QUYẾT ĐỊNH
Về việc tổ chức tổng kiểm kê,
đánh giá lại tài sản trong các đơn
vị cơ sở, các ngành kinh tế thuộc khu vực Nhà nước
Thi hành nghị quyết hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành trung ương Đảng Hội đồng Chính phủ quyết định tổ chức một đợt tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản trong từng đơn vị cơ sở và từng ngành kinh tế thuộc khu vực Nhà nước để nắm lại toàn bộ vật tư, thiết bị hiện có ở các ngành, các địa phương, từ đó có căn cứ chính xác xây dựng kế hoạch Nhà nước 1981 - 1985 và quán triệt phương châm tận dụng và phát huy mọi tiềm lực để đẩy mạnh sản xuất.
1. Mục đích, yêu cầu cụ thể của cuộc tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản.
Đối với các đơn vị cơ sở:
Bảo đảm nắm chắc tình hình số lượng, chất lượng, giá trị thực tế của tài sản, vật tư hiện có; đánh giá chính xác năng lực sản xuất, mức độ sử dụng và khả năng phát huy công suất của máy móc, thiết bị;
Xác định tương đối thống nhất và đúng đắn giá của các loại tài sản, thiết bị, vật tư; thực hiện nguyên tắc thống nhất giá cả trong những điều kiện sản xuất kinh doanh của năm 1980 để từ đó xác định đúng số vốn (vốn cố định và vốn lưu động) mà đơn vị cơ sở đang quản lý;
Gắn liền với đợt tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản, các đơn vị cơ sở cần có kế hoạch chấn chỉnh một bước công tác quản lý tài sản, nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý, kịp thời xử lý những tài sản ứ đọng, hoặc sử dụng không hợp lý ở cơ sở, việc gì cơ sở không đủ quyền hạn và khả năng xử lý thì báo cáo lên cấp trên tạo điều kiện để xử lý nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất;
Xác định rõ chế độ trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận, trong việc bảo quản và sử dụng tài sản, chấm dứt tình trạng thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo khiến tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc sử dụng lãng phí.
Đối với các Bộ, các ngành và địa phương:
Thông qua tổng kiểm kê đánh giá tài sản, các Bộ, các ngành và địa phương nắm lại tình hình năng lực sản xuất, vốn cố định, vốn lưu động và việc sử lý tài sản ở cơ sở để có kế hoạch điều hoà, phân phối và sử dụng hợp lý tài sản trong phạm vi ngành hoặc địa phương nhằm phát huy tiềm lực hiện có, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Đối với Hội đồng Chính phủ:
Thông qua tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản, các cơ quan quản lý tổng hợp của Nhà nước có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ nắm lại tình hình toàn bộ tài sản của khu vực Nhà nước, trong từng ngành, từng địa phương, theo cơ cấu kinh tế - kỹ thuật, để có kế hoạch điều hoà, phân phối và sử dụng hợp lý, có kế hoạch phục hồi, sửa chữa, mở rộng và nâng cao giá trị sử dụng tài sản, gắn kế hoạch tận dụng và phát huy những tài sản hiện có với kế hoạch đầu tư xây dựng mới, làm căn cứ lập kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá năm 1981 và kế hoạch 5 năm 1981 - 1985.
2. Phạm vi đối tượng:
Phạm vị của cuộc tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản lần này tập trung vào tài sản cố định và tài sản lưu động của các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước ở trung ương và địa phương (kể cả tài sản của các xí nghiệp công tư hợp doanh); tài sản của các đơn vị sự nghiệp có liên quan trực tiếp đến sản xuất kinh doanh (như trạm, trại giống cây con; trạm máy kéo; trạm thuỷ nông,..); tài sản thuộc các đơn vị nghiên cứu khoa học, thí nghiệm của trung ương và địa phương.
Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ tiến hành kiểm kê đánh giá lại tài sản trong toàn ngành theo các mục đích yêu cầu chung trên đây và theo kế hoạch riêng của từng ngành rồi lại báo cáo riêng với Thủ tướng Chính phủ.
3. Hệ thống chỉ tiêu.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong cuộc tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản lần này là:
Về chỉ tiêu hiện vật: đối với các tài sản cố định bao gồm số lương, công suất, năng lực và hiện trạng tài sản đang dùng và chưa dùng; đối với tài sản lưu động gồm số lượng và phẩm chất; phân theo từng loại, ở các thời điểm trước và sau khi kiểm kê.
Về chỉ tiêu giá trị: gồm giá trị ban đầu hoặc giá khôi phục (nếu là tài sản khôi phục lại), giá trị đã khấu hao cơ bản, giá trị còn lại theo sổ sách; giá trị ban đầu theo giá thống nhất và giá trị thực tế còn lại theo giá thống nhất.
Các chỉ tiêu nói trên phải được tổng hợp theo cơ cấu ngành, địa phương và vùng lãnh thổ.
4. Tổ chức thực hiện.
a. Thời gian tiến hành tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản bắt đầu từ quý III năm 1980, kết thúc cuối quý IV năm 1980.
Thời điểm tổng kiểm kê thống nhất vào 0 giờ ngày 1 tháng 7 năm 1980.
b. Ban chỉ đạo tổng kiểm kê ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các Bộ, các ngành, các địa phương về kế hoạch, nội dung, quy trình, phương pháp tiến hành tổng kiểm kê và xác định giá, ban hành các biểu mẫu báo cáo và các chỉ tiêu cụ thể.
c. Ban chỉ đạo tổng kiểm kê ở trung ương bàn bạc với các Bộ, Tổng cục để huy động một lực lượng cán bộ của các Bộ, các ngành và cán bộ giảng dạy, học sinh của một số trường đại học và trung học chuyên nghiệp để phục vụ cho công tác này trong một thời gian.
d. Ban chỉ đạo tổng kiểm kê ở trung ương được tổ chức một văn phòng, có một số cán bộ lấy từ các Bộ, các ngành; được sử dụng một số phương tiện làm việc (xe ô-tô con, xăng dầu, giấy in...) và có kinh phí riêng về công tác kiểm kê tài sản.
Kinh phí kiểm kê tài sản ở xí nghiệp được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh; kinh phí kiểm kê ở các ngành, ở các địa phương, ở các Bộ trung ương được tính vào chi phí hành chính sự nghiệp của ngành do ngân sách Nhà nước đài thọ, do Bộ Tài chính quy định.
5. Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, trưởng ban chỉ đạo tổng kiểm kê ở trung ương và thủ trưởng các đơn vị cơ sở ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh quyết định này.
Cuối quý IV năm 1980, đồng chí trưởng ban chỉ đạo tổng kiểm kê ở trung ương có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ.