Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về việc cấp Giấy phép liên quan đến hoạt động xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt

_______________________________________________

 

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyn hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về việc cấp Giấy phép liên quan đến hoạt động xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép liên quan đến hoạt động xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

2. Thông tư này không điều chỉnh đối với đường ngang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong việc cấp Giấy phép liên quan đến hoạt động xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

2. Công trình đường sắt là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, ga, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.

3. Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là khu vực bao quanh công trình nhằm ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định, tuổi thọ của công trình và phục vụ công tác bảo trì công trình đường sắt.

Điều 4. Nguyên tắc cấp Giấy phép

1. Việc cấp Giấy phép phải phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết về đường sắt do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình đường sắt, bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường.

2. Chỉ cấp Giấy phép đối với hoạt động xây dựng công trình mới, công trình tạm, cải tạo, nâng cấp công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt bắt buộc phải xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Điều 5. Công trình được xem xét cấp Giấy phép

1. Công trình được cấp Giấy phép bao gồm:

a) Công trình xây dựng mới: công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình cầu, cầu vượt, hầm, cống; công trình thủy lợi, viễn thông, điện lực; đường ống cấp nước, thoát nước; đường ống xăng, dầu, khí; công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt;

b) Công trình cải tạo, nâng cấp có thay đổi hình dạng, kích thước, kết cấu chịu lực của công trình hoặc của công trình đường sắt có liên quan;

c) Công trình tạm phục vụ thi công.

2. Công trình được cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều này phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không được yêu cầu bồi thường.

Chương II

CẤP GIẤY PHÉP LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Điều 6. Hồ sơ đ nghị cấp Giấy phép

1. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Quyết định phê duyệt dự án hoặc văn bản giao nhiệm vụ Chủ đầu tư công trình;

c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt (kèm theo Quyết định phê duyệt); ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình cải tạo, nâng cấp).

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Điều 7. Trình tự, cách thức thực hiện việc cấp Giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến cơ quan cấp Giấy phép quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Thông tư này.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm kiểm tra, thông báo và hướng dẫn bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép để bổ sung hoàn thiện (nếu hồ sơ còn thiếu).

3. Sau khi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được hoàn thiện, cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm gửi hồ sơ để lấy ý kiến (nếu cần) đến các cơ quan, đơn vị liên quan:

a) Doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đối với công trình trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt quốc gia;

b) Tổ chức quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng đối với công trình trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt chuyên dùng.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 3 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; quá thời hạn nêu trên, các cơ quan, đơn vị liên quan không có văn bản trả lời thì được coi là đã chấp thuận.

5. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có), căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan, cơ quan cấp Giấy phép thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần) để quyết định cấp Giấy phép. Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Thời hạn cấp Giấy phép:

a) 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp không phải lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, không phải kiểm tra hiện trường;

b) 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp không phải lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, nhưng phải đi kiểm tra hiện trường;

c) 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp phải lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan và phải kiểm tra hiện trường.

7. Giấy phép được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Thời gian hiệu lực của Giấy phép theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo công trình nhưng không quá tiến độ thi công hạng mục công trình của dự án nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Điều 8. Gia hạn Giấy phép

1. Trường hợp công trình không hoàn thành theo đúng thời hạn ghi trong Giấy phép, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục đề nghị gia hạn Giấy phép.

2. Trình tự, cách thức thực hiện:

a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này được nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan cấp Giấy phép;

b) Gia hạn Giấy phép được cấp trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; trường hợp không được gia hạn, cơ quan cấp Giấy phép phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Mỗi Giấy phép chỉ được gia hạn tối đa hai lần; thời gian gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng.

4. Quyết định gia hạn Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Thu hồi, hủy Giấy phép

1. Các trường hợp bị thu hồi giấy phép:

a) Giấy phép được cấp không đúng theo quy định hiện hành;

b) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ghi trong văn bản xử lý vi phạm về thi công công trình trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

2. Hủy Giấy phép

Sau 10 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi Giấy phép của cấp có thẩm quyền, nếu tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép không nộp lại Giấy phép, cơ quan cấp Giấy phép hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy Giấy phép và thông báo cho các cơ quan, đơn vị đang sử dụng Giấy phép.

Điều 10. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, hủy Giấy phép

1. Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy phép đối với các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt quốc gia.

2. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng hoặc người được ủy quyền cấp Giấy phép đối với các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt chuyên dùng của mình.

