THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Về biện pháp tạm thời cho vay máy bơm nước cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp
________________________
Để phục vụ kịp thời cho vụ sản xuất Đông-Xuân 1960 – 1961 và cho sản xuất nông nghiệp nói chung đạt được thắng lợi toàn diện mạnh mẽ và vững chắc, Chính phủ đã quyết định đưa một số máy bơm nước về bán cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở những nơi bị hạn mà ở đó chưa thành lập trạm máy bơm quốc doanh. Thi hành thông tư của Thủ tướng phủ số 41-TTg ngày 01-02-1961 về việc tổ chức quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ tưới ruộng, Liên bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thủy lợi và Điện lực ra thông tư Liên bộ tạm thời quy định một số biện pháp về cho vay máy bơm nước cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp như sau:
I. ĐIỀU KIỆN CHO VAY
Số máy bơm của ta hiện nay có rất ít so với toàn bộ diện tích trồng trọt cần tưới, trình độ kỹ thuật của công nhân chạy máy bơm còn kém, lại thiếu kinh nghiệm, cho nên hình thức chủ yếu để quản lý máy bơm là đội quốc doanh. Việc bán máy bơm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa có thể mở rộng. Do đó, việc cho vay mua máy bơm nước đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sẽ giải quyết theo thứ tự ưu tiên: trước hết là đối với những hợp tác xã ở vào những điều kiện sau đây:
- Diện tích ruộng cần tưới tương đối tập trung, thường xuyên bị hạn, thiếu nhân lực để tát hoặc dùng nhân lực thì hao phí nhiều công sức;
- Nguồn nước có đủ để bơm ngay cả cho lúc bị hạn nhiều nhất. Mặt khác phải bảo vệ máy chu đáo và sử dụng hết công suất của máy, ít nhất là hai phần ba năng suất của máy nếu dùng quanh năm;
- Có công nhân tương đối có kinh nghiệm chạy máy bơm;
- Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp yêu cầu, tự nguyện xin vay và máy bơm nước đưa về phải đảm bảo tăng năng suất, tăng thu nhập cho hợp tác xã và xã viên, đảm bảo trả được nợ cho Nhà nước và trả đúng kỳ hạn đã quy định;
- Phải được sự đồng ý của Ủy ban hành chính huyện, được Ty Thủy lợi xác nhận về các điều kiện kể trên; đồng thời được Ty Thủy lợi hướng dẫn và đảm bảo về mặt kỹ thuật. Mặt khác phải có phương tiện bảo vệ và quy ước sử dụng cũng như bảo vệ máy.
II. ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐỘ, THỜI HẠN VÀ LÃI SUẤT CHO VAY
1. Đối tượng cho vay: Đơn vị được vay phải là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quy mô tương đối lớn hoặc các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã liên hợp hoặc chuẩn bị sẽ liên hợp. Tình độ quản lý kinh doanh của các hợp tác xã kể trên tương đối tốt, đảm bảo sử dụng máy bơm được tốt.
2. Mức độ cho vay: Sau khi đã huy động hết khả năng tự lực của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp còn thiếu bao nhiêu Ngân hàng sẽ cho vay bấy nhiêu. Trường hợp hợp tác xã vì gặp nhiều khó khăn không thể tự lực được, Ngân hàng cũng có thể cho vay cả 100% số vốn cần mua sắm.
3. Thời hạn cho vay: Cho vay máy bơm thời hạn tối đa là 5 năm và sẽ trả dần từng năm để đỡ gánh nặng về sau. Trường hợp máy phải mua nhiều tiền và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có gặp nhiều khó khăn, trong 5 năm không thể trả xong nợ, Ngân hàng có thể kéo dài thêm thời hạn, nhưng tối đa không vượt quá thời gian sử dụng máy.
4. Lãi suất cho vay: Máy bơm nước là một loại vật tư nhiều tiền. Để nâng đỡ và khuyến khích các hợp tác xã sản xuất sử dụng máy bơm nước nhằm tăng vụ, tăng diện tích, tăng năng suất, tăng thu nhập, nên lãi suất cho vay máy bơm nước được đặc biệt ưu đãi. Trong khi chờ đợi ban hành chính sách lãi suất toàn diện, Thủ tướng phủ đồng ý cho phép Ngân hàng tạm thời quy định lãi suất cho vay mua máy bơm nước là 2% một năm.
III. BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH
Máy bơm nước hiện nay đã được phân phối về các tỉnh và do Ty Thủy lợi bảo quản, phân phối và bán cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Để cho việc phân phối bán và cho vay được kịp thời nhanh chóng, giữa Ty Thủy lợi và Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng cần có sự phối hợp thật chặt chẽ. Dưới đây là mấy biện pháp chính, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi ngành trong vấn đề này:
1. Căn cứ vào số lượng máy mà Bộ Thủy lợi và Điện lực đã phân phối về cho các tỉnh và theo yêu cầu của các địa phương trong tỉnh, Ủy ban hành chính tỉnh sẽ giao trách nhiệm cho Ty Thủy lợi cùng với Ban công tác nông thôn tỉnh cũng như Ủy ban hành chính huyện trao đổi ý liến lập bản danh sách phân phối số máy bơm đó theo thứ tự ưu tiên như đã nói trên giữa các vùng bị hạn trong tỉnh và trình Ủy ban hành chính tỉnh duyệt.
