THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, TẠM ỨNG VÀ HOÀN TRẢ CHI PHÍ ĐO ĐẠC XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH ĐẤT VI PHẠM
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí đo đạc xác định diện tích đất vi phạm.
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Thông tư này quy định việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí thực hiện đo đạc xác định diện tích đất vi phạm trong trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường, thanh tra nhà nước, tài chính và các cơ quan khác có liên quan ở các cấp.
2. Người sử dụng đất bao gồm tổ chức trong nước, hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến đo đạc, quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí đo đạc xác định diện tích đất vi phạm.
Điều 3. Việc quản lý đo đạc xác định diện tích đất vi phạm
1. Việc đo đạc xác định diện tích đất vi phạm do đơn vị có chức năng đo đạc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường (sau đây được gọi là đơn vị đo đạc) thực hiện.
2. Khi cần thực hiện đo đạc xác định diện tích đất vi phạm, đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc người được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra gửi văn bản yêu cầu đo đạc kèm theo biên bản về việc người sử dụng đất yêu cầu xác định lại diện tích đất vi phạm đến đơn vị đo đạc.
Biên bản về việc người sử dụng đất yêu cầu xác định lại diện tích đất vi phạm lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản yêu cầu đo đạc, đơn vị đo đạc có trách nhiệm triển khai thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính để xác định diện tích đất vi phạm.
4. Sau khi hoàn thành đo đạc xác định diện tích đất vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi bản dự tính kinh phí sau khi đã thẩm định theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này kèm theo thông báo kết quả đo đạc cho cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra và người sử dụng đất có hành vi vi phạm.
Nội dung thông báo kết quả đo đạc xác định diện tích đất vi phạm lập theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Việc bố trí kinh phí tạm ứng và quản lý, hoàn trả chi phí đo đạc xác định diện tích đất vi phạm
1. Kinh phí để tạm ứng cho đo đạc xác định diện tích đất vi phạm do Ủy ban nhân dân cấp quyết định thanh tra, kiểm tra xem xét bố trí tạm ứng từ ngân sách cấp mình đối với từng trường hợp cụ thể phải đo đạc theo đề nghị của cơ quan tài chính và cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra cùng cấp.
Trường hợp cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra ở cấp Trung ương thì Bộ Tài chính xem xét bố trí tạm ứng đối với từng trường hợp cụ thể phải đo đạc theo đề nghị của Bộ, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra.
2. Sau khi hoàn thành việc đo đạc theo yêu cầu, đơn vị đo đạc căn cứ vào khối lượng đã thực hiện, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đo đạc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (đối với hạng Mục công việc có định mức), quy định chế độ chi tiêu tài chính hiện hành (đối với hạng Mục công việc không có định mức) để lập dự tính kinh phí thực hiện đo đạc xác định diện tích đất vi phạm, trình Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với kết quả đo đạc để xem xét thẩm định đối với từng trường hợp cụ thể đã đo đạc và gửi cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra (kèm theo văn bản thẩm định) để làm thủ tục tạm ứng kinh phí theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định thanh tra, kiểm tra thì Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục tạm ứng kinh phí (kèm theo dự tính kinh phí đã thẩm định) gửi Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, tạm ứng.
3. Sau khi nhận được kết quả đo đạc và bản dự tính kinh phí thực hiện đo đạc (đã qua thẩm định), cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thông báo và đôn đốc người sử dụng đất có hành vi vi phạm nộp tiền đo đạc để hoàn trả vào ngân sách.
Trường hợp cơ quan ở Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra thực hiện thông báo và đôn đốc người sử dụng đất có hành vi vi phạm nộp tiền đo đạc để hoàn trả vào ngân sách Trung ương.
Nội dung thông báo nộp tiền đo đạc lập theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền, người sử dụng đất có hành vi vi phạm có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền, đúng thời gian, địa Điểm nộp nêu trong thông báo. Trường hợp chậm nộp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Sau khi được bố trí kinh phí tạm ứng, cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thanh toán chi phí đo đạc xác định diện tích đất vi phạm cho cơ quan đo đạc đã hoàn thành việc đo đạc theo quy định.
6. Cơ quan quyết định thanh tra phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền việc hoàn trả phần kinh phí đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước sau khi người sử dụng đất có hành vi vi phạm nộp đầy đủ tiền đo đạc xác định diện tích đất vi phạm được thông báo (có xác nhận của Kho bạc nhà nước).
Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 8 năm 2016.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.