Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên

___________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 19 tháng 8 năm 1993;

Căn cứ Nghị định số 17/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tờ trình số 1047/BNN-PTLN ngày 24 tháng 3 năm 1999),

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên

_________________________

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định về rừng và đất lâm nghiệp:

1. Rừng được quy định trong Quy chế này là rừng tự nhiên trên đất lâm nghiệp, trong đó có thực vật, động vật rừng và những yếu tố tự nhiên liên quan đến rừng (núi đá, sông suối, hồ, đầm, vùng đất ngập nước... ).

2. Đất lâm nghiệp gồm:

a) Đất có rừng;

b) Đất chưa có rừng, đất không còn rừng và thảm thực vật tự nhiên được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp.

3. Rừng được chia thành 3 loại theo mục đích sử dụng chính như sau:

a) Rừng đặc dụng được xác định nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật và động vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch;

b) Rừng phòng hộ được xác định chủ yếu để xây dựng và phát triển rừng cho mục đích bảo vệ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo đảm cân bằng sinh thái và an ninh môi trường;

c) Rừng sản xuất được xác định chủ yếu để xây dựng, phát triển rừng cho mục đích sản xuất, kinh doanh lâm sản (trong đó đặc biệt là gỗ và các loại đặc sản rừng) và kết hợp phòng hộ môi trường cân bằng sinh thái.

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức quản lý 3 loại rừng:

1. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước thống nhất quản lý và xác lập thành hệ thống các khu rừng đặc dụng và phòng hộ quốc gia;

Mỗi khu rừng đặc dụng, phòng hộ được xác lập, tổ chức quản lý theo mục đích sử dụng trên từng địa bàn cụ thể và có chủ quản lý. Chủ rừng được giao quản lý rừng và quyền sử dụng đất, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật và không được trái với Quy chế này;

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là chủ rừng) được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất lâm nghiệp và rừng sản xuất để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh;

Diện tích đất lâm nghiệp và rừng sản xuất giao hoặc cho các chủ rừng thuê tuỳ theo quỹ rừng, quỹ đất lâm nghiệp của địa phương và nhu cầu, khả năng quản lý, sử dụng đất và sản xuất kinh doanh rừng của chủ rừng;

3. Mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 3. Thẩm quyền về tổ chức quản lý 3 loại rừng

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể các loại rừng; phê duyệt các dự án trọng điểm của quốc gia;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh ) quy hoạch tổng thể hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong toàn quốc, xây dựng các dự án trọng điểm của quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo các ngành chức năng thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiến hành quy hoạch cụ thể 3 loại rừng trên địa bàn, xây dựng dự án trình cấp trên trực tiếp phê duyệt;

Đồng thời Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc giao hoặc cho thuê rừng cho các tổ chức và chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc giao hoặc cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để hộ gia đình, cá nhân quản lý bảo vệ, xây dựng phát triển và sử dụng rừng theo quy định của pháp luật;

4. Thẩm quyền quyết định việc thành lập các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất như sau:

a) Đối với rừng đặc dụng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với ủy ban nhân dân tỉnh có rừng đặc dụng, cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các Vườn quốc gia, xác lập các khu rừng đặc dụng khác nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng;

Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các khu rừng đặc dụng có tầm quan trọng thuộc địa phương sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Đối với rừng phòng hộ: Căn cứ quy hoạch rừng phòng hộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tiến hành xây dựng dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, căn cứ ý kiến thẩm định, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các khu rừng phòng hộ;

c) Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Căn cứ quy hoạch rừng sản xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương về việc giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai để cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất lâm nông nghiệp.

Điều 4. Thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư, thay đổi mục đích sử dụng 3 loại rừng và chuyển hạng các khu rừng đặc dụng

1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 3 của Quy chế này cũng là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, phương án hoặc kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng có mức vốn đầu tư theo quy định của pháp luật;

2. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 3 cũng là cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng trong 3 loại rừng nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản của các Bộ, ngành liên quan.

3. Trường hợp nếu thay đổi mục đích sử dụng 3 loại rừng nói trên vào mục đích sử dụng khác (ngoài mục đích lâm nghiệp) phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và Luật bảo vệ và Phát triển rừng.

4. Việc chuyển hạng các khu rừng đặc dụng (từ khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng văn hoá - lịch sử - môi trường thành vườn quốc gia hoặc ngược lại):

a) Đối với những khu rừng đặc dụng thuộc Trung ương quản lý, Bộ chủ quản trình Chính phủ quyết định;

b) Những khu rừng đặc dụng thuộc cấp tỉnh quản lý, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ quyết định trên cơ sở có thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Phân chia, xác định ranh giới 3 loại rừng

Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất phải được xác định ranh giới rõ ràng trên bản đồ và trên thực địa bằng hệ thống mốc, bảng chỉ dẫn và lập hồ sơ thống kê theo dõi chặt chẽ;

Để thuận lợi cho việc quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất được phân chia thành các đơn vị diện tích như sau:

- Tiểu khu: Có diện tích trung bình 1.000 ha, là đơn vị cơ bản để quản lý rừng; thứ tự tiểu khu được ghi số bằng chữ số ả Rập trong phạm vi của từng tỉnh từ tiểu khu số 1 đến tiểu khu cuối cùng (ví dụ : Tiểu khu 1, Tiểu khu 2,..);

- Khoảnh: Có diện tích trung bình 100 ha, là đơn vị thống kê tài nguyên rừng và tạo thuận lợi trong việc xác định vị trí trên thực địa; thứ tự khoảnh được ghi số bằng chữ số ả Rập trong phạm vi từng tiểu khu (ví dụ: khoảnh 1, khoảnh 2,...);

- Lô: Là đơn vị chia nhỏ của khoảnh có cùng điều kiện tự nhiên và có cùng biện pháp tác động kỹ thuật; diện tích lô bình quân là 10 ha đối với rừng gỗ và rừng tre nứa tự nhiên; thứ tự lô được ghi bằng chữ cái Việt Nam trong phạm vi từng khoảnh (ví dụ: Lô a, Lô b ...);

Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tuỳ theo yêu cầu cụ thể để áp dụng việc phân chia, có thể không nhất thiết phải chia đơn vị lô;

Số thứ tự của tiểu khu, khoảnh, lô được ghi số theo trình tự từ hướng Bắc xuống hướng Nam, từ hướng Tây sang hướng Đông;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về hệ thống mốc ranh giới, bảng chỉ dẫn và lập hồ sơ quản lý các loại rừng này.

