Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về thủ tục và biện pháp thu nộp các khoản thuế lãi, chênh lệch giá đối với các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh thuộc ngành nội thương

________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ vào nghị định số 235-CP ngày 04-12-1969 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương; căn cứ vào quyết định số 258-CP ngày 29-12-1969 của Hội đồng Chính phủ ấn định khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm; căn cứ vào thông tư liên Bộ Tài chính-Nội thương-Ngân hàng Nhà nước số 93-TT/LB ngày 16-4-1970 hướng dẫn việc thi hành các nghị định và quyết định nói trên, Bộ Tài chính ban hành thông tư này nhằm quy định các thủ tục và biện pháp thu nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản chênh lệch giá phát sinh do thực hiện các chế độ thu mới, ở các xí nghiệp thuộc ngành nội thương; nhắc lại các thủ tục và biện pháp  thu nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản thuế, lãi, khấu hao cơ bản, thu theo các chế độ, thể lệ hiện hành vào các hoạt động kinh doanh ăn uống, phục vụ, chăn nuôi….và các hoạt động ngoài lưu thông thuần túy khác thuộc ngành nội thương (thông tư số 93-TTg ngày 17-9-1962 của Thủ tướng Chính phủ và nghị định số 45-CP ngày 23-9-1960 của Hội đồng Chính phủ )

I. THU CÁC KHOẢN CHÊNH LỆCH GIÁ

Do áp dụng chế độ thu tài chính mới trong ngành nội thương và do yêu cầu hạch toán kế toán của các xí nghiệp nội thương nên đã có sự sắp xếp lại hệ thống giá cả áp dụng trong việc giao dịch giữa các xí nghiệp lưu thông thuần túy thuộc ngành nội thương với các khách bán hàng hoặc mua hàng.

Như đã giải thích trong thông tư liên Bộ Tài chính-Nội thương-Ngân hàng Nhà nước số 93, sự sắp xếp lại hệ thống giá nói trên nhằm làm cho các khoản thu quốc doanh, thuế, và đại bộ phận lãi thương nghiệp mà trước đây, theo chế độ thu cũ, các xí nghiệp thương nghiệp cấp I, cấp II thường nộp cho ngân sách, thì nay, theo chế độ thu mới: - một phần được dồn về khâu sản xuất công nghiệp và do các xí nghiệp sản xuất công nghiệp nộp cho ngân sách Nhà nước, hoặc là dồn về khâu ngoại thương và do các Tổng công ty ngoại thương nộp cho ngân sách Nhà nước; - một phần được chuyển thành các khoản thu về chênh lệch giá. Các khoản này hình thành mỗi khi có phát sinh hoạt động kinh tế của xí nghiệp thương nghiệp, như:

- Khi nhập kho hàng lưu thông thì có khoản: chênh lệch giá gia công (ở những đơn vị mà hoạt động gia công là hoạt động phụ thuộc); chênh lệch giá thu mua hàng thủ công nghiệp; chênh lệch giá thu mua nông sản, thực phẩm;

- Khi bán hàng thì có khoản: chênh lệch giá gia công (đối với những đơn vị đã hạch toán kế toán độc lập); chênh lệch giá khu vực; chênh lệch giá về hàng công nghiệp bán 2 giá; chênh lệch giá về số nông sản thực phẩm tiêu thụ tại địa phương; v.v…

Nguyên tắc cơ bản là: Khoản chênh lệch giá phát sinh khi nhập kho hay khi bán hàng thì xí nghiệp thương nghiệp phải làm ngay thủ tục kê khai rành mạch và cụ thể cho cơ quan thu, để thu nộp cho ngân sách Nhà nước.

Trường hợp có chênh lệch giá được ngân sách cấp bù (nghĩa là phát sinh lỗ do chính sách giá cả hay do yêu cầu của hạch toán kế toán) thì căn cứ vào các quy định về chế độ thu nộp mà Nhà nước đã quy định: "xí nghiệp phải hạch toán và kê khai rõ ràng và được ngân sách cấp bù kịp thời theo yêu cầu của xí nghiệp", tuyệt đối không được lấy thu để bù lỗ, cũng như không được hạch toán thẳng vào tài khoản lỗ lãi.

A. Thu khoản chênh lệch giá phát sinh lúc hàng hóa nhập kho lưu thông thương nghiệp;

Khoản này gồm có:

- Chênh lệch giá gia công, sản xuất phát sinh ở các cơ sở gia công sản xuất phụ thuộc chưa hạch toán kinh tế độc lập:

Mức chênh lệch = giá chỉ đạo nhập kho trừ (-) giá thành kế hoạch;

- Chênh lệch giá mua hàng thủ công nghiệp, hàng công nghiệp nhập khẩu và các hàng công nghiệp khác:

Mức chênh lệch = giá chỉ đạo nhập kho trừ (-) giá mua thực tế.

- Chênh lệch giá thu mua hàng nông sản thực phẩm:

Mức chênh lệch = giá chỉ đạo thu mua trừ (-) giá mua thực tế;…

Theo chế độ thu mới thì đối với hàng công nghiệp, xí nghiệp thương nghiệp nhập kho hàng hóa phải hạch toán theo giá chỉ đạo nhập kho (giá lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp); đối với nông sản thực phẩm thì hạch toán theo giá chỉ đạo thu mua tại thị trường chính địa phương.

Ngân hàng cũng căn cứ vào giá nhập kho như trên để cho xí nghiệp vay thu mua hoặc vay luân chuyển và dự trữ.

Nếu giá nhập kho cao hơn giá xí nghiệp thương nghiệp trả cho người bán hàng, thì xí nghiệp phải nộp khoản chênh lệch thừa vào ngân sách Nhà nước; nếu thấp hơn  thì xí nghiệp được ngân sách cấp bù khoản chênh lệch thiếu.

Biện pháp kê khai, thu nộp:

a) Khi hàng hóa nhập kho thương nghiệp, hoặc khi xí nghiệp nhận được chứng từ của bên bán đòi tiền hàng, thì ngay trong ngày hoặc chậm nhất là ngày hôm sau, xí nghiệp phải làm thủ tục (bản kê hàng hóa nhập kho, hóa đơn,…) để xin vay Ngân hàng theo giá nhập kho, bảo đảm đúng thời hạn (3 ngày) do Ngân hàng quy định để cho vay thanh toán tiền mua hàng, đồng thời làm tờ khai cho cơ quan thu (kiêm ủy nhiệm chi) yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trích nộp vào ngân sách khoản chênh lệch giá phát sinh về số hàng hóa nhập kho đó.

b) Ngân hàng căn cứ vào các chứng từ nói trên, cho xí nghiệp vay (theo giá nhập kho), đồng thời căn cứ tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi), trích nộp vào ngân sách khoản chênh lệch giá phát sinh.

Trên bản kê hàng hóa nhập kho thương nghiệp, hóa đơn hàng nhập kho, cũng như tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi), phải ghi rõ mặt hàng, số lượng, giá cả theo giá chỉ đạo nhập kho và giá mua thực tế, số chênh lệch giá phải nộp ngân sách (hoặc được ngân sách cấp bù). Tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi) nộp ngân sách, xí nghiệp phải làm thành 6 liên theo mẫu số 1 đính kèm thông tư này(1).

- Một liên gửi cho cơ quan thu địa phương thay giấy báo nộp ngân sách.

