THÔNG TƯ
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP SỐ 2098/VHH-HS
NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM 1957 BỔ SUNG THÔNG TƯ 301/VHH-HS NGÀY 14-1-1957 VỀ VIỆC BÀI TRỪ NẠN CỜ BẠC
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Kính gửi:
Các ông Công tố uỷ viên và Chánh án các toà án nhân dân phúc thẩm
liên khu, khu, thành phố, Toà án nhân dân tỉnh và thành phố.
Trong khi áp dụng Thông tư 301/VHH-HS ngày 14-1-1957 của Bộ Tư pháp về việc bài trừ nạn cờ bạc, một số Toà án nhân dân đã nêu ra một số thắc mắc.
Sắc lệnh 168-SL về việc trừng trị tội đánh bạc ban hành trong thời kỳ kháng chiến đến nay xét ra có một số điểm không thích hợp nữa, cần phải được sửa đổi, những việc sửa đổi này phải chờ có sắc lệnh (Bộ đã có dự án đưa ra Nội chính thông qua năm 1956 còn chờ Chính phủ, Quốc hội duyệt). Trong khi chờ đợi, những điểm chính của sắc lệnh vẫn phải được tôn trọng. Tuy nhiên có một số điểm không thuộc về nguyên tắc căn bản do các Toà án nhân dân nêu ra thì Bộ thấy có thể giải thích theo tinh thần (chứ không theo sát lời văn) của Sắc lệnh 168 để áp dụng luật lệ được sát với hoàn cảnh thực tế hiện nay hơn.
Theo tinh thần đó, Bộ có ý kiến giải đáp những thắc mắc đã được các Toà án nhân dân nêu ra như sau:
I.VỀ HÌNH PHẠT
1.Về mức hình phạt
Điều 4 Sắc lệnh 168 ghi rõ là: "dù rằng Toà án xét có tình trạng nên giảm cũng bắt buộc phải áp dụng hình phạt tối thiểu về tù và tiền... Toà án phải phạt vừa tù và vừa tiền mà không được cho bị can hưởng án treo...".
Các Toà án nêu ra trường hợp nếu phạt bị can mức tối thiểu một năm tù thì nặng quá, còn nếu chỉ cảnh cáo ở Phòng Công tố thì lại nhẹ quá. Trường hợp này thì làm thế nào?
Về trường hợp này, đầu năm nay Bộ có ý kiến là Công tố viên có thể áp dụng một thủ tục mà các Toà án thường xuyên áp dụng trong khi luật lệ còn thiếu sót là miễn tố.
Nay xét lại biện pháp này không sát với tinh thần của Luật bảo đảm tự do thân thể ban hành ngày 24-1-1957. Cho nên đối với trường hợp này thì công tố viên sẽ cân nhắc cho kỹ giữa truy tố và không truy tố. Nếu thấy cần thiết phải truy tố để làm hậu thuẫn cho việc giáo dục thì cứ đưa ra truy tố và đề nghị với Toà xử phạt mức tối thiểu. Nếu xét không cần thiết phải truy tố thì cảnh cáo ở Phòng Công tố rồi tha cho bị can. Dĩ nhiên là nếu hồ sơ chưa đầy đủ và xét cần phải giam cứu bị can để điều tra thêm thì Công tố viên vẫn có quyền giam cứu bị can theo như luật lệ hiện hành.
2. Về vấn đề phạt tiền
Theo điều 2, Sắc lệnh 168-SL thì những người đánh bạc ngoài hình phạt tù, còn bị phạt bạc từ 5000 đồng tới 50.000 đồng, những người tổ chức đánh bạc, ngoài hình phạt tù, còn bị phạt bạc từ 10.000 đồng tới 100.000 đồng.
Theo điều 7 Nghị định số 32-NĐ ngày 6-4-1952 của Bộ Tư pháp thì: "Riêng về tội đánh bạc tiền phạt ấn định ở điều 2 Sắc lệnh 168/SL ngày 14-4-1946 bằng giá 200 đến 1000 cân gạo đối với người tổ chức và bằng giá 100 đến 500 cân gạo đối với con bạc".
