• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/01/1979
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 22 TT/LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 8 tháng 1 năm 1979

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về giá cước vận tải đường biển trên các tuyến đường đi nước ngoài.

_________________________

Để thống nhất quản lý giá cước vận tải đường biển trên các tuyến đường đi nước ngoài, liên Bộ Tài chính - Ngoại thương - Giao thông vận tải quy định cách tính cước cho tàu biển trở hàng chạy trên một số tuyến đường đi nước ngoài như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Giá cước vận tải hàng hoá trên các tuyến đường biển đi nước ngoài được xây dựng trên cơ sở giá cước thị trường quốc tế, có tính đến các điều kiện thực tế ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển ở nước ta.

Giá cước phải đảm bảo chi phí kinh doanh hợp lý và mức tích luỹ hợp lý để đảm bảo phát triển đội tầu biển Việt Nam và có tác dụng phục vụ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Nhà nước ta.

II. CƠ SỞ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH

1/ Cơ sở dùng để tham khảo tính giá cước vận tải hàng hoá chạy trên tuyến đường đi nước ngoài là biểu cước quốc tế hiện hành theo phương thức tàu chợ (liner) trên các tuyến đường tương tự và có tăng hoặc giảm theo tỷ lệ phần trăm (%) về các yếu tố có liên quan sau đây:

a) Yếu tố chênh lệch đoạn đường: Là đoạn đường chênh lệch thực tế từ cảng Việt Nam tới cảng nước ngoài dài hoặc ngắn hơn đoạn đường của biểu cước quốc tế vận dụng. Cước phí tính tăng hoặc giảm tỷ lệ thuận với đoạn đường dài hơn hoặc ngắn hơn.

b) Yếu tố giảm phí xếp dỡ: Theo phương thức chạy tàu lai-nơ (liner) phí bốc dỡ tính ở trong giá cước, trước đây ở cảng nội địa và cảng Hồng Kông phí bốc dỡ tính ở ngoài giá cước. Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm tách phí bốc dỡ từ tầu xuống cầu cảng (và ngược lại) để trả lại cho chủ hàng, còn ở Hồng Kông theo thông tục, phí bốc dỡ vẫn tính ở ngoài.

2/ Các phụ phí:

a) Phụ phí biến động giá nhiên liệu (BAP- Bunker Adjustment factor) là phụ phí do biến động giá nhiên liệu trên thị trường với mức giá nhiên liệu lúc xây dựng biểu cước. Trong giá cước, phụ phí này được tính theo tỷ lệ công bố trên biểu cước quốc tế.

b) Phụ phí về biến động tỷ giá ngoại tệ giữa đồng tiền tính trên biểu cước của hãng tàu quốc tế, do tác động của thị trường tiền tệ mà công ty vận tải biển Việt Nam bị ảnh hưởng nên được tính một tỷ lệ theo tỷ lệ chi phí bị ảnh hưởng.

Cụ thể CAF được tính bằng (0,8) phụ phí CAF công bố trên biểu cước quốc tế.

3/ Các biểu cước quốc tế hiện hành được tham khảo làm cơ sở để tính giá cước trên các tuyến đường của ta là:

- Japan - Hông Kông and Japan Straits freight agreements consolidate freight tariff No 16

- Hông Kông to Japan freight agreements (freight tariff No 6)

- The Hông Kông straits freight agreements (freight tariff No 7)

- Straits/East Asia rate agreements (freight tariff No 1).

4/ Công thức tính cước:

Dựa vào các nguyên tắc tính toán trên, giá cước vận tải hàng hoá đi các tuyến nước ngoài (trừ tàu chuyến) được tính theo công thức sau:

