THÔNG TƯ
Giải thích và quy định chi tiết thi hành chế độ thuế buôn chuyến mới
________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ điều 48 của Điều lệ thuế công thương nghiệp (Quyết định số 200-NQ/TVQH ngày 18-01-1966 của Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Chỉ thị số 35-TTg/TN ngày 21-02-1966 của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Tài chính giải thích và quy định chi tiết thi hành thuế buôn bán chuyến như sau:
I. CHÍNH SÁCH THUẾ BUÔN CHUYẾN
Thuế buôn bán chuyến nhằm mục đích:
- Góp phần tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá, giúp thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán nắm nguồn hàng và mở rộng kinh doanh, góp phần bảo đảm các nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân.
- Hạn chế thương nghiệp tư nhân phát triển, ngăn ngừa hiện tượng bỏ sản xuất đi buôn, thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với những người buôn chuyến, đồng thời lợi dụng tích cực của những người buôn bán nhỏ trong việc vận chuyển, đẩy mạnh lưu thông một số mặt hàng mà thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, trong một thời gian dài nữa, chưa kinh doanh hoặc chưa có điều kiện mở rộng được việc kinh doanh (như các hàng tươi sống, khó bảo quản).
- Điều tiết thu nhập của người buôn chuyến, động viên làm nghĩa vụ đóng góp đúng mức cho ngân sách Nhà nước.
II. NỘI DUNG NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THUẾ BUÔN CHUYẾN.
1. Ai phải nộp thuế buôn chuyến?
a) Những đối tượng sau đây phải nộp thuế buôn chuyến:
- Những người buôn bán từng chuyến hàng,
- Những cơ sở kinh doanh thuộc loại nộp thuế doanh nghiệp nhưng đem hàng đi bán ở ngoài khu vực được phép kinh doanh, hoặc bán những loại hàng không thuộc loại đã đăng ký kinh doanh.
b) Những trường hợp sau đây không phải nộp thuế buôn chuyến:
- Người nông dân, sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, đem nông phẩm do mình sản xuất, súc vật do mình chăn nuôi, người đánh cá, người đi săn đem sản vật tự mình kiếm được, bán trong khu vực quy định (thường gọi là khu vực tự sản tự tiêu); nếu mang đi bán ngoài khu vực đó thì phải nộp thuế buôn chuyến.
Hiện nay ở nông thôn, hợp tác xã mua bán đã phát triển tương đối mạnh, nhu cầu về tiêu thụ sản phẩm của nông dân đã được giải quyết về cơ bản, mặt khác, yêu cầu về thâm canh, tăng năng suất đòi hỏi dồn sức lao động vào sản xuất nông nghiệp, hạn chế nông dân mang sản phẩm đi bán xa, vì vậy không nên quy định khu vực tự sản tự tiêu quá rộng rãi; nhưng đồng thời cũng cần phải chiếu cố thích đáng đến tập quán và yêu cầu khác nhau của từng vùng mà quy định cho thích hợp với hoàn cảnh địa phương. Các cơ quan thu cần cùng với cơ quan thương nghiệp, soát lại khu vực tự sản tự tiêu hiện hành, nghiên cứu, điều chỉnh, theo tinh thần trên, và sau khi lấy ý kiến của các ủy ban hành chính huyện, đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh quyết định. Đối với các khu vực tự sản tự tiêu có liên quan đến nhiều tỉnh, thì các Ủy ban hành chính các tỉnh có liên quan nên có quyết định chung.
- Các hợp tác xã nông nghiệp có một số nông sản như: rau, quả tươi…, thu hoạch rộ mà không có điều kiện tiêu thụ hết trong khu vực tự sản tự tiêu nên phải mang đi xa bán cho thương nghiệp quốc doanh hay cho hợp tác xã mua bán thì cũng được miễn thuế buôn chuyến, nếu có giấy của Ủy ban hành chính xã chứng nhận là nông sản của hợp tác xã nông nghiệp tự sản xuất mà hợp tác xã mua bán hay cơ quan được thương nghiệp quốc doanh ủy thác mua hàng ở xã không thu mua. Trong trường hợp hợp tác xã mua bán hoặc thương nghiệp quốc doanh nơi hợp tác xã nông nghiệp đem nông sản đến bán cũng không thu mua những thứ hàng đó nên hợp tác xã nông nghiệp phải bán ra thị trường thì cũng được miễn thuế buôn chuyến. Cơ quan thu cần tăng cường hướng dẫn các Ủy ban hành chính xã nắm vững nguyên tắc cấp giấy chứng nhận để phối hợp tốt việc quản lý thuế, quản lý kinh doanh với quản lý lao động ở địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp có đăng ký kinh doanh, và nộp thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức doanh nghiệp ở nơi đăng ký kinh doanh, nếu có giấy phép của cơ quan thương nghiệp cho mang hàng tự sản xuất đi bán ở tỉnh khác và có mang theo sổ hóa đơn để xuất hóa đơn khi bán hàng, thì không phải nộp thuế buôn chuyến.
