• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/09/1977
  • Ngày hết hiệu lực: 19/12/1980
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ GIÁO DỤC
Số: 1/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 1 năm 1978

THÔNG TƯ

Liên bộ số 1/TTLB ngày 13-1-1978 của Bộ giáo dục - Tài chính
Quy định chế độ phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi đối với giáo viên phổ thông, bổ túc văn hoá tập trung, sư phạm trung cấp, sư phạm sơ cấp

Chế độ phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi đối với giáo viên, trước đây đã được quy định tại Nghị định 331/NĐ-LB ngày 2-6-1956 của Liên Bộ Giáo dục - Tài chính - Nội vụ và Thông tư 20 TT/GD ngày 1-4-1961 của Bộ Giáo dục. Trong quá trình thực hiện chế độ này đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý, cần được bổ sung sửa đổi.

Sau khi thống nhất với Bộ Lao động tại công văn số 810/LĐ-LHCSN ngày 19-7-1977; Liên Bộ Giáo dục - Tài chính ra thông tư quy định về việc trả phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi cho giáo viên phổ thông, bổ túc văn hoá tập trung, sư phạm trung cấp, sư phạm sơ cấp trong cả nước như sau:

 

I- GIÁ BIỂU

Giáo viên nếu được phân công dạy thêm quá số giờ, số buổi theo chế độ công tác đã quy định, sẽ được trả một khoản phụ cấp như sau:

1. Giáo viên cấp I phổ thông và phổ thông thực hành sư phạm, giáo viên cấp I bổ tục văn hoá tập trung, mỗi buổi dạy thêm được trả 1đ0 (một đòng); nếu dạy thêm một lớp trong cả tháng, được trả 26đ0 (hai mươi sáu đồng).

2. Giáo viên cấp II phổ thông và phổ thông thực hành sư phạm, giáo viên cấp II bổ túc văn hoá tập trung, giáo viên trường sư phạm sơ cấp, mỗi giờ dạy thêm được trả 0,6đ (sáu hào).

3. Giáo viên cấp III phổ thông và phổ thông thực hành sư phạm, giáo viên cấp III bổ túc văn hoá tập trung, mỗi giờ dạy thêm được trả 0,8đ (tám hào).

4. Giáo viên trường trung học sư phạm đào tạo giáo viên cấp I và cấp II mỗi giờ dạy thêm được trả 1đ0 (một đồng).

Giá biểu trên được tính theo tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (Theo quy định của Nhà nước hiện nay 1 đồng Ngân hàng Quốc gia Việt Nam bằng 0,80 đồng Ngân hàng Việt Nam).

II- NGUYÊN TẮC VÀ THỂ THỨC TRẢ PHỤ CẤP DẠY THÊM

1. Quy định số buổi dạy thêm, giờ dạy thêm cho mỗi giáo viên

Khi phân công dạy thêm, hiệu trưởng cần sắp xếp sao cho số giờ dạy thêm của mỗi giáo viên không được vượt quá 50% (năm mươi phần trăm) số giờ tiêu chuẩn đã quy định; đối với giáo viên cấp II không quá 9 giờ một tuần (quy ra tháng không quá 36 giờ); giáo viên cấp III không quá 8 giờ một tuần (quy ra tháng không quá 32 giờ). Giáo viên cấp I tiêu chuẩn một người dạy một lớp; về dạy thêm, nói chung không nên bố trí dạy thêm quá 13 buổi trong một tháng. Trong trường hợp đặc biệt vì thiếu giáo viên, có lớp không có người dạy (lớp treo), hiệu trưởng cần phân công một giáo viên chuyên dạy thêm lớp treo này suốt tháng vì ngoài nhiệm vụ giảng dạy trên lớp, giáo viên còn chịu trách nhiệm theo dõi về tình hình mọi mặt của lớp, từ việc nhận xét, đánh giá, giúp đỡ học sinh đến việc tổng kết ghi điểm hàng tháng cho các em... Không bố trí nhiều giáo viên dạy chung một lớp, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.

Quy định số giờ, số buổi dạy thêm như trên là để bảo đảm cho người giáo viên không dạy quá nhiều giờ, nhiều buổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng giờ lên lớp và việc hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên.

2. Nguyên tắc thanh toán.

a) Thanh toán tiền dạy thêm theo từng tháng.