Chương II

RỪNG ĐẶC DỤNG

I. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 6. Các loại rừng đặc dụng

Rừng đặc dụng được chia thành 3 loại như sau :

1. Vườn quốc gia là vùng đất tự nhiên được thành lập để bảo vệ lâu dài một hay nhiều hệ sinh thái, bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:

a) Vùng đất tự nhiên bao gồm mẫu chuẩn của các hệ sinh thái cơ bản (còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người); các nét đặc trưng về sinh cảnh của các loài động, thực vật; các khu rừng có giá trị cao về mặt khoa học, giáo dục và du lịch;

b) Vùng đất tự nhiên đủ rộng để chứa đựng được một hay nhiều hệ sinh thái và không bị thay đổi bởi những tác động xấu của con người; tỷ lệ diện tích hệ sinh thái tự nhiên cần bảo tồn phải đạt từ 70% trở lên;

c) Điều kiện về giao thông tương đối thuận lợi;

2. Khu bảo tồn thiên nhiên là vùng đất tự nhiên được thành lập nhằm đảm bảo diễn thế tự nhiên và chia thành hai loại sau:

a) Khu dự trữ thiên nhiên là vùng đất tự nhiên, có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học cao, được thành lập, quản lý, bảo vệ nhằm bảo đảm diễn thế tự nhiên, phục vụ cho bảo tồn, nghiên cứu khoa học và là vùng đất thoả mãn các điều kiện sau:

- Có hệ sinh thái tự nhiên tiêu biểu, còn giữ được các đặc trưng cơ bản của tự nhiên, ít bị tác động có hại của con người; có hệ động, thực vật đa dạng;

- Có các đặc tính địa sinh học, địa chất học và sinh thái học quan trọng hay các đặc tính khác có giá trị khoa học, giáo dục, cảnh quan và du lịch;

- Có các loài động, thực vật đặc hữu đang sinh sống hoặc các loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt;

- Phải đủ rộng nhằm đảm bảo sự nguyên vẹn của hệ sinh thái, tỷ lệ diện tích hệ sinh thái tự nhiên cần bảo tồn đạt từ 70% trở lên;

- Đảm bảo tránh được sự tác động trực tiếp có hại của con người;

b) Khu bảo tồn loài hoặc sinh cảnh là vùng đất tự nhiên được quản lý, bảo vệ nhằm đảm bảo sinh cảnh (vùng sống) cho một hoặc nhiều loài động, thực vật đặc hữu hoặc loài quý hiếm và là vùng đất phải thoả mãn các điều kiện sau;

- Đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, duy trì cuộc sống và phát triển của các loài, là vùng sinh sản, nơi kiếm ăn, vùng hoạt động hoặc nơi nghỉ, ẩn náu của động vật;

- Có các loài thực vật quý hiếm, hay là nơi cư trú hoặc di trú của các loài động vật hoang dã quý hiếm;

- Có khả năng bảo tồn những sinh cảnh và các loài dựa vào sự bảo vệ của con người, khi cần thiết thì thông qua sự tác động của con người vào sinh cảnh;

- Diện tích của khu vực tùy thuộc vào nhu cầu về sinh cảnh của các loài cần bảo vệ;

3. Khu rừng văn hóa - lịch sử - môi trường (khu rừng bảo vệ cảnh quan) là khu vực bao gồm một hay nhiều cảnh quan có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu và có giá trị văn hóa, lịch sử, nhằm phục vụ cho các hoạt động văn hoá, du lịch hoặc để nghiên cứu thí nghiệm, bao gồm:

a) Khu vực có các thắng cảnh trên đất liền, ven biển hay hải đảo;

b) Khu vực có các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng hoặc có các cảnh quan như thác nước, hang động, nham thạch, cảnh quan biển, các di chỉ khảo cổ hoặc khu vực riêng mang tính lịch sử truyền thống của dân địa phương;

c) Khu vực dành cho nghiên cứu thí nghiệm;

Đối với các khu rừng đặc dụng là vùng hải đảo có thể bao gồm cả hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái biển;

Đối với Vườn quốc gia hoặc Khu bảo tồn thiên nhiên là vùng đất ngập nước, bao gồm toàn bộ tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước và cả sinh vật thuỷ sinh.

Điều 7. Phân khu chức năng của Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên

Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được chia thành các phân khu chức năng sau đây:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý bảo vệ chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên; nghiêm cấm mọi hành vi làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng;

- Phân khu phục hồi sinh thái: Là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng phục hồi, tái sinh tự nhiên; nghiêm cấm việc du nhập những loài động vật, thực vật không có nguồn gốc tại khu rừng.

- Phân khu dịch vụ - hành chính: Là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của Ban quản lý, các cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.

Trong Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên có thể xây dựng nhiều điểm, tuyến du lịch dịch vụ, nhưng phải được xác định trong dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Vùng đệm đối với Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên

Để ngăn chặn những tác động có hại đối với Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên phải có các vùng đệm.

1. Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất hoặc vùng đất có mặt nước nằm sát ranh giới với các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên; có tác động ngăn chặn hoặc giảm nhẹ sự xâm phạm khu rừng đặc dụng. Mọi hoạt động trong vùng đệm phải nhằm mục đích hỗ trợ cho công tác bảo tồn, quản lý và bảo vệ khu rừng đặc dụng; hạn chế di dân từ bên ngoài vào vùng đệm; cấm săn bắn, bẫy bắt các loài động vật và chặt phá các loài thực vật hoang dã là đối tượng bảo vệ.

2. Diện tích của vùng đệm không tính vào diện tích của khu rừng đặc dụng; Dự án đầu tư xây dựng và phát triển vùng đệm được phê duyệt cùng với dự án đầu tư của khu rừng đặc dụng.

3. Chủ đầu tư dự án vùng đệm có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế - xã hội, ở trên địa bàn của vùng đệm, đặc biệt là với Ban quản lý khu rừng đặc dụng để xây dựng các phương án sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp, định canh định cư, trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện để ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Điều 9. Phân cấp quản lý rừng đặc dụng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc phân cấp quản lý rừng đặc dụng theo những nội dung sau:

a) Quản lý thống nhất toàn bộ hệ thống rừng đặc dụng trong phạm vi cả nước bao gồm: lập quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng trình Chính phủ phê duyệt; trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chế độ, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác quản lý (theo dõi, chỉ đạo việc điều tra và báo cáo tình hình về diễn biến tài nguyên rừng), bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ kỹ thuật, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng đặc dụng;

b) Trực tiếp quản lý các Vườn quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt hoặc nằm trên phạm vi nhiều tỉnh;

c) Phối hợp với Bộ Thuỷ sản trong việc tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên thuỷ sinh vật ở các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái nước;

2. Bộ Văn hóa - Thông tin trực tiếp quản lý và tổ chức xây dựng các khu rừng văn hóa - lịch sử - môi trường đã được xếp hạng cấp quốc gia hoặc được quốc tế công nhận, để phục vụ cho các mục tiêu tham quan du lịch văn hoá lịch sử. Đồng thời Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng, quản lý, bảo vệ những khu rừng này;

3. ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý các khu rừng đặc dụng còn lại trong hệ thống các khu rừng đặc dụng, tuỳ theo mức độ quy mô, ý nghĩa của từng khu rừng đặc dụng còn lại mà tỉnh ra quyết định giao cho cấp huyện quản lý xây dụng và khai thác vào mục đích tham quan du lịch.

Điều 10. Xây dựng dự án đầu tư các khu rừng đặc dụng

1. Mỗi khu rừng đặc dụng phải có quy hoạch định hình để phát triển, trên cơ sở quy hoạch để xây dựng dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp quy mô dự án lớn thì phân kỳ thực hiện, khi cần sẽ xem xét đánh giá bổ sung; ngoài dự án đầu tư xây dựng khu rừng đặc dụng, khi có nhu cầu có thể xây dựng một hoặc nhiều dự án vùng đệm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương;

2. Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách, đồng thời thu hút các nguồn vốn viện trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống rừng đặc dụng theo dự án đầu tư đã được phê duyệt;

Điều 11. Bộ máy quản lý khu rừng đặc dụng

1. Mỗi khu rừng đặc dụng có diện tích tập trung từ 1.000 ha trở lên (trường hợp đặc biệt có thể nhỏ hơn 1.000 ha), được thành lập Ban quản lý, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu. Ban quản lý là chủ rừng, được giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và xây dựng khu rừng được giao;

2. Khu rừng đặc dụng có diện tích tập trung từ 15.000 ha trở lên, được tổ chức Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh (nơi đóng trụ sở Ban quản lý rừng đặc dụng);

3. Những khu rừng đặc dụng có diện tích dưới 1.000 ha (trừ trường hợp đặc biệt) không thành lập Ban quản lý mà giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là chủ rừng ) quản lý, bảo vệ, xây dựng theo quy định của pháp luật;

Trường hợp những khu rừng đặc dụng chưa giao cho chủ rừng cụ thể, Uỷ ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã sở tại tổ chức quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng; đồng thời lập thủ tục trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất, giao rừng cho các chủ rừng nêu trên quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng đặc dụng;

4. Định suất biên chế Ban quản lý khu rừng đặc dụng tuỳ theo quy mô, giá trị và điều kiện của từng khu rừng để quy định, bình quân 1.000 ha có một định suất biên chế (trường hợp khu rừng có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn loài hoặc sinh cảnh, về văn hoá lịch sử, ở vị trí cách biệt với các vùng rừng rộng lớn thì có thể dưới 500 ha một định suất); tối thiểu mỗi Ban quản lý được biên chế 5 người;

5. Những khu rừng đặc dụng thuộc quy định tại Khoản 3 của Điều này cũng được cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng theo quy định ở Khoản 4 Điều này.

Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý rừng đặc dụng

1. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng khu rừng đặc dụng theo Quy chế này và các quy định của pháp luật; tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái; bảo tồn tính đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng, gồm: Thực hiện các biện pháp nhằm phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, tài nguyên đất, tài nguyên nước, đồng thời phối hợp với cấp Chính quyền sở tại để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên khác; thực hiện các biện pháp phòng, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến khu rừng đặc dụng;

2. Lập dự án bổ sung đầu tư xây dựng khu rừng đặc dụng đồng thời dự toán chi phí hàng năm cho các hoạt động của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý sử dụng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo các quy định hiện hành;

3. Tổ chức thực hiện các nội dung theo dự án đầu tư của khu rừng đặc dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức các hoạt động về hợp tác quốc tế theo sự phân công của các cơ quan có thẩm quyền và theo các quy định hiện hành của Nhà nước về lĩnh vực này;

4. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy định hoạt động của khu rừng đặc dụng theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản;

5. Định kỳ báo cáo cấp trên về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động của khu rừng đặc dụng;

6. Được tiến hành các hoạt động dịch vụ nghiên cứu khoa học, văn hóa, xã hội và du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