- Bốn liên gửi cho Ngân hàng. Sau khi Ngân hàng đã cho vay và trích nộp ngân sách thì trả lại cho cơ quan thu địa phương một liên để báo cho biết đã thu vào kho bạc.

c) Các công ty cấp I phải thực hiện việc kê khai và nộp các khoản chênh lệch giá vào ngân sách, theo từng chuyến hàng nhập kho. Đối với các công ty cấp II thì cơ quan thu địa phương ấn định lịch nộp cho từng công ty (hàng ngày, từ 3 đến 5 ngày một lần, hoặc mỗi tháng từ 2 đến 3 lần).

d) Nếu trong cùng một chuyến hàng hóa nhập kho mà vừa có chênh lệch thừa và chênh lệch thiếu, thì xí nghiệp phải ghi rành mạch trong bản kê hàng nhập kho, hóa đơn, tờ khai…lên cân đối để nộp ngân sách hoặc xin ngân sách cấp bù; tùy theo yêu cầu của xí nghiệp, cơ quan tài chính tiến hành việc cấp bù ngay hoặc thực hiện việc bù trừ trong chuyến nhập kho kế tiếp.

e) Riêng đối với việc thu chênh lệch giá gia công ở các cơ sở gia công phụ thuộc. Xí nghiệp thương nghiệp phải:

- Đăng ký với cơ quan thu (theo mẫu số 2 đính kèm thông tư này)(1): tên các cơ sở nhận gia công, những mặt hàng gia công, giá thành của đơn vị sản phẩm (giá thành kế hoạch hoặc giá thành tính theo công thức);

- Mở thêm 2 cột ở bảng kê hàng gia công nhập kho và sổ nhật ký (thường gọi là nhật biên) hàng gia công nhập kho cột "giá thành kế hoạch của đơn vị sản phẩm" và cột "số chênh lệch giá gia công phải nộp ngân sách (hoặc được ngân sách cấp bù)".

- Đối với hàng gia công thuộc loại chịu thuế hàng hóa, khi nhập kho, xí nghiệp thương nghiệp phải khai số thuế hàng hóa phải nộp, để ngân hàng trích chuyển vào ngân sách số thuế đó cùng một lúc với số  thu về chênh lệch giá gia công. Khai nộp thuế hàng hóa và khai nộp khoản chênh lệch giá trên cùng một tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi).

Việc tính số chênh lệch giá gia công theo như quy định trong thông tư liên Bộ Tài chính-Ngân hàng Nhà nước-Nội thương số 93-TT/LB ngày 16-4-1970, và giá tính thuế hàng hóa đối với hàng gia công là giá bán buôn thương nghiệp của xí nghiệp thương nghiệp cho gia công.

B. Thu các khoản chênh lệch giá phát sinh khi bán ra, thu được tiền về.

1. Khoản này gồm có:

- Chênh lệch giá gia công phát sinh ở các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập:

Mức chênh lệch = giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp, trừ (-) giá thành kế hoạch;

- Chênh lệch giá khu vực:

Mức chênh lệch = giá bán lẻ thị trường chính nơi xí nghiệp bán trừ (-) giá bán lẻ thị trường chính nơi xí nghiệp mua;

- Chênh lệch do bán giá cao xe đạp, phụ tùng xe đạp, mì chính nhập khẩu, vv…

Mức chênh lệch  = giá bán lẻ tự do trừ (-) giá bán cung cấp;

- Các khoản chênh lệch giá khác (phát sinh do nông sản thực phẩm tiêu thụ tại địa phương, do bán vật tư kỹ thuật và tư liệu sản xuất theo giá lẻ, vv…).

Tất cả các khoản chênh lệch giá cả kể trên đều phát sinh khi xí nghiệp thương nghiệp bán hàng và thu tiền về, nghĩa là trong số tiền hàng mà xí nghiệp thu được về có gồm cả giá vốn hàng bán ra, khoản chiết khấu thương nghiệp định mức,  và những khoản chênh lệch giá nói trên.

Cần chú ý là không phải ở mọi xí nghiệp thương nghiệp lưu thông thuần túy đều phát sinh tất cả các khoản chênh lệch giá cả kể trên do đó, phải căn cứ vào đặc điểm hoạt động kinh doanh, giá cả mua bán của từng đơn vị cơ sở mà tính toán cụ thể từng khoản chênh lệch giá phải thu nộp vào ngân sách. Ở các công ty thương nghiệp cấp I, thường chỉ phát sinh các khoản chênh lệch giá gia công và thuế hàng hóa, chênh lệch giá khu vực, chênh lệch giá bán hàng nông sản thực phẩm; ở các công ty cấp II bán buôn và xí nghiệp bán lẻ, ngoài các khoản kể trên còn có khoản chênh lệch giá do bán xe đạp, phụ tùng xe đạp… theo giá cao, do bán vật tư kỹ thuật và tư liệu sản xuất theo giá lẻ, do bán nông sản thực phẩm tiêu thụ tại địa phương theo giá bán lẻ, vv….