Tháng nào người giáo viên có dạy thêm buổi, thêm giờ đều được thanh toán đầy đủ, dứt điểm từng tháng, không bù trừ tháng này sang tháng khác. Do đó khi phân công số giờ dạy trên lớp cho giáo viên, hiệu trưởng cần phân công với phương án tối ưu. Trong cùng một tổ chuyên môn (cấp II), một tổ bộ môn (cấp III), hiệu trưởng cần phân công giáo viên giảng dạy hợp lý, không nên để giáo viên này đảm nhiệm quá nhiều giờ (bao gồm cả giờ dạy và giờ làm công tác kiêm nhiệm), giáo viên khác lại ít giờ hơn.

b) Thanh toán tiền dạy thêm cho từng giáo viên:

Cá nhân giáo viên nào có dạy thêm giờ, thêm buổi trong tháng đều được trả phụ cấp kịp thời vào cuối mỗi tháng để có điều kiện bồi dưỡng sự hao phí sức lao động trong khi phải dạy nhiều giờ trên lớp. Phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi trả trực tiếp cho từng cá nhân giáo viên được bố trí dạy thêm quá giờ tiêu chuẩn, không căn cứ giờ bình quân của giáo viên trong trường hoặc tỉ lệ giáo viên của trường đó để tính trả, vì còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau, chẳng hạn giáo viên trường đó nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ ốm đau, sinh đẻ nhiều ít khác nhau...

3. Xác định buổi dạy thêm, giờ dạy thêm.

Những giờ, những buổi, giáo viên được hiệu trưởng phân công dạy thêm: thay cho giáo viên ốm đau, sinh đẻ, đi họp, nghỉ phép, đi học, đi bồi dưỡng chuyên đề hoặc vì trường đó thiếu giáo viên mà dạy trội giờ tiêu chuẩn của mình, thì những giờ, những buổi ấy được coi là những giờ, những buổi dạy thêm của giáo viên đó. Trường hợp giáo viên dạy lại một tiết học nào đó mà trong giờ dạy chưa đạt yêu cầu thì không coi là giờ dạy thêm. Nếu một giáo viên được phân công thường xuyên đảm nhiệm quá giờ tiêu chuẩn (bao gồm cả giờ dạy trên lớp và giờ kiêm nhiệm công tác, đã quy định tại thông tư hiện hành của Bộ Giáo dục về chế độ công tác của giáo viên) của mình thì những giờ trội cũng được tính là giờ dạy thêm.

Ví dụ:

Một giáo viên cấp II tự nhiên của một trường cấp II gồm 12 lớp; hàng tuần hiệu trưởng phân công cho giáo viên này dạy trên lớp 15 giờ và làm chủ nhiệm một lớp (được tính là 3 giờ). Trong tháng có một giáo viên ốm, giáo viên này được phân dạy thay mỗi tuần 2 giờ. Với cách phân công trên thì số giờ dạy thêm được xác định như sau:

Theo chế độ công tác hiện hành, giáo viên chủ nhiệm hàng tuần được giảm 3 giờ do đó giáo viên cấp II này đã đảm nhiệm số giờ hàng tuần:

15 giờ + 3 giờ kiêm nhiệm công tác + 2 giờ dạy thay = 20 giờ (hàng tuần) so với giờ tiêu chuẩn hàng tuần của giáo viên cấp II (18 giờ) thì giáo viên cấp II này được tính 2 giờ dạy thêm, quy ra cả tháng 8 giờ và được thanh toán 0đ6 x 8 = 4đ8.

 III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Các Sở, Ty giáo dục, các Sở, Ty tài chính cần phối hợp chặt chẽ để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra phòng giáo dục, phòng tài chính ở các huyện, quận và các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ trả phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi cho giáo viên theo đúng thông tư này và có kế hoạch dự trù kinh phí ngay từ đầu năm học để bảo đảm tốt việc thanh toán kịp thời và đầy đủ cho anh chị em giáo viên.

2. Đối với giáo viên dạy lớp ghép (thí dụ dạy lớp 1, 2 ghép) không coi là dạy thêm lớp, nên không áp dụng trả phụ cấp theo Thông tư này, mà áp dụng theo Thông tư 21 TT/TCCB ngày 16-9-1975 của Bộ Giáo dục đối với giáo viên dạy lớp ghép vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh.

3. Thông tư này có hiệu lực kể từ đầu năm học 1977-1978. Những quy định về chế độ phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi đối với giáo viên phổ thông, phổ thông thực hành sư phạm, bổ túc văn hoá tập trung, sư phạm trung cấp, sư phạm sơ cấp trước đây, trái với Thông tư này đều không có giá trị.

Đang cập nhật Bộ Tài chính

Đang cập nhật Bộ Giáo dục

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Bùi Thanh Khiết

Đào Thiện Thi

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.