Các Chi nhánh, chi điếm Ngân hàng sẽ căn cứ vào bản kê này mà kiểm tra và xét duyệt cho các hợp tác xã vay sau khi đã được Ủy ban hành chính huyện đồng ý. Giá máy bơm nói chung là theo giá quy định của Nhà nước. Nhưng đối với các loại máy cũ đã bán chịu hoặc cho thuê từ năm 1959 trở về trước, nay muốn bán thì mỗi tỉnh sẽ thành lập một hội đồng hóa giá để xác định lại giá trước khi bán cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng chỉ cho vay theo giá trị máy sau khi hội đồng hóa giá đã quyết định, còn phần chênh lệch thì tùy từng trường hợp cụ thể do Ty Thủy lợi sẽ cùng với đơn vị đã sử dụng máy trong thời gian qua mà giải quyết trên nguyên tắc hợp tác xã nhận máy ngày nào thì phải tính theo giá trị của máy ngày ấy mà thanh toán với Nhà nước.
Ở những nơi cần bán và cho vay, Ty Thủy lợi phải cử với cán bộ về tận nơi để giúp đỡ cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp:
- Tính toán và xác định cho đúng các điều kiện đã quy định.
- Hướng dẫn cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp về mặt kỹ thuật, về mặt quản lý bảo quản máy để đưa lại kết quả thiết thực.
- Giúp các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tính toán các chi phí cần thiết cho máy chạy trên tinh thần “cần kiệm xây dựng xã”
- Giúp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thành lập một tổ điều khiển máy và bản phân phối nước.
Khi các hợp tác xã lên mua máy bơm, Ty Thủy lợi có trách nhiệm phân phối kịp thời và đảm bảo máy chạy tốt trước khi giao.
2. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp muốn vay mua máy cần tính toán số ruộng mà hợp tác xã mình định tưới nước, cùng nhau thỏa thuận mức đóng góp và mức chịu nợ, sau đó làm đơn xin vay trình lên Ủy ban hành chính huyện duyệt (đơn xin vay cần nói rõ các điều kiện và được Ty Thủy lợi xác nhận và đảm bảo về mặt kỹ thuật ).
3. Chi nhánh Ngân hàng có trách nhiệm phân phối số vốn cho vay dài hạn trong chỉ tiêu quý I- 1961 của Trung ương đã gửi về cho các chi điếm được kịp thời, nếu thiếu vốn Chi nhánh cần lập dự trù gửi gấp về Trung ương để Trung ương cấp thêm vốn cho vay.
Các chi điếm phải cử cán bộ về địa phương cùng cán bộ Ty Thủy lợi và Ban Thủy lợi xã kiểm tra lại các điều kiện, tính toán hiệu quả kinh tế, tính toán thời gian trả nợ… Căn cứ vào đơn xin vay, Chi điếm có trách nhiệm giải quyết kịp thời.
Khi cho vay thì ghi Nợ các đơn vị vay, ghi Có tài khoản tiền gửi 15.44 “tiểu khoản Ty Thủy lợi”.
Hàng tháng Ty Thủy lợi lập bản kê số máy và số tiền đã bán gửi về Bộ Thủy lợi và Điện lực; Bộ Thủy lợi và Điện lực sẽ thanh toán với Bộ Tài chính.
Sau khi cho vay cán bộ Ngân hàng và cán bộ Ty Thủy lợi cần tăng cường kiểm tra để giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tận dụng và phát huy hết khả năng của máy bơm và giúp đỡ họ giải quyết các khó khăn.
Khi thu nợ các bộ Ngân hàng cần căn cứ vào quỹ tích lũy và quỹ khấu hao để thu dần đúng theo khả năng của từng hợp tác xã. Các hợp tác xã cần tính toán khấu hao máy bơm nước cho sát đúng để có đủ tiền trả nợ đúng hạn và có đủ tiền sửa chữa cũng như mua lại máy mỗi khi máy cũ hỏng.
4. Cho vay mua máy bơm là một nghiệp vụ tương đối phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải hiểu biết về kỹ thuật, vì thế khoản cho vay này phải có cán bộ Ngân hàng trực tiếp cho vay, không cho vay qua hợp tác xã vay mượn.
Trên đây là mấy biện pháp chính hướng dẫn các địa phương thi hành nhằm bổ sung và cụ thể hóa thêm thông tư Liên bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thủy lợi và Điện lực số 315-LB ngày 13-06-1958. Những quy định nào trước đây trái với những quy định kể trên này đều bãi bỏ.