Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

__________________________________________

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ và cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

Chương I

ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh) là đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng cơ quan báo chí của Đảng bộ, chính quyền tỉnh.

2. Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh chịu sự quản lý nhà nước về báo chí, về truyền dẫn và phát sóng của Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Lập kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện nhiệm vụ được giao; tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền thanh, truyền hình và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền.

2. Sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, các chương trình truyền hình, nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt, bằng các tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Tham gia phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh.

4. Trực tiếp vận hành, quản lý, khai thác hệ thống kỹ thuật chuyên ngành để sản xuất chương trình, truyền dẫn tín hiệu và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình của địa phương và quốc gia theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để đảm bảo sự an toàn của hệ thống kỹ thuật này.

5. Thực hiện các dự án đầu tư và xây dựng; tham gia thẩm định các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực phát thanh, truyền thanh, truyền hình theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình phát sóng trên sóng đài quốc gia.

7. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật đối với các Đài Truyền thanh - Truyền hình hoặc Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố theo quy định của pháp luật.

8. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu kỹ thuật, công nghệ thuộc lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên ngành phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật.

9. Tham gia xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật thuộc lĩnh vực phát thanh, truyền hình theo sự phân công, phân cấp. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trưởng đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

10. Tổ chức các hoạt động quảng cáo, kinh doanh, dịch vụ; tiếp nhận sự tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

11. Quản lý và sử dụng lao động, vật tư, tài sản, ngân sách do Nhà nước cấp, nguồn thu từ quảng cáo, dịch vụ, kinh doanh và nguồn tài trợ theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện chế độ, chính sách, nâng bậc lương, tuyển dụng, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

13. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan chức năng về các mặt công tác được giao; tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng theo phân cấp và quy định của pháp luật.

14. Thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch và các tệ nạn xã hội khác trong đơn vị. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

15. Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra thực hiện chế độ chính sách và các quy định của pháp luật; đề xuất các hình thức kỷ luật đối với đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động phát thanh, truyền thanh, truyền hình theo phân công, phân cấp và theo quy định của pháp luật.

16. Thực hiện công tác thông tin, lưu trữ tư liệu theo quy định của pháp luật.

17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Cơ cấu tổ chức.

a) Các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh được thành lập thống nhất gồm:

 Phòng Tổ chức và hành chính;

 Phòng Thời sự;

 Phòng Biên tập;

 Phòng Thông tin điện tử;

 Phòng Văn nghệ và giải trí;

 Phòng Kỹ thuật và công nghệ;

 Phòng Dịch vụ và quảng cáo.

b) Các phòng được thành lập thêm phù hợp với đặc điểm của các địa phương trên nguyên tắc bao quát đầy đủ các lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ phải rõ ràng, không chồng chéo. Số lượng, tên gọi các phòng chuyên môn nghiệp vụ được thành lập thêm do Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng theo quy định của pháp luật.

c) Các đơn vị sự nghiệp thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh (nếu có) gồm:

Trung tâm sản xuất phim truyền hình;

Các đơn vị sự nghiệp khác;

Các đơn vị sự nghiệp trên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

d) Lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh:

Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh có Giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc. Giám đốc, các Phó Giám đốc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh là người chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan. Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

2. Biên chế

Biên chế của Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh là biên chế sự nghiệp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh bố trí, sử dụng viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch viên chức theo quy định của pháp luật.

Chương II

ĐÀI TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Điều 4. Vị trí và chức năng

1. Đài Truyền thanh - Truyền hình hoặc Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện) là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền huyện.

2. Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện, quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Sản xuất và phát sóng các chương trình truyền thanh bằng tiếng Việt và bằng các tiếng dân tộc trên hệ thống loa truyền thanh, thiết bị phát sóng phát thanh được trang bị nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, các hoạt động tại cơ sở, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác an ninh trật tự, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tới nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Tiếp sóng và phát sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân theo quy định của pháp luật.

3. Trực tiếp quản lý hệ thống kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện việc tiếp sóng, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh.

5. Quản lý, vận hành các đài phát lại truyền hình, đài phát sóng phát thanh trên địa bàn theo sự phân công. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật đối với Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

6. Quản lý, sử dụng lao động, tài sản, ngân sách và nguồn thu từ dịch vụ; thực hiện chính sách đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên. Tham gia các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan cấp trên tổ chức. Tổ chức hoạt động thi đua khen thưởng theo quy định của pháp luật.

8. Tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chức năng để củng cố, mở rộng sự nghiệp truyền thanh, truyền hình trên địa bàn.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tổ chức và biên chế

1. Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện có Trưởng đài, Phó Trưởng đài và bộ máy giúp việc. Trưởng đài và Phó Trưởng đài do Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng đài chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đài. Phó Trưởng đài giúp Trưởng đài, chịu trách nhiệm trước Trưởng đài về nhiệm vụ được phân công.

3. Biên chế của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện là biên chế sự nghiệp, đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Số lượng biên chế của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng số biên chế sự nghiệp của huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao hàng năm theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2010.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Thông tư liên tịch này:

a) Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ảnh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Doãn Hợp

Trần Văn Tuấn