THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với một số đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng
____________________________
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo;
Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với một số đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với một số đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề theo quy định của Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
2. Chế độ phụ cấp thâm niên nghề quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với:
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.
b) Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu hưởng lương cấp hàm cơ yếu hoặc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu (sau đây gọi tắt là cơ yếu).
c) Công nhân viên quốc phòng đã và đang được xếp hưởng; lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng, nhà giáo và dự trữ quốc gia.
Điều 3. Mức phụ cấp thâm niên nghề
Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này, sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong các ngành: cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng, nhà giáo, dự trữ quốc gia thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
Điều 4. Cách tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề
1. Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề
a) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề được xác định bằng tổng các thời gian sau:
- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên quân đội, công an, cơ yếu (nếu có);
- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề ở các ngành khác, gồm:
+ Thời gian làm việc được xếp lương một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm (nếu có) được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
+ Thời gian làm công tác kiểm tra Đảng được tính hưởng; phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại Quyết định số 275-QĐ/TW ngày 04 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận và các đoàn thể;
+ Thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo;
+ Thời gian làm công tác dự trữ quốc gia được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia.
- Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật định của các đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 2 Thông tư này mà trước khi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
b) Thời gian làm việc được tính hưởng nhiều loại thâm niên nghề cùng một thời điểm, thì chỉ được tính hưởng phụ cấp của một loại thâm niên nghề.
c) Chế độ phụ cấp thâm niên nghề được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề
a) Thời gian phục vụ tại ngũ trước khi bị tước danh hiệu quân nhân và thời gian chấp hành hình phạt tù giam, trong trường hợp quân nhân phạm tội bị Tòa án xử phạt tù giam và bị cấp có thẩm quyền tước danh hiệu quân nhân.
b) Thời gian gian phục vụ tại ngũ trước khi bị tước danh hiệu quân nhân, trong trường hợp bị cấp có thẩm quyền tước danh hiệu quân nhân do vi phạm kỷ luật.
c) Thời gian đào ngũ, trong trường hợp quân nhân đào ngũ được tiếp nhận lại đơn vị.
d) Thời gian phục vụ tại ngũ trước khi đào ngũ, trong trường hợp quân nhân đào ngũ không trở lại đơn vị.
đ) Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề đối với đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 2 Thông tư này như sau:
- Thời gian thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
3. Cách tính chi trả phụ cấp thâm niên nghề hàng tháng:
a) Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này sau 5 năm (đủ 60 tháng) được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5%; từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm công tác (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Ví dụ 1: Đồng chí A, nhập ngũ: tháng 7 năm 1984 công tác được 4 năm (48 tháng) tính đến tháng 6 năm 1988; sau đó được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp và công tác đến hết tháng 9 năm 2014 nghỉ hưu.
Như vậy, tại thời điểm tháng 9 năm 2014 đồng chí A có 30 năm 3 tháng tại ngũ trong quân đội. Theo đó đồng chí A được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 30% từ tháng 7 năm 2014.
Ví dụ 2: Tháng 5 năm 2007, đồng chí B, sau khi kết thúc hợp đồng làm việc lần đầu được tuyển dụng làm giáo viên tại trường Trung học phổ thông K. Đến tháng 9 năm 2010 nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ trong quân đội. Từ tháng 9 năm 2012 được chuyển chế độ công nhân viên quốc phòng và làm giáo viên tại Trường Thiếu sinh quân Quân khu 2 cho đến nay.
Như vậy, tại thời điểm tháng 9 năm 2014, đồng chí B có thời gian công; tác để tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:
- Thời gian là giáo viên từ tháng 5 năm 2007 đến hết tháng 8 năm 2010 là: 3 năm 4 tháng (40 tháng) được tính hưởng thâm niên nghề;
- Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ tháng 9 năm 2010 đến hết tháng 8 năm 2012 là 2 năm (24 tháng) là thời gian tại ngũ;
- Thời gian là giáo viên từ tháng 9 năm 2012 đến hết tháng 9 năm 2014 là: 2 năm 01 tháng (25 tháng) được tính hưởng thâm niên nghề.
Nếu tính tại thời điểm tháng 9 năm 2014, đồng chí B có thời gian làm giáo viên là 5 năm 5 tháng (65 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề quy định tại Điều 3 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề là 5 năm 05 tháng (trong đó: 3 năm 4 tháng và 2 năm 1 tháng là giáo viên). Theo đó, đồng chí B được hưởng phụ cấp thâm niên nghề với tỷ lệ là 5% từ tháng 5 năm 2014.
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã có đủ thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề của các ngành khác như: cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng, nhà giáo, dự trữ quốc gia.... thì được cộng để tính hưởng phụ cấp thâm niên quân đội.
Ví dụ 3: Đồng chí C, công tác ở ngành Hải quan được 12 năm. Từ tháng 01 năm 2012, được điều động vào quân đội, phong quân hàm Đại uý.