- Tư nhân đem bán đồ dùng của mình, không có mục đích buôn bán kiếm lời, không phải nộp thuế buôn chuyến. Để tránh khỏi sự lạm dụng, đối với những trường hợp bán nhiều đồ dùng, hoặc đồ dùng đem bán có giá trị lớn như: xe đạp, rađio.., người đem bán phải có giấy chứng nhận của Ủy ban hành chính nơi trú quán hoặc của cơ quan nơi làm việc. Nếu cơ quan thu có nghi vấn thì điều tra thêm xem việc bán hàng có tính chất kinh doanh hay không. Nếu chưa xác định được dứt khoát thì ghi lại trường hợp đó và có kế hoạch theo dõi điều tra, không nên vội thu thuế thiếu căn cứ.
- Bán các loại hàng thực phẩm thuộc loại chịu thuế suất 5% mà giá bán một chuyến hàng chưa tới 10đ thì được miễn thuế buôn chuyến, nếu chuyến hàng trị giá từ 10đ trở lên mà người buôn chuyến chia ra nhiều lô nhỏ dưới 10đ để bán thì phải cộng gộp lại để tính và thu thuế buôn chuyến.
Đối với các loại hàng khác thì phải nộp thuế buôn chuyến không kể chuyến hàng trị giá bao nhiêu.
2. Thuế suất, cơ sở để tính thuế
Thuế buôn chuyến thu vào doanh thu từng chuyến hàng là một hình thức thu gộp hai thứ thuế làm một: thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức doanh nghiệp, do đó thuế suất thuế buôn chuyến cao hơn thuế suất doanh nghiệp (thu vào doanh thu của người buôn ngồi).
Biểu thuế buôn chuyến truớc đây chỉ phân biệt có hai loại hàng: nông lâm thổ sản (5%) và công nghệ phẩm (7%). Nay chế độ thuế mới ban hành chia ra các loại hàng sau đây, để phân biệt đối đãi cho sát yêu cầu của chính sách thu:
- Các thực phẩm phụ (ngao, sò, ốc, hến…) và hàng thủ công phục vụ nông nghiệp(thúng, mủng, nong, nia…) được hưởng thuế suất nhẹ hơn các loại hàng khác;
- Các loại hàng khó bảo quản (hoa quả, rau, dưa..)được hưởng thuế suất nhẹ hơn các loại hàng khô (hành, tỏi, mộc nhỉ, nấm hương…);
- Các loại hàng khô kể trên được hưởng thuế suất nhẹ hơn các loại hàng như đồ trang trí (cây cảnh, cá cảnh…);
- Đối với các loại hàng mà thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán ở địa phương đang vươn lên để nắm nguồn hàng thì cần hạn chế buôn chuyến, do đó mà phải chịu thuế suất cao hơn các loại hàng mà thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán chưa kinh doanh hay chỉ mới kinh doanh một phần, còn cần phải sử dụng buôn chuyến tư nhân để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa.
Để thể hiện được những nguyên tắc kể trên, biểu thuế quy định cho mỗi nhóm hàng một thuế suất khác nhau:5%, 7%, 10%, 12% (xem biểu thuế kèm theo điều lệ).
Nhằm phục vụ yêu cầu quản lý thị trường và phát triển thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán sát với hoàn cảnh từng địa phương, điều lệ thuế quy định là Bộ tài chính có thể quyết định cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố được nâng thuế suất lên một cấp hay hạ xuống một cấp đối với địa phương mình.