2. Biện pháp kê khai, thu nộp:

a) Mỗi khi xuất kho hàng hóa, xí nghiệp thương nghiệp làm hóa đơn bán hàng và làm giấy nhờ Ngân hàng thu tiền hàng (giấy nhờ thu nhận trả) thì ngay trên hóa đơn xí nghiệp phải ghi rõ số chênh lệch giá phát sinh. Trên hóa đơn bán hàng, xí nghiệp thêm một dòng, theo chiều ngang, để ghi tổng số chênh lệch giá phát sinh phải nộp ngân sách. Trường hợp thu tiền bán hàng bằng séc định mức hay tiền mặt thì khi lập bảng kê nộp séc, nộp tiền vào Ngân hàng, phải ghi rõ số chênh lệch giá phải nộp.

b) Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng đơn vị cơ sở mà làm thủ tục thu nộp:

Các công ty cấp I làm thủ tục nộp theo từng giấy nhờ thu.

Ngay khi làm giấy nhờ thu phải làm tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi) kèm theo, gửi cho cơ quan thu và Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng có căn cứ tính, chuyển nộp ngân sách ngay khi nhận được tiền bán hàng (mẫu tờ khai và số liên tờ khai như quy định ở  phần I điểm A;2/b).

Đối với các công ty cấp II thì cơ quan thu địa phương ấn định lịch nộp cho từng xí nghiệp nộp theo từng hóa đơn bán hàng hoặc định kỳ.

Nếu xí nghiệp nộp theo định kỳ thì khi đến kỳ nộp phải lập tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi), số chênh lệch giá phát sinh; Ngân hàng căn cứ chứng từ này trích chuyển vào ngân sách khoản chênh lệch giá mà xí nghiệp phải nộp.

c) Ở các xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ chưa hạch toán kinh tế độc lập, các khoản chênh lệch giá phát sinh ngay khi xí nghiệp bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng. Cuối mỗi ngày, toàn bộ số tiền bán hàng của các đơn vị này được gửi vào Ngân hàng, trong số tiền hàng ngày có cả các khoản chênh lệch giá phải nộp ngân sách. Vì chưa hạch toán kinh tế độc lập nên các đơn vị này không trực tiếp trích nộp vào ngân sách các khoản chênh lệch giá, mặc dù đã phát sinh và tiền đã nộp vào Ngân hàng. Vì vậy những khoản chênh lệch giá này đều phải do công ty thương nghiệp tập trung tính toán và trích nộp cho ngân sách đầy đủ và kịp thời, theo thể thức như sau:

Các công ty thương nghiệp khi lập kế hoạch tài vụ, thì trong bảng tính lỗ lãi phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán cần tách riêng khoản chiết khấu thương nghiệp định mức dành cho công ty và các khoản chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách ghi theo số tuyệt đối và tính ra tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh số bán;

Định kỳ (1 tháng mấy kỳ, do cơ quan thu địa phương quy định), công ty có nhiệm vụ gửi thông báo yêu cầu Ngân hàng trích chuyển nộp cho ngân sách các khoản chênh lệch giá tính trên doanh số bán theo tỷ lệ kế hoạch nói trên. Trong 5 ngày đầu tháng sau, công ty phải tính toán lại theo thực tế và thanh toán với ngân sách, nếu thiếu nộp thêm cho đủ, thừa được trả lại hoặc để lại nộp cho kỳ sau tiếp theo yêu cầu của công ty.

