THÔNG TƯ
Quy định về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học
__________________
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Giáo dục Đại học 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Hoạt động chữ thập đỏ ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 03/2011/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học, bao gồm: hoạt động chữ thập đỏ của thanh niên, thiếu niên trong trường học, tập huấn sơ cấp cứu trong trường học, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh niên, thiếu niên và cán bộ, giáo viên tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường học.
2. Thông tư này áp dụng đối với các trường học, bao gồm: cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi chung là trường học); các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu
1. Góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe, sơ cứu, cấp cứu, ứng phó với các tình huống khẩn cấp cho thanh niên, thiếu niên; vận động và tổ chức cho thanh niên, thiếu niên tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, qua đó giáo dục lòng nhân ái cho thanh niên, thiếu niên.
2. Làm căn cứ để nhà trường triển khai các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy và học, rèn luyện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
3. Đoàn kết, tập hợp thanh niên, thiếu niên; truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thanh niên, thiếu niên trong các hoạt động nhân đạo, qua đó góp phần giáo dục lòng nhân ái, sự sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ CỦA THANH NIÊN, THIẾU NIÊN TRONG TRƯỜNG HỌC
Điều 3. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục lòng nhân ái và chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, thiếu niên
1. Tuyên truyền cho thanh niên, thiếu niên về các giá trị nhân đạo, phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Luật nhân đạo quốc tế, Luật hoạt động chữ thập đỏ, tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giúp thay đổi nhận thức và hành vi, biết giúp đỡ người dễ bị tổn thương trong xã hội và có trách nhiệm với cộng đồng.
2. Tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thanh niên, thiếu niên theo các quy định hiện hành về công tác y tế trường học. Củng cố và phát triển các góc truyền thông chăm sóc sức khỏe, tủ thuốc y tế, đặc biệt phát triển vườn cây thuốc nam trong các trường học (nếu có điều kiện).
3. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác chữ thập đỏ trường học hằng năm. Cán bộ, giáo viên sau khi tập huấn cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách y tế trường học, tổ chức Đoàn, Đội trong trường học hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho thanh niên, thiếu niên.
4. Thành lập các đội sơ cứu, cấp cứu trong trường học; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng ngừa, ứng phó thảm họa; phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn xã hội; tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo, kỹ năng sống trong tình huống khẩn cấp, kỹ năng làm việc nhóm.
5. Tổ chức định kỳ các hoạt động vệ sinh trong trường học và khu vực xung quanh trường học; giám sát việc giữ gìn vệ sinh trong trường học. Tổ chức các hoạt động diễn tập sơ cứu, cấp cứu, phòng ngừa và ứng phó khi có thảm họa, thiên tai xảy ra.
Điều 4. Tổ chức các hoạt động nhân đạo trong trường học
1. Lập hồ sơ học sinh, sinh viên và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trong từng lớp và trong trường, vận động thanh niên, thiếu niên và giáo viên trợ giúp các đối tượng cụ thể bằng những hình thức thiết thực.
2. Vận động thanh niên, thiếu niên tham gia các cuộc vận động, phong trào tương thân, tương ái do ngành Giáo dục, các cấp Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên phát động.
3. Phát triển các hình thức gây quỹ giúp bạn nghèo vượt khó, như: nuôi lợn đất, quyên góp quần áo, sách vở.
4. Tổ chức truyền thông, vận động và tham gia hiến máu nhân đạo (đối với thanh niên trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp).
Điều 5. Phối hợp giữa nhà trường với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp
1. Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp tổ chức các lớp tập huấn sơ cứu, cấp cứu cho thanh niên, thiếu niên và cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường học.
2. Hội Chữ thập đỏ có trách nhiệm cung cấp nội dung, tài liệu tập huấn sơ cấp cứu cho các trường học và cử tập huấn viên tham gia tập huấn cho thanh niên, thiếu niên và cán bộ, giáo viên, giảng viên làm công tác chữ thập đỏ trong trường học.
3. Hoạt động chữ thập đỏ của thanh niên, thiếu niên trong trường học cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường và được hướng dẫn cụ thể bởi các cấp quản lý giáo dục và Hội Chữ thập đỏ cùng cấp.
4. Phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội, Đội và Hội Chữ thập đỏ cùng cấp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về hoạt động chữ thập đỏ, rèn luyện kỹ năng hoạt động tập thể giữa các lớp, các khối, các chi đoàn, hội sinh viên, đội thiếu niên tiền phong trong nhà trường và giữa các trường.
5. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp tổ chức gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động chữ thập đỏ giữa thanh niên, thiếu niên trong và ngoài tỉnh, thành phố nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ, ngày thành lập Đoàn, Hội, Đội.
Điều 6. Kinh phí hoạt động chữ thập đỏ trong trường học
1. Nguồn kinh phí hoạt động chữ thập đỏ trong trường học được trích từ nguồn kinh phí thường xuyên của nhà trường;
2. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và từ nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH NIÊN, THIẾU NIÊN
VÀ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN THAM GIA HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ TRONG TRƯỜNG HỌC
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh niên, thiếu niên tham gia hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia tuyên truyền về các giá trị nhân đạo.
b) Tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền, vận động và tham gia hiến máu nhân đạo (đối với thanh niên), phòng, chống tai nạn thương tích, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, ứng phó thảm họa. Tuyên truyền, vận động mọi người tham gia các cuộc vận động, phong trào của Hội Chữ thập đỏ.
c) Đoàn kết, giúp đỡ bạn trong học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành hội viên, tình nguyện viên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
d) Tích cực tham gia các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học, góp phần xây dựng tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vững mạnh.
2. Quyền hạn:
a) Được cung cấp thông tin về hoạt động chữ thập đỏ và hướng dẫn phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động tập thể.
b) Được tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thanh niên, thiếu niên chữ thập đỏ trong trường học; Được sử dụng Biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khi tham gia các hoạt động chữ thập đỏ.
c) Được tổ chức Hội Chữ thập đỏ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được giúp đỡ khi bản thân hoặc gia đình khó khăn; khi trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng thì được hưởng các chính sách theo quy định hiện hành.
d) Được tôn vinh, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc; được lựa chọn tham gia trại hè thanh niên, thiếu niên chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, giáo viên, giảng viên phụ trách công tác Chữ thập đỏ trong trường học
1. Nhiệm vụ:
a) Chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng nhà trường về các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học.
b) Xây dựng kế hoạch trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt, tổ chức các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học.
c) Tuyên truyền, vận động, xây dựng lực lượng thanh niên, thiếu niên tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường học.
d) Định kỳ báo cáo, kiểm tra, đánh giá các hoạt động chữ thập đỏ trong nhà trường theo quy định.
2. Quyền hạn:
a) Được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ; được cung cấp thông tin và tham gia xây dựng các hoạt động chữ thập đỏ trong và ngoài trường học.
b) Được hỗ trợ các điều kiện, trang thiết bị cần thiết khi tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong khả năng thực tế của các nhà trường.
c) Được tổ chức Hội Chữ thập đỏ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được giúp đỡ khi bản thân hoặc gia đình khó khăn; khi trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng thì được hưởng các chính sách theo quy định hiện hành; được hưởng các chế độ, chính sách phù hợp với hiệu quả hoạt động và điều kiện thực tiễn của địa phương.
d) Được tôn vinh, khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng khi có thành tích, đóng góp xuất sắc cho các hoạt động chữ thập đỏ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường
1. Chủ động tham mưu, đề xuất các hoạt động chữ thập đỏ đối với các cấp có thẩm quyền. Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học được quy định tại Thông tư này.
2. Phân công cán bộ y tế trường học hoặc cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Hội, Đội tổ chức các hoạt động chữ thập đỏ trong nhà trường.
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài nhà trường tổ chức hoạt động chữ thập đỏ trong nhà trường hiệu quả.
4. Biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích về hoạt động chữ thập đỏ trong nhà trường; tuyên truyền các gương điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và trong nhà trường.
Điều 10. Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo
1. Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hội, tỉnh Đoàn và các đơn vị có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ trong các trường học trên địa bàn phụ trách.
2. Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường trên địa bàn phụ trách thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ được quy định tại Thông tư này.
3. Báo cáo kết quả triển khai các hoạt động chữ thập đỏ trong các cơ sở giáo dục về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Chữ thập đỏ cùng cấp theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm của các phòng giáo dục và đào tạo
1. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức chữ thập đỏ, tổ chức Đoàn cùng cấp và các đơn vị có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học trên địa bàn phụ trách.
2. Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà trường trên địa bàn phụ trách thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ được quy định tại Thông tư này.
3. Báo cáo về tình hình triển khai các hoạt động chữ thập đỏ trong các cơ sở giáo dục về Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội Chữ thập đỏ cùng cấp theo quy định.
Điều 12. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 4 năm 2014.
2. Chánh Văn phòng; Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.