Thí dụ: loại hàng buôn chuyến chịu thuế suất 10%, nếu ở địa phương hợp tác xã mua bán chưa vươn lên kinh doanh được, do đó còn cần sử dụng buôn chuyến thì có thể hạ thuế suất xuống một cấp, tức là áp dụng thuế suất 7%, nếu cần hạn chế buôn chuyến để hợp tác xã mua bán vươn lên kinh doanh thì có thể nâng lên một cấp, tức là áp dụng thuế suất 12%.
Việc nâng cấp và hạ cấp thuế nói trên phải do Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương đề nghị, Bộ tài chính quyết định, và thuế suất cao nhất không được quá 12%, thuế suất thấp nhất không dưới 5%, là mức cao nhất và thấp nhất của biểu thuế do điều lệ đã ấn định.
Nhằm bảo đảm chính sách phân biệt đối đãi với từng loại hàng, nếu trong một chuyến mà gồm nhiều loại hàng thì thuế buôn chuyến tính trên doanh thu của từng loại hàng, theo thuế suất quy định trong biểu thuế buôn chuyến kèm theo điều lệ và theo sự hướng dẫn của “bảng hướng dẫn việc áp dụng thuế suất thuế buôn chuyến” đính theo thông tư này. Để áp dụng bản hướng dẫn này cho sát với tình hình địa phương, cần chú ý tránh áp dụng máy móc, đối với mặt hàng nào đó tuy có ghi trong bảng, nhưng ở địa phương sản xuất thứ hàng đó xét không nên cho kinh doanh buôn chuyến vì đã tổ chức thu mua toàn bộ, thì Ủy ban hành chính tỉnh sẽ tổ chức công bố, phổ biến, giải thích rộng rãi trong nhân dân và hướng dẫn cơ quan thu không được thu thuế buôn chuyến vào loại hàng đó. Nếu gặp trường hợp có người buôn chuyến loại hàng đó, thì cơ quan thu không thu thuế mà chuyển sang cho cơ quan thu mua giải quyết.
3. Thủ tục khai báo giữ sổ sách tính thuế và nộp thuế buôn chuyến
- Người buôn chuyến đã được đăng ký kinh doanh ở cơ quan thương nghiệp phải khai báo với cơ quan thu để được cấp sổ buôn chuyến, theo mẫu kèm theo thông tư này[1].
Mỗi lần mua xong một chuyến hàng, người buôn chuyến phải ghi vào sổ buôn chuyến: tên hàng, số lượng, giá mua đơn vị và giá mua cả lô hàng; trước khi vận chuyển chuyến hàng đó đến nơi bán, phải trình sổ buôn chuyến và hàng hóa cho cơ quan thu ở nơi mua và tạm nộp thuế buôn chuyến. Khi đến nơi bán hàng, người buôn chuyến phải trình sổ và hàng hóa cho cơ quan thu sở tại để mua hóa đơn buôn chuyến, và ngay sau khi bán hàng xong phải đến thanh toán thuế cho cơ quan thu đó.
- Cơ quan thu ở nơi người buôn chuyến mua hàng có trách nhiệm kiểm soát chuyến hàng xin vận chuyển, đối chiếu với sổ buôn chuyến, tính và tạm thu thuế theo trị giá mua của chuyến hàng tại địa phương. Phương pháp tính như sau: Căn cứ vào trị giá mua của từng loại hàng mà tính thuế theo thuế suất ghi trong biểu thuế, ví dụ: một người buôn chuyến , mua ở thị xã Băc-giang và xin chuyển vận về bán ở Hà-nội một chuyến hàng gồm;
20kg ốc nhồi giá mua 1đ00/kg
10kg củ đậu giá mua 0,80/kg
10kg củ gừng giá mua 0,80/kg
thì tính tạm thu như sau:
Ốc 1đ x 20 x 5% = 1đ00
củ đậu 0,08 x 10 x 7% = 0,56
củ gừng 0,80 x 10 x 7% = 0,56
Thuế buôn chuyến tạm thu… 2đ12
Trong biên lai tạm thu thuế buôn chuyến, cán bộ thu phải chú ý ghi thuế suất đã áp dụng để tính tạm thu vào đúng cột quy định, để khi người buôn chuyến sau khi đã bán hàng đến thanh toán thuế tại cơ quan thu ở nơi bán thì cơ quan này có căn cứ để kiểm tra và thanh toán thuế đúng chính sách.