Các công ty phải hướng dẫn các xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ định kỳ báo cáo đầy đủ và kịp thời doanh số bán hàng và các khoản chênh lệch giá phát sinh phải nộp ngân sách.

d) Trường hợp trong số hàng bán ra có mặt hàng phát sinh chênh lệch thiếu thì đựơc ngân sách cấp bù, cách giải quyết như quy định ở điểm A2/d phần I trên đây.

e) Mỗi khi có tiền hàng về, Ngân hàng căn cứ vào các chứng từ nói trên trích nộp ngay vào ngân sách khoản chênh lệch giá mà xí nghiệp phải nộp, trong trường hợp xí nghiệp nộp theo từng hóa đơn; sau đó trích khoản chiết khấu thương nghiệp hoặc thặng số thương nghiệp định mức vào tài khoản tiền gửi của xí nghiệp thương nghiệp; hoặc định kỳ trích nộp vào ngân sách theo bảng kê khai của xí nghiệp các khoản chênh lệch giá phải nộp ngân sách.

g) Đối với các xí nghiệp cho gia công, hạch toán kinh tế độc lập, xí nghiệp phải đăng ký với cơ quan thu các cơ sở gia công, những mặt hàng gia công, giá thành của đơn vị sản phẩm (giá thành kế hoạch hoặc giá thành tính theo công thức); mở thêm cột giá thành kế hoạch của đơn vị sản phẩm ở bảng kê hàng gia công nhập kho cũng như sổ nhật ký (thường gọi là nhật biên) hàng gia công nhập kho; ở sổ nhật ký bán hàng thêm cột chênh lệch giá gia công nộp ngân sách (hoặc được cấp bù). Mỗi khi bán hàng, ngay trên hóa đơn bán hàng kiêm phiếu xuất kho, ghi khoản chênh lệch giá gia công phải nộp ngân sách (hoặc được cấp bù).

 Việc thu nộp ngân sách, theo như các quy định trên đây. Trường hợp có mặt hàng gia công thuộc loại chịu thuế hàng hóa thì số thuế này, xí nghiệp phải làm thủ tục nộp ngay lúc nhập kho, như quy định ở điểm A2/c, phần I trên đây.

II. THU CÁC KHOẢN THUẾ, LÃI, KHẤU HAO CƠ BẢN… VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, ĂN UỐNG, PHỤC VỤ, CHĂN NUÔI…

Trong ngành nội thương, ngoài các khoản chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách, như quy định ở trên, các xí nghiệp thương nghiệp còn phải nộp thuế, lãi, khấu hao cơ bản… cho ngân sách Nhà nước về các hoạt động kinh doanh không phải là lưu thông như kinh doanh ăn uống, phục vụ, chăn nuôi, vận tải, kho, sản xuất v.v…

Dưới đây nhắc lại những quy định hiện hành về việc thu nộp vào ngân sách các khoản tích lũy tài chính kể trên:

1. Trong ngành nội thương, các xí nghiệp (ăn uống, phục vụ, chăn nuôi, vận tải, kho, sản xuất, v.v…) hạch toán kinh tế độc lập, đều phải nộp thuế doanh nghiệp (hoặc thuế hàng hóa đối với những mặt hàng thuộc loại chịu thuế hàng hóa), lãi, khấu hao cơ bản (và một vài khoản khác như biến giá tài sản cố định, v.v…).

a) Thuế doanh nghiệp: Tính trên doanh số hàng bán hoặc doanh thu về phục vụ, theo thuế suất Nhà nước quy định đối với từng loại hoạt động (sản xuất 2%, phục vụ 3% vv…)

b) Thuế hàng hóa: Các xí nghiệp sản xuất mặt hàng thuộc loại chịu thuế hàng hóa, không phải nộp thuế doanh nghiệp về các mặt hàng đó. Thuế hàng hóa phải nộp ngay khi bán hàng. Vì vậy mỗi tháng khi bán hàng, xí nghiệp phải làm thủ tục kê khai và được Ngân hàng cho vay thanh toán cả giá thành và thuế hàng hóa. Giá tính thuế hàng hóa là giá bán buôn công nghiệp, tức là giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp.

b) Lãi: Các xí nghiệp phải nộp lãi cho ngân sách Nhà nước theo như nghị định số 45-CP ngày 23-9-1960 của Hội đồng Chính phủ.