+ Tuyến Việt Nam - Nhật Bản vận dụng biểu cước Hồng Kông - Nhật

 (No. 8) Z = A + 0,127A + BAF

+ Tuyến Nhật Bản - Việt Nam vận dụng biểu cước Nhật - Hồng Kông

(No 16)  Z = A + 0,127A + BAF + 0,8 CAF

+ Tuyến Việt Nam - Hồng Kông vận dụng biểu cước Hồng Kông-Singapore

(No7)   Z = A - 0,305A + BAF

+ Tuyến Hồng Kông - Việt Nam vận dụng biểu cước Nhật - Hồng Kông

(No 16) Z = A - 0,05 A + BAF

+ Tuyến Singapore - Hải phòng vận dụng biểu cước Singapore - Hồng Kông

(No 1) Z = A - 0,05A + BAF + 0,8 CAF

+ Tuyến Sài gòn - Singapore vận dụng biểu cước Hồng Kông - Singapore

(No 7) Z = A - 0,197A + BAF

Tuyến Singapore - Sài gòn vận dụng biểu cước Singapore - Hồng Kông

  (No 1) Z = A - 0,05A + BAF + 0,8 CAF

Trong đó Z là giá cước vận chuyển 1 tấn hoặc 1m3

      A là giá cước ghi trong biểu cước quốc tế hiện hành.

III. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH.

1/ Giá cước qui định trong thông tư này áp dụng cho Công ty vận tải biển Việt Nam, Tổng công ty vận tải ngoại thương và các Tổng công ty xuất nhập khẩu ngoại thương khi vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển theo phương thức tàu chợ (liner).

2/ Căn cứ thông tư này, Công ty vận tải biển Việt Nam thoả thuận với Tổng công ty vận tải ngoại thương để công bố biểu cước của mình.

- Tỷ lệ hoa hồng cho cơ quan môi giới thuê tàu theo tập quán hiện hành và việc giảm giá cho chủ hàng (Rebate) theo thông tục quốc tế do hai cơ quan chủ tàu và thuê tàu thoả thuận với nhau ở ngoài biểu cước.

3/ Giá cước sẽ thay đổi khi biểu cước quốc tế được tham khảo để tính biểu cước của ta thay đổi. Và thay đổi khi các phụ phí BAF- CAF có tăng hoặc giảm trên 10% so với mức phụ phí đang áp dụng.

Mức cước mới thay đổi được áp dụng kể từ ngày công bố trên biểu cước quốc tế.

4/ Thông tư này áp dụng có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1979 các cơ quan chủ tàu và thuê tàu cần tính toán và thanh toán lại với nhau theo quy định trên và theo nguyên tắc:

- Tàu vận chuyển hàng xuất nhập khẩu vào thời gian nào thì tham khảo biểu cước quốc tế hiện hành lúc đó để vận dụng (bao gồm cước cơ bản + BAF + CAF).

5/ Từ nay trở đi sẽ dùng biểu cước quốc tế có ngày 1 tháng 10 năm trước để tham khảo tính cước cho năm sau (cụ thể cước năm 1980 sẽ tham khảo biểu cước quốc tế có đến 1 tháng 10 năm 1979).

6/ Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu thấp được giảm 5% giá cước trước mắt là các mặt hàng thủ công, mây tre, tươi sống, quặng, gỗ súc, gỗ sẻ. Quá trình sau này khi xuất hiện mặt hàng mới xuất khẩu cần được khuyến khích sẽ do Bộ ngoại thương và Bộ Giao thông vận tải thoả thuận với nhau.

7/ Với những mặt hàng mới không có trong biểu cước hai cơ quan thuê tàu và chủ tàu căn cứ vào mặt hàng tương đương trên cùng tuyến của biểu cước để thoả thuận, tính toán và bổ sung vào biểu cước.

8/ Đối với giá cước vận chuyển hàng hoá theo phương thức tàu chuyến (tramp) trên các tuyến đường từ Việt Nam đi nước ngoài và ngược lại, sẽ tham khảo giá cước tàu chuyến trên thị trường quốc tế vào cùng thời gian, phù hợp với loại hàng hoá, loại tàu (cỡ tàu, tuổi tàu,...) tuyến đường, điều kiện chuyên chở một hoặc hai chiều vv..do hai bên thuê tàu và chủ tàu thoả thuận theo tập quán quốc tế.

- Nguyên tắc thuê tàu chuyến trước hết giành cho tàu của ta, trừ trường hợp tàu của ta không có điều kiện chuyên chở, hoặc có chỉ thị của Nhà nước điều hàng cấp bách mới thuê tàu chuyến của nước ngoài.

9/ Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu có gặp khó khăn, các cơ quan hữu quan kịp thời phản ánh bằng văn bản về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ðào Thiện Thi

Nguyễn Chánh

Nguyễn Trường Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.