II. BẢO VỆ, XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG CÁC KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 13. Quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên trong khu rừng đặc dụng

1. Toàn bộ tài nguyên trong khu rừng đặc dụng phải được tiếp tục điều tra tỷ mỷ và lập hồ sơ theo dõi;

Thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhất là những loài quý hiếm, điều chỉnh số liệu thống kê và trên bản đồ; thực hiện việc phúc tra tài nguyên định kỳ 5 năm một lần;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm triển khai thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Quy chế này;

2. Trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm các hoạt động sau đây :

a) Các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên;

b) Các hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã;

c) Thả và nuôi trồng các loài động vật, thực vật đưa từ nơi khác tới mà trước đây không phân bố ở các khu rừng đặc dụng (trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

d) Khai thác các tài nguyên sinh vật;

đ) Khai thác các tài nguyên thiên nhiên khác;

e) Chăn thả gia súc;

g) Gây ô nhiễm môi trường;

h) Mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng, đốt lửa trong rừng và ven rừng;

3. Trong các phân khu phục hồi sinh thái, nghiêm cấm các hoạt động sau đây :

a) Khai thác các tài nguyên sinh vật;

b) Khai thác các tài nguyên thiên nhiên khác;

c) Gây ô nhiễm môi trường;

4. Việc phục hồi hệ sinh thái trong khu rừng đặc dụng phải tuyệt đối tôn trọng diễn thế tự nhiên, được thực hiện như sau:

a) Biện pháp chủ yếu được áp dụng để phục hồi hệ sinh thái rừng đặc dụng là khoanh nuôi và tái sinh tự nhiên.

Hạn chế trồng lại rừng, nếu phải trồng lại rừng thì phải thực hiện đúng biện pháp kỹ thuật, cơ cấu cây trồng phải là cây bản địa và thực hiện theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; riêng đối với các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phải thực hiện theo quy định tại Mục c, khoản 2, Điều này;

Việc bảo vệ và phục hồi động vật hoang dã trong khu rừng đặc dụng;

Tất cả các loài động vật hoang dã phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm việc săn bắn, bẫy bắt, hoặc xua đuổi;

Bảo vệ môi trường sống và nguồn thức ăn của động vật hoang dã, trường hợp cần thiết có thể tạo thêm nguồn thức ăn, nước uống cho chúng;

Chỉ được thả vào rừng đặc dụng những loài động vật hoang dã khoẻ mạnh, không có bệnh tật và phù hợp vùng sinh thái của chúng; số lượng từng loài phải phù hợp với vùng sống và nguồn thức ăn của động vật;

b) Việc bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên thuỷ sinh vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái ngập nước trong phạm vi khu rừng đặc dụng nằm ở vùng hải đảo, ven biển hoặc vùng ngập nước sẽ thực hiện theo các nội dung được phê duyệt trong các dự án đầu tư và theo quy định của pháp luật về thuỷ sản.

Điều14. Khai thác tận thu, tận dụng gỗ trong rừng đặc dụng

Chỉ được tận thu, tận dụng gỗ đối với rừng đặc dụng là các khu rừng văn hoá - lịch sử - môi trường theo quy định như sau:

Đối tượng tận thu, tận dụng chỉ là những cây gỗ đã bị chết đứng, gẫy đổ do rừng bị cháy và bị thiên tai khác;

Thủ tục lập hồ sơ, quản lý việc tổ chức thực hiện khai thác tận thu, tận dụng gỗ, phải tuân theo quy định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.

Điều 15. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu rừng đặc dụng

1. Trên cơ sở các quy định về nghiên cứu khoa học trong các khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, Ban quản lý khu rừng đặc dụng có trách nhiệm lập kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả lên cơ quan quản lý cấp trên;

2. Việc nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy, thực tập của các tổ chức hoặc cá nhân các nhà khoa học, học sinh, sinh viên trong nước phải tuân theo các quy định sau:

a) Phải được Ban quản lý khu rừng đặc dụng cho phép và phải tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra của Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

b) Khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học tại các khu rừng đặc dụng phải trả tiền thuê hiện trường và các dịch vụ cần thiết cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

c) Phải gửi báo cáo kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu công bố cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

3. Việc nghiên cứu khoa học của các tổ chức hay cá nhân các nhà khoa học nước ngoài hoặc phối hợp với tổ chức hay cá nhân các nhà khoa học trong nước phải tuân theo các quy định sau:

a) Phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép và phải tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra của Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

b) Khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học tại các khu rừng đặc dụng phải thực hiện theo quy định tại Mục b, Khoản 2 của Điều này;

c) Phải gửi báo cáo kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu công bố cho cơ quan cấp phép và Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

4. Việc sưu tầm mẫu vật tại các khu rừng đặc dụng với bất kỳ mục đích gì, phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phải thanh toán các chi phí cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

Trường hợp thu thập mẫu vật đưa ra nước ngoài sẽ có quy định riêng.

Điều 16. Tổ chức hoạt động du lịch trong khu rừng đặc dụng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các quy định về việc tổ chức các hoạt động du lịch (sinh thái, văn hoá, lịch sử, nghỉ dưỡng...) theo nguyên tắc vừa khuyến khích mạnh việc phát triển các hoạt động du lịch, vừa không được làm ảnh hưởng xấu đến mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và môi trường;

2. Việc tổ chức hoạt động du lịch trong phạm vi khu rừng đặc dụng phải được xây dựng thành dự án riêng, được cấp quản lý khu rừng đặc dụng cho phép tổ chức thực hiện trên nguyên tắc không được làm ảnh hưởng xấu đến mục tiêu bảo tồn của khu rừng đặc dụng;

3. Ban Quản lý khu rừng đặc dụng được tự tổ chức hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuê, khoán để kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái.

Nghiêm cấm việc sử dụng đất và rừng quy hoạch thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia để cho thuê, khoán hoặc liên doanh làm thay đổi diễn thế tự nhiên của rừng.