Có Toà án nêu ra vấn đề là về việc phạt tiền nên theo Sắc lệnh 168 hay Nghị định số 32 nói trên?
Theo ý kiến của Bộ thì phải áp dụng Sắc lệnh 168 về việc phạt tiền vì các lý do sau đây:
a. Một Nghị định của Bộ Tư pháp dù là ban hành theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ cũng không thể trái với tinh thần và lời văn của một bản Sắc lệnh do Chủ tịch nước ký.
b. Hình phạt tiền định trong Nghị định 32-NĐ của Bộ Tư pháp nếu tính theo giá gạo hiện nay thì nặng hơn rất nhiều so với hình phạt tiền định trong Sắc lệnh 168. Nếu áp dụng Nghị định 32 thì có hại cho bị can, trái với nguyên tắc chung về pháp lý là khi có mâu thuẫn hoặc thiếu sót trong luật lệ thì Toà án phải giải thích theo hướng có lợi cho bị can.
3.Về vấn đề quản thúc
Đoạn cuối điều 2 Sắc lệnh 168 có ghi là: "Ngoài ra các bị can còn có thể bị quản thúc từ 1 năm đến 5 năm".
Có Toà án hỏi bây giờ có hình phạt quản thúc không?
Theo ý kiến của Bộ thì tuy chưa có văn bản nào chính thức bỏ việc quản thúc, nhưng trong thực hế thì hình phạt quản thúc không còn được áp dụng nữa. Hơn nữa, đối với các bị can về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, hiện nay xét ra cũng không cần thiết phải xử phạt thêm quản thúc.
Cũng không nên lẫn lộn quản thúc với quản chế nói trong Sắc lệnh 175 ngày 18-8-1953. Theo quan niệm trước, quản thúc là một phụ hình nhằm ngăn ngừa những phần tử xấu hoạt động trái phép (xem điều 20 luật hình cũ). Còn về quản chế thì theo Sắc lệnh 175 ngày 18-8-1953, quản chế là một hình phạt chính nhằm mục đích ngăn ngừa những phần tử xấu hoạt động trái phép, đồng thời cải tạo chúng thành những người tốt.
Trong tình trạng hiện nay nếu thi hành quản thúc thì lẫn với quản chế.
II.VỀ TANG VẬT TỊCH THU
1. Điều 2 Sắc lệnh 168 định rằng:
"Bao nhiêu đồ đạc trần thiết nơi đánh bạc, các dụng cụ dùng vào việc đánh bạc, tiền nong bắt được trên bàn hay chiếu bạc đều bị tịch thu".
Về việc tịch thu đồ đạc trần thiết nơi đánh bạc và dụng cụ dùng vào việc đánh bạc, các Toà án không có thắc mắc gì, nhưng đối với số tiền tịch thu thì có Toà án đã nêu ra những thắc mắc sau đây:
a. Có thể tịch thu số tiền mang theo trong người không?
b. Có thể tịch thu được số tiền hồ và số tiền được bạc để ở trong người không?
c. Có thể tịch thu đồ vật do tiền được bạc mua được không?
Sau khi sưu tầm ý kiến một số Toà án, Bộ thấy trong 3 trường hợp nói trên không thể tịch thu được, vì điều 2 nói rõ là chỉ tịch thu tiền trên bàn hoặc chiếu bạc. Nếu cho phép tịch thu tiền trong túi thì sẽ xảy ra nhiều trường hợp lạm dụng tịch thu cả tiền không phải dùng đánh bạc hoặc được bạc. Ví dụ người đánh bạc có 5 vạn trong túi, nhưng người đó chỉ định chơi đến hết một vạn rồi thôi, nay tịch thu cả 5 vạn sẽ có hại cho gia đình người đó, trái với nguyên tắc là chỉ người có tội mới chịu hình phạt. Bằng chứng trong những việc này thường do các người đánh bạc cung cấp. Tâm lý của họ thường nói tăng số tiền thua bạc và khai bớt đi số tiền được bạc.
