THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn nội dung chi và quản lý ngân sách thực hiện công tác
quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự,
an toàn xã hội trong khu vực biên giới
Căn cứ Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển;
Liên Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý ngân sách đảm bảo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền và khu vực biên giới biển (dưới đây gọi chung là công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia) như sau:
I. Nội dung chi ngân sách thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bao gồm:
1. Chi cho khảo sát, xây dựng các hệ thống biển báo "Khu vực biên giới", "Vành đai biên giới", "Vùng cấm", "Khu vực hạn chế hoạt động" và các biển báo khác theo quy định của Chính phủ để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
2. Mua sắm trang thiết bị, phương tiện, nhiên liệu phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
3. Bảo quản, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện được trang bị phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
4. Chi cho hoạt động nghiệp vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và thực thi pháp luật về biên giới quốc gia.
5. Chi cho công tác thông tin liên lạc, tuyên truyền, vận động quần chúng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
6. Chi cho công tác đối ngoại biên phòng.
7. Chi cho công tác huấn luyện nghiệp vụ biên phòng.
8. Chi hội nghị liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
9. Công tác phí phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên địa bàn biên giới.
10. Chi khen thưởng phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
II. Lập dự toán phân cấp, chấp hành và quyết toán ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
1. Hàng năm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới lập dự toán ngân sách đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo nội dung quy định tại Thông tư này báo cáo Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Nguồn kinh phí chi thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do Ngân sách Nhà nước bảo đảm được tổng hợp thành một khoản mục riêng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Quốc phòng.
2. Hàng năm, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo nhiệm vụ chi ngân sách cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật biên giới quốc gia.
3. Việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán và quản lý ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07/01/2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Thông tư liên tịch 23/2004/TTLT/BTC-BQP ngày 26/3/2004 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng hướng dẫn lập, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước và quản lý tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
III. Tổ chức thực hiện
1. Các đơn vị sử dụng ngân sách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ chi ngân sách được giao và chấp hành nghiêm các quy định về chế độ, chính sách quản lý, sử dụng tài chính hiện hành.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư liên tịch số 3729/2001/BQP-BTC ngày 29/11/2001 hướng dẫn nội dung chi và quản lý ngân sách thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cơ quan, đơn vị và địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.