Mọi hoạt động thu, chi dịch vụ du lịch thực hiện theo quy định về chế độ quản lý tài chính hiện hành; tiền thu từ các dịch vụ du lịch chủ yếu được để lại đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển khu rừng đặc dụng;

4. Việc du lịch, tham quan trong các khu rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng đặc dụng tổ chức hoặc phối hợp, liên kết với ngành văn hoá, du lịch thực hiện.

Điều 17. ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đối với dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng và vùng đệm

1. Phương án quy hoạch, Dự án đầu tư xây dựng, tổ chức đời sống cho dân cư trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời với Quyết định thành lập các khu rừng đó;

2. Dân cư sống trong khu rừng đặc dụng chủ yếu được ổn định tại chỗ. Không được di dân từ nơi khác tới rừng đặc dụng và vùng đệm;

Trong trường hợp đặc biệt cần phải di chuyển dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, Ban quản lý khu rừng đặc dụng phải lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành;

3. Diện tích đất ở, ruộng, vườn và nương rẫy cố định của dân cư sống trong rừng đặc dụng không tính vào diện tích rừng đặc dụng nhưng phải được thể hiện trên bản đồ và cắm mốc ranh giới rõ ràng trên thực địa;

4. Dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng và vùng đệm phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phải tuân theo các quy định trong Quy chế này và những quy định của Ban quản lý khu rừng đặc dụng.

 

Chương III - RỪNG PHÒNG HỘ

I. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC KHU RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 18. Các loại rừng phòng hộ

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa nước để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, lòng hồ;

2. Rừng phòng hộ chống gió hại, chắn cát bay, phòng hộ nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, các khu đô thị, các vùng sản xuất, các công trình khác;

3. Rừng phòng hộ chắn sóng ven biển nhằm ngăn cản sóng, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển;

4. Rừng phòng hộ môi trường sinh thái, cảnh quan nhằm điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm ở khu đông dân cư, các đô thị và các khu công nghiệp, kết hợp phục vụ du lịch, nghỉ ngơi;

Điều 19. Phân chia rừng phòng hộ theo mức độ xung yếu

1. Vùng rất xung yếu: Bao gồm những nơi đầu nguồn nước, có độ dốc lớn, gần sông, gần hồ, có nguy cơ bị xói mòn mạnh, có yêu cầu cao nhất về điều tiết nước; những nơi cát di động mạnh; những nơi bờ biển thường bị sạt lở, sóng biển thường xuyên đe doạ sản xuất và đời sống nhân dân có nhu cầu cấp bách nhất về phòng hộ, phải quy hoạch, đầu tư xây dựng rừng chuyên phòng hộ, đảm bảo tỷ lệ che phủ của rừng trên 70%;

2. Vùng xung yếu: Bao gồm những nơi có độ dốc, mức độ xói mòn và điều tiết nguồn nước trung bình; những nơi mức độ đe doạ của cát di động và của sóng biển thấp hơn, có điều kiện kết hợp phát triển sản xuất lâm nghiệp, có yêu cầu cao về bảo vệ và sử dụng đất, phải xây dựng rừng phòng hộ kết hợp sản xuất, đảm bảo tỷ lệ che phủ của rừng tối thiểu 50%;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về tiêu chí của vùng rừng rất xung yếu và xung yếu để hướng dẫn thực hiện.

Điều 20. Tổ chức bộ máy quản lý rừng phòng hộ

1. Tuỳ theo quy mô, tính chất, mức độ quan trọng của mỗi khu rừng phòng hộ để thành lập Ban quản lý, trường hợp đặc biệt có quy mô diện tích tập trung từ 5.000 ha trở lên được thành lập Ban quản lý, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu. Ban quản lý rừng phòng hộ là chủ rừng, được giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và xây dựng khu rừng đó;

2. Khu rừng phòng hộ có diện tích tập trung từ 20.000 ha trở lên, được tổ chức Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh;

3. Những khu rừng phòng hộ có diện tích dưới 5.000 ha (tập trung hoặc không tập trung) không thành lập Ban quản lý mà giao cho các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ, xây dựng. Kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này do ngân sách của tỉnh tài trợ;

Trường hợp chưa giao cho chủ rừng cụ thể, Uỷ ban nhân dân các xã sở tại chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng, đồng thời có kế hoạch trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để từng bước giao đất, giao rừng cho các chủ rừng nêu trên;

4. Định suất biên chế Ban quản lý khu rừng phòng hộ được xác định theo diện tích khu rừng phòng hộ được Nhà nước giao, bình quân 1.000 ha rừng có một định suất biên chế, tối thiểu mỗi Ban quản lý được biên chế 7 người.

Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn Ban quản lý rừng phòng hộ

1. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng rừng phòng hộ theo đúng các quy định của pháp luật;

2. Căn cứ vào dự án đầu tư xây dựng và phát triển rừng phòng hộ do cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện;

3. Tiếp nhận vốn đầu tư của Nhà nước, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan có liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ; quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định hiện hành;

4. Được tổ chức sản xuất kinh doanh trên đất rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ theo quy chế quản lý rừng sản xuất và kết hợp kinh doanh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, du lịch sinh thái, tận thu lâm sản, khai thác sử dụng rừng theo quy định tại Điều 25 của Quy chế này;

5. Được bố trí Tiểu khu trưởng để quản lý rừng theo tiểu khu, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách như quy định tại Điều 20 của Quy chế này;

6. Tuyên truyền giáo dục nhân dân trên địa bàn tham gia bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ;

7. Định kỳ báo cáo cấp trên về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động quản lý, bảo vệ, xây dựng phát triển khu rừng phòng hộ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II. XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 22. Tiêu chuẩn định hình của từng loại rừng phòng hộ