2. Trường hợp bắt được quả tang đánh bạc nhưng xét chưa cần thiết phải đưa ra truy tố trước Toà án thì Công tố viên có thể tự mình ra mệnh lệnh tịch thu số tiền bắt được ở trên bàn hay chiếu bạc không?
Trong tình trạng luật lệ của ta có chỗ còn thiếu sót, Sắc lệnh 168 lại rất cứng rắn về mặt hình phạt, như đã xử phạt thì phải xử phạt ít nhất là một năm tù, về thực tế thì trong trường hợp không đưa bị can ra truy tố trước Toà án nhân dân thì cũng cần tịch thu số tiền tang vật đã bắt được trên bàn hay chiếu bạc. Bộ đồng ý là Công tố viên có thể tự mình ra mệnh lệnh tịch thu được. Làm như vậy vừa phục vụ được một cách có hiệu quả việc bài trừ nạn cờ bạc, vừa không trái với lời văn của Sắc lệnh 168 (Sắc lệnh cho phép tịch thu nhưng không nói rõ Toà án hay Công tố viên có thẩm quyền tịch thu). Đương nhiên là Công tố viên chỉ nên ra mệnh lệnh tịch thu trong trường hợp vụ đánh bạc bị bắt quả tang.
3. Có nên trích số tiền bắt được ở trên bàn hoặc chiếu bạc để thưởng cho người đi báo bắt bạc không?
- Không thể được vì không có điều luật nào cho phép làm như thế cả.
III. CÓ NÊN BẮT NGƯỜI ĐƯỢC BẠC TRẢ LẠI CHO
NGƯỜI THUA BẠC SỐ TIỀN ĐƯỢC BẠC KHÔNG?
Không thể được vì những lý do sau đây:
1. Việc đánh bạc là việc trái phép. Người thua bạc không thể căn cứ vào một hành động trái phép của mình để xin luật pháp bảo vệ cho.
2. Việc viện chứng trong vấn đề này cũng rất khó.
IV.CÓ NÊN CHO NGƯỜI ĐỨNG RA TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC CÒ MỒI ĐỂ CÁC CON BẠC ĐẾN CHƠI RỒI BẮT KHÔNG?
Không nên làm vì không hợp pháp và không có lợi về mặt chính trị.
Trường hợp này nếu có trừng trị thì trừng trị chính người thủ mưu tổ chức đánh bạc cò mồi mới đúng.
V. NHỮNG VIỆC CHƠI TỔ TÔM TẠI BÀN, MÀ CHƯỢC KHÔNG ĂN THUA BẰNG TIỀN THÌ CÓ CẤM KHÔNG?
Về điểm này Thông tư 301/VHH-HS đã nói rõ, nay xin nhắc lại: "Những trò chơi cờ bạc để giải trí không được thua bằng tiền như tú lơ khơ, bài lá (tổ tôm, tài bài, chắn, tam cúc, bất) mà chược thì không bị cấm nhưng chỉ nên chơi trong "những ngày nghỉ, giờ nghỉ, không làm cản trở đến việc sản xuất".
Nhưng nếu có đủ bằng chứng là việc chơi này bề ngoài là để giải trí nhưng thực sự bề trong là được thua bằng tiền, thì tuy không có tiền mặt ở trên bàn bạc, chiếu bạc mà chỉ có que diêm hay jeton... thay thế cho tiền thì vẫn có thể bị truy tố về tội đánh bạc được.
VI. NHỮNG VIỆC BÀY BÁN CỜ BÀI TÚ LƠ KHƠ,
BÀI LÁ MÀ CHƯỢC TRONG HOÀN CẢNH
HIỆN THỜI KHÔNG NÊN CẤM
Như đã giải thích trong Thông tư số 301/VHH-HS nói trên, nhưng cũng không nên khuyến khích. Bộ sẽ có công văn cho Bộ Thương nghiệp có biện pháp thích đáng để hạn chế việc sản xuất những cỗ bài lá.
Trên đây là ý kiến của Bộ về những thắc mắc đã nêu ra. Nếu các Toà án nhân dân thấy có điểm nào cần phải giải thích thêm thì đề nghị phản ánh lên Bộ.