Riêng đối với các hoạt động về sản xuất gia công phụ thuộc, ngoài các khoản chênh lệch giá gia công sản xuất, như ở phần I kể trên, còn phải nộp lãi gia công, lãi sản xuất (như thông tư liên bộ Tài chính-Nội thương-Ngân hàng Nhà nước số 27-TT/LB ngày 10-12-1964 đã quy định) cụ thể là lãi gia công, lãi sản xuất phụ thuộc là khoản chênh lệch giữa giá thành thực tế với giá thành kế hoạch (hoặc giá thành tính theo công thức). Nếu xí nghiệp chưa tính được ngay giá thành thực tế thì xí nghiệp phải căn cứ vào tỉ lệ  lãi gia công thực tế, theo quyết toán kỳ trước mà làm tỷ lệ trích nộp, khi có quyết toán sẽ điều chỉnh và thanh toán theo thực tế.

Các xí nghiệp vận tải phục vụ, sửa chữa đã hạch toán kinh tế độc lập, được trích lập 3 quỹ theo chế độ mới ( quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi, và quỹ khen thưởng), do đó, số lãi nộp ngân sách là số lãi thực hiện, sau khi đã trừ (-) phần để lại cho 3 quỹ theo chế độ đã quy định.

c) Về khấu hao cơ bản: tất cả các xí nghiệp kể trên đều phải trích nộp khấu hao cơ bản cho ngân sách Nhà nước theo đúng mức quy định của  Nhà nước. Riêng các xí nghiệp vận tải, phục vụ, sửa chữa, chỉ nộp vào ngân sách Nhà nước có 30% số khấu hao cơ bản phải trích nộp, xí nghiệp được giữ lại 30% số khấu hao cơ bản để đưa vào quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh và chuyển nộp cho Ty thương nghiệp 40%.

2. Tất cả các khoản thuế, lãi, khấu hao cơ bản nói trên đây, xí nghiệp phải nộp vào ngân sách mỗi tháng từ 1 đến 2 lần, số trích nộp được tính theo kế hoạch và khi có quyết toán sẽ điều chỉnh theo thực tế (thiếu nộp thêm, thừa được bù). Riêng đối với lãi gia công thì theo như quy định ở phần II, điểm 1/b trên đây. Lịch nộp cụ thể do cơ quan thu địa phương ấn định cho từng đơn vị cơ sở.

III. CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM ĐỐC CỦA CƠ QUAN THU

Cơ quan thu địa phương (cơ quan tài chính hoặc Chi cục thu quốc doanh thuế công thương nghiệp), trực tiếp là cán bộ chuyên quản có nhiệm vụ giúp đỡ các đơn vị thương nghiệp cơ sở bố trí thực hiện đầy đủ các quy định trong thông tư này, đi sâu vào từng hoạt động sản xuất, kinh doanh để nắm thật chắc giá cả mua bán từng chuyến hàng, mặt hàng cụ thể; giúp đỡ và thúc đẩy xí nghiệp hạch toán kế toán rõ ràng, phản ảnh rành mạch từng khoản phải thu nộp cho ngân sách; đôn đốc xí nghiệp bảo đảm nhiệm vụ nộp tích lũy tài chính cho ngân sách được đủ, đúng và kịp thời.

Công tác kiểm tra, đôn đốc thu nộp cần thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên và định kỳ, cụ thể là:

Đôn đốc các xí nghiệp kịp thời làm các tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi) phù hợp với tình hình kinh tế phát sinh (lúc hàng hóa nhập kho hoặc lúc làm nhờ thu nhận trả, lúc làm bảng kê nộp séc và tiền mặt vào Ngân hàng, vv…) kịp thời phát hiện các chuyến hàng, các kỳ kê khai không đầy đủ.