Trong từng khu rừng phòng hộ, diện tích có rừng phải được bảo vệ, diện tích chưa có rừng phải được khoanh nuôi tái sinh hoặc trồng rừng để đảm bảo tiêu chuẩn định hình của từng loại rừng phòng hộ như sau:

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn phải tạo thành vùng tập trung có cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng, có độ tàn che trên 0,6 với các loài cây có bộ rễ sâu và bám chắc;

2. Rừng phòng hộ chắn gió hại, chống cát bay phải có ít nhất một đai rừng chính rộng tối thiểu 20 m, kết hợp với các đai rừng phụ tạo thành ô khép kín; rừng phòng hộ đối với sản xuất nông nghiệp và các công trình kinh tế được trồng theo băng, theo hàng, mỗi đai, băng rừng gồm nhiều hàng cây, khép tán theo cả bề mặt cũng như theo chiều thẳng đứng;

3. Rừng phòng hộ chắn sóng ven biển phải có ít nhất một đai rừng rộng tối thiểu 30 m, gồm nhiều hàng cây khép tán, các đai rừng có cửa so le nhau theo hướng sóng chính;

4. Rừng phòng hộ môi trường sinh thái, cảnh quan là hệ thống các đai rừng, dải rừng và hệ thống cây xanh xen kẽ các khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch bảo đảm chống ô nhiễm không khí, tạo môi trường trong sạch, kết hợp với vui chơi giải trí, tham quan du lịch.

Điều 23. Đầu tư cho việc quản lý, bảo vệ và xây dựng phát triển rừng phòng hộ

Nhà nước cấp kinh phí đầu tư để quản lý, bảo vệ, xây dựng phát triển rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu theo dự án, phương án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi cho hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng phòng hộ;

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng rừng phòng hộ;

Điều 24. Quyền lợi của các hộ nhận khoán và tham gia đầu tư xây dựng rừng phòng hộ

1. Trường hợp Nhà nước đầu tư vốn và giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là hộ nhận khoán) để bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng mới, hộ nhận khoán có nghĩa vụ thực hiện đúng kế hoạch, nội dung yêu cầu hợp đồng giao khoán và được hưởng các quyền lợi sau đây (trừ các loại lâm sản thuộc Nhóm I quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);

a) Được nhận chi phí tiền công bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng mới theo kết quả thực hiện hợp đồng khoán với Ban quản lý rừng;

b) Được khai thác củi khô, lâm sản phụ dưới tán rừng;

c) Hộ nhận khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng kết hợp trồng rừng bổ sung được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, các sản phẩm không xâm hại đến tán rừng (hoa, quả, nhựa, măng...) và các nông lâm sản phụ dưới tán rừng;

d) Tùy theo từng dự án cụ thể, khi hết thời hạn khoán nếu hộ nhận khoán có nguyện vọng và trong quá trình nhận khoán thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng thì được nhận khoán chu kỳ tiếp theo;

2. Trường hợp hộ tự đầu tư vốn để khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng mới trên đất chưa có rừng được hưởng 100% sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác;

Việc khai thác tận dụng gỗ, lâm sản thực hiện theo Điều 25 của Quy chế này và phải thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Điều 25. Khai thác tận dụng gỗ, tre, nứa, lâm sản trong rừng phòng hộ

1. Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên:

Mục đích khai thác là nhằm loại bỏ cây già cỗi, cây sâu bệnh, tăng khả năng tái sinh và chất lượng rừng;

Được phép khai thác tận dụng cây khô chết, cây sâu bệnh, cây cụt ngọn, cây già cỗi, cây ở nơi mật độ quá dầy, với cường độ khai thác không quá 20%, trừ các loại gỗ nhóm IA quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); được phép tận thu cây đổ gẫy, gỗ nằm còn lại từ lâu năm để tạo điều kiện tái sinh tự nhiên;

Được phép tận thu các loại lâm sản ngoài gỗ, tre, nứa mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng, trừ các loại lâm sản thuộc nhóm I (quy định tại Nghị định sô 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);

Rừng tre nứa khi đã đạt yêu cầu phòng hộ (có độ che phủ trên 80%) được phép khai thác với cường độ tối đa 30% và được khai thác măng ;

Song song với việc khai thác tận thu, tận dụng gỗ, tre nứa, lâm sản, chủ rừng phải quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng các biện pháp như trồng rừng mới, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giầu rừng.

2. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng.

a) Rừng phòng hộ do Nhà nước đầu tư gây trồng được phép khai thác cây phù trợ, tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định với cường độ khai thác không quá 20% và đảm bảo rừng có độ tàn che trên 0,6 sau khi tỉa thưa;

Khi cây trồng chính đạt tiêu chuẩn khai thác, được phép khai thác chọn với cường độ không quá 20% hoặc chặt trắng theo băng hoặc theo đám nhỏ dưới 1 ha ở vùng xung yếu và dưới 0,5 ha ở vùng rất xung yếu; diện tích chặt trắng hàng năm không vượt quá 1/10 diện tích đã trồng thành rừng;

b) Rừng trồng do Ban quản lý hay chủ hộ nhận khoán tự đầu tư gây trồng, khi rừng đạt tuổi khai thác, mỗi năm được phép khai thác tối đa 1/10 diện tích do chủ rừng đã gây trồng thành rừng theo phương thức chặt theo băng hoặc theo đám nhỏ dưới 2 ha ở vùng xung yếu, dưới 1 ha ở vùng rất xung yếu thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn và dưới 1 ha đối với các loại rừng phòng hộ khác;

c) Sau khi khai thác chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

3. Đối với rừng phòng hộ là rừng được phục hồi bằng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên từ đất không có rừng, thực hiện như khoản 1 của Điều này.

