THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường.
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường tham dự các kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 2. Nguyên tắc thi thăng hạng
1. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và nhu cầu của đơn vị sự nghiệp.
2. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi
Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tài nguyên và môi trường khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Thuộc đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu.
2. Đang giữ chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi thăng hạng.
3. Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi theo quy định.
4. Có khả năng đảm nhiệm hoặc đang làm việc ở vị trí công việc phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi thăng hạng.
5. Được cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm thông báo nộp hồ sơ dự thi của cơ quan có thẩm quyền; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
6. Được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hoặc sử dụng viên chức cử tham dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Chương II
HÌNH THỨC, NỘI DUNG THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 4. Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II
1. Môn thi kiến thức chung
a) Hình thức thi: tự luận;
b) Thời gian thi: 180 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra kiến thức, năng lực của viên chức về định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển và hiểu biết về pháp luật chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II của lĩnh vực dự thi (với 60% nội dung thi) và hiểu biết về pháp luật viên chức (với 40% nội dung thi).
2. Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hình thức thi: trắc nghiệm hoặc thực hành do Hội đồng thi quyết định;
b) Thời gian thi: trắc nghiệm 45 phút hoặc thực hành 30 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra và đánh giá trình độ, năng lực, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp hạng II của lĩnh vực dự thi.
3. Môn thi ngoại ngữ
a) Hình thức thi: viết;
b) Thời gian thi: 90 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra các kỹ năng: đọc hiểu, viết ở trình độ bậc 3 theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.
4. Môn thi tin học
a) Hình thức thi: trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy vi tính;
b) Thời gian thi: 45 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra hiểu biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet.
Điều 5. Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III
1. Môn thi kiến thức chung
a) Hình thức thi: tự luận;
b) Thời gian thi: 150 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra kiến thức, năng lực của viên chức về định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển và hiểu biết về pháp luật chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III của lĩnh vực dự thi (với 60% nội dung thi) và hiểu biết về pháp luật viên chức (với 40% nội dung thi).
2. Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hình thức thi: trắc nghiệm hoặc thực hành do Hội đồng thi quyết định;
b) Thời gian thi: trắc nghiệm 30 phút hoặc thực hành 15 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra và đánh giá trình độ, năng lực, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp hạng III của lĩnh vực dự thi.
3. Môn thi ngoại ngữ
a) Hình thức thi: viết;
b) Thời gian thi: 60 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra các kỹ năng: đọc hiểu, viết ở trình độ bậc 2 theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III.
4. Môn thi tin học
a) Hình thức thi: trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy vi tính;
b) Thời gian thi: 30 phút;
c) Nội dung thi: kiểm tra hiểu biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet.
Điều 6. Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ và tin học trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
1. Miễn thi môn ngoại ngữ đối với viên chức khi có một trong các điều kiện sau đây:
a) Viên chức có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ tính đến thời điểm thông báo nộp hồ sơ dự thi của cơ quan có thẩm quyền;
b) Viên chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền;
c) Viên chức là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;
d) Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;
đ) Viên chức có bằng tốt nghiệp theo trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thi thăng hạng mà học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
2. Miễn thi môn tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường theo quy định tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp không có điều kiện để tổ chức kỳ thi riêng thì tổng hợp nhu cầu, gửi danh sách viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng các chức danh nghề nghiệp ngành tài nguyên và môi trường theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hàng năm để Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức kỳ thi chung.
2. Viên chức đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế - kỹ thuật viên chức ngạch chính ngành tài nguyên và môi trường (chức danh nghề nghiệp hạng II) được tiếp tục sử dụng Chứng chỉ này để tham gia kỳ thi thăng hạng viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường từ hạng III lên hạng II đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.