Khi nhận được tờ khai (kiêm ủy nhiệm chi), trước hết phải căn cứ số liệu kê khai, kiểm tra lại việc tính toán xem xí nghiệp có tính đúng không? tiếp đó định kỳ đối chiếu số liệu trên tờ khai với hóa đơn chứng từ gốc về mặt hàng, số lượng, giá cả, số phải nộp, xem việc kê khai có đúng không? Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai sót cần lập biên bản kiểm tra thành 3 bản (theo mẫu đính kèm thông tư này)(1) 1 bản để lại xí nghiệp, 1 bản cơ quan thu giữ, 1 bản gửi sở ty chủ quản và ra thông báo ngay cho xí nghiệp tiến hành điều chỉnh lại số thu nộp (thiếu nộp thêm, thừa được bù trừ). Các cơ quan thu địa phương (hoặc Chi cục thu quốc doanh và thuế), căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh cũng như tình hình thu nộp tích lũy cho ngân sách của từng xí nghiệp thương nghiệp mà ấn định số lần cán bộ chuyên quản phải tiến hành kiểm tra tại xí nghiệp.

Trường hợp đến ngày xí nghiệp phải nộp ngân sách các khoản thuế, lãi, chênh lệch giá v.v… theo định kỳ kế hoạch hoặc thực tế đã phát sinh, nhưng xí nghiệp chậm làm thủ tục nộp, cơ quan thu căn cứ nhiệm vụ kế hoạch đã giao cho xí nghiệp hoặc hoạt động thực tế phát sinh mà phát hành thông báo thu nộp gửi cho xí nghiệp và Ngân hàng. Ngân hàng căn cứ thông báo này, tự động trích tài khoản tiền gửi của xí nghiệp, chuyển nộp vào ngân sách số phải nộp ghi trong thông báo của cơ quan thu. Nếu tài khoản tiền gửi của xí nghiệp không còn đủ số phải nộp thì tiếp đó, khi xí nghiệp có tiền về tài khoản tiền gửi, Ngân hàng sẽ trích chuyển ngay số còn thiếu vào ngân sách, theo đúng thứ tự ưu tiên Nhà nước đã quy định. Việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tích lũy và nộp các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước đủ và đúng hạn là một điều kiện quan trọng để được xét trích lập các quỹ xí nghiệp; cơ quan thu cần ghi nhận đầy đủ những cố gắng của xí nghiệp trong khi làm nhiệm vụ đối với ngân sách cũng như những sai sót của xí nghiệp vi phạm về chế độ thể lệ tài chính, để có cơ sở xét việc trích lập các quỹ của xí nghiệp được thỏa đáng.

Riêng đối với các hợp tác xã thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp có quan hệ làm gia công cho các xí nghiệp thương nghiệp, cơ quan thu địa phương, ngoài việc đôn đốc thu nộp đủ và kịp thời cho ngân sách các khoản thu về thuế doanh nghiệp, thuế hàng hóa, thuế lợi tức, còn phải quản lý chặt chẽ giám đốc việc sử dụng nguyên liệu, giao nộp hàng hóa…. để đóng góp phần tăng cường quản lý vật tư, hàng hóa của Nhà nước.

Việc thực hiện các thủ tục biện pháp thu trên đây nhằm tăng cường thêm một bước công tác quản lý kinh tế tài chính tại cơ sở, nhanh chóng đưa chế độ thu mới vào nề nếp, chế độ,

Bộ đề nghị các sở, Ty tài chính, và các Chi cục thu quốc doanh và thuế nghiên cứu kỹ thông tư này, tổ chức cho các cán bộ chuyên quản hướng dẫn chu đáo cho từng đơn vị thương nghiệp cơ sở thi hành; đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính trong công tác thu nộp tích lũy cho ngân sách Nhà nước cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, bảo đảm việc thực hiện thông tư này đạt kết quả tốt.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn mắc mứu, cần kịp thời báo cáo về Bộ để nghiên cứu và giải quyết.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trịnh Văn Bính