4. Thủ tục khai thác, thực hiện khai thác, kiểm tra giám sát việc thực hiện phải theo Quy chế này và các Quy chế, Quy trình, Quy phạm kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 26. Quản lý, sử dụng các loại rừng, loại đất khác xen kẽ trong rừng phòng hộ

Đối với những diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng được tổ chức sản xuất theo những quy định tại Chương IV của Quy chế này.

Đất thổ cư, ruộng, vườn và nương rẫy cố định của dân xen kẽ trong rừng phòng hộ không quy hoạch vào khu rừng phòng hộ và do chính quyền địa phương quản lý. Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Chương IV - RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TỰ NHIÊN

I. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TỰ NHIÊN

Điều 27. Phân loại rừng sản xuất là rừng tự nhiên

Rừng tự nhiên là rừng có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm rừng tự nhiên sẵn có và rừng được phục hồi bằng khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên từ đất không còn rừng. Rừng tự nhiên được phân loại theo sản phẩm sau đây:

a) Rừng gỗ;

b) Rừng tre, nứa;

c) Rừng đặc sản khác (quế, sa nhân, các loại dược liệu ...);

Điều 28. Tổ chức quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên do Nhà nước thống nhất quản lý được tổ chức thành các đơn vị để sản xuất kinh doanh như sau:

Lâm trường quốc doanh làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ, sản xuất, kinh doanh rừng trên phạm vi rừng và đất lâm nghiệp được giao;

Phân trường hoặc đội sản xuất là đơn vị thuộc Lâm trường và là cấp quản lý, thực hiện kế hoạch sản xuất của Lâm trường; Phân trường;

2. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên được Nhà nước giao hoặc cho thuê để các tổ chức khác (ngoài Lâm trường): hộ gia đình, cá nhân, Hợp tác xã, Công ty, Xí nghiệp ... (gọi là chủ rừng khác) thực hiện sản xuất kinh doanh. Tuỳ theo quy mô, kinh nghiệm quản lý mà chủ rừng có thể tổ chức các hình thức sản xuất kinh doanh Vườn rừng, Trại rừng, Trang trại...

3. Đất nông nghiệp, đất thổ cư, ruộng, vườn và nương rẫy cố định của dân xen kẽ trong rừng sản xuất không quy hoạch vào rừng sản xuất, chính quyền địa phương giao quyền sử dụng các loại đất này cho hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn theo quy định của Pháp luật.

Điều 29. Trách nhiệm của Lâm trường quốc doanh đối với việc quản lý kinh doanh rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Giám đốc lâm trường chịu trách nhiệm trước Nhà nước về vốn rừng được giao và hiệu quả quản lý kinh doanh rừng, phải tổ chức quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng và sử dụng hợp lý để duy trì và phát triển vốn rừng theo quy hoạch, kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh rừng được phê duyệt.

a) Chấp hành đúng các chính sách, chế độ, luật pháp, quy trình, quy phạm kỹ thuật có liên quan đến quản lý sử dụng đất, sử dụng rừng và hoạt động sản xuất kinh doanh rừng;

b) Hàng năm phải báo cáo cho các cơ quan quản lý Nhà nước tình hình diễn biến tài nguyên rừng trong phạm vi diện tích được giao;

2. Định kỳ 5 năm phải phúc tra tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp để đánh giá hiệu quả của việc quản lý kinh doanh rừng, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng phương án sản xuất trong giai đoạn tiếp theo;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết việc báo cáo tài nguyên rừng hàng năm và 5 năm;

Điều 30. Quyền lợi của Lâm trường quốc doanh đối với việc quản lý kinh doanh rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Được khai thác chế biến và tiêu thụ gỗ, lâm sản theo quy định tại Điều 35 của Quy chế này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc sử dụng tiền bán gỗ và lâm sản khai thác từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo nguyên tắc:

Chi phí cho sản xuất (bao gồm các khâu chuẩn bị rừng, thiết kế khai thác, thẩm định thiết kế khai thác, khai thác, vận xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm);

Nộp các loại thuế cho Nhà nước theo quy định;

Đầu tư tái tạo rừng để thực hiện các biện pháp lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, khoán bảo vệ rừng, làm giầu rừng, phúc tra tài nguyên rừng định kỳ ...;

Trích lập các quỹ khác của lâm trường theo quy định của pháp luật;

2. Được tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản;

3. Được tận dụng tối đa 20% diện tích đất chưa có rừng được giao để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp ;

4. Được liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để gây trồng và chế biến nông, lâm sản;

5. Phải giao khoán cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng theo Nghị định số 01/CP ngày 4 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp nhà nước;

6. Được đền bù thiệt hại những công trình do chủ rừng đầu tư xây dựng trên đất được giao khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với gỗ và lâm sản do các cá nhân, tổ chức khai thác lậu bị thu giữ tại rừng của lâm trường, sau khi đã có biên bản và hồ sơ xử lý đầy đủ của cơ quan kiểm lâm thì phải giao trả cho chủ rừng. Khi bán số gỗ và lâm sản này, chủ rừng trích tỷ lệ lập quỹ chống chặt phá rừng và chống buôn lậu lâm sản cho cơ quan kiểm lâm theo quy định hiện hành.

Điều 31. Quyền lợi của các chủ rừng khác đối với việc quản lý kinh doanh rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Được Nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh như vay vốn với lãi suất ưu đãi, dịch vụ kỹ thuật, khuyến lâm, chế biến tiêu thụ sản phẩm;

2. Được hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường vận chuyển, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, làm vườn ươm, phúc tra tài nguyên rừng theo định kỳ 5 năm;

3. Được khai thác gỗ và lâm sản theo quy định tại Điều 35 của Quy chế này, được hưởng 100% thu nhập sau khi đã hoàn trả vốn, lãi vay (nếu có), nộp thuế theo quy định của pháp luật; và đầu tư tái tạo lại rừng theo quy định hiện hành;

4. Được sử dụng không quá 20% diện tích đất chưa có rừng được giao, được thuê để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp;

5. Được đền bù thiệt hại những công trình do chủ rừng đã đầu tư xây dựng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, được thuê khi Nhà nước thu hồi đất.