Như vậy, tại thời điểm tháng 9 năm 2014, đồng chí C có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 14 năm 9 tháng (12 năm của ngành Hải quan và 2 năm 9 tháng của Quân đội). Theo đó, đồng chí C được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 14%.
c) Đối với các đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực hưởng phụ cấp thâm niên nghề mà được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng sang công tác ở ngành, lĩnh vực khác không có chế độ phụ cấp thâm niên nghề, sau đó lại tiếp tục về công tác tại các ngành, lĩnh vực trước khi luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng, thì được cộng gộp thời gian công tác trước đó ở các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp thâm niên nghề để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Ví dụ 4: Đồng chí D, nhập ngũ tháng 5 năm 1982, cấp bậc hạ sĩ, xuất ngũ tháng 7 năm 1984. Từ tháng 02 năm 1988, đồng chí D được tuyển dụng làm công nhân viên quốc phòng, được xếp ngạch chuyên viên. Từ tháng 6 năm 1995, đồng chí D được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp cho đến nay.
Tính tại thời điểm tháng 9 năm 2014, đồng chí D có các thời gian làm việc được tính hưởng và không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề như sau:
- Thời gian từ tháng 5 năm 1982 đến hết tháng 7 năm 1984 là: 2 năm 3 tháng được tính là thời gian tại ngũ;
- Thời gian là công nhân viên quốc phòng từ tháng 02 năm 1988 đến hết tháng 5 năm 1995 là: 7 năm 4 tháng không được tính hưởng thâm niên nghề;
- Thời gian từ tháng 6 năm 1995 đến hết tháng 9 năm 2014 là: 19 năm 4 tháng tại ngũ được tính hưởng thâm niên nghề.
Như vậy, tại thời điểm tháng 9 năm 2014 đồng chí D có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề là: 21 năm 7 tháng (trong đó: 2 năm 3 tháng tại ngũ và 19 năm 4 tháng tại ngũ là quân nhân chuyên nghiệp). Theo đó, đồng chí D được hưởng phụ cấp thâm niên nghề với tỷ lệ là 21% từ tháng 3 năm 2014.
Ví dụ 5: Đồng chí Đ, được tuyển dụng vào làm việc tại Tổng cục Hải quan được 3 năm 6 tháng. Từ tháng 01 năm 2006 đồng chí Đ vào quân đội làm công nhân viên quốc phòng, xếp ngạch chuyên viên. Từ tháng 3 năm 2008, đồng chí Đ chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp cho đến nay. Tính tại thời điểm tháng 9 năm 2014, thời gian làm việc của đồng chí Đ được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề như sau:
- Thời gian làm việc tại Tổng cục Hải quan là 3 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;
- Thời gian là công nhân viên quốc phòng từ tháng 01 năm 2006 đến hết tháng 02 năm 2008 là 2 năm 2 tháng không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;
- Thời gian là quân nhân chuyên nghiệp từ tháng 3 năm 2008 đến hết tháng 9 năm 2014 là 6 năm 7 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm, niên nghề.
Như vậy, tại thời điểm tháng 9 năm 2014, đồng chí Đ có thời gian trên 5 năm (trên 60 tháng) là quân nhân chuyên nghiệp, đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề là 10 năm 01 tháng (6 năm 7 tháng là quân nhân chuyên nghiệp và 3 năm 6 tháng của Hải quan). Theo đó đồng chí Đ được hưởng phụ cấp thâm niên nghề với tỷ lệ là 10%.
Điều 5. Nguồn kinh phí
1. Đối với các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và hạch toán vào Mục 6100, Tiểu mục 6115, Tiết mục: 10 đối với sĩ quan, 20 đối với quân nhân chuyên nghiệp, 90 đối với công nhân viên quốc phòng, Ngành 00 trong Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong quân đội.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề được bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề được bảo đảm từ nguồn thu tự bảo đảm kinh phí hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 4 năm 2015; Bãi bỏ Khoản 2 Mục IV Thông tư số 05/2005/TT-BQP ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước; Thông tư số 153/2013/TT-BQP ngày 19 tháng 8 năm 2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý đã và đang được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, thanh tra, kiểm tra Đảng, kiểm toán, thi hành án dân sự, kiểm lâm và nhà giáo.
2. Chế độ phụ cấp thâm niên nghề quy định cho các ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009; đối tượng là nhà giáo được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011 và đối tượng làm dự trữ quốc gia được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2013.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối tượng có trách nhiệm:
a) Căn cứ thời gian làm việc theo hồ sơ cán bộ quyết định mức phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ thuộc phạm vi quản lý và lập dự toán nhu cầu thực hiện phụ cấp thâm niên của đơn vị theo Biểu 1A, 1B quy định tại Thông tư này, gửi Thủ trưởng cấp trên trực tiếp xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
b) Giải quyết truy lĩnh tiền phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị, ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quản lý phê duyệt.
c) Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (nếu có) về tiền phụ cấp thâm niên nghề đối với từng đối tượng và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với các đối tượng đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày được tính hưởng phụ cấp thâm niên đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng thực hiện việc truy thu đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; điều chỉnh lại lương hưu đối với các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này đã nghỉ hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) để nghiên cứu, giải quyết./.