QUYẾT ĐỊNH
Về một số chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch năm 1996
Thi hành Nghị quyết Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1996, Thủ tướng Chính phủ quyết định một số chủ trương và biện pháp điều hành thực hiện kế hoạch như sau:
I. CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH MỘT SỐ LĨNH VỰC THEN CHỐT
1/ Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Tiếp tục thực hiện việc phát hành kỳ phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế và chuẩn bị điều kiện để phát hành một đợt trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài.
Bộ tài chính hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi chế độ phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài sản và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; nghiên cứu sửa đổi mức khấu hao tài sản cố định nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trả nợ vốn vay và tái đầu tư phát triển; kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc rà soát, điều chỉnh lại giá trị tài sản và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với mặt bằng giá hiện hành.
Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng kết, rút kinh nghiệm việc thí điểm cổ phần hoá một số doanh nghiệp Nhà nước, có biện pháp và cơ chế thích hợp nhằm mở rộng thí điểm cổ phần hoá, tạo nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất.
Trong quý I năm 1996, Tổng cục Địa chính, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi chế độ về quản lý nhà, đất để tăng thu tạo nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phát triển rộng rãi hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và chế độ nghĩa vụ lao động trong dân để xây dựng các công trình công ích; huy động sự đóng góp của các thành phần kinh tế để phát triển giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn ...
Trong tháng 1 năm 1996, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật khuyến khích đầu tư trong nước, chế độ bảo hiểm rủi ro trong đầu tư; xoá bỏ các thủ tục phiền hà bảo đảm hành lang pháp lý để mọi tổ chức và cá nhân an tâm đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, điều phối để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và FDI, cần xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục nhằm rút vốn nhanh theo tiến độ đã ký kết. Nghiên cứu ban hành quy chế đầu tư theo hình thức BOT đối với các Công ty trong nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư nước ngoài theo tiến độ dự kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã được cấp giấy phép và thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các vùng, các lĩnh vực cần khuyến khích.
Trong quý I năm 1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chế độ lãi suất và đối tượng cho vay từ các nguồn đầu tư ưu đãi của Nhà nước; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho các doanh nghiệp trong nước vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Nhà nước ký kết với nước ngoài.
2/ Ngân sách Nhà nước.
Việc điều hành Ngân sách năm 1996 phải bảo đảm góp phần kiềm chế lạm phát dưới mức dự kiến và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đã thông qua. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp về tăng thu, thực hiện tiết kiệm chi ngân sách.
Cơ chế, biện pháp cụ thể về quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước thực hiện theo Quyết định số 861/TTg, ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ.
3/ Tiền tệ, tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ chính sách và phương thức huy động, mở rộng nguồn vốn cho vay đầu tư trung và dài hạn với lãi suất hợp lý. Đối với tín dụng ngắn hạn, một mặt phải nâng cao hiệu quả, đảm bảo tín dụng cho tăng trưởng kinh tế; mặt khác, tuỳ theo tình hình và yêu cầu kiềm chế lạm phát, quy định hạn mức tín dụng cho các Ngân hàng thương mại để khống chế dư nợ chung cho nền kinh tế. Tăng cường thanh tra các Ngân hàng thương mại về chấp hành chính sách tiền tệ, chất lượng tín dụng, thu hồi vốn và lãi đúng hạn, giảm tỷ trọng nợ quá hạn. Kiên quyết xử phạt đối với Ngân hàng thương mại vi phạm hạn mức tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ và linh hoạt, nhanh nhậy theo tín hiệu thị trường đối với lượng tiền cung ứng, dự trữ bắt buộc.
Khuyến khích các Ngân hàng thương mại mở rộng hoạt động mua, bán ngoại tệ với các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu và các Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chấm dứt việc cho vay ngoại tệ cho nhu cầu thanh toán trong nước; tiến tới các tổ chức kinh tế Việt Nam (trừ các Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ) không có tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng; tăng cường kiểm soát các nguồn ngoại tệ, bảo đảm tỷ giá hối đoái không biến động lớn.
Thực hiện ngay từ đầu năm việc giảm lãi suất cho vay bình quân tối thiểu 0,35%/tháng so với hiện nay và xem xét giảm tiếp vào đầu quý II/1996 Ngân hàng Nhà nước khống chế mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện lãi suất cho vay tại các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; sớm trình Chính phủ chính sách và cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với tình hình mới.
4/ Quản lý đầu tư và xây dựng.
Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ các giải pháp giảm tỷ lệ phí trong dự toán, chi phí về lập dự án đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế quy hoạch, khảo sát chuẩn bị đầu tư...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xét thầu trong tháng 1/1996.
Trong quý I/1996 Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 177/CP ngày 20/10/1994.
Bộ Tài chính bảo đảm cấp phát kịp thời, đều đặn trong các quý theo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn tập trung đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương.
Các công trình đầu tư từ nguồn thu được phép để lại cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phải được quản lý theo đúng trình tự đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với những công trình đã được ghi vốn trong kế hoạch năm 1995, nếu thực hiện vượt kế hoạch phải bố trí vốn trong kế hoạch năm 1996 để thanh toán; những công trình đến 31/12/1995 không thực hiện hết vốn, khối lượng còn lại nếu tiếp tục thực hiện các Bộ, ngành, địa phương phải bố trí vào kế hoạch năm 1996 trong tổng số vốn được giao.
Về điều kiện ghi kế hoạch các công trình đầu tư xây dựng cơ bản:
Những dự án chuyển tiếp thuộc nhóm A, B, nếu chưa có tổng dự toán được duyệt, nhưng hạng mục thi công trong năm 1996 đã có dự toán được duyệt thì được ghi kế hoạch để triển khai thi công.
Những dự án khởi công mới, thuộc nhóm A, B nếu chưa có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt, nhưng trong quyết định đầu tư đã quy định khái toán của từng hạng mục và đã có thiết kế kỹ thuật và dự toán của hạng mục khởi công thì được ghi kế hoạch đầu tư.
Đối với các dự án lớn ký kết với nước ngoài, trong đó có nhiều tiểu dự án (như dự án chống lũ, dự án khôi phục thuỷ lợi, 38 cầu trên đường 1A...), thì từng dự án nhỏ thi công trong năm phải có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt.
Tất cả công trình nhóm C đều phải tuân thủ điều kiện ghi kế hoạch theo quy định của điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng.
Yêu cầu điều hoà, bổ sung và thay đổi cơ cấu vốn đầu tư chỉ được xem xét giải quyết hai đợt vào tháng 7 và tháng 10 năm 1996.
5/ Về các chương trình Quốc gia.
Năm 1996 sắp xếp lại thành 15 chương trình như sau:
1- Chương trình 327.
2- Chương trình 773.
3- Chương trình sắp xếp lao động và giải quyết việc làm.
4- Chương trình giáo dục đào tạo gồm 4 mục tiêu:
Phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ.
Tăng cường chính sách giáo dục miền núi và dân tộc.
Bồi dưỡng giáo viên và nâng cấp các Trường Sư phạm.
Tăng cường cơ sở vật chất các trường học.
5- Chương trình về y tế gồm 7 mục tiêu:
Chống bệnh sốt rét.
Chống bệnh bướu bổ.
Tiêm chủng mở rộng.
Chống bệnh lao.
Chống bệnh phong.
Xoá xã trắng về y tế.
Tăng cường trang thiết bị bệnh viện.
6- Chương trình về văn hoá gồm 3 mục tiêu:
Trùng tu di tích lịch sử.
Phát triển điện ảnh.
Đưa văn hoá thông tin về cơ sở.
7- Chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình.
8- Chương trình phát triển công nghệ thông tin.
9- Chương trình phủ sóng phát thanh vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo và vùng sâu.
10- Chương trình phủ sóng truyền hình, đưa truyền hình về vùng núi, vùng cao, biên giới và hải đảo.
11- Chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
12- Chương trình chống ma tuý.
13- Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.
14- Chương trình phòng chống AIDS.
15- Chương trình chống nạn mại dâm.
Thực hiện việc lồng ghép các phần liên quan của các chương trình kinh tế - xã hội như chương trình 327, 773, chương trình giải quyết việc làm ... và giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố là cơ quan đầu mối điều hành, chỉ đạo thực hiện trên địa bàn. Bộ phận chuyên trách ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Uỷ ban nhân dân điều phối và hướng dẫn cấp dưới thực hiện thống nhất kế hoạch lồng ghép các chương trình.
Đối với các chương trình trên, Trung ương chỉ duyệt và thông qua quy hoạch tổng thể các chương trình của mỗi tỉnh để làm cơ sở bố trí kế hoạch hàng năm cho các địa phương; việc duyệt luận chứng cụ thể cho từng dự án (kể cả thiết kế kỹ thuật và dự toán) giao Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm. Kho bạc Nhà nước không thẩm định lại luận chứng và dự toán của dự án, chỉ kiểm tra, nghiệm thu dự án đã hoàn thành và thực hiện chuyển vốn. Thực hiện giảm quản lý phí và các chi phí gián tiếp của chương trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế thực hiện tập trung về một kênh đầu mối tín dụng đối với các quỹ: Ngân hàng phục vụ người nghèo, tín dụng cho người nghèo và các quỹ hỗ trợ khác cho chương trình xoá đói giảm nghèo, kể cả các kênh của chương trình 327, 773, 120 v.v... để phục vụ mục tiêu xoá đói giảm nghèo có hiệu quả hơn.
