Sign In

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn chế độ cấp phát, quản lý tài chính đối với các nhà văn hóa cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã

_____________________________

 Nhà Văn hóa là trung tâm giáo dục văn hóa XHCN ngoài nhà trường, được Nhà nước tổ chức để chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp công tác cho các Nhà Văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng và tổ chức hoạt động tại chỗ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hoạt động của các Nhà Văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần thúc đẩy sức sáng tạo của nhân dân trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ quần chúng, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ văn hóa nghệ thuật có tổ chức nhằm mục tiêu giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cách mạng, hướng dẫn xây dựng thẩm mỹ lành mạnh có văn hóa.

Trong những năm gần đây, thực hiện sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, do quan niệm chống bao cấp tràn lan nên một số địa phương chưa chú ý đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tối thiểu và không cấp phát kinh phí  thỏa đáng cho các hoạt động của Nhà Văn hóa, dẫn đến tình trạng chạy theo kinh doanh nghiệp vụ để tồn tại, còn những hoạt động đúng chức năng thì gặp khó khăn, bế tắc, coi nhẹ nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở cơ sở.

Để khắc phục tình trạng nói trên, thực hiện chỉ thị số 321-CT ngày 27/11/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cấp bách của ngành Văn hóa; Liên Bộ Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ cấp phát, quản lý tài chính đối với các Nhà Văn hóa cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã  như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Nhà Văn hóa là đơn vị sự nghiệp, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao kiến thức toàn diện cho nhân dân, tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng được thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa. Vì vậy, được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở cơ sở.

2. Nhà nước cấp phát kinh phí hàng năm cho Nhà Văn hóa căn cứ vào nhiệm vụ chính trị được giao và định mức chỉ tiêu hoạt động tối thiểu quy định tại điểm 1 mục II dưới đây và chi phí thường xuyên hợp lý nhằm bảo đảm cho Nhà Văn hóa hoạt động đúng chức năng, có hiệu quả.

3. Khuyến khích các Nhà Văn hóa tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm thu hút đông đảo nhân dân vào sinh hoạt có tổ chức, nhất là thanh thiếu niên và tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, tùy loại hình hoạt động với nội dung, chất lượng khác nhau mà huy động sự đóng góp của nhân dân dưới các hình thức bán vé, hợp đồng và bồi dưỡng cho CBCNV, cộng tác viên theo các quy định của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp có thu.

4. Hàng năm, ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên, Nhà Văn hóa được Ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương) xem xét cấp thêm vốn XDCB và kinh phí sự nghiệp để sửa chữa lớn, mua sắm trang thiết bị nhằm bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện cho sự nghiệp văn hóa quần chúng phát triển, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cơ sở.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Căn cứ vào tính chất và đặc thù hoạt động của Nhà Văn hóa, hàng năm được ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương) cấp kinh phí hoạt động thường xuyên gồm:

1. Cấp 100% chi phí cho bộ máy tổ chức và chi phí nghiệp vụ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước (trung ương và địa phương) và tổ chức các hoạt động mang tính hướng dẫn nghiệp v, phương pháp công tác, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy khả năng sáng tạo và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.

Phương pháp xác định số kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp phát theo công thức sau:

Số kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp phát = chi phí thường xuyên cho bộ máy + chi phí nghiệp vụ (theo định mức chỉ tiêu hoạt động).

a) Chi phí thường xuyên cho bộ máy gồm:

- Tiền lương, phụ cấp lương và các chế độ phúc lợi đang áp dụng đối với công nhân viên chức Nhà nước.

- Chi phí quản lý hành chính.

b) Chi phí nghiệp vụ là các khoản chi được ngân sách Nhà nước cấp phát để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và chỉ tiêu hoạt động của Nhà Văn hóa. Lập dự toán chi phí nghiệp vụ được căn cứ vào:

+ Các nhiệm vụ chính trị do cấp ủy, chính quyền giao, tùy nội dung mức độ như phục vụ ngày lễ, tuyên truyền chống văn hóa phản động, đồi trụy ...., phục vụ miền núi dân tộc v.v...

+ Chỉ tiêu hoạt động hàng năm của từng Nhà Văn hóa và nội dung các khoản mục chi được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí cho từng loại hoạt động theo định mức chỉ tiêu hoạt động tại điểm b1, b2 dưới đây:

+ Chế độ  và tiêu chuẩn chỉ tiêu tài chính hiện hành Nhà nước.

b1. Nhà văn hóa cấp tỉnh, thành phố, đặc khu:

Nhà văn hóa

Chỉ tiêu hoạt động tối thiểu trong năm

Loại 1

Loại 2

1. Nghiên cứu, thể nghiệm của mô hình, mẫu hình hoạt động.

Từ 4 đến 10 mẫu

Từ 2 đến 6 mẫu

2. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về nghiệp vụ, phương pháp công tác.