3. Cơ quan nào cấp Giấy phép thì cơ quan đó có quyền gia hạn, thu hồi, hủy Giấy phép do mình cấp.

4. Cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép quyết định thu hồi, hủy Giấy phép do cấp dưới cấp không đúng quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN, NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN TRONG VIỆC CẤP GIẤY PHÉP

Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan cấp Giấy phép

1. Trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai thủ tục cấp Giấy phép tại trụ sở;

b) Cung cấp thông tin liên quan đến việc cấp Giấy phép, bao gồm các quy định, cách thức và các căn cứ để thực hiện thủ tục hành chính khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép. Thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản;

c) Cấp, gia hạn Giấy phép theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp Giấy phép;

d) Lưu trữ hồ sơ cấp Giấy phép để theo dõi, quản lý;

đ) Thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy phép (nếu có) theo đúng quy định hiện hành;

e) Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Giấy phép đã cấp.

2. Quyền hạn:

a) Đình chỉ việc thi công xây dựng công trình khi phát hiện hoặc nhận được báo cáo việc thi công xây dựng sai với Giấy phép đã cấp; trường hợp đã có quyết định đình chỉ mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép vẫn tiếp tục vi phạm thì thu hồi, hủy Giấy phép theo quy định hoặc chuyển đến cấp có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật;

b) Từ chối cấp, gia hạn Giấy phép khi không đảm bảo yêu cầu quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.

Điều 12. Trách nhiệm, quyền hạn của Doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc Tổ chức quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng

1. Trách nhiệm:

a) Tham gia ý kiến về ảnh hưởng của công trình đề nghị cấp Giấy phép đến an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt khi được yêu cầu;

b) Bàn giao hiện trường cho tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép để thi công và tiếp nhận lại sau khi hoàn thành xây dựng công trình;

c) Thỏa thuận với tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép về thời gian phong tỏa phục vụ thi công;

d) Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt trong thi công theo Giấy phép và các quy định của pháp luật;

đ) Tham gia nghiệm thu, tiếp nhận hồ sơ hoàn công công trình để theo dõi theo quy định.

2. Quyền hạn:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt trong quá trình thi công;

b) Trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn trong quá trình thi công, yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép tạm dừng thi công và có biện pháp khắc phục; khẩn trương báo cáo cơ quan cấp Giấy phép để xử lý theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép và chủ quản lý, sử dụng công trình

1. Trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Đường sắt;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép theo quy định;

c) Chỉ khởi công công trình sau khi có Giấy phép;

d) Thỏa thuận với Doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc Tổ chức quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng về thời gian phong tỏa phục vụ thi công; làm thủ tục nhận bàn giao mặt bằng thi công trước khi khởi công công trình;

đ) Thực hiện đúng nội dung của Giấy phép được cấp;

e) Bàn giao lại hiện trường và hồ sơ hoàn công cho Doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc Tổ chức quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng sau khi hoàn thành công trình;

g) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình theo quy định của pháp luật;

h) Nộp lệ phí cấp Giấy phép theo quy định hiện hành (nếu có);

i) Chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt trong suốt quá trình thi công; bảo trì trong quá trình khai thác;

k) Có biện pháp gia cố kịp thời bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình hư hỏng;

l) Tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không đòi bồi thường khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tự phá dỡ công trình và chịu mọi chi phí phá dỡ khi hết hạn sử dụng (đối với công trình xây dựng tạm);

m) Thống nhất với Doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi thực hiện hoạt động bảo trì công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt đã xây dựng hợp pháp trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

2. Quyền hạn:

a) Yêu cầu cơ quan cấp Giấy phép giải thích, hướng dẫn và thực hiện các quy định cấp Giấy phép;  

b) Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp Giấy phép.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2016.

2. Bãi bỏ các văn bản sau:

a) Quyết định số 60/2005/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về việc cấp Giấy phép xây dựng, thực hiện hoạt động trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

b) Điều 1 Thông tư số 28/2011/TT-BGTVT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định về việc cấp giấy phép xây  dựng, thực hiện hoạt động trong phạm vi đất dành cho đường sắt” ban hành kèm theo Quyết định số 60/2005/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2005, “Điều lệ đường ngang” ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BGTVT ngày 30 ngày 3 tháng 2006, “Quy định về công bố đóng, mở ga đường sắt” ban hành kèm theo Quyết định số 53/2007/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để được xem xét, giải quyết./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng