duỵệt; quý I hàng năm ngành Tài chính sẽ cấp phát để thanh toán khối lượng năm trước còn lại và tạm ứng một số kinh phí để triển khai công việc quý I của ngành quản lý đất đai.

Từ quý II trở đi ngành Quản lý đất đai phải báo cáo tiến độ thực hiện khối lượng công việc và tình hình sử dụng kinh phí thì mới có căn cứ cấp phát tiếp cho quý sau.

b) Cơ quan tài chính có quyền đình chì cấp phát nếu cơ quan quản lý đất đai không có báo cáo tiến độ thực hiện, tình hình sử dụng kinh phí, hoặc địa phương, đơn vị quản lý đất đai vi phạm kỷ luật chi tiêu tài chính.

3. Về công tác quyết toán:

Cơ quan quản lý đất đai các cấp phải thực hiện chế độ hạch toán và kế toán thống nhất theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thực hiện việc quyết toán tình hình chi tiêu tài chính hàng quý, 6 tháng và cả năm theo quy định tại Thông tư số 15 TC/HCVX ngày 19 tháng 5 năm 1992 của Bộ Tài chính và các doanh nghiệp khác thực hiện quyết toán theo quy định tại Thông tư số 03 TC/VKH ngày 27 tháng 2 năm 1992 của Bộ Tài chính.

Cơ quan quản lý đất đai địa phương phải quyết toán toàn bộ các nguồn kinh phí (kể cả Trung ương và Ngân sách địa phương cấp) gửi cho Tổng cục Quản lý ruộng đất để tổng hợp báo cáo và quyết toán phần ngân sách Trung ương với Bộ Tài chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, cơ sở phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.

Bộ Tài chính

Tổng cục Quản lý ruộng đất

Thứ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lý Tài Luận

Tôn Gia Huyên