Sau khi tạm thu thuế buôn chuyến, cơ quan thu phải ghi vào sổ buôn chuyến số thuế tạm thu, số và ngày lập biên lai thu, tên trạm thu.
- Một điều cần đặc biệt chú ý là đối với những chuyến hàng đã tạm nộp thuế buôn chuyến rồi thì các cơ quan thu ở dọc đường chuyển vận từ nơi mua đến nơi bán, tuyệt đối không được thu thêm thuế, trừ trường hợp kiểm soát thấy số lượng, trọng lượng và loại hàng vận chuyển hơn số lượng,trọng lượng và loại hàng ghi trong sổ buôn chuyến, gặp trường hợp này thì yêu cầu người buôn chuyến phải ghi thêm vào sổ, sau đó thì tạm thu thuế vào phần chênh lệch, theo giá mua các loại hàng ấy ở nơi hàng xuất phát, đồng thời tuỳ theo mức độ khai man nặng hay nhẹ có thể xử lý theo điểm 2, điều 44 Điều lệ thuế công thương nghiệp.
Cơ quan thu ở nơi người buôn chuyến đến bán hàng có trách nhiệm kiểm soát chuyến hàng đối chiếu với sổ buôn chuyến và biên lai tạm thu thuế buôn chuyến .
Nếu thấy số lượng nhiều hơn thì yêu cầu người buôn chuyến ghi thêm vào sổ số lượng và trị giá lô hàng ghi thiếu. Sau đó cơ quan thu bán cho người buôn chuyến một số hoá đơn buôn chuyến (theo mẫu hiện hành), có đóng dấu giáp lai để khi bán hàng, họ cấp hoá đơn cho người mua.
Ngay sau khi bán xong hàng người buôn chuyến phải đem mảnh thứ 2 và mảnh tồn căn hoá đơn buôn chuyến đến cơ quan thu để thanh toán thuế buôn chuyến, đồng thời trả lại cơ quan thu mua những hoá đơn mua thừa.
Cơ quan thu thanh toán thuế buôn chuyến như sau:
- Đối với các loại hàng có biên lai tạm nộp thuế buôn chuyến thì căn cứ giá bán thực tế từng loại hàng, áp dụng thuế suất ghi trong biểu thuế về loại hàng ấy và thu phần thuế chênh lệch. Ví dụ: người buôn chuyến chuyển vận từ thị xã Bắc giang về Hà nội 20kg ốc, 10kg củ đậu và 10kg củ gừng và đã tạm nộp thuế buôn chuyến ở Bắc giang như nói ở trên, nay bán được: ốc 1đ30/1kg; củ đậu 1đ/1kg; gừng 1đ20/ 1kg thì thanh toán thuế như sau:
Ốc 1đ30 x 20 x 5% =1đ30
Củ đậu 1đ x 10 x 7% = 0,70
Củ gừng 1đ20 x 10 x 7% = 0,84
Thuế buôn chuyến phải nộp: 2đ84
Trừ thuế đã tạm nộp ở Bắc giang 2đ12
Còn phải nộp: 0đ72
Nếu thấy trong chuyến hàng có loại hàng không ghi vào sổ buôn chuyến thì thu thuế đồng thời tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ của việc ghi sổ không đủ mà xử lý theo điểm 2 hoặc 4 điều 44 Điều lệ thuế công thương nghiệp.
Sau khi người buôn chuyến đã thanh toán đủ thuế, cơ quan thu ở nơi họ bán hàng phải ghi vào sổ buôn chuyến số tiền thuế đã thu thêm, số và ngày lập biên lai, tên trạm thu.
Trong trường hợp người buôn chuyến đã tạm nộp thuế buôn chuyến, nhưng dọc đường hàng bị thiệt hại vì thiên tai hay dịch hoạ nếu người buôn chuyến có giấy chứng nhận về mức độ thiệt hại của chính quyền hoặc đồn Công an nơi xẩy ra tai nạn thì giải quyết như sau:
- Nếu chuyến hàng bị thiệt hại hoàn toàn, cơ quan đã tạm thu thuế buôn chuyến xét, hoàn trả lại cho người nộp thuế số thuế đã tạm thu.
