THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 59/2021/TT-BQP NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG TRONG QUÂN ĐỘI
Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 26 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2021/TT-BQP ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2021/TT-BQP ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 10 như sau:
“a) Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành đào tạo ngoại ngữ, quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học quân sự.”
2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 11 như sau:
“b) Trường Sĩ quan Lục quân 2: Tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam.
Thí sinh dự tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 phải có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Nam theo quy định tại khoản 3 Điều này, đồng thời phải có ít nhất một năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các tỉnh phía Nam.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Trình độ văn hóa: Tính đến thời điểm xét tuyển, đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên).”
4. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 27 như sau:
“a) Để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đào tạo đại học quân sự trên hệ thống (qua Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo quy định của trường tuyển sinh. Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của trường tuyển sinh.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 27 như sau:
“b) Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh được đăng ký xét tuyển vào một trong các trường Quân đội theo nhóm trường thí sinh đã sơ tuyển, theo đúng vùng miền và đối tượng tuyển sinh như sau:
- Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không-Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
- Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không-Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).”
6. Sửa đổi, bổ sung tiết 4 điểm b khoản 2 Điều 29 như sau:
Học viện Khoa học quân sự:
+ Ngành Trinh sát kỹ thuật tuyển 75% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 25% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam.
+ Các ngành đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế: Thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ trong cả nước.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 30 như sau:
“3. Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống. Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác hoặc các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:
“Điều 38. Các trường tuyển sinh đào tạo
1. Trường Sĩ quan Không quân.
2. Trường Sĩ quan Phòng hóa.
3. Trường Sĩ quan Đặc công.
4. Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pích).
5. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
6. Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng.
7. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1.
8. Trường Cao đẳng Hậu cần 1.
9. Trường Cao đẳng Hậu cần 2.
10. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân.
11. Trường Cao đẳng Trinh sát.
12. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thông tin.
13. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không - Không quân.
14. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Mật mã.
15. Trường Cao đẳng Biên phòng.
16. Trường Trung cấp 24 Biên phòng.
17. Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh.
18. Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng Thiết giáp.
19. Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung.”
9. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 39 như sau:
“a) Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh); quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ Quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh); riêng thủy thủ kíp tàu ngầm được tuyển chọn đến số hạ sĩ quan, binh sĩ sau huấn luyện chiến sĩ mới. Số lượng đăng ký dự tuyển theo chỉ tiêu phân bổ cho từng đơn vị.”
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 40 như sau:
“1. Phương thức xét tuyển: Thực hiện xét tuyển theo kết quả học bạ Trung học phổ thông hoặc tương đương.
Thống nhất sử dụng kết quả học bạ Trung học phổ thông cộng với điểm ưu tiên làm tiêu chí xét tuyển.
Riêng các ngành đào tạo nghệ thuật trình diễn của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; hằng năm, căn cứ chỉ tiêu được giao, Nhà trường xây dựng phương thức tuyển sinh phù hợp với từng đối tượng, báo cáo Trưởng ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phê duyệt và triển khai thực hiện.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 74 như sau:
“1. Các đối tượng được xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự:
a) Đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp Trung học phổ thông.
- Thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia hoặc quốc tế, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia, được xét tuyển thẳng trong năm tốt nghiệp Trung học phổ thông vào các ngành phù hợp với môn thi, nội dung đề tài đoạt giải; cụ thể trong các trường hợp sau: Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng.
b) Đối tượng xét tuyển học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông
- Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 và tham gia kỳ thi học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt giải nhất, nhì, ba thuộc một trong các môn theo tổ hợp xét tuyển của trường dự tuyển hoặc tổ hợp 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của trường dự tuyển. Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông được bảo lưu đến hết năm tốt nghiệp Trung học phổ thông (chỉ bảo lưu đến năm thí sinh học xong lớp 12 và thi đạt tốt nghiệp Trung học phổ thông, những năm sau không còn giá trị xét tuyển).
- Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông trong năm đăng ký xét tuyển, đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 và có kết quả điểm ngoại ngữ IELTS 5,0 điểm hoặc TOEFL iBT 50 điểm trở lên (chứng chỉ còn thời hạn sử dụng đến thời điểm xét tuyển).
- Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông trong năm đăng ký xét tuyển, đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 và đạt chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nga TRKI-2 trở lên (chứng chỉ còn thời hạn sử dụng đến thời điểm xét tuyển), đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Nga tại Học viện Khoa học quân sự.
- Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông trong năm đăng ký xét tuyển, đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 và đạt chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung Quốc HSK-4 trở lên (chứng chỉ còn thời hạn sử dụng đến thời điểm xét tuyển), đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Học viện Khoa học quân sự.
Thí sinh đăng ký xét tuyển, nếu có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định; Giám đốc, Hiệu trưởng các trường xem xét, báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định cho vào học.”
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 74 như sau:
“2. Riêng đối tượng thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ, thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ và thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đăng ký xét tuyển thẳng vào các trường trong Quân đội thực hiện như sau:
a) Các trường xét tuyển thẳng
- Các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn 100 được xét tuyển thẳng không quá 3% so với chỉ tiêu; các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh từ 100 trở xuống được xét tuyển thẳng không quá 5% so với chỉ tiêu. Thí sinh trúng tuyển phải học bổ sung kiến thức 01 năm học trước khi vào học chính thức; chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
- Riêng các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không - Không quân (hệ đào tạo Kỹ sư Hàng không) và Trường Sĩ quan Không quân (hệ đào tạo Phi công quân sự), chưa thực hiện xét tuyển thẳng các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Tổ chức xét tuyển
Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn các trường về thủ tục hồ sơ, tiêu chuẩn xét tuyển và tổ chức xét tuyển.”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 74 như sau:
“3. Ưu tiên xét tuyển
a) Các trường hợp được ưu tiên xét tuyển (trong năm tốt nghiệp Trung học phổ thông):
- Thí sinh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng không dùng quyền xét tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển vào các ngành theo nguyện vọng.
- Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được ưu tiên xét tuyển theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
b) Các trường công bố công khai chỉ tiêu, phạm vi ngành, chương trình định hướng đào tạo để ưu tiên xét tuyển trong Đề án tuyển sinh của trường.
c) Thí sinh đăng ký ưu tiên xét tuyển, nếu có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định; Giám đốc, Hiệu trưởng các trường xem xét, báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định nhận vào học.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2022.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Tổng Tham mưu trưởng; Giám đốc, Hiệu trưởng các học viện, nhà trường trong Quân đội; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.