Từ 2 đến 5

Từ 1 đến 4

3. Tổ chức liên hoan, hội diễn, hội thi, hội thảo.

Từ 2 đến 5

Từ 1 đến 3

4. Biên soạn, ấn hành các chương trình tài liệu nghiệp vụ nghiên cứu hướng dân nghiệp vụ

Từ 4 đến 8

Từ 2 đến 6

5. Mở các lớp bồi dưỡng, trại sáng tác, tập huấn về nghiệp vụ, phương pháp công tác cho phong trào cơ sở

Từ 4 đến 10

Từ 1 đến 6

b2. Nhà Văn hóa quận, huyện, thị xã:

2. Cấp phần chênh lệch giữa chi nhiều hơn thu cho các hoạt động mang tính chất định hướng phổ biến, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ văn hóa và các hướng dẫn khác nhằm thu hút đông đảo nhân dân nhất là thanh thiếu niên vào các sinh hoạt có tổ chức, góp phần làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, như các lớp năng khiếu về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các buổi chiếu phim video, biểu diễn nghệ thuật v.v... Đối với các Nhà Văn hóa ở vùng núi cao, vùng sông nước hẻo lánh của đồng bằng sông Cửu Long ngân sách cấp 100%; Số thu được cho bổ sung thêm vào ngân sách của Nhà Văn hóa.

3. Việc xác định mức chi ngân sách hàng năm tại điểm 1 và 2 nói trên của Nhà Văn hóa do cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cung cấp xem xét trên cơ sở kế hoạch hoạt động hàng năm của văn hóa và khả năng ngân sách của địa phương để trình UBND duyệt và thông báo cho Nhà Văn hóa. Đối với Nhà Văn hóa thị xã, quận, huyện tùy từng đp có thể cấp qua Sở Văn hóa- Thông tin- Thể thao điều hành chung hoặc qua hệ thống ngân sách thị xã, quận, huyện.

Riêng các tỉnh miền núi, đặc biệt là vùng cao biên giới, hải đảo và các vùng sâu của đồng bằng sông Cửu Long, khi xem xét mức đầu tư cần chú ý tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao đến được nhân dân các vùng nói trên.

4. Các Nhà Văn hóa địa phương có các hoạt động hướng dẫn vui chơi, giải trí cho các cơ sở mang tính chất phong trào. thì không coi là hoạt động kinh doanh nên không phải chịu thuế. Nếu có các hoạt động kinh doanh khác thì phải nộp thuế theo luật định.

B. Ngoài khoản kinh phí thường xuyên nói trên, hàng năm cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cung cấp hướng dẫn các Nhà Văn hóa lập kế hoạch xin vốn đầu tư XDCB và kinh phí sự nghiệp để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn trình UBND các cấp xét duyệt.

Căn cứ vào kế hoạch ngân sách được duyệt, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm thông báo và cấp phát đầy đủ kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa lớn, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động.

III. TỔ CHỨC HỰC HIỆN

1. Để hoạt động của các Nhà Văn hóa phù hợp vào chức năng  nhiệm vụ được giao, cơ quan chủ quản tài chính cùng cấp cần trình UBND địa phương duyệt dự toán chi cho các Nhà Văn hóa cùng với việc duyệt ngân sách địa phương hàng năm. Cơ quan tài chính cần thông báo dự toán chi được ngân sách địa phương cấp phát kinh phí ngay từ đầu năm để cơ quan chủ quản duyệt chỉ tiêu hoạt động cho Nhà Văn hóa.

2. Hàng năm, các Sở Văn hóa- Thông tin- Thể thao và Sở tài chính cần phối hợp để tổ chức xét duyệt kế hoạch hoạt động, dự toán thu và chi, mức cấp phát kinh phí hàng quý cho Nhà Văn hóa bảo đảm hoạt động bình thường như các đơn vị sự nghiệp khác. Cơ quan tài chính cùng với cơ quan chủ quản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các Nhà Văn hóa thực hiện đúng các chế độ quản lý tài chính hiện hành.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/1991 và được thực hiện thống nhất trong các văn hóa từ cấp huyện, quận, thị xã trở lên đã có tổ chức, biên chế và địa điểm hoạt động thuộc hệ thống Bộ Văn hóa- Thông tin-Thể thao và Du lịch quản lý.

Đối với các Cung văn hóa, Nhà Văn hóa của đoàn thể, ngành do cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cung cấp căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của mỗi nơi để nghiên cứu vận dụng.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các địa phương và các Nhà Văn hóa gửi văn bản về 2 Bộ để nghiên cứu giải quyết./.

Bộ Tài chính

Bộ Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lý Tài Luận

Vũ Khắc Liên