- Nếu chuyến hàng bị thiệt hại một phần, cơ quan thu ở nơi bán hàng phải tính thuế đối với số hàng còn lại, nếu số thuế này nhiều hơn số đã tạm thu ở nơi hàng xuất phát thì thu thêm phần chênh lệch, nếu ngang với số đã tạm thu hoặc thấp hơn số đã tạm thu thì không thu thêm, trong cả ba trường hợp đều phải ghi rõ chi tiết tính toán để cơ quan thu ở nơi hàng xuất phát có đủ tài liệu kiểm tra và hoàn trả lại số tiền thừa nếu có.
Trên đây là phương pháp thu thuế buôn chuyến đối với những người buôn chuyến đã được cơ quan thương nghiệp cấp giấy đăng ký kinh doanh. Những người buôn chuyến không có đăng ký đều phải coi như kinh doanh trái phép và phải xử lý như sau:
- Nếu kinh doanh những loại hàng được tự do lưu hành, trao đổi trên thị trường thì phải nộp thuế theo thuế suất thị trường ghi trong biểu thuế, cộng (+) thêm 2%; ví dụ:
Kinh doanh loại hàng chịu thuế suất:
- 5% thì phải nộp 5% + 2% = 7%
- 7% thì phải nộp 7% + 2% = 9%
- 10% “ “ 10% + 2% = 12%
- 12% “ “ 12% + 2% = 14%
- Nếu kinh doanh những loại hàng Nhà nước thống nhất quản lý hoặc địa phương tổ chức thu mua toàn bộ, không cho tư nhân mua, bán (danh mục những loại hàng này do Ủy ban hành chính thành, tỉnh quy định và công bố) thì cơ quan thu không được thu thuế mà phải lập biên bản chuyển giao hàng cho cơ quan có trách nhiệm xử lý (thương nghiệp, lương thực, thực phẩm...)
Tuần kỳ cơ quan thu phải lập danh sách ghi rõ họ tên và địa chỉ những người buôn chuyến không có đăng ký, gửi tới cơ quan thương nghiệp để có biện pháp giải quyết.
Một số trường hợp đặc biệt kể dưới đây, vì không phải là người làm nghề buôn bán cho nên mặc dù không có giấy phép đăng ký kinh doanh buôn chuyến người bán hàng vẩn được nộp thuế theo thuế suất ghi trong biểu (không cộng thêm 2%):
- Người nông dân bán nông phẩm tự sản xuất, súc vật tự chăn nuôi hay người đánh cá, người đi săn bắn bán sản vật kiếm được, ngoài khu vực tự sản tự tiêu đã được chính quyền địa phương quy định;
- Những người nhất thời bán một số đồ dùng cũ (số lượng nhiều hoặc có giá trị lớn) nếu không có giấy chứng nhận của chính quyền nơi trú quán hoặc cơ quan nơi làm việc.
Thuế buôn chuyến là một loại thuế dễ bị thất thu vì kinh doanh buôn chuyến là một loại kinh doanh dễ trốn thuế, lậu thuế.
Vì vậy trong công tác quản lý thu thuế buôn chuyến, các cơ quan thu cần đặc biệt chú ý mấy việc sau đây:
1. Tuyên truyền, phổ biến kỹ chính sách, chế độ thuế buôn chuyến mới;
2. Bố trí mạng lưới thu thuế thích hợp;
3. Phải điều tra nắm vững giá cả (giá mua và giá bán) của những loại hàng thường trao đổi buôn chuyến ở thị trường địa phương, hàng tuần, mỗi trạm thu phải lập bảng giá cả (giá mua và giá bán) để làm căn cứ tính thuế cho cán bộ thu. Cần phải có sự liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan thu với nhau, nhất là với cơ quan thu ở nơi thường đem hàng đến bán tại địa phương mình (trao đổi bảng giá cả hàng tuần, tình hình người đi buôn chuyến vv…)
4. Phải đề cao công tác kiểm soát, khắc phục tư tưởng giờ giấc, ngại khó, tác phong quan liêu, sự vụ, kiểm soát qua loa chiếu lệ, phải quản lý chặt chẽ hóa đơn buôn chuyến.
Trên đây Bộ hướng dẫn một số điểm về nguyên tắc thi hành điều lệ thuế công thương nghiệp về thuế buôn chuyến, trong khi thi hành, nếu gặp khó khăn, đề nghị Ủy ban hành chính phản ánh về Bộ để góp ý kiến giải quyết.