II. ĐỔI MỚI CƠ CHẾ KẾ HOẠCH HOÁ.
Việc giao kế hoạch và điều hành thực hiện kế hoạch Nhà nước được đổi mới để bảo đảm quyền chủ động bố trí kế hoạch và nâng cao trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kế hoạch cho các ngành, các địa phương và các cơ sở.
Trung ương định hướng phân bổ những mục tiêu lớn nhằm bảo đảm cơ cấu phát triển hài hoà trong từng vùng, từng ngành, đồng thời tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát thực hiện kế hoạch.
A- Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao.
a) Giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương, Tổng Công ty lớn của Nhà nước.
1. Xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu (giao cho Bộ Thương mại).
2. Hàng hoá, vật tư, thiết bị chủ yếu dự trữ Quốc gia: Thóc, gạo, xăng, dầu, thép, thiết bị; hàng đặc chủng cho Quốc phòng, an ninh.
3. Đầu tư xây dựng cơ bản:
Tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung.
Trong đó: Vốn thực hiện dự án.
Cơ cấu vốn đầu tư theo một số ngành quan trọng; xây lắp, thiết bị.
Danh mục và vốn đầu tư các công trình, dự án thuộc nhóm A.
4. Tài chính:
Giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương: tổng mức chi ngân sách và chi tiết các khoản chi; trong đó các chương trình Quốc gia.
Giao cho Bộ Tài chính: Tổng mức thu ngân sách Nhà nước.
Giao cho Tổng cục Hải quan: Tổng mức thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. (Kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu).
b) Giao cho các tỉnh, thành phố:
1. Đầu tư xây dựng cơ bản.
Tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung.
Trong đó: vốn thực hiện dự án.
Cơ cấu vốn đầu tư theo một số ngành quan trọng; Xây lắp, thiết bị.
Danh mục và vốn đầu tư các công trình, dự án thuộc nhóm A.
2. Tài chính:
Tổng số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (không kể thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Hải quan thu).
Tổng số chi ngân sách địa phương; trong đó các chương trình Quốc gia.
Bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có).
Tỷ lệ điều tiết các khoản thu.
B- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1996 đã được Quốc hội và Chính phủ quyết định, giao cho các Bộ, ngành, địa phương và Tổng Công ty lớn của Nhà nước các chỉ tiêu kế hoạch hướng dẫn cần thiết khác để bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân, thực hiện theo đúng định hướng kế hoạch đã đề ra.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
1- Giao kế hoạch:
Danh mục và vốn đầu tư các dự án thuộc nhóm B.
Vốn cho công tác quy hoạch.
Vốn chuẩn bị đầu tư.
Vốn chuẩn bị thực hiện dự án.
2- Thông báo danh mục những công trình nhóm A, B của Trung ương trên địa bàn và vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước (sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng mức vốn tín dụng, đối tượng và lãi suất cho vay). Các Bộ, ngành và địa phương bố trí kế hoạch cụ thể đối với phần vốn còn lại (sau khi Thủ tướng Chính phủ đã giao dự án nhóm A và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao dự án nhóm B) và đăng ký kế hoạch với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong quý I/1996.
Đối với số công trình còn lại (thuộc nhóm C), các Bộ, địa phương chủ động bố trí theo hướng tập trung vốn nhằm bảo đảm ít nhất có 60% số công trình và hạng mục công trình hoàn thành trong năm. Trong năm 1996 không cần sự thoả thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án nhóm C (kể cả khởi công mới), việc đăng ký kế hoạch của các Bộ và địa phương là để theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện.
C- Bộ trưởng Bộ Tài chính được uỷ quyền giao kế hoạch chi ngân sách Nhà nước cho các Bộ, cơ quan Trung ương ngoài danh mục các Bộ, cơ quan do Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn các bộ, địa phương, Tổng công ty lớn của Nhà nước các chỉ tiêu thu, chi ngân sách Nhà nước nhằm bảo đảm dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua.
D- Về đầu mối giao kế hoạch.
Ngoài các đơn vị đầu mối kế hoạch như đã giao trong năm 1995, trong kế hoạch năm 1996, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao và uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và hướng dẫn cho các Tổng công ty lớn của Nhà nước các chỉ tiêu kế hoạch có liên quan nằm trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, đồng thời thông báo cho các Bộ quản lý Nhà nước liên quan và giao chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ bản cho các thành phố loại 2 trực thuộc tỉnh./.