Điều 32. Trách nhiệm của các chủ rừng khác đối với việc quản lý kinh doanh rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, luật pháp của Nhà nước, các Quy chế, Quy trình, Quy phạm kỹ thuật có liên quan đến quản lý sử dụng đất, quản lý sử dụng rừng, kinh doanh rừng;

2. Bảo đảm sử dụng đất lâm nghiệp đúng mục đích, sử dụng rừng lâu dài, ổn định;

3. Nộp thuế theo quy định của pháp luật;

4. Hàng năm báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước tình hình diễn biến tài nguyên rừng trong phạm vi diện tích được giao; định kỳ 5 năm phải phúc tra tài nguyên rừng để đánh giá hiệu quả quản lý kinh doanh rừng và làm cơ sở cho việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất trong giai đoạn tiếp theo;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết việc báo cáo tài nguyên rừng hàng năm và 5 năm.

II. KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TỰ NHIÊN

Điều 33. Điều kiện đưa rừng vào sản xuất kinh doanh

1. Các chủ rừng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền ra quyết định giao đất lâm nghiệp hoặc cho thuê đất lâm nghiệp để sản xuất, kinh doanh rừng;

2. Chủ rừng là các Lâm trường, tổ chức khác phải có các hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm:

Dự án đầu tư;

Phương án quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng;

Khi khai thác (đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên) phải có phương án điều chế rừng;

3. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân chỉ cần có phương án hoặc kế hoạch quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 34. Quy định về khoanh nuôi rừng sản xuất là rừng tự nhiên

Việc khoanh nuôi rừng sản xuất là rừng tự nhiên phải theo đúng quy hoạch, dự án đầu tư hay phương án hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1. Đối với các dự án khoanh nuôi rừng bằng nguồn vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, chủ rừng hoặc chủ dự án phải lập thiết kế dự toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định sau :

Các đơn vị thuộc tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt;

Các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành do các Bộ, ngành chủ quản phê duyệt;

Các đơn vị thuộc Tổng công ty, Công ty do Tổng công ty , Công ty phê duyệt;

2. Đối với nguồn vốn do chủ rừng tự đầu tư, chủ rừng được quyền tự chủ trong việc khoanh nuôi rừng.

Điều 35. Đối tượng, thủ tục tiến hành khai thác gỗ và lâm sản thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Đối tượng khai thác gồm:

a) Gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc các Lâm trường và các tổ chức khác của Nhà nước, trừ các loại thuộc Nhóm 1A (quy định tại Nghị định 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ );

b) Gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc quyền quản lý của hộ gia đình, cá nhân, bao gồm cả rừng tự nhiên do khoanh nuôi phục hồi từ đất không còn rừng, trừ các loại thuộc Nhóm 1A (quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ );

c) Lâm sản khác, trừ các loại thuộc Nhóm I (quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ );

d) Khai thác tận dụng trong nuôi dưỡng, làm giàu, tỉa thưa rừng và khai thác tận dụng cây chết đứng...;

đ) Tận thu gỗ nằm (khô rục, lóc lõi, bìa bắp...)

2. Thủ tục khai thác gỗ rừng tự nhiên:

Khai thác gỗ phải có hồ sơ thiết kế, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

Địa danh khai thác, sản lượng khai thác hàng năm phải tuân theo phương án điều chế rừng hoặc phương án hay kế hoạch sản xuất kinh doanh rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hơp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ quyết định tổng hạn mức khai thác chính gỗ rừng tự nhiên cho kế hoạch hàng năm;

Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn mức khai thác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chỉ tiêu thiết kế khai thác chính gỗ rừng tự nhiên của năm sau cho các địa phương, đơn vị để tiến hành thiết kế khai thác;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định rừng, xét duyệt thiết kế khai thác cụ thể cho các doanh nghiệp, tổng hợp trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

y ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tổng hợp, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định;

Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định mở cửa rừng khai thác gỗ cho các địa phương, làm căn cứ để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cấp giấy phép khai thác cho các doanh nghiệp;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định cụ thể về việc lập hồ sơ thủ tục, tổ chức, kiểm tra khai thác và Quy chế, Quy trình, Quy phạm kỹ thuật khai thác gỗ và lâm sản;

Rừng tự nhiên sau khi khai thác phải dọn vệ sinh và đóng cửa rừng; đưa rừng vào bảo vệ, nuôi dưỡng trong suốt luân kỳ tiếp theo.

Các sản phẩm đã được phép khai thác từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên sau khi hoàn tất thủ tục chứng minh nguồn gốc khai thác là hợp pháp theo quy định hiện hành, được tự do lưu thông trên thị trường trừ các lâm sản thuộc Nhóm I (quy định tại Nghị định 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Chương V - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý rừng và sản xuất kinh doanh rừng

1. Chủ tịch y ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý của địa phương; chỉ đạo tổ chức mọi hoạt động có liên quan đến quản lý bảo vệ, xây dựng phát triển và kinh doanh rừng sản xuất của địa phương theo quy định của pháp luật;

2. Cơ quan quản lý lâm nghiệp các cấp có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh doanh sử dụng rừng trong phạm vi được giao quản lý;

3. Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ chủ rừng thực hiện quản lý bảo vệ rừng theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 7, Quyết định số 187/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế này.

4. Chủ rừng thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn được giao hoặc được thuê; giám sát, thực hiện các hoạt động sản xuất, ngăn ngừa những sai sót và kịp thời phát hiện những vi phạm để ngăn chặn, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

5. Cơ quan thừa hành pháp luật các cấp khi thanh tra kiểm tra phải lập biên bản và xử lý hoặc đề nghị lên cấp trên xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này. Nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu có thành tích sẽ được Nhà nước khen thưởng.

Điều 38. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Tạn