Sign In

 

 

 

 

BỘ THƯƠNG MẠI

_______

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Số: 10/TM-PC

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI

Hướng dẫn việc thực hiện quy chế đại lý mua bán hàng hoá

_________________

Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 4/12/1993 của CHính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định số 25/CP ngày 25/4/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế đại lý mua bán hàng hoá;

Bộ Trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn việc thực hiện một số điều khoản của quy chế đại lý mua bán hàng hoá như sau:

1. Điều 1: Quy chế này được áp dụng cho hoạt động đại lý mua bán hàng hoá của:

a. Pháp nhân Việt Nam: là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, bao gồm cả các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

b. Thể nhân: là cá nhân có đăng ký kinh doanh.

2. Điều 2: Bên đại lý nhân danh mình thực hiện việc bán (hoặc mua) hàng hoá cho bên uỷ thác và bên đại lý chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về hoạt động đại lý và trước khách hàng về hàng bán, hàng mua.

3. Điều 3 mục 4:

a) Đối tượng đại lý: hàng hoá hữu hình là các động sản được phép lưu thông theo quy định của pháp luật.

b) Đại lý mua bán bất động sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

4. Điều 3 mục 9: Địa bàn của đại lý độc quyền là khu vực địa lý do hai bên thoả thuận như quận, huyện, tỉnh, thành phố v.v... hoặc trong phạm vi cả nước.

5. Điều 3 mục 10:

a) Quan hệ giữa Tổng đại lý và đại lý: tổng đại lý đại diện cho quyền và nghĩa vụ của hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của Tổng đại lý, nhưng quan hệ với khách hàng với danh nghĩa của mình và chịu trách nhiệm trực tiếp trước khách hàng.

b) Việc sử dụng hình thức Tổng đại lý phải được hai bên thoả thuận trong hợp đồng đại lý.

c) Quan hệ giữa Tổng đại lý và đại lý trực thuộc được xác định qua hợp đồng.

6. Điều 6: Trường hợp bên uỷ thác và bên đại lý đã thoả thuận về việc thiết lập quan hệ đại lý mà bên đại lý chưa đăng ký kinh doanh mặt hàng dự định làm đại lý, thì bên đại lý phải bổ sung đăng ký kinh doanh mặt hàng và chỉ được làm đại lý sau khi dã được dăng ký bổ sung.

7. Điều 16: Hợp đồng đại lý.

a) Thời hạn giao hàng: qui định rõ vào một thời điểm, ngày, giờ nhất định hoặc kỳ hạn nhất định.

b) Phương thức giao hàng: giao nhận trực tiếp giữa bên uỷ thác và bên đại lý hoặc gián tiếp qua người vận chuyển.

c) Chi phí trong hoạt động đại lý bao gồm chi phí bốc xếp, chuyên chở, bảo quản v.v...

d) Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại:

- Phạt vi phạm hợp đồng là việc bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ trả một khoản tiền phạt nhất định nếu hợp đồng có qui định điều này. Mức phạt do các bên thoả thuận trong hợp đồng.

- Tiền bồi thường thiệt hại là trị giá tổn thất và lợi mất hưởng (tức là khoản lợi lẽ ra được hưởng) mà một bên phải chịu do bên vi phạm hợp đồng gây ra.

- Nếu các bên không có thoả thuận gì khác thì chỉ được lựa chọn một trong hai chế tài nói trên, hoặc đòi tiền phạt hoặc đòi bồi thường thiệt hại đối với cùng một vi phạm.

e) Chế độ bảo hành: qui định rõ trách nhiệm của bên uỷ thác và bên đại lý đối với việc bảo hành sản phẩm bán.

g) Hỗ trợ kỹ thuật có thể là việc đào tạo kỹ thuật thương phẩm và kỹ thuật mua, bán hàng v.v...

h) Cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện việc mua hoặc bán hàng hoá có thể là của bên uỷ thác hoặc của bên đại lý.

Các bên cần có thoả thuận cụ thể về việc bảo quản, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, tỷ lệ khấu hao, chi phí v.v...

i) Tổ chức quảng cáo và tiếp thị: quy định rõ chi phí cho việc quảng cáo, tiếp thị và bên chịu trách nhiệm về việc này.

8. Bên uỷ thác phải đăng ký các điểm, các cửa hàng đại lý khi đăng ký kinh doanh, đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo về số lượng và hoạt động của đại lý với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

 

BỘ THƯƠNG MẠI

(Đã ký)

 

Trương Đình Tuyển

Bộ Thương